DU LỊCH THANH TRÌ
Từ bao đời nay, mỗi người dân xã Đại Áng (huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội) đều tự hào được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống hiếu học, truyền thống cách mạng. Những di tích văn hóa đã được xếp hạng càng khẳng định những giá trị truyền thống của quê hương Đại Áng - Đất trạng, Anh hùng.
Ngôi đình lịch sử cách mạng
Đình làng Đại Áng được xây dựng từ lâu đời, có bề dày lịch sử, lưu giữ một khối lượng lớn những di vật phong phú về loại hình, đa dạng về chất liệu và nhiều về số lượng. Đình nhìn hướng Nam, kiến trúc theo kiểu “nội công - ngoại quốc”, gồm nhà Tiền tế, hai giải vũ bao quanh khu hậu cung. Đình thờ thành hoàng làng là Bố cái Đại vương Phùng Hưng.
Quy mô và kiến trúc đình hiện nay được bảo lưu qua hai lần sửa chữa lớn vào đời Tự Đức (tháng 12 năm 1858) và đầu năm 1870. Ngôi Đình không chỉ là nơi tế tự, sinh hoạt tín ngưỡng mà còn là nơi sinh hoạt, hội họp của nhân dân trong làng.
Những di tích văn hóa đã được xếp hạng càng khẳng định những giá trị truyền thống
của quê hương Đại Áng - Đất trạng, Anh hùng.
Trong chiến dịch Quang Trung đại phá quân Thanh giải phóng kinh thành Thăng Long 1789 tại đình, chùa Đại Áng là nơi tập kết của nghĩa quân Tây Sơn tiến vào giải phóng kinh thành Thăng Long; trong những năm kháng chiến chống Pháp, Đình là nơi hoạt động của các đội du kích, hòa bình lập lại Đình là nơi hội họp, sinh hoạt cộng đồng của nhân dân trong thôn.
Năm 1991 Đình Đại Áng đã được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp Bằng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia. Đây là công trình không chỉ có giá trị về mặt lịch sử văn hoá, kiến trúc, nghệ thuật, mà còn là di tích cách mạng, gắn liền với hai cuộc kháng chiến trong thế kỷ XX của dân tộc, là nơi thể hiện sự tri ân đối với các thế hệ đi trước, nơi giáo dục truyền thống yêu nước.
Tổng thể đình Đại Áng gồm nhiều hạng mục, bố cục liên hoàn, khép kín. Phía ngoài Nghi môn, ngay sát bờ hồ là một Bình phong có kiểu dáng là sự kết hợp giữa hình thức tứ trụ và cuốn thư; những đoạn tường nối trụ biểu được đắp vẽ các hình tứ linh, mai điểu, tùng hạc; phía trên phần cuốn thư đắp đôi rồng chầu mặt trời. Nghi môn mở ba lối vào, lối đi giữa rộng nhất, được tạo giữa hai trụ biểu lớn, đỉnh trụ đắp tứ phượng dạng lá lật, thân trụ đắp các đôi câu đối chữ Hán. Hai lối đi hai bên là dạng cổng cuốn vòm, phía trên đắp mái giả kiểu chồng diêm.
Lãnh đạo huyện Thanh Trì chúc mừng xã Đại Áng nhân dịp Lễ khởi công Dự án Tu bổ, tôn tạo đình Đại Áng.
Đình Đại Áng gồm bốn dãy nhà chạy song song nhau: Đại bái, Phương đình, Trung cung và Hậu cung. Đăng đối hai bên Phương đình và nằm phía sau Đại bái là hai dãy Tả mạc và Hữu mạc, mỗi dãy gồm ba gian, kiến trúc giống nhau, kiểu vì chồng rường kết hợp kẻ chuyền đơn giản. Tòa Đại bái năm gian, bao che hai bên hồi kiểu tường hồi bít tốc, phía trước mở cửa bức bàn trên hàng cột quân. Bộ khung kiến trúc Đại bái kiểu bốn hàng chân (hai hàng cột cái và hai hàng cột quân). Cả sáu bộ vì nóc Đại bái đều kết cấu kiểu giá chiêng - chồng rường.
Tôn tạo, tu bổ để bảo tồn di sản
Trải qua những biến đổi thăng trầm của lịch sử dân tộc, của thời gian, trước sự tác động của thiên nhiên và xã hội, mặc dù đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần, song hiện nay đình Đại Áng đã bị xuống cấp, nhiều hạng mục đã hư hỏng, trong đó có Nhà Hữu vu của đình bị sập năm 2023 làm ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt tín ngưỡng và hành lễ của nhân dân.
Ông Phạm Bình Phúc - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì cho biết, nhằm kịp thời tu bổ, tôn tạo các hạng mục bị hư hỏng, xuống cấp, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu của di tích, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tín ngưỡng cho nhân dân, Uỷ ban nhân dân huyện Thanh Trì đã phê duyệt Dự án đầu tư tại Quyết định số 296/QĐ-UBND ngày 26/01/2024. Dự án đã được Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thỏa thuận thiết kế bản vẽ thi công.
Các cụ cao niên thôn Đại Áng tham dự Lễ khởi công.
Với tổng mức đầu tư 14,992 tỷ đồng, bằng nguồn vốn của Thành phố, huyện Thanh Trì và nguồn đóng góp xã hội hóa, quy mô đầu tư xây dựng đồng bộ tổng thể di tích. Hạng mục Tu bổ, tôn tạo bao gồm: Tiền tế, phương đình, hậu cung, tả mạc, hữu mạc theo phương án tu bổ, tôn tạo được cấp có thẩm quyền về chuyên ngành văn hóa thẩm định, chấp thuận.
Thời gian hoàn thành công trình vào tháng 6 năm 2025 (235 ngày kể từ ngày khởi công). Đây chính là việc làm tri ân thiết thực nhất đối với các vị tiền bối, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và là điểm đến du lịch tâm linh trong địa bàn xã Đại Áng.
Để Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích đình Đại Áng được triển khai xây dựng đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ công trình, Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và nhà thầu thi công phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa và Thể thao, các phòng, ban chuyên môn của huyện, Ủy ban nhân dân xã Đại Áng cùng đơn vị tư vấn triển khai dự án đúng quy định, đảm bảo các yếu tố: bảo tồn toàn bộ các hạng mục công trình kiến trúc của di tích, tiến hành tu bổ các hạng mục công trình theo hướng giữ nguyên hiện trạng các yếu tố gốc, loại bỏ các thành phần bổ sung mới không phù hợp với di tích; tôn tạo, phục hồi các hạng mục của di tích đã bị hư hỏng.
Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường khẳng định: Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Đại Áng - Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện gìn giữ, duy trì và bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử, văn hóa, qua đó đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân và du khách thập phương.
Đồng thời công tác tu bổ cũng là niềm tự hào, trách nhiệm lớn của Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương trong việc duy trì những giá trị văn hóa, lịch sử quý báu từ ngàn xưa để lại đến các thế hệ con cháu.
Triệu Quang Xuyên (Nguồn: laodongthudo.vn)