DU LỊCH THANH TRÌ DU LỊCH THANH TRÌ

Nghiệm thu cấu kiện gỗ trước khi lắp dựng -  Dự án tu bổ tôn tạo di tích  miếu đình Vĩnh Trung
Ngày đăng 06/11/2024 | 11:01  | Lượt xem: 240

Nghiệm thu cấu kiện gỗ trước khi lắp dựng -  Dự án tu bổ tôn tạo di tích  miếu đình Vĩnh Trung

 

Ngày 29/10/2024 Các phòng ban chuyên môn của huyện: phòng Văn hoá & Thông tin, phòng Tài chính – kế hoạch, phòng Quản lý Đô thị  phối hợp với Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội và Uỷ ban nhân dân xã Đại Áng cùng nghiệm thu đánh giá cấu kiện gỗ trước khi lắp dựng tại di tích Miếu Đình Vĩnh Trung, thôn Vĩnh Trung, xã Đại Áng

Trước đó Miếu đình Vĩnh Trung đã được Cục Di sản Văn hoá thoả thuận Thiết kế bản vẽ thi công tu bổ, tôn tạo di tích

 Miếu đình Vĩnh Trung thuộc thôn Vĩnh Trung, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Di tích Miếu Đình Vĩnh Trung, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì là một di tích có giá trị trên nhiều phương diện nghiên cứu;

Di tích Miếu Đình Vĩnh Trung là một công trình kiến trúc cổ đã có nhiều thay đổi theo thời gian và gắn bó chặt chẽ với đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân xã Đại Áng trong nhiều giai đoạn phát triển của lịch sử dân tộc. Từ ngày khởi dựng đến nay, di tích đã thực sự trở thành trung tâm văn hóa, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân nơi đây. Qua thời gian dài tồn tại, lúc suy, lúc thịnh, giá trị lịch sử của ngôi đình được đắp bồi thêm mãi và đã trở thành một vốn cổ quý giá đối với cuộc sống tinh thần hiện tại và sự nối tiếp truyền thống của nhân dân xã Đại Áng;

Miếu Đình Vĩnh Trung là công trình tôn giáo, tín ngưỡng có giá trị lịch sử văn hóa mang tính riêng biệt. Từ ngày khởi dựng đến nay, trải qua các lần trùng tu sửa chữa đã thực sự là minh chứng cho thấy niềm tin của nhân dân nơi đây. Di tích là một không gian linh thiêng với hệ thống triết lí khuyên con người làm điều thiện, trừng cái ác, hướng con người vươn tới chân thiện mỹ;

Di tích là di sản kiến trúc nghệ thuật có giá trị của cộng đồng dân cư làng xã nói riêng và cả vùng miền nói chung trong việc phát huy các giá trị văn hóa. Di tích được người xưa hưng công và là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương. Không chỉ là trung tâm kết nối cộng đồng và sinh hoạt văn hóa, tâm linh của nhân dân địa phương, đây còn là di tích lịch sử kiến trúc - nghệ thuật được gìn giữ gần như nguyên vẹn. Giá trị của di tích không chỉ là di tích kiến trúc nghệ thuật mà có ý nghĩa lịch sử, văn hóa và tiềm năng du lịch văn hóa quan trọng của thành phố Hà Nội. Các cấp chính quyền, cơ quan quản lý văn hóa và nhân dân địa phương cần chung tay gìn giữ, khai thác làm tăng giá trị của di tích;

Với những giá trị về văn hoá - lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật và tình trạng như trên, việc tu bổ, tôn tạo Miếu Đình Vĩnh Trung, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì là việc làm cấp thiết nhằm bảo vệ, giữ gìn và phát huy những giá trị vốn có của di tích.

