HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

ẤM TÌNH QUÂN - DÂN
Ngày đăng 14/09/2024 | 13:48  | Lượt xem: 1007

Mưa như trút nước từ chiều 9/9 đến 11/9, tổng lượng mưa trung bình khoảng 312,7mm, đã gây ngập úng nhiều điểm tại các khu dân cư trên địa bàn huyện Thanh Trì, đặc biệt 3 xã vùng bãi của huyện là Yên Mỹ, Duyên Hà, Vạn Phúc mênh mông trong biển nước. Mấy chục năm rồi, các xã mới trải qua một trận ngập sâu đến vậy, đời sống nhân dân đảo lộn, giao thông chia cắt, mất điện, nước, sóng điện thoại, wifi. Sát cánh cùng Nhân dân chống “giặc lũ”, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện Thanh Trì có mặt ngay từ ngày đầu khi trận lũ ập đến.

Quân đội được huy động tổng lực thường trực ứng phó với cơn bão số 3

Gần 2.000 cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực, dân quân tự vệ, dự bị động viên huyện Thanh Trì và các đơn vị Quân đội giúp dân chống lũ. Dưới trời mưa như trút, quần áo trên người lúc nào cũng ướt sũng nước, nhưng ở nơi đâu nước ngập sâu nhất, ở nơi đâu có người dân gặp hiểm nguy… là ở đó có bộ đội, dân quân tự vệ, dự bị động viên cơ động ứng cứu kịp thời. Trong mưa lũ, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang làm cho lòng dân ấm lại, kiên cường chống chọi thiên tai…

Hàng trăm cán bộ chiến sỹ Quân đội cùng hàng nghìn người nỗ lực dầm mưa giữ đê sông Nhuệ (xã Đại Áng).

Từ chiều 10/9, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài nên một số đoạn đê thuộc bờ tả sông Nhuệ, xã Đại Áng nước dâng cao gây sạt lở và tràn đê dài khoảng 1km, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân.

Lực lượng vũ trang không quản ngày đêm căng mình đắp đê ngăn lũ

Để kịp thời ứng phó với thiên tai, mặc dù trời mưa rất to, nước sông chảy xiết, các lực lượng quân đội và dân quân đã tích cực phối hợp với nhân dân địa phương dầm mưa xếp kè rọ đá, đóng cọc, đắp trên 20.000 bao cát vào vị trí bị sạt lở để ngăn lũ.

Hàng trăm cán bộ, chiến sỹ không quản ngại hiểm nguy, gian khổ, khẩn trương cơ động phối hợp với dân quân tự vệ, nhân dân và các lực lượng chức năng tiến hành các biện pháp để gia cố chống vỡ đê.

Khi mực nước lên sát mặt đê, anh Nguyễn Kim Phường, thôn Đại Áng đã dầm mưa, ngâm mình dưới nước quyết tâm giữ đê, dùng mọi biện pháp để gia cố đoạn đê. Anh Phường cho biết, không chỉ anh mà hàng nghìn người dân thôn Đại Áng cùng với rất đông lực lượng cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội không quản ngại hiểm nguy, gian khổ tiến hành các biện pháp để gia cố chống vỡ đê. Đến khi thấy mực nước tiếp tục lên cao, anh đã bàn bạc cùng với mấy hộ hàng xóm xung quanh ủng hộ gần 2.000 bao tải cát cùng với cọc tre để góp công, góp của với chính quyền địa phương gia cố cho bằng được hơn 1km đê chạy qua địa bàn thôn.

Quân đội cứu hộ người dân vùng ngập sâu đến nơi an toàn

Mưa tầm tã làm mực nước của sông Hồng dâng cao trên mức báo động II, 40% các khu dân cư, 100% diện tích sản xuất nông nghiệp tại các xã vùng bãi ngoài đê Hữu Hồng gồm Yên Mỹ, Duyên Hà, Vạn Phúc bị ngập sâu trong nước lũ từ 1-2,5m, nhiều người dân bất ngờ khi chứng kiến nước lũ dâng cao rất nhanh, không kịp trở tay, có những điểm ngập sâu quá đầu người khiến nhiều gia đình không thể ra khỏi nhà.

