KHÁM PHÁ - TRẢI NGHIỆM DU LỊCH KHÁM PHÁ - TRẢI NGHIỆM DU LỊCH

Đình Tựu Liệt được Sở Văn hoá và Thể thao thoả thuận Thiết kế bản vẽ thi công (TKBVTC) dự án tu bổ, tôn tạo di tích
Ngày đăng 20/12/2024 | 15:29  | Lượt xem: 116

Ngày 27/11/2024 Sở Văn hoá và Thể thao thoả thuận Thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích đình Tựu Liệt, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì

Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội thỏa thuận chuyên ngành hồ sơ TKBVTC dự án tu bổ, tôn tạo đình Tựu Liệt, gồm các nội dung: Tu bổ, tôn tạo các hạng mục: Tiền tế, Hậu cung, nhà khách, nhà vệ sinh; ao, cổng phụ; hạ tầng kỹ thuật: Tường rào, hệ thống điện, phòng cháy chữa cháy, cấp thoát nước, phòng chống mối, nhà bao che, nhà bảo quản hiện vật. Sở Văn hoá và Thể thao lưu ý một số nội dung cần chỉnh sửa:

 Bổ sung các bản vẽ: Mặt cắt dọc tổng thể các hạng mục hiện trạng di tích và phương án tu bổ, tôn tạo; hệ thống bài trí đồ thờ nội thất làm cơ sở tái định vị sau khi hoàn thành thi công công trình.

 Hạng mục Tiền tế: Lược bỏ chi tiết trang trí văn triện móc tại đấu đinh bờ nóc; điều chỉnh kích thước, tỉ lệ đôi rồng chầu mặt nguyệt phù hợp (rồng chầu mặt nguyệt bằng 2/3 chiều dài bờ nóc); lược bỏ chi tiết vân mây dưới mặt Nguyệt (chi tiết rồng chầu mặt Nguyệt, KT-24); cuối bờ dải chỉ xây nhị cấp không xây tam cấp; Bộ vì gian giữa (trục C, B) cần tập trung các cấu kiện có hoa văn trang trí theo đó cần hoán đổi hình thức liên kết của bộ vì các trục (trục C; B và A; D) từ “thượng giá chiêng kẻ ngồi nách” sang “giá chiêng chồng rường” và ngược lại; không lắp đèn chiếu sáng nội tự giữa trục chính tâm di tích.

Hạng mục nhà khách và nhà vệ sinh (số 10): Do san lấp một phần ao để xây dựng nên cần công khai, thống nhất trong Nhân dân, tổ chức và cá nhân liên quan dự án, rà soát nghiên cứu kỹ phương án xây móng đảm bảo độ bền vững cho công trình.

 Không sử dụng loại ngói đúc khuôn thép, nung bằng lò Tuy-nel, không sơn PU lên cấu kiện gỗ gia công mới phải đảm bảo chất lượng, kích thước hình học, tiết diện, kỹ-mỹ thuật trước khi lắp dựng. Các trang trí nề ngõa cần sử dụng vật liệu truyền thống, không dùng vữa xi măng để đảm bảo tính bền vững cho công trình.

Sở Văn hoá và Thể thao cũng đề nghị Chủ đầu tư:

 Chỉnh sửa Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công theo lưu ý tại mục (2) trước khi thẩm định và phê duyệt theo quy định của Pháp luật về Xây dựng; Công bố công khai nội dung thiết kế đã phê duyệt tại di tích và UBND cấp xã để tạo sự đồng thuận trong Nhân dân.

 Gửi 01 bộ hồ sơ được phê duyệt về Sở Văn hóa và Thể thao (qua Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội) để phối hợp, theo dõi, giám sát trong quá trình thực hiện;

Chuẩn bị các điều kiện và thực hiện thi công tu bổ di tích theo quy định tại Điều 15,16, 17, 18 Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích;

Trong 60 ngày, kể từ ngày bàn giao, đưa công trình vào sử dụng, Chủ đầu tư cần gửi Nhật ký công trình và Hồ sơ hoàn công dự án tu bổ, tôn tạo đình Tựu Liệt, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì đến Sở Văn hóa và Thể thao để lưu trữ và phối hợp trong công tác quản lý di tích

Đình Tựu Liệt, nằm ở phía Tây Nam thôn Tựu Liệt, phía trước đình là dòng sông Tô Lịch; đối diện bên kia sông là thôn Huỳnh Cung. Bên trái đình có giếng nước lớn, phía sau cách khoảng 50m là chùa Tựu Liệt, tạo thành một quần thể di tích lịch sử, tín ngưỡng chung của làng.

Đình Tựu Liệt thờ Thành hoàng là Bảo Ninh Vương - một thủy thần, sau theo học thầy Chu Văn An đã có công giúp dân làm mưa chống hạn. Đây là vị thần được bảy làng trong huyện Thanh Trì cùng thờ làm Thành hoàng và có nơi thờ chung là miếu Gàn (nay thuộc địa phận phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai). Trong đình có đôi câu đối ca ngợi công đức, khí tiết của danh thần:

- Mặc nghiễn khởi tường vân, nhất bút lực hồi, thiên trợ thuận.