Hiện trạng di tích xuống cấp và tình trạng bảo quản:

Hiện nay, các hạng mục của di tích Miếu Đình Vĩnh Trung đang trong giai đoạn xuống cấp do lâu ngày không được tu sửa và các vật liệu công trình chủ yếu bằng gỗ xoan, gỗ tạp nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Một số hạng mục diện tích nhỏ hẹp chưa đáp ứng được công năng sử dụng di tích. Hệ thống sân vườn, tường rào chưa được quy hoạch đồng nhất, Nghi môn bong tróc vữa trát, con giống gãy vỡ biến dạng không còn hình thù như ngày đầu khởi dựng.

* Hiện trạng Nghi môn

Nghi môn đang trong giai đoạn hư hỏng xuống cấp. Hệ thống con giống đắp trát đơn điệu không có hình thù rõ ràng. Hiện nay 2 trụ bên hữu đình đang bị lún nứt, nghiêng lệch không đủ khả năng bảo vệ lâu dài cho di tích.

* Hiện trạng Đại bái

Hệ mái ngói mục ải, xô dột nhiều vị trí nên thường bị ngấm dột vào những ngày có mưa;

Hệ thống rui, gộp, thượng lương bị mối mọt, nhiều tiết diện hoành, xà thế hoành nhỏ dẫn tới tình trạng võng mái khả năng chịu lực kém. Kết cấu khung, cột chịu lực nhiều cấu kiện mối mọt hư hỏng xuống cấp không đảm bảo khả năng chịu lực lâu dài cho di tích. Cốt nền đình sau nhiều lần tu bổ tôn nền sân chống ngập nên nay chỉ còn 1 bậc nên thường bị ngập lụt vào mùa mưa. Kết cấu bờ nóc, bờ chảy nứt vỡ do sự xuống cấp của hệ mái, con giống sứt mẻ xuống cấp hệ thống cửa Đ1, Đ2 không phù hợp kiến trúc cổ. Hai bộ vì trục B, G phần cột đã hỏng và được làm tạm bằng hệ thống dầm con sơn đỡ cột trốn không phù hợp;

Kết cấu tường, cột, móng xuất hiện nứt vỡ, vôi ve ố mốc biến dạng, nền lún, hệ thống chân tảng đế bồng bê tông đã xuống cấp.

* Hiện trạng Ống Muống, Hậu Cung

Nóc Ống muống, Hậu cung thấp hơn Đại Bái, xà dọc Ống Muống liên kết với Đại bái không đúng cấu tạo hiện nay phải gia cố bằng hệ thống xà bê tông uốn cong không phù hợp kiến trúc;

Hệ thống bờ nóc, bờ dải nứt gãy, xuống cấp, con giống bong tróc gãy nhiều chi tiết. Hệ mái ngói xô, mục ải dột nhiều vị trí. Hoành, rui mái xuống cấp mục ải, mối mọt, kích thước quá nhỏ nên dẫn tới tình trạng võng mái. Kết cấu khung, cột chịu lực nhiều cấu kiện mối mọt hư hỏng xuống cấp không đảm bảo khả năng chịu lực lâu dài cho di tích;

Bốn cột Ống muống bằng bê tông cốt thép liên kết với hệ vì gỗ không phù hợp, chân tảng cổ bồng bê tông xuống cấp;

Nền Hậu cung lát gạch men không phù hợp, một số vị trí bị lún, nứt. Phần tường nứt vỡ xuống cấp;

Phần mái Ống muống thấp hơn Đại bái nên không ăn kẻ góc đồng nhất di tích. Kết cấu cửa Hậu cung được làm bằng gỗ tạp và không đồng nhất kiến trúc; Hệ khung chịu lực và toàn bộ phần mái Hậu cung gia công bằng gỗ tạp nên đã bị mối mọt, hư hỏng xuống cấp gần như toàn bộ.

