Công an huyện Thanh Trì khuyến cáo đảm bảo an toàn PCCC và CNCH đối với nhà trọ, phòng trọ
Ngày đăng 03/01/2025 | 14:55  | Lượt xem: 197

Công an huyện Thanh Trì khuyến cáo đảm bảo an toàn PCCC và CNCH đối với nhà trọ, phòng trọ

Hiện nay, trên địa bàn huyện Thanh Trì có số lượng người lao động và sinh viên làm việc, học tập đông. Vì thế, nhu cầu thuê trọ tại các khu nhà cho thuê trọ phổ biến. Tuy nhiên, chủ nhà trọ cũng như người thuê trọ chưa nhận thức được những nguy cơ tiềm ẩn gây cháy, nổ có thể gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. 

Tổ công tác Công an huyện Thanh Trì kiểm tra an toàn PCCC loại hình nhà trọ trên địa bàn

Nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan đơn vị, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân, chủ động phòng ngừa cháy, nổ khi sinh sống tại các căn hộ cho thuê. Công an huyện Thanh Trì khuyến cáo một số lưu ý như sau:

I. Đối với chủ nhà trọ:

1. Thực hiện nghiêm các quy định về phòng cháy chữa cháy khi xây dựng và kinh doanh như: thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy (nếu thuộc diện), lắp đặt các hệ thống, phương tiện, thiết bị phòng cháy chữa cháy đảm bảo theo quy định.

2. Định kỳ kiểm tra các phương tiện phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã trang bị và đảm bảo hoạt động hiệu quả.

3. Đảm bảo hệ thống điện trong phòng trọ, chung cư mini được lắp đặt và sử dụng an toàn và thường xuyên kiểm tra thay thế, khắc phục những nguy cơ mất an toàn về điện có thể gây cháy, nổ.

4. Quy định chặt chẽ việc nấu nướng, thờ cúng, đốt vàng mã, sạc điện đối với xe đạp, xe máy điện, thiết bị tiêu thụ điện, đặc biệt là tại tầng hầm, khu vực để xe… Nghiêm cấm sử dụng bình gas mini đã qua sử dụng nhiều lần không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.

5. Tổ chức tập huấn kỹ năng, cách sử dụng các phương tiện, thiết bị phòng cháy chữa cháy cho quản lý, bảo vệ và người thuê trọ.

6. Tổ chức cuộc diễn tập phòng cháy chữa cháy định kỳ để đảm bảo tất cả cư dân, người thuê trọ biết cách ứng phó, sơ tán trong trường hợp khẩn cấp. Cung cấp hướng dẫn về an toàn phòng cháy chữa cháy cho tất cả cư dân, người thuê trọ, niêm yết nội quy phòng cháy chữa cháy, tiêu lệnh chữa cháy, sơ đồ thoát nạn… tại các vị trí, khu vực dễ thấy, dễ đọc.

7. Đảm bảo có lối thoát an toàn và dễ dàng tiếp cận cho tất cả cư dân, người trọ. Không lắp đặt "chuồng cọp" bít lối thoát nạn. Lối thoát không bị chặn hoặc bị cản trở bởi vật dụng, đồ đạc.

8. Bố trí các phương tiện liên lạc khẩn cấp như loa thông báo, chuông báo cháy… để thông báo cho tất cả cư dân trong trường hợp có sự cố.

II. Đối với cư dân, người thuê:

1. Thường xuyên kiểm tra và bảo dưỡng hệ thống điện và các thiết bị điện định kỳ để tránh nguy cơ chập điện gây cháy hoặc ngắn mạch.

2. Quản lý chặt chẽ trong quá trình sạc điện đối với các phương tiện sử dụng pin cho xe đạp điện, xe máy điện, sạc dự phòng, điện thoại… Tuyệt đối không sạc qua đêm khi không kiểm soát được các thiết bị đang sạc.

3. Không đốt nhang, nến thờ cúng khi đi ngủ, khi ra khỏi nhà.

4. Thường xuyên kiểm tra hệ thống gas, nguồn lửa nguồn nhiệt khi đun nấu… Phải tắt lửa hoàn toàn khi đi ra ngoài và làm việc khác. Không sử dụng bình gas mini đã qua sử dụng nhiều lần không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, đây là cũng là nguyên nhân của nhiều vụ cháy tại phòng trọ, nhà trọ.

5. Chìa khoá mở khoá phòng trọ, căn hộ nhà ở phải để nơi dễ lấy và phổ biến cho gia đình đều biết… nghiên cứu, tận dụng bố trí lối thoát nạn thứ 2 trên cửa sổ, mái nhà, qua ban công… hoặc trang bị dụng cụ phá dỡ phù hợp với đặc thù nơi mình ở để phá dỡ mở lối thoát nạn khẩn cấp khi có cháy.

6. Tìm hiểu kiến thức về an toàn PCCC và trang bị các dụng cụ phương tiện chữa cháy và thoát nạn phù hợp với kiến trúc của nơi mình ở.

7. Phản ánh kịp thời đến quản lý chung cư mini, phòng trọ về những nguy cơ mất an toàn về phòng cháy chữa cháy, có thể gây phát sinh cháy, nổ.

8. Khi xảy ra cháy phải bằng mọi cách báo cháy nhanh nhất cho lực lượng Cảnh sát PCCC (số điện thoại 114), báo cho Công an hoặc chính quyền nơi gần nhất, đồng thời bằng mọi cách dập cháy và tổ chức việc thoát nạn, cứu người theo phương án.

* Kỹ năng thoát nạn khi có cháy

1. Thật bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả các thành viên trong gia đình biết để mau chóng di chuyển ra ngoài, ra nơi an toàn qua cửa chính hoặc cửa phụ.

2. Trong quá trình thoát hiểm ở vùng có nhiều khói, hãy dùng khăn, vải thấm nước che kín miệng, mũi và cúi thật thấp người để tránh nguy cơ bị ngạt khói, men theo tường và di chuyển đến lối thoát nạn an toàn.

3. Trường hợp lối cửa chính đã bị lửa, khói bao trùm hãy nhanh chóng tìm và mở lối thoát khác: Qua ban công, cửa sổ sang nhà bên cạnh hoặc thoát xuống mặt đất bằng thang, thang dây… hoặc trổ lối thoát lên mái nếu là mái nhà kết cấu bằng các loại tấm lợp…; tuyệt đối không núp trong phòng, nhà vệ sinh…Trường hợp không còn lối thoát nào khác hãy dùng chăn thấm ướt, trùm kín người, cố gắng thoát qua đám cháy một cách nhanh nhất có thể.

4. Trường hợp lối và đường thoát nạn bị nhiễm khói, lửa mà không thể thoát ra ngoài theo lối cầu thang bộ ra cửa chính, nhanh chóng sử dụng khăn vải, băng dính chèn và gián vào khe cửa để khói, khí độc không lan được vào phòng đang ở, đi chuyển ra ban công, gọi to, ra hiệu, sử dụng những vật dụng để báo động cho những người xung quanh được biết, đồng thời gọi điện báo cho lực lượng cảnh sát PCCC qua số 114. Lưu ý thông tin chính xác cho lực lượng chức năng số lượng người bị nạn, tình trạng người bị nạn và vị trí người bị nạn.

Nguồn: Công an huyện Thanh Trì

Lưu Xuân Dũng - VHTT