HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
Trong suốt hành trình 63 năm thành lập và phát triển, huyện Thanh Trì đổi thay rõ rệt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, diện mạo của một vùng đất văn minh, giàu đẹp đang từng ngày hiện hữu trên mỗi nẻo đường, từng ngõ xóm ở các khu dân cư. Đến nay, 15/15 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, vượt chỉ tiêu kế hoạch thành phố giao giai đoạn 2021-2025. Tháng 10/2024, huyện đón Bằng công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Đạt 33/34 tiêu chuẩn theo Đề án thành lập quận.
Có được những thành quả quan trọng đó là nhờ sự đóng góp không nhỏ của các phong trào Thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” được duy trì và lan toả tạo động lực thực hiện các nhiệm vụ chính trị, KT-XH, QP-AN của địa phương.
5 cá nhân được công nhận Người tốt - việc tốt cấp TP và 2 tác giả đạt giải Cuộc thi viết về gương điển hình NTVT TP Hà Nội năm 2024
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” và “Lấy gương Người tốt – việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Thấm nhuần tư tưởng đó của người, huyện Thanh Trì luôn coi trọng triển khai phong trào NTVT với nhiều cách làm hay, sáng tạo, nhằm ghi nhận, tôn vinh cũng như tuyên truyền, nhân rộng, phát huy hiệu quả nhất vai trò của NTVT trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của huyện.
Điểm nổi bật của phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt" năm 2024 huyện là đổi mới về công tác lãnh đạo, chỉ đạo với mục tiêu khơi dậy và phát huy tinh thần tương thân, tương ái, trách nhiệm với cộng đồng trong các tầng lớp Nhân dân. Phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” được huyện gắn với thực hiện chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, và các phong trào thi đua yêu nước khác như “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", thi đua thực hiện văn hóa nơi công sở và nơi công cộng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phong trào thi đua trong cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và trong cả đời sống Nhân dân lao động. Từ đó lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc, cổ vũ đội ngũ cán bộ chủ động sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, kiên quyết khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Hiện huyện đang thực hiện 2 đề án củng cố sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp; Vì thế, trong lĩnh vực kinh tế, phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” được các cấp, ngành gắn với các phong trào thi đua do T.Ư, TP phát động và các chuyên đề thi đua của từng ngành đã tạo khí thế mới trong sản xuất kinh doanh, như: “Sản xuất kinh doanh giỏi”, “Năng suất, chất lượng, chống lãng phí”,“Sáng kiến, sáng tạo”, “Chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp”.... Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng hướng, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ.
Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn ước đạt trên 13.347 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ, trong đó, giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ tăng 25,9%, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng 8%, giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản giảm 4%. Thu NSNN 9 tháng đầu năm ước thực hiện trên 1.603 tỷ đồng, đạt 50,4% dự toán, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Trang trại Vạn An (xã Yên Mỹ)
Ở Thanh Trì, không khó để tìm thấy những mô hình nông nghiệp thông minh, hiện đại với doanh thu cao, nhiều mô hình còn gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân và thay đổi diện mạo nông thôn. Một trong số đó phải kể đến Hợp tác xã nông nghiệp Công nghệ cao Vạn An hay còn gọi là Trang trại học đường Vạn An (xã Yên Mỹ) do bà Nguyễn Thị Thanh Hằng làm Giám đốc. Đã ngoài 60 tuổi nhưng ở người phụ nữ này toát lên một nguồn năng lượng dồi dào, một ngọn lửa nhiệt huyết và niềm đam mê với công việc.