* Hiện trạng Tả, Hữu mạc

Hiện trạng Tả, Hữu mạc xuống cấp nghiêm trọng hệ mái ngói nứt vỡ xô ngói, gây dột. Nhiều cấu kiện gỗ hệ khung bị mục ải, mối mọt xâm hại nghiêm trọng không đảm bảo khả năng chịu lực. Hệ thống tường xuống cấp nghiêm trọng nhiều vị trí nứt gãy. Nền xuống cấp nhiều vị trí nền lún nứt, nhấp nhô, ẩm thấp rêu mốc gây ảnh hưởng đến việc đi lại và kê đồ nội thất

* Hiện trạng nhà phụ trợ

Hiện trạng nhà phụ trợ xây dựng cuối di tích. Công trình xây dựng để phục vụ các nhu cầu cấp thiết của di tích nhưng hình thức kiến trúc không phù hợp. Hiện nay hạng mục cũng đang trong giai đoạn hư hỏng xuống cấp.

* Hiện trạng sân vườn, tường rào

Hiện trạng sân đình trũng thấp, đổ bê tông cốt thép đã xuống cấp, rêu mốc, sứt vỡ, nhiều đoạn sân đã lún nứt, trơn trượt. Hệ thống sân vườn chưa được quy hoạch chi tiết, chủ yếu là cây tạp và cây dại mang tính tự phát gây mất mỹ quan di tích. Tường rào khuôn viên đền đã xuống cấp.

* Tình trạng bảo quản:

  * Tu bổ, tôn tạo Nghi môn

Hạ giải nghi môn hiện trạng. Tu bổ, tôn tạo Nghi môn làm theo lối kiến trúc nghi môn truyền thống 4 trụ biểu độc lập, 3 lối vào. 2 lối đầu hồi có mái bê tông cốt thép, mái dán ngói mũi hài. Phần khung, mái làm bê tông cốt thép, xây tường ốp phía ngoài, trát vữa tường, trụ vữa xm mác 75, đắp hoa văn con giống sơn đồng bộ theo kiến trúc hiện trạng.

* Tu bổ, tôn tạo Đại Bái

Chụp ảnh hiện trạng, thống kê nội thất và di rời ra khu vực an toàn phục vụ thờ tạm và bảo quản trong quá trình thi công, lắp dựng nhà bao che khung thép bảo vệ toàn bộ bề mặt mái đình cũ che mưa nắng trảnh ảnh hưởng tới hệ thống gỗ cũ và nội thất cổ không thể di rời;

Hạ giải toàn bộ công trình từ mái đến móng, đào xúc nền hiện trạng phục vụ thi công đào móng mới. Nâng nền công trình chống ngập, đào lại toàn bộ hệ thống móng băng và móng cột, đổ bê tông lót, xây toàn bộ móng bằng gạch đặc vữa xm mác 75. Nâng nền từ cốt +0.200 lên +0.450 tính từ cốt sân lên nền, điều chỉnh từ 1 bậc lên 3 bậc;

Đổ dầm giằng liên kết toàn bộ hệ thống móng cột và hệ thống móng băng tạo thành hệ khung cứng;

Xây toàn bộ tường bằng gạch đặc vữa xm mác 75, kết hợp hệ thống giằng khóa tường, trát toàn bộ tường trong, ngoài 1 vữa xm mác 75 dày 20, lăn sơn toàn bộ 1 nước trắng, 2 nước màu ghi sáng, ghi sẫm;

Thay thế 100% ngói mới bằng hệ mái 3 lớp ngói mũi hài, ngói độn, ngói chiếu thay thế cho hệ mái ngói di cũ. Xây toàn bộ bờ nóc, bờ chảy bằng vữa truyền thống, đắp gờ chỉ theo kiến trúc cổ;

Cấu kiện gỗ sau khi hạ giải được đánh giá chi tiết lại với sự góp mặt của các cơ quan chuyên môn cấu kiện hư hỏng nặng, không phù hợp được tu bổ thay mới, cấu kiện hư hỏng nhẹ được tu bổ bằng các biện pháp tu bổ, nối vá, ốp mang, thay cốt, chám vá mặt. Cấu kiện còn tốt được vệ sinh lắp dựng lại vào vị trí cũ;

Điều chỉnh kiến trúc 2 bộ vì trục B, G thay thế hệ thống con sơn đỡ cột trốn bằng hệ thống cột cái đứng chân đồng bộ với hệ thống vì lân cận của di tích;

