DU LỊCH THANH TRÌ DU LỊCH THANH TRÌ

Lễ hội truyền thống đình làng Việt Yên
Ngày đăng 14/03/2024 | 15:59  | Lượt xem: 1005

Đình làng Việt Yên còn có tên là Đình Kẻ Vẹt (theo tên Nôm từ thời cổ của thôn Việt Yên), được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật từ năm 1990. Ngôi đền này thờ tướng Nguyễn Siêu làm Thành Hoàng, ông là một vị thủ lĩnh tài ba, lãnh đạo sứ quân nổi dậy trong thời loạn 12 sứ quân

 

Theo thần tích lưu giữ tại đình làng, tướng Nguyễn Siêu là bậc anh tuấn phi thường, được Ngô Vương Quyền phong làm Thống lĩnh tướng quân, lập đại bản doanh ở Việt Yên, chiếm giữ vùng Tây Phù Liệt (Thanh Trì, Hà Nội ngày nay). Sau khi Ngô Vương Quyền mất, các thổ hào chúa đất nổi lên tranh giành cát cứ, dẫn tới thời loạn 12 sứ quân. Để bảo vệ lãnh thổ, Nguyễn Siêu đã cho quân sỹ ngày đêm tập luyện võ thuật, xây dựng