20 năm xây dựng và phát triển trang trại chăn nuôi, hiện Vạn An có 40 con ngựa bạch nuôi trực tiếp tại trang trại và 10 trang trại chăn nuôi ngựa “vệ tinh” tại các tỉnh, thành phố khác. Sau thành công từ việc nuôi ngựa bạch, trang trại Vạn An tiếp tục được đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Các loại nấm dược liệu như đông trùng hạ thảo, linh chi; các loại hoa lan như thạch hộc tía, lan kim tuyến... đã được trồng với số lượng lớn để cung cấp giống ra thị trường. Mặt khác, để làm chủ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, HTX nông nghiệp CNC Vạn An đã hợp tác với hơn 30 nhà khoa học, việc này đồng thời đang tạo việc làm ổn định cho 30 lao động địa phương và gián tiếp tạo việc làm cho hàng chục hướng dẫn viên du lịch. Mỗi năm Trang trại đón tiếp hàng vạn học sinh đến tham quan trải nghiệm. Đây cũng chính là hình mẫu để các HTX trên địa bàn Thủ đô học tập.
Không chỉ phát triển kinh tế, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng thường xuyên ủng hộ, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; đóng góp kinh phí tôn tạo một số điểm di tích tại đại phương để góp phần xây dựng điểm đến du lịch của xã Yên Mỹ…
Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, mỗi năm có 2 đợt Trang trại Vạn An thu hút đông học sinh tới tham quan, đó là giữa học kỳ II (từ tháng 3 đến hết tháng 4) và giữa học kỳ I (từ tháng 10 đến tháng 12). Không chỉ thu hút học sinh trên địa bàn thành phố, trang trại còn đón học sinh từ nhiều tỉnh, thành phố lân cận với Hà Nội. “Buổi sáng, các công ty lữ hành tổ chức cho học sinh tham quan trong nội thành; sau đó, đoàn sẽ về trang trại ăn trưa, nghỉ ngơi và tiếp tục trải nghiệm các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Ngoài đón học sinh, trang trại còn đón các đoàn của Hội Nông dân thành phố Hà Nội và các tỉnh đến tham quan, học tập... Quá trình tham quan, khám phá, trải nghiệm tạo ra hứng thú mới cho khách, giúp họ hiểu hơn về cuộc sống của người nông dân và được hòa mình với thiên nhiên. Hơn nữa, du lịch nông nghiệp còn góp phần đa dạng hóa ngành nghề nông thôn; tạo việc làm tại chỗ; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng địa phương.
Phong trào thi đua NTVT với phong trào thi đua "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở" tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức từ huyện tới cơ sở trong thực hiện công vụ.
100% các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc huyện được quán triệt và thực hiện nghiêm những quy định trong Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức trong các cơ quan đơn vị thuộc huyện. Chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế cơ quan, đơn vị; có ý thức tổ chức kỷ luật, giữ gìn đoàn kết nội bộ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, có thái độ hòa nhã, lịch sự, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể hơn về các quy định liên quan đến giải quyết công việc, đáp ứng những yêu cầu chính đáng của Nhân dân, nâng cao tính chuyên nghiệp về chuyên môn, nghiệp vụ; duy trì chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử, , bảo đảm thời giờ làm việc, chất lượng, hiệu quả công việc được nâng lên, xây dựng người Thanh Trì thanh lịch, văn minh, góp phần hoàn thành nhiệm vụ được giao của cơ quan, đơn vị.
Cô giáo Hoàng Thị Khánh Ly, Phó Hiệu trưởng trường Mầm non Tả Thanh Oai A
“Yêu thương cho đi, yêu thương còn mãi! Hạnh phúc chính là sự sẻ chia”; Với tâm nguyện đó, cô giáo Hoàng Thị Khánh Ly, Phó Hiệu trưởng trường Mầm non Tả Thanh Oai A đã nhiều năm liền cùng các tổ chức, đồng nghiệp, bạn bè tích cực thực hiện phong trào thiện nguyện, lan toả tình yêu thương và niềm hạnh phúc đến với những mảnh đời kém may mắn trong xã hội.
