DU LỊCH THANH TRÌ
TAM HIỆP - ĐẤT VĂN HIẾN NGÀN ĐỜI
Ngày đăng 12/11/2024 | 15:05 | Lượt xem: 317
Nếu thích du lịch văn hóa, bạn không nên bỏ qua vùng đất ven đô Tam Hiệp (huyện Thanh Trì, Hà Nội) với các công trình văn hóa - lịch sử và những lễ hội truyền thống có từ xa xưa.
Chùa Yên Ngưu - xã Tam Hiệp - Thanh Trì
Tam Hiệp là vùng đất cổ, được cho là có người ở từ 4.000 năm trước. Trên địa bàn xã có 7 di tích, trong đó có 5 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia; 2 di tích xếp hạng cấp thành phố, 1 khu lưu niệm sự kiện cách mạng.
Đến với Tam Hiệp, ta có cơ hội ghé thăm Cụm di tích đình - chùa Huỳnh Cung, khu lưu niệm sự kiện Bác Hồ về thăm và văn chỉ Chu Văn An; cụm di tích đình - chùa Tựu Liệt; cụm di tích đình - chùa Yên Ngưu; mô hình du lịch nông nghiệp - làng nghề và trải nghiệm các sản phẩm dịch vụ giải trí, ẩm thực.
Chùa Yên Ngưu tên chữ là Hưng Long tự hay Quốc lão Hưng Long tự, ở phía bắc làng Yên Ngưu. Do thôn này còn có tên nôm là Kẻ Ngâu nên chùa cũng được gọi là chùa Ngâu, được dựng trên một thế đất cao ráo, bằng phẳng, ngay sát đình Yên Ngưu và gần sông Tô Lịch. Chùa được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia từ năm 1995, nổi tiếng với kiến trúc độc đáo.
Đình Yên Ngưu là nơi thờ Nguyễn Bồ và Nguyễn Bặc - những người cùng Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân cuối thời Ngô Quyền. Khi bị bao vây và không thể thoát thân trong trận chiến tại Điền Kiều, 2 ông đã tự vẫn để bảo toàn khí tiết. Sau khi lên ngôi, Đinh Tiên Hoàng truy phong Nguyễn Bồ là Phù gia hiển huệ Chiêu nghĩa Đại vương và Nguyễn Bặc là Ứng thiên phong Đại vương, giao cho dân các xã vùng này, trong đó có Yên Ngưu, thờ phụng 2 ông.
Ngày nay, đình Yên Ngưu vẫn giữ nhiều câu đối, hoành phi, bia đá và 9 đạo sắc phong cho các vị thần từ thế kỷ XVII và XIX, mang giá trị lịch sử - văn hóa đặc sắc.
Chùa Tựu Liệt, hay Sùng An Tự, cũng lưu giữ nhiều hiện vật cổ như quả chuông đúc vào năm Thành Thái thứ 4 (năm 1892) và các câu đối ca ngợi đạo Phật. Đình Tựu Liệt thờ Thành hoàng là thủy thần Bảo Ninh Vương đã cùng thầy Chu Văn An cứu giúp dân chúng khỏi hạn hán bằng cách làm mưa trái lệnh Thiên đình.
Bảo Ninh Vương, theo truyền thuyết, vốn là học trò của Chu Văn An, là Thủy thần ở đầm Linh Đàm. Để cứu mùa màng, vị thần đã hy sinh thân mình và được dân làng lập đền thờ tại Tựu Liệt và 7 làng khác trong vùng. Đình Tựu Liệt cũng được Hà Nội xếp hạng là di tích kiến trúc - nghệ thuật năm 2013. Trong đình còn lưu giữ những câu đối tôn vinh công đức và khí tiết của vị thần học trò.
Một câu chuyện kỳ thú về người học trò của thầy Chu Văn An được lưu truyền đến ngày nay. Khi dân chúng gặp phải nạn hạn hán, Long thần đã tình nguyện hy sinh để làm mưa, dâng nước cho ruộng đồng. Truyền thuyết kể rằng, nơi nghiên mực của thần rơi xuống biến thành đầm Mực giữa 2 làng Quỳnh Đô và Vĩnh Ninh.
Ở vùng Tam Hiệp còn có những lễ hội truyền thống mang đậm đặc trưng của cư dân nông nghiệp. Lễ hội làng Huỳnh Cung diễn ra từ ngày 18 - 21 tháng Giêng âm lịch hàng năm nhằm tôn vinh Thành hoàng làng và danh nhân Chu Văn An. Lễ hội làng Tựu Liệt diễn ra từ mùng 3 đến mùng 5 tháng 2 âm lịch. Cứ 5 năm, làng lại tổ chức đại lễ với lễ rước kiệu trọng thể để tôn vinh Thành hoàng Bảo Ninh Vương.
Những lễ hội truyền thống đặc sắc tại làng Huỳnh Cung và Tựu Liệt làm nên một phần không thể thiếu trong bản sắc của xã Tam Hiệp, phản ánh sức sống mãnh liệt của nền văn hóa dân gian và lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân.
Triệu Quang Xuyên (TH)