Tu bổ thay thế 3 bộ cửa gian giữa Đ1, Đ2 Đại bái không phù hợp kiến trúc bằng hệ thống cửa bức bàn theo mẫu cửa Đ3 hiện trạng (Thay thế cả 3 bộ ngưỡng, khuôn, quang cửa đồng bộ kiến trúc). Gia công hệ thống chân tảng đá cổ bồng thay thế cho hệ thống chân tảng cổ bồng bê tông cũ. Bậc hiên gia công toàn bộ bằng đá xanh Thanh Hóa đục nhám theo kiến trúc cổ;

Đắp tu bổ lại toàn bộ hoa văn con giống trên tường, mái, cột đồng trụ bằng vữa truyền thống, gắn mảnh sành sứ theo kiến trúc cổ;

Nền tôn cát theo cốt tu bổ, đổ bê tông lót nền đá 4*6 mác 100 dày 100 lát toàn bộ nền bằng gạch bát 300*300*50 lát mạch chữ công miết mạch lồi;

Lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng đồng bộ di tích.

* Tu bổ, tôn tạo Ống muống

Hạ giải, phá dỡ toàn bộ Ống muống từ mái đến móng hiện trạng, đào toàn bộ nền phục vụ thi công đào móng mới;

Đào mới toàn bộ móng băng, móng cột, đổ bê tông lót đế, xây móng bằng gạch chỉ đặc vữa xm mác 75, đổ dầm giằng liên kết toàn bộ hệ thống móng cột và hệ thống móng băng tạo thành hệ khung cứng;

Xây toàn bộ tường bằng gạch đặc vữa xm mác 75, kết hợp hệ thống giằng khóa tường, trát toàn bộ tường trong, ngoài 1 vữa xm mác 75 dày 20, lăn sơn toàn bộ 1 nước trắng, 2 nước màu ghi sáng, ghi sẫm;

Cấu kiện gỗ sau khi hạ giải được đánh giá chi tiết lại với sự góp mặt của các cơ quan chuyên môn cấu kiện hư hỏng nặng, không phù hợp được tu bổ thay mới, cấu kiện hư hỏng nhẹ được tu bổ bằng các biện pháp tu bổ, nối vá, ốp mang, thay cốt, chám vá mặt. Cấu kiện còn tốt được vệ sinh lắp dựng lại vào vị trí cũ;

Nâng cao cốt mái ống muống thêm 0.75m so với hiện trạng. Điều chỉnh bỏ 4 cột bê tông chống đất và cột trốn hiện trạng bổ sung đào móng mới phần chân cột, xây móng, đổ giằng thay thế bằng hệ thống cột gỗ D=300 chống đất. Gia công hệ thống chân tảng đá cổ bồng thay thế cho hệ thống chân tảng cổ bồng;

Thay thế 100% ngói mới bằng hệ mái 3 lớp ngói mũi hài, ngói độn, ngói chiếu thay thế cho hệ mái ngói di cũ. Xây toàn bộ bờ nóc, bờ chảy bằng vữa truyền thống, đắp gờ chỉ theo kiến trúc cổ;

Nền tôn cát theo cốt tu bổ, đổ bê tông lót nền đá 4*6 mác 100 dày 100 lát toàn bộ nền bằng gạch bát 300*300*50 lát mạch chữ công miết mạch lồi;

Xây bậc phân cốt từ Ống muống lên Hậu cung phục vụ việc đi lại dễ dàng;

Lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng đồng bộ di tích.