Là thành viên nòng cốt trong nhóm Từ thiện Tâm Phật, Tâm Nguyện; Hội từ thiện Tự tâm; nhóm từ thiện Sen Xanh Thiện nguyện; Những phong trào thiện nguyện cô góp mặt đã mang lại hiệu quả thực chất và giàu sức lan tỏa như: tặng quà, bảo trợ đóng tiền ăn, tiền học bán trú cho 4 học sinh có hoàn cảnh khó khăn; thường xuyên tặng quà cho bệnh nhân nghèo, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại bệnh viện bỏng Quốc gia, tham gia các hoạt động nấu cháo cho bệnh nhân nghèo tại viện Xanh Pôn, bệnh viện Nông nghiệp I, viện Huyết học truyền máu Trung Ương... Tính từ năm 2022 đến nay, chị đã kêu gọi được sự ủng hộ, giúp đỡ của các nhà hảo tâm chung tay với các hoạt động thiện nguyện với tổng số tiền hơn 520 triệu đồng. Đối với cô giáo Khánh Ly, làm từ thiện phải xuất phát từ tâm, từ trách nhiệm của mình. Có tận mắt chứng kiến những mảnh đời bất hạnh, thiếu thốn mới thấy mình quá hạnh phúc. Từ đó, càng có động lực để làm những điều ý nghĩa, mang lại niềm vui cho người khác. Tùy vào từng hoàn cảnh, chúng tôi có hình thức giúp đỡ phù hợp, giúp các gia đình vơi bớt phần nào khó khăn và vững tin vào cuộc sống.
Phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” gắn với xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất, kinh doanh được triển khai trên địa bàn huyện Thanh Trì đã tạo nên sự thay đổi căn bản diện mạo ở các xã, thôn, xóm, khu phố. Thông qua phong trào đã phát hiện rất nhiều hành động đẹp, việc làm tốt thầm lặng, những tấm gương nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, chân dung sống động, dung dị, đời thường của rất nhiều người đã có những việc làm tốt, nghĩa cử cao đẹp, nhân văn trong cộng đồng, mang đậm nét văn hóa của người Hà thành rất đáng trân trọng và tự hào.
Bà Trần Thị Thuận - thôn Đại Lan, xã Duyên Hà
Là một trong những hội viên tận tâm, nhiệt tình, năng nổ của Hội Liên hiệp phụ nữ xã Duyên Hà, nhiều năm qua, bà Trần Thị Thuận luôn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào giàu tính nhân văn, ý nghĩa với cộng đồng. Bản thân bà đã có 19 lần tham gia hiến máu nhân đạo. Từ tấm gương của mẹ, các con bà Thuận từ khi còn là sinh viên cũng đã thường xuyên tham gia hiến máu. Gia đình bà Thuận có 6 năm liền được xã Duyên Hà và huyện Thanh Trì biểu dương, khen thưởng trong phong trào hiến máu tình nguyện.
Đặc biệt, từ khi Hội Liên hiệp phụ nữ xã Duyên Hà phát động mô hình “Biến rác thải thành tiền”, hiểu được ý nghĩa của mô hình này góp phần bảo vệ môi trường, đặc biệt là toàn bộ số tiền bán được từ thu gom phế liệu dành để hỗ trợ phụ nữ, trẻ em, gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên bà Thuận đã tích cực tham gia. Khi đi trên đường, đi bộ tập thể dục, bà thường mang theo túi ni lông để tranh thủ nhặt phế liệu và chia sẻ với nhiều người về mô hình “Biến rác thành tiền” mà Hội Liên hiệp phụ nữ xã Duyên Hà triển khai. Vì vậy, mọi người đã thành quen, cứ có đồ phế liệu là lại gọi bà đến lấy. Trung bình 2 tuần/lần, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Duyên Hà tổ chức thu gom phế liệu tại một địa điểm trên địa bàn thôn Đại Lan. Trong khi chờ đến ngày hội thu gom, bà Thuận dành cả một khoảng sân rộng của nhà mình thành nơi tập kết phế liệu. Ngoài việc tự thu gom, bà cũng không ngần ngại đi xe máy đèo các đồ phế liệu mỗi khi chị em phụ nữ gọi. Tính đến nay đã hơn 60 lần bà đi chở phế liệu. Các con bà cũng ý thức cao về nếp sống bảo vệ môi trường, đi học, đi làm hay đi ăn cùng bạn bè vẫn thường gom vỏ chai, cất vào cốp xe vui vẻ mang về cho mẹ và các cô, các bác trong hội phụ nữ.
