PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH

HUYỆN THANH TRÌ: TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG DỊCH SỐT XUẤT HUYẾT
Ngày đăng 12/11/2024 | 09:47  | Lượt xem: 88

Hiện nay, tình hình thời tiết có những diễn biến phức tạp, nắng mưa đan xen rất thuận lợi cho sự phát triển, sinh sản của muỗi, bọ gậy.

    Để bảo vệ người dân và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, các cấp chính quyền và ngành y tế huyện Thanh Trì đã không ngừng nỗ lực tăng cường công tác phòng, chống SXH. Các hoạt động phòng ngừa, tuyên truyền và kiểm soát đã được triển khai đồng bộ, nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc phòng bệnh.

     ​​​Theo trung tâm y tế huyện Thanh Trì, tính từ 16h ngày 31/10/2024 đến 16h ngày 7/11/2024, trên địa bàn huyện ghi nhận 22 ca bệnh mắc sốt xuất huyết tại các xã: Vĩnh Quỳnh 5 ca; Đại Áng, Tân Triều mỗi xã 4 ca; Tả Thanh Oai, Thanh Liệt mỗi xã 2 ca; Tam Hiệp, Vạn Phúc, Ngọc Hồi, Tứ Hiệp, TTVĐ mỗi xã 1 ca. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn huyện ghi nhận 155 ca bệnh mắc sốt xuất huyết tại 16/16 xã, thị trấn.

Trong tuần, từ ngày 1/11 -  6/11/2024, 3/16 xã, thị trấn đã triển khai chiến dịch VSMT diệt bọ gậy phòng chống SXH đợt 6 năm 2024. Tại 3 xã đã kiểm tra 9.624 hộ gia đình, cơ quan, khu công cộng; xử lý 228 dụng cụ chứa nước (DCCN) có bọ gậy; phát 94 tờ rơi tuyên truyền phòng dịch sốt xuất huyết; Tăng cường công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên hệ thống phát thanh, cổng thông tin điện tử huyện và các xã, thị trấn để mọi người dân chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Theo dự báo của trung tâm y tế, số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới, vì vậy UBND các xã, thị trấn cần tiếp tục tập trung nguồn lực, huy động các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội của địa phương phối hợp với ngành Y tế và vận động người dân tham gia thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Thường xuyên tổ chức, kiểm tra, giám sát thực hiện việc diệt lăng quăng/bọ gậy, vệ sinh môi trường tại địa phương, đảm bảo các hộ gia đình tại nơi có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi một cách thường xuyên để tiến hành các biện pháp xử lý. Chủ động bố trí hóa chất, vật tư, trang thiết bị, máy móc để tổ chức kịp thời, hiệu quả các hoạt động phòng chống dịch trên địa bàn.

     Phòng, chống dịch sốt xuất huyết là công tác quan trọng, cấp thiết. Tin tưởng rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, huyện Thanh Trì sẽ sớm đẩy lùi số ca mắc, không để dịch bùng phát trên địa bàn.

Thanh Hồng - Trung tâm VHTT&TT