* Tu bổ, tôn tạo Hậu Cung

Hạ giải, phá dỡ toàn bộ Hậu cung từ mái đến móng hiện trạng, đào toàn bộ nền phục vụ thi công đào móng mới;

Đề xuất thay mới 100% kết cấu gỗ khung, mái Hậu cung, giữ lại riêng 2 bức cốn chạm rồng còn tốt. Kết cấu gỗ thay mới bằng gỗ lim thay thế cho phần gỗ tạp, hình dáng theo mẫu kiến trúc hiện trạng;

Nâng cao cốt mái Hậu cung thêm 0.75m so với hiện trạng. Đào lại toàn bộ hệ thống móng đế cột gỗ. Đào mới toàn bộ móng băng, móng cột, đổ bê tông lót đế, xây móng bằng gạch đặc vữa xm mác 75, đổ dầm, giằng liên kết toàn bộ hệ thống móng cột và hệ thống móng băng tạo thành hệ khung cứng;

Thay thế toàn bộ ngưỡng, khuôn, quang cửa và cánh của 3 bộ cửa Đ4, Đ5 xuống cấp bằng hệ thống cửa bức bàn đồng bộ với hàng cửa phía trước Đại bái;

Xây toàn bộ tường bằng gạch đặc vữa xm mác 75, kết hợp hệ thống giằng khóa tường, trát toàn bộ tường trong, ngoài 1 vữa xm mác 75 dày 20, lăn sơn toàn bộ 1 nước trắng, 2 nước màu ghi sáng, ghi sẫm. Cốt xây dựng cao hơn hiện trạng 0,75m do phương án đề xuất nâng công trình đảm bảo cho hệ thống kẻ góc ăn khớp với Ống muống tu bổ. Trát tường bằng vữa xm mác 75 dày 15, lăn sơn toàn bộ tường trong, ngoài 1 lớp trắng, 2 nước màu ghi sáng và ghi sẫm;

Lợp lại mái ngói, thay thế 100% ngói mới thay cho phần ngói hỏng không thể tái sử dụng bằng ngói mũi hài kết hợp ngói chiếu;

Đào phá lớp nền gạch lá nem và bê tông lót hiện trạng, đổ bê tông lót nền mới đá 4*6 mác 100 gia cố nền, lát mới toàn bộ nền bằng gạch bát kt 300*300*50 lát mạch chữ công miết mạch lồi, thay thế 4 kết cấu chân tảng hàng cột gỗ bằng đá xanh;

Đắp trát lại hệ thống kìm nóc theo hiện trạng, xây lại toàn bộ hệ thống bờ nóc bờ chảy đắp gờ chỉ theo kiến trúc cổ.

* Tu bổ, tôn tạo Tả, Hữu mạc

Tu bổ, tôn tạo Tả, Hữu mạc theo quy mô hiện trạng.Đào móng băng xây móng bằng gạch chỉ đặc kết hợp hệ thống dầm, giằng khóa cổ móng.Tường xây bằng gạch chỉ đặc mác 75, xây vữa xm mác 50.Toàn bộ phần tường xây được trát bằng vữa xi măng mác 50 dày 15 lăn sơn toàn bộ 1 lớp trắng, 2 nước màu ghi sáng và ghi sẫm. Hệ thống bờ nóc, bờ chảy được xây trát bằng vữa xi măng mác 75 đắp gờ chỉ theo phong cách truyền thống.Nền lát gạch đỏ kt 300*300 lát mạch chữ công, miết mạch lồi.Phần kết cấu khung gia công bằng gỗ lim xẻ hộp soi chỉ theo kiến trúc cổ.Mái lợp toàn bộ bằng ngói kết cấu 2 lớp ngói mũi hài và ngói chiếu theo kiến trúc cổ.Phần kết cấu gỗ mái giữ nguyên bề mặt mộc của cấu kiện gỗ sau khi gia công và lắp dựng. Lắp đặt hệ thống điện và phòng cháy chữa cháy. Chống mối nền, dải hóa chất chống mối trong và ngoài công trình, nền nhà dải hóa chất chống mối trước khi lát nền, các cấu kiện gỗ được phun, quét hóa chất chống mối.