- Chu đình lưu hóa vũ, thiên trù vọng thiếp, địa phồn khô

Tạm dịch:

- Mây lành từ nghiên mực bay lên, một ngọn bút ra công, trời thuận theo lẽ phải.

- Mưa tốt giữa sân son đổ xuống, nghìn cánh đồng đợi nước, đất nẻ trổ mùa hoa.

Thần tích của đình kể rằng vào thời nhà Trần có nhà nho danh tiếng là Chu Văn An mở trường dạy học ở xã Cung Hoàng, huyện Thanh Trì (nay là thôn Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì). Học trò trong vùng theo học thầy rất đông và rất nhiều người đỗ đạt. Ngoài học trò Lê Quát, Phạm Sư Mạnh mà tên họ đã được ghi vào chính sử, còn có một học trò lỗi lạc khác của thầy Chu ở trường Huỳnh Cung. Vị này được nhắc đến nhiều trong truyền thuyết, thần phả một số làng trong huyện Thanh Trì với tên là Bảo Ninh Vương. Sách Lĩnh Nam chích quái gọi là “Thần chằm Lân Đàm”.

Tương truyền người học trò này là Thủy thần (cũng gọi là Long thần hoặc thần Rồng) ở dưới chằm Lân Đàm, tức khu đầm lớn bao quanh làng Linh Đàm (xã Hoàng Liệt hiện nay). Mộ tiếng vị thầy dạy học họ Chu, thần đã hiện thành chàng trai tuấn tú, hằng ngày từ đầm lên trường theo học. Có mấy học trò đã phát hiện ra sự việc kỳ lạ này và họ đã thưa lên thầy Chu Văn An. Ông biết vậy, không nói gì. Cũng theo truyền thuyết địa phương thì người học trò khôi ngô, tuấn tú này đã được thầy Chu để ý tới. Rồi một hôm, nhìn thấy trên chỏm đầu người học trò có cánh bèo tấm, thầy Chu biết đó là con vua Thủy tề lên học. Gặp năm trời làm đại hạn kéo dài, đồng ruộng khô nẻ, lúa màu nắng cháy, nhân dân lo lắng. Hôm đó, dạy học xong, ông tập hợp học sinh lại hỏi xem ai có cách gì giúp dân vượt qua thử thách, thiên tai khắc nghiệt này. Trước yêu cầu khẩn thiết của người thầy dạy dỗ mình, Long thần không ngần ngại, đã xin nhận và thưa với thầy Chu: Con biết là trái lệnh Thiên đình sẽ bị trừng phạt, nhưng con xin làm để vâng lời thầy và giúp dân chống hạn. Sau đó Long thần lấy hai nghiên mực đen, mực đỏ và bút đem ra giữa sân mài mực đầy nghiên rồi ngửa mặt lên trời đọc chú, cầm bút thấm mực và vẩy lên trời. Khi vẩy mực xong, thần ném tung cả nghiên lẫn bút lên trời. Lập tức mây đen kéo đến, sấm chớp ầm ầm và đổ xuống một trận mưa rất lớn kéo dài đến tối. Sau đó, có tiếng sét đánh vang động một góc trời. Những cánh đồng đã no nước, lúa được cứu sống lại khắp vùng.

Sáng sớm mọi người thấy thuồng luồng bị sét đánh chết nổi lên ở mặt đầm Linh Đàm. Chu Văn An được tin này, biết rằng đó là người học trò Thủy thần của mình đã hy sinh vì khẳng khái làm mưa giúp dân theo ý nguyện của thầy. Ông vô cùng thương tiếc cùng với dân làng vớt xác thuồng luồng, làm lễ an táng chu đáo. Nhân dân các làng lân cận cũng tới giúp sức lo an táng và sau đó lập đền thờ. Để tỏ lòng nhớ công ơn Long thần, nhân dân bảy làng quanh vùng, trong đó có Tựu Liệt đã tôn thờ Hoàng tử Bảo Ninh Vương làm Thành hoàng làng.

Hiện nay, còn một cái gò nổi lên giữa dòng nước ở giáp xã Thanh Liệt và Tả Thanh Oai. Tương truyền đấy là mộ của Long thần, có tên chữ là “Cù Long Phụ”. Từ bao đời nay, dòng nước cứ chảy suốt năm, suốt tháng mà gò đất (mộ Long thần) vẫn không hề xói mòn. Nhân dân ở các xã Hoàng Liệt, Tam Hiệp, Tả Thanh Oai, Đại Kim... đã xây thành mộ và miếu thờ nằm trong chương trình bảo tồn khu di tích về Chu Văn An, danh nhân văn hóa của đất nước, một vì sao sáng ngời của Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Cũng theo truyền thuyết nơi nghiên mực rơi xuống trên địa phận giữa hai làng Quỳnh Đô và Vĩnh Ninh (xã Vĩnh Quỳnh) biến thành đầm nước có màu đen nên có tên gọi Đầm Mực. Đầm Mực là nơi chôn vùi quân Thanh trong trận Ngọc Hồi - Đống Đa giải phóng kinh thành Thăng Long của vua Quang Trung mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789). Còn bút đã rơi xuống làng Tả Thanh Oai. Người ta cho rằng vì thế làng này trở thành một làng văn học, quê hương của những danh nhân đất nước như: Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm...và những nhân vật khác trong dòng họ Ngô Thì.

