VĂN HÓA - XÃ HỘI
Nhằm nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ; cung cấp kiến thức, tầm quan trọng về vệ sinh an toàn thực phẩm trong bếp ăn tại các cơ sở Giáo dục mầm non, ngày 13/11, tại trường Mầm non xã Yên Mỹ, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì tổ chức kiến tập chuyên đề “Đổi mới xây dựng thực đơn và nâng cao kỹ thuật chế biến món ăn cho trẻ tại cơ sở giáo dục Mầm non” năm học 2024-2025. Điểm mới của chương trình kiến tập năm nay là nội dung không chỉ về lý thuyết nâng cao kiến thức nuôi dưỡng mà còn tập trung nâng cao kỹ thuật chế biến món ăn cho trẻ mầm non.
Lãnh đạo, chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, cán bộ quản lý, nhân viên nuôi dưỡng các trường Mầm non tham gia kiến tập chụp ảnh lưu niệm
Tham dự buổi kiến tập có lãnh đạo, chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, cán bộ quản lý, nhân viên kế toán, nhân viên nuôi dưỡng của 33 trường mầm non công lập và 13 trường mầm non tư thục trên địa bàn huyện.
Nhân viên nuôi dưỡng các trường mầm non học cách chế biến món ăn đủ dinh dưỡng cho trẻ
Để trẻ mầm non phát triển toàn diện cả thể chất và trí tuệ, thì chế độ dinh dưỡng đóng vai trò hết sức quan trọng. Chính vì vậy, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì luôn quan tâm chỉ đạo các nhà trường chú trọng công tác bảo đảm đầy đủ, hợp lý chất dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm...
Giáo viên, nhân viên các trường Mầm non được cung cấp kiến thức, kỹ thuật chế biến món ăn
Trong thời gian kiến tập, các học viên được giảng viên trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật và Công nghiệp truyền đạt 2 chuyên đề gồm: Đổi mới xây dựng thực đơn: cung cấp kiến thức đổi mới xây dựng thực đơn, thực phẩm thay thế, phòng tránh ngộ độc thực phẩm, những thực phẩm không nên dùng cùng nhau; Nâng cao Kỹ thuật chế biến món ăn: Cách chế biến các món cháo, món ăn cho chế độ ăn cơm, một số món bánh chính chiều (không dùng lò nướng). Từ đó cán bộ quản lý, nhân viên nuôi dưỡng các trường mầm non tiếp cận với kiến thức về dinh dưỡng, cách xây dựng thực đơn và thực hành quy trình chế biến món ăn cho trẻ (tất cả các dạng ăn cơm, cháo, bột hay các món ăn phụ). Ngoài ra, các học viên còn được thực hành chế biến làm nhiều loại bánh cho bữa chính chiều và bữa phụ cho trẻ mẫu giáo.
Các học viên quan sát kỹ thuật chế biến món ăn cho trẻ mầm non.
Để công tác đổi mới xây dựng thực đơn và nâng cao kỹ thuật chế biến món ăn cho trẻ tại cơ sở giáo dục Mầm non đạt hiệu quả trong thời gian tới, Phòng GD&ĐT, các cơ sở GDMN trên địa bàn huyện tiếp tục thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo về Chương trình sức khỏe học đường và công tác đảm bảo VS ATTP. Làm tốt công tác tham mưu đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng nhà bếp theo hướng hiện đại để phục vụ công tác nuôi dưỡng trẻ.
Học viên thực hành chế biến làm nhiều loại bánh phù hợp với trẻ mầm non
Triển khai sâu rộng công tác bồi dưỡng kiến thức Vệ sinh ATTP, đổi mới xây dựng thực đơn cho trẻ, nâng cao kỹ thuật chế biến các món để mang đến cho trẻ nhiều bữa ăn ngon với thực đơn phong phú, bổ dưỡng, đảm bảo VSATTP và phù hợp với từng độ tuổi. Tăng cường công tác quản lý, giám sát chặt chẽ từ khâu giao nhận thực phẩm đến quy trình chế biến, chia ăn và tổ chức bữa ăn cho trẻ đảm bảo ATTP, đủ dinh dưỡng, đủ định lượng khẩu phần ăn của trẻ theo quy định.
Thực hành chế biến món ăn đủ dinh dưỡng cho trẻ
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong công tác quản lý và nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ, nhân rộng các mô hình nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ trên nền tảng và công nghệ số. Làm tốt công tác công khai về thực đơn, thực phẩm, đơn giá... để thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện cho trẻ.
Phương Xuyến – Trung tâm VHTT&TT