* Tu bổ, tôn tạo nhà phụ trợ

Phá dỡ nhà phụ trợ hiện trạng, chuyển vị trí xây dựng về phía bên hữu hậu cung. Nhà phụ trợ mặt bằng hình chữ nhất xây tường thu hồi bít đốc, diện tích 48m2 chia làm 3 gian. Hệ thống móng, tường xây gạch chỉ gia cố dầm giằng btct, hệ mái sử dụng hoành, rui gỗ lim gối tường, lợp mái bằng ngói mũi hài đảm bảo đồng bộ kiến trúc di tích truyền thống. Lắp đặt hệ thống điện nước thiết bị phục vụ theo công năng sử dụng của hạng mục.

* Tôn tạo Cổng Phụ

Tôn tạo cổng phía sau Hữu mạc. Hình thức cổng gồm hai trụ biểu và cánh cổng làm bằng sắt hộp. Móng và lõi trụ đổ btct, xây bao thân trụ bằng gạch chỉ, trát – đắp gờ chỉ bằng vữa xi măng theo hình thức truyền thống.

* Xây dựng Vệ sinh

Đào móng, đổ bt lót móng, giằng mác 100 đá 4*6. Hệ thống giằng móng bằng btct đá 1* 2 mác 200. Toàn bộ hệ thống tường bao che xây bằng gạch chỉ đặc, vữa xm mác 75. Nền lát gạch chống trơn;

 Đắp trát bờ nóc, bờ chảy bằng vữa truyền thống. Lăn sơn toàn bộ công trình. Lắp đặt hệ thống điện, thiết bị vệ sinh đồng bộ phục vụ di tích.

* Hệ thống hạ tầng kỹ thuật

Thoát nước mưa: Sử dụng rãnh xây có nắp đậy kết hợp hệ thống ga thu trực tiếp trên sân (Đậy tấm composite). Nước mưa được dẫn ra hệ thống thoát nước tuyến đường phía trước cổng;

Sân: San nền từng lớp bằng cát đen K90, toàn bộ phần sân lát bằng gạch bát kích thước 300x300x50mm (đặc), lớp vữa lót dày 20mm M75#, lớp BTXM dày 10cm mác 100#;

Vườn: Quy hoạch lại hệ thống sân, vườn đảm bảo hài hòa, dễ đi lại. Trồng mới một số cây xanh lấy bóng mát, bó vỉa đá toàn bộ bờ sân đảm bảo đồng bộ kiến trúc;

Tường rào: Phá dỡ toàn bộ tường rào cũ xuống cấp, tu bổ tôn tạo toàn bộ hệ thống tường rào theo hình thức cổ truyền, xây gạch đặc M75 vữa xi măng mác 50#,giằng móng là BTCT M200#. Thân tường sử dụng gạch hoa gốm không tráng men kích thước 300x300mm, trụ được đắp trát gờ chỉ và được bố trí khe lún;

Hệ thống cấp nước: Lắp đặt lại đường ống dẫn nước từ đồng hồ cấp nước sạch thành phố đã có ra khu vực nhà Phụ trợ, vệ sinh, xây bể ngầm dự trữ nước sạch, bơm nước lên két nhà Phụ trợ. Ống nước dùng ống nhựa hàn nhiệt PPR, vào thiết bị dùng ống mềm. Toàn bộ hệ thống thoát nước của khu phụ trợ dùng ống PVC, đường thoát chung (chậu rửa, thoát sàn) dùng ống nhựa Ф90, tất cả các ống đều đi ngầm trong tường và sàn;

Hệ thống cấp điện: Tu bổ lắp đường dây điện mới dẫn điện từ cột điện thành phố vị trí treo công tơ hiện trạng. Dẫn điện vào tủ điện tổng đặt tại sân di tích dẫn vào các hạng mục sử dụng, lắp đặt cột đèn chiếu sáng sân vườn tổng thể.

           Hạng mục dự kiến đầu tư: Tu bổ, tôn tạo di tích Miếu Đình Vĩnh Trung, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Hạng mục: Tu bổ, tôn tạo Đại bái, ống muống, hậu cung, nghi môn, tả mạc, hữu mạc, cổng phụ, nhà phụ trợ, xây dựng nhà vệ sinh và hạ tầng kỹ thuật         

Khái toán tổng mức đầu tư: 19.448.000.000 đồng (Bằng chữ: Mười chín tỷ bốn trăm bốn mươi tám triệu đồng./.)

 Nguồn vốn: Ngân sách Thành phố hỗ trợ có mục tiêu theo Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 08/4/2022 của HĐND Thành phố; Ngân sách huyện bố trí theo Nghị quyết số 37/NQ-HDND ngày 16/12/2022 của HĐND huyện, phần còn lại ngân sách xã và các nguồn huy động đóng góp.

Trong đó:

+ Ngân sách thành phố: 10.000.000.000 đồng (Mười tỷ đồng chẵn), (theo nghị quyết số 02/ND-HĐND ngày 08/4/2022 của HĐND thành phố Hà Nội);

+ Ngân sách huyện dự kiến bố trí: 6.841.000.000 (Sáu tỷ, tám trăm bốn mươi mốt triệu đồng chẵn) (Theo nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 16/12/2022 của HĐND huyện Thanh Trì);

+ Xã hội hoá: 2.607.000.000 đồng (Hai tỷ, sáu trăm linh bảy triệu đồng chẵn).

 Thời gian thực hiện: Năm 2023 - 2025.

Miếu đình Vĩnh Trung từ xa xưa gọi là miếu Linh Linh, đã được sử dụng với chức năng một ngôi đình nên dân làng thường gọi là miếu đình Vĩnh Trung. Như vậy đây là một kiến trúc chứ không phải hai.

Miếu đình Vĩnh Trung thờ thành hoàng làng là Tam vị đại vương là Ông Cả, Ông Hai, Ông Ba cùng vị âm thần là Ngọc Tinh phu nhân. Ba ông là con của một người họ Đoàn và bà họ Bạch ở trang Thiên Thừa, huyện Kim Bảng, phủ Lý Nhân. Ba ông đều thông minh, dĩnh ngộ, văn võ song toàn. Năm 22 tuổi, cha mẹ mất. Được vua Hùng mến tài cho làm đô uý. Khi đất nước có ngoại xâm, ba ông đem hết tài năng cầm quân đánh giặc, đặc biệt là tài bắn cung. Sau khi đánh đuổi được ngoại xâm. Vua Hùng phong là “Thần xạ đại vương”, đến trang Vĩnh Hưng Trung, ba ông thấy địa thế đẹp nên xin vua dựng dinh cơ ở đây. Sau khi ba ông mất, vua sai làm lễ tế và cho phép Vĩnh Hưng Trung được thờ làm thành hoàng.

Miếu đình Vĩnh Trung toạ lạc trên một khoảnh đất rộng, mặt trước là một hồ lớn. Kết cấu của đình đơn giản song chắc chắn.

Thời kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954), đình được dùng làm xưởng rèn vũ khí của cơ quan quân khí quốc phòng.

Miếu đình Vĩnh Trung hiện còn lưu giữ một thần phả do Nguyễn Bính soạn năm 1573 (Quý Dậu) trong đó ghi sự tích công trạng các vị thần và 19 đạo sắc phong, niên hiệu sớm nhất là năm 1784 (Giáp Thìn) triều Cảnh Hưng 45, muộn nhất là năm 1928 và nhiều đồ tế tự.

Miếu đình Vĩnh Trung đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1991

Ngày 08/01/2024 Cục Di sản Văn hoá thoả thuận Thiết kế bản vẽ thi công tu bổ, tôn tạo di tích miếu đình Vĩnh Trung, theo đó, chủ đầu tư đã có quyết định thành lập Hội đồng đánh giá di tích và lựa chọn đơn vị thi công có đủ điều kiện, năng lực và kinh nghiệm thi công, đảm bảo chất lượng, kỹ mỹ thuật hồ sơ đã được thẩm định phê duyệt.

                                                      Lại Thị Hồng Nguyên - VHTT