Các cụ cao tuổi ghi nhận rằng: Xưa kia mỗi khi gặp hạn hán, nhân dân làng Huỳnh Cung và các làng quanh đầm Linh Đàm lại tổ chức lễ cầu đảo tại đền Huỳnh Cung - nơi thờ Chu Văn An với niềm tin thầy Chu sẽ ra lệnh cho học trò như thuở sinh thời và nhờ đó có thể vượt qua được nạn hạn hán. Loại trừ khả năng huyền bí của sự cầu đảo này, các cụ cao tuổi chứng kiến nhiều năm sau cho biết sau khi cầu đảo, vùng này đều có mưa.

Thần Long Đàm còn ấp ủ trong truyền thuyết, nhưng có thể coi như tượng trưng cho học trò ở mái trường Huỳnh Cung của thầy giáo Chu Văn An khí tiết cứng cỏi, sẵn sàng quên mình vì lợi ích chung.

Đình Tựu Liệt đã được ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội xếp hạng là di tích kiến trúc - nghệ thuật năm 2013.

Ngoài hệ thống các di tích đình, chùa, Tam Hiệp còn lưu giữ nhiều lễ hội truyền thống. Lễ hội truyền thống ở Tam Hiệp thể hiện rõ đặc trưng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.

Lễ hội thôn Tựu Liệt tổ chức trọng thể trong ba ngày, từ mùng 3 đến mùng 5 tháng 2 âm lịch. Cứ 5 năm lại tổ chức đại lễ một lần, có rước kiệu; còn lại là hội lệ, tuy không rước kiệu nhưng vẫn đầy đủ các tuần tế trang nghiêm, thành kính tại đình làng. Lễ hội nhằm tôn vinh thành hoàng Bảo Ninh Vương. Ngày nay, trong lễ hội làng Tựu Liệt còn có đoàn rước ảnh Bác Hồ của các cháu thiếu nhi.

Trước mỗi kỳ hội sẽ có một cuộc họp của cả làng để bầu ban tổ chức, phân công công việc cho các tiểu ban, trong đó, chủ tế là ngưòi quan trọng nhất của một kỳ lễ hội, được lựa chọn cẩn thận. Tiêu chuẩn của làng, chủ tế phải là nam giới đã “lên lão” (tức ngoài 50 tuổi), gia đình nền nếp, có văn hóa, đạo đức, vợ chồng song toàn, con cái đầy đủ cả nếp, cả tẻ và không vướng vào tang bụi. Trong buổi tế, trang phục của đoàn tế tương đối giống nhau với áo dài, mũ, hia; chỉ khác chủ tế mặc áo đỏ, đội mũ đỏ còn những người khác mặc áo tế xanh lam, đội mũ xanh.

Ngày mùng 3 tháng 2, bắt đầu một kỳ lễ hội, buổi sáng tổ chức đón, tiếp khách, múa lân, rồng, biểu diễn văn nghệ quần chúng. Tới 13 giờ chiều bắt đầu làm lễ khai cuông (còn gọi là lễ xin phép), các cụ bắt đầu lau dọn ban thờ và các đồ thờ tự thật sạch sẽ. Khoảng 3 giờ chiều cho đến tối có biểu diễn văn nghệ, hát quan họ Bắc Ninh trên thuyền rồng ở hồ nước bên cạnh đình. Đến 22 giờ đêm ngày mùng 3, bắt đầu tiến hành lễ mộc dục. Nước để làm lễ phải là nước mưa sạch, được ướp hoa thơm, dùng khăn sạch tắm ngai, bài vị của thần một cách cẩn trọng.

Ngày mùng 4 tháng 2 chính hội, khoảng 8 giờ sáng nghi lễ tế thánh bắt đầu và kéo dài đến khoảng 9 giờ 30 phút thì kết thúc bằng việc hóa văn tế. Sau đó các gia đình trong thôn cũng như du khách thập phương được vào đình dâng lễ. Đầu giờ chiều cùng ngày là lễ dâng hương của hai đội nam quan và nữ quan. Lễ vật dâng thánh gồm có hoa quả, xôi và gà. Xen kẽ trong lễ dâng hương có đội múa là nữ, mặc áo dài màu hồng, thắt lưng bỏ múi cạnh sườn, múa sênh tiền hầu thánh. Sáng mùng 5 làm lễ tạ đức thánh và kết thúc hội.

           Lại Thị Hồng Nguyên - VHTT