Với sự hăng hái đó của bà Thuận cùng hàng trăm hội viên phụ nữ khác, kể từ ngày triển khai mô hình “Biến rác thành tiền”, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Duyên Hà đã thu được trên 60 triệu đồng từ bán phế liệu, từ số tiền này đã tặng quà trẻ em, phụ nữ, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Duyên Hà.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Duyên Hà Nguyễn Thị Điệp cho biết: “Chị Trần Thị Thuận rất nhiệt tình, không bao giờ vắng mặt trong tất cả hoạt động, phong trào của Hội Liên hiệp phụ nữ và của địa phương. Dù bận đi làm buổi sáng thứ bảy, chị vẫn dậy từ 5h sáng quét dọn tuyến đường tự quản. Hằng tối, chị lại tham gia tập văn nghệ, cùng chị em phụ nữ tham gia nhiều cuộc thi và đạt giải cao. Sự hăng hái, tích cực của chị Thuận đã góp phần giúp các phong trào của Hội Liên hiệp phụ nữ xã Duyên Hà đạt hiệu quả thiết thực, mang lại nhiều điều ý nghĩa cho cộng đồng”.
Thiếu tá Lê Văn Hoan - cán bộ Công an xã Ngũ Hiệp
Với mong muốn mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân, những bước chân không mỏi của Thiếu tá Lê Văn Hoan là một tấm gương sáng của lực lượng Công an nhân dân ở cơ sở. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được Nhân dân tin tưởng, cung cấp những thông tin liên quan đến ANTT, Thiếu tá Lê Văn Hoan thấm nhuần tư tưởng “lấy dân làm gốc” và việc vận dụng tốt Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân là “sợi dây kết nối” giữa nhân dân với lực lượng Công an. Không kể nắng mưa, đêm ngày, dịch bệnh hay thiên tai, Anh và các chiến sĩ công an xã Ngũ Hiệp luôn có mặt kịp thời, giúp nhân dân tháo gỡ những vướng mắc, là cánh tay đắc lực giúp cấp ủy, chính quyền giải quyết hiệu quả những vấn đề phức tạp về ANTT trên địa bàn. Từ đầu năm 2024 đến nay, quần chúng Nhân dân đã cung cấp nhiều nguồn tin tố giác tội phạm, giúp lực lượng Công an xã kịp thời đấu tranh, xử lý 18 vụ việc liên quan đến ANTT xảy ra ngay tại cơ sở. Địa bàn không xảy ra trọng án, các vụ việc ma túy, hình sự, vi phạm pháp luật được xử lý rốt ráo,...những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân được kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm ngay từ khi mới manh nha. Đã gần 5 tháng trôi qua, nhưng khi nhắc đến vụ việc lực lượng Công an kịp thời bắt giữ được 01 đối tượng lợi dụng mua hàng bằng hình thức chuyển khoản nhằm chiếm đoạt tài sản của người kinh doanh, nhiều người dân vẫn luôn dành sự yêu mến, cảm phục về sự mưu trí của lực lượng Công an nói chung và Thiếu tá Lê Văn Hoan nói riêng.
Nhận xét về Thiếu tá Lê Văn Hoa, đồng chí Nguyễn Hồng Chinh - Phó Trưởng Công an xã Ngũ Hiệp cho biết: Tuy tuổi đời còn trẻ, nhưng với phong cách làm việc khoa học, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng học hỏi, tận tuỵ với công việc, nỗ lực, phấn đấu, vận dụng linh hoạt, đồng bộ các biện pháp công tác để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; gần gũi, hoà đồng với đồng chí, đồng đội để giúp đỡ nhau cùng phát triển; luôn đặt lợi ích của Nhân dân lên hàng đầu, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Nhờ đó, đã tạo được sự tin tưởng và ủng hộ của Nhân dân.