Em bé sơ sinh được các chiến sỹ giải cứu đưa đến nơi an toàn

Từ đêm 10 đến 12/9, thêm nhiều cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Cơ quan Bộ tư lệnh Đặc công (Trường Sĩ quan Đặc công, Lữ đoàn Đặc công 113, Lữ đoàn Biệt động 1); Lữ đoàn Công binh 239, Ban CHQS huyện Thanh Trì, dân quân địa phương xung phong lên đường hỗ trợ các xã ngập sâu trong nước lũ. Trên 1.000 cán bộ, chiến sĩ dầm mình trong nước sơ tán người dân, ưu tiên di chuyển trẻ em, người già đến nơi an toàn, tiếp tế thức ăn, nước uống, thuốc men cho dân. Đặc biệt, một gia đình có trẻ sơ sinh ở xã Yên Mỹ bị mắc kẹt giữa vùng nước lũ đã được bộ đội dùng thuyền vào cứu hộ đưa đến nơi an toàn.

Cán bộ, chiến sỹ Ban CHQS huyện Thanh Trì cắt cây gãy đổ do mưa bão

Thượng tá Hoàng Mạnh Hùng – UVBTV Huyện uỷ, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Thanh Trì khẳng định: Khi biết Nhân dân đang gặp nguy hiểm, thì cho dù khó khăn, hiểm nguy đến mấy, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện cũng tìm mọi cách để.ứng cứu. “Cứu Nhân dân là mệnh lệnh không lời” càng thôi thúc bước chân cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đến với Nhân dân nhanh hơn, khẩn trương hơn mà chẳng hề để ý đến những hiểm nguy quanh mình…

Chiến sỹ Quân đội sơ tán người già ra khỏi vùng lũ nguy hiểm

2 ngày mưa vẫn trắng trời, cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an đã phối hợp hỗ trợ di chuyển 2.944 hộ với 8.034 người dân và 8.382 con gia súc, gia cầm đến nơi an toàn.

Các em bé được bộ đội cõng ra khỏi biển nước

Giờ đây, tuy nước lũ đã rút, cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị quân đội vẫn bám nắm địa bàn, tiếp tục giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Với phương châm nước rút đến đâu giúp dân tới đó, lực lượng quân đội đang cùng bà con phun nước, quét dọn, đẩy bùn đất ra khỏi nhà, tổng vệ sinh nhà cửa, sửa chữa các hư hỏng, vận chuyển quà của các tổ chức, mạnh thường quân đến từng hộ gia đình nhất là gia đình neo đơn, gia đình chính sách,... Để kịp thời giúp các hộ gia đình giảm bớt khó khăn do mưa lũ, phòng tránh dịch bệnh,...

Lực lượng Quân đội hỗ trợ người dân ra khỏi vùng "rốn lũ" đến nơi an toàn

Cán bộ, chiến sĩ Trường Sĩ quan Đặc công đã huy động 6 thuyền máy xuống các điểm ngập tại xã Yên Mỹ để đưa người và đồ đạc ra nơi an toàn.

Xuồng máy của lực lượng chức năng tiến vào bên trong các điểm ngập sâu chuyển đồ tiếp tế và đón người dân ra bên ngoài

Trong thiên tai, bão lũ, hình ảnh cán bộ, chiến sĩ quân đội huyện Thanh Trì luôn xung kích, đi đầu, kịp thời có mặt để giúp đỡ, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân đã tô thắm thêm hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, để lại tình cảm tốt đẹp trong nhân dân. Đó cũng là động lực to lớn để cán bộ, chiến sĩ quân đội tiếp tục vượt qua mọi gian khổ hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Nhân dân. Để người dân được sống trong an toàn, ấm no và hạnh phúc./.

Phương Xuyến - Trung tâm VHTT&TT