Ngoài tấm gương của Thiếu tá Lê Văn Hoan, phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” trong lực lượng vũ trang đã xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ, chiến sỹ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, điều tra, khám phá nhiều vụ án ma túy, kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự, đấu tranh làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch, bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị quan trọng, các ngày lễ, ngày kỷ niệm của Thủ đô và đất nước…
Ban CHQS huyện triển khai các phong trào thi đua “Quyết thắng”, “Xây dựng nền quốc phòng toàn dân” gắn thực hiện thế trận Quốc phòng với thế trận An ninh nhân dân với 100% cán bộ, chiến sỹ nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tích cực rèn luyện thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đề ra.
Mới đây, để khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và hoàn lưu bão, không quản gian khổ, hiểm nguy, Quân đội, Công an huyện Thanh Trì đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ; Nhiều chiến sĩ đã thức trắng đêm, đội mưa gió, bộ quân phục thấm đẫm nước nỗ lực gia cố, khắc phục sự cố đê Đại Áng; sơ tán trên 8.000 người dân khỏi vùng nguy hiểm; tiếp tế lương thực, thực phẩm cho nhân dân các xã Yên Mỹ, Duyên Hà, Vạn Phúc bị cô lập do lũ lụt; hỗ trợ các xã Liên Ninh, Tả Thanh Oai, Hữu Hoà bị ngập úng, giảm thiệt hại về tài sản; khắc phục cây ngã, gãy, đổ do bão, vệ sinh môi trường… những hành động đó đã để lại những ấn tượng tốt đẹp về tấm lòng tận tâm, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.
Tại khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” tiếp tục được triển khai với nhiều đổi mới, sáng tạo. LĐLĐ huyện tiếp tục phát triển phong trào “Lao động giỏi”, “Sáng kiến – sáng tạo”, nội dung các sáng kiến đa dạng trên các lĩnh vực. Nhiều sáng kiến có giá trị cao thể hiện sự cố gắng tìm tòi, không ngừng trăn trở của các tác giả, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Hội LHPN huyện triển khai phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; Các phong trào thi đua của Hội thực sự là môi trường thuận lợi cho phụ nữ phát huy những giá trị tốt đẹp để trở thành người lao động giỏi, người mẹ nhân hậu, đảm đang, người công dân Thủ đô thanh lịch, văn minh; đồng thời, khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức Hội trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ", Hội Cựu chiến binh huyện triển khai toàn diện, thực chất phong trào“Cựu chiến binh gương mẫu”, “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, tạo khí thế thi đua sôi nổi, hòa nhập với phong trào thi đua chung ở địa phương. Các phong trào thi đua như “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”,“Đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; cuộc vận động “vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất chế biến, tiêu dùng và bán các sản phẩm nông nghiệp an toàn” do Hội Nông dân huyện triển khai ngày càng đi vào chiều sâu, tạo ra hiệu quả thực tiễn, thúc đẩy cán bộ, hội viên nông dân đổi mới phương thức sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của địa phương. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, tuổi trẻ Thanh Trì đã và đang phát huy hiệu quả tinh thần xung kích, tình nguyện điển hình như các phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Thanh niên tình nguyện”, tham gia đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên, nhiều tấm gương thanh niên nỗ lực trong công tác, phát triển kinh tế, vì cộng đồng... lan tỏa mạnh mẽ nhiệt huyết cống hiến trong đông đảo đoàn viên, thanh niên. Phong trào xây dựng "Ông bà mẫu mực- Con cháu thảo hiền", "Sống đẹp- Sống khỏe - Sống có ích " đã trở thành nét đẹp văn hóa trong hoạt động của người cao tuổi trên địa bàn huyện. Nhiều gia đình là tấm gương sáng, được cộng đồng ghi nhận tiêu biểu, mẫu mực về xây dựng gia đình hoà thuận, hạnh phúc, tiến bộ. Để khơi dậy tinh thần thi đua của cán bộ, giáo viên và học sinh, ngành Giáo dục huyện Thanh Trì triển khai nhiều phong trào thi đua sôi nổi như đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; “Đổi mới, sáng tạo trong công tác quản lý, trong dạy và học”, “Dạy tốt - Học tốt”", phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển, thầy cô cùng chia sẻ trách nhiệm, giai đoạn 2023 - 2025” tạo những nét đổi mới, đột phá trong phong trào thi đua, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn huyện.
Các cấp ủy Đảng đã đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện các chủ trương lớn của Đảng, như “xây dựng chỉnh đốn Đảng”, “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cơ sở Đảng”. Cán bộ, đảng viên gương mẫu, chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giữ vững bản chất cách mạng, kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Xuất hiện nhiều tổ chức Đảng tiêu biểu, nhiều năm liền đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh, nhiều đảng viên tiêu biểu liên tục trong nhiều năm được đánh giá phân loại là đảng viên Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Những cây bút không chuyên lan tỏa nét đẹp “vườn hoa” người tốt, việc tốt
Đồng chí Nghiêm Thị Phương Chi – Phó chủ tịch UBND xã Tam Hiệp có nhiều bài viết biểu dương gương NTVT đạt giải cao
Năm 2024, các đơn vị thuộc huyện đã nhận được gần 1.000 bài dự thi viết và phát hiện về gương điển hình tiên tiến Người tốt việc tôtcs. Sau khi lựa chọn, các đơn vị cơ sở đã gửi UBND huyện 525 bài dự thi. UBND huyện lựa chọn 20 bài viết tiêu biểu gửi Ban tổ chức cuộc thi Thành phố.
Bên cạnh việc phản ánh chân thực, khách quan, người thật, việc thật, rõ người, rõ địa chỉ nơi điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt cư trú hoặc học tập, công tác. Nhiều bài dự thi trình bày đẹp, công phu, sáng tạo, có nhiều hình ảnh, số liệu minh họa phong phú; nhiều bài dự thi được viết tay thể hiện cảm xúc trân trọng đối với đối tượng được viết và sự tâm huyết của tác giả đối với cuộc thi viết. Đáng mừng, có nhiều gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt là các nhân tố mới được phát hiện, có sức lan tỏa ở đơn vị, địa phương, thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước trên khắp địa bàn huyện: Đó là những cán bộ công chức tận tụy với công việc, tận tâm với nghề, có nhiều sáng kiến trong thực thi công vụ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; đó là tấm gương các thầy cô giáo nhiều tâm huyết yêu nghề, mến trẻ và rất tích cực trong việc làm từ thiện, mang niềm vui đến những mảnh đời bất hạnh ở khắp mọi miền tổ quốc; Là tấm gương các em học sinh nghèo vượt khó vươn lên trong học tập; Những bác Bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, hội viên hội Cựu chiến binh, cán bộ hưu trí tuy tuổi đã cao nhưng vẫn nhiệt tình tham gia công tác tại địa phương, những tấm gương bình dị và cao quý vẫn ngày đêm lặng thầm cống hiến, đóng góp cho xã hội,…. Chính từ cuộc thi viết đã phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt của thành phố, góp phần tạo dựng nên “Những bông hoa đẹp” trong “vườn hoa” muôn sắc của huyện Thanh Trì và Thủ đô Hà Nội.
Trong thành công của cuộc thi viết, không thể không kể đến những tác giả không chuyên. Họ là những cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang, học sinh thuộc các trường trên địa bàn; và xuất hiện ngày càng nhiều hơn các tác giả là cán bộ cơ sở, người dân ở tổ dân phố, khu dân cư…- tất cả đều có một điểm chung - niềm đam mê viết lách. Đồng chí Nghiêm Thị Phương Chi – Phó chủ tịch UBND xã Tam Hiệp là ví dụ.
Trong quá trình công tác, đồng chí Nghiêm Thị Phương Chi đã phát hiện nhiều tấm gương đẹp, việc làm tốt tại cơ sở. Năm 2024, chị đã đoạt giải Khuyến khích cuộc thi cấp TP với bài viết: Người làm cho đất nở hoa. Với góc nhìn chân thực của mình, tác giả đã kể về câu chuyện Ông Đào Mạnh Hùng, Công dân Thôn Huỳnh Cung, giám đốc điều hành Công viên thực vật cảnh Việt Nam, người tiên phong cải thiện cảnh quan đô thị và kích cầu lối sống xanh, với gần 2.000 loài hoa, cây cảnh, tạo nên một địa điểm du lịch giúp du khách tận hưởng và hòa mình cùng thiên nhiên, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương và phát triển kinh tế.
Tương tự, bà Lê Thu Quỳnh, Công dân thôn Hữu Từ đã dành những khoảng lặng trong tâm hồn và ngòi bút của mình để khắc họa nên những nhân vật với việc làm đẹp đẽ. Để rồi, bài viết: “Hơn 7 năm tình nguyện điều tiết giao thông trên tuyến đường liên xã” của chị đã khắc họa nên chân dung về ông Lưu Viết Thục, người chiến sĩ năm xưa dù đã ở ngoài tuổi 80, với cơ thể bị ảnh hưởng chất độc da cam, nhưng đều đặn hàng ngày, bất kể nắng, mưa vẫn tình nguyện phân luồng giao thông trên đoạn đường liên thôn Hữu Lê, xã Hữu Hòa. Mỗi khi đoạn đường không xảy ra ùn tắc, ông lại làm công tác “vá đường”, tranh thủ bốc đất đá, san phẳng những ổ gà để mọi người lưu thông an toàn.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Mỗi người tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một vườn hoa đẹp”. Luôn hết lòng vì việc chung, vì cộng đồng bằng những việc làm giản dị mà đầy ý nghĩa. Hàng trăm người tốt, việc tốt của huyện Thanh Trì đã và đang ngày ngày thầm lặng góp sức xây dựng quê hương. Thế nên, cần lắm những người viết báo không chuyên cần mẫn, ghi lại những hình ảnh, kể lại những câu chuyện về những cá nhân điển hình tiên tiến, những tấm gương người tốt, việc tốt, để từ đó lan tỏa sâu rộng những giá trị chân - thiện - mỹ, làm nên nét đẹp của “vườn hoa” người tốt, việc tốt huyện Thanh Trì.
Có thể khẳng định, phong trào “Người tốt, việc tốt” đã trở thành nếp sống văn hóa, bản sắc của mảnh đất ngàn năm văn hiến nói chung cũng như của nhân dân và cán bộ huyện Thanh Trì nói riêng. Việc đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng nói chung đã tạo động lực và niềm tin trong nhân dân, “vườn hoa” người tốt, việc tốt của huyện. Trong hội nghị hôm nay, có 242 cá nhân được Chủ tịch UBND huyện tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”, 18 cá nhân có đóng góp tích cực, tiêu biểu trên các lĩnh vực được tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cấp Thành phố. Các tấm gương được lựa chọn biểu dương đều để lại dư âm tốt, điều đó thể hiện sự kỹ càng, thận trọng trong lựa chọn của các cấp uỷ, khẳng định sự vượt trội, tính thuyết phục của các điển hình nhân tố mới.
Kế thừa những thành tựu đã đạt được thời gian qua, trong thời gian tiếp theo huyện Thanh Trì tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 34 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; gắn Phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt" với các phong trào thi đua yêu nước của Thành phố và các địa phương, đơn vị, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu nhiệm vụ kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh năm 2024. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền; kịp thời phát hiện, khen thưởng và nhân rộng gương người tốt, việc tốt trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội để mọi người cùng học tập. Thông qua phong trào “Người tốt, việc tốt" để bồi dưỡng, đào tạo, rèn luyện cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn nhằm lôi cuốn, phát huy được cao nhất năng lực của mỗi người, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, vì mục tiêu chung đưa huyện Thanh Trì phát triển văn minh, hiện đại và bền vững.
Phương Xuyến – Trung tâm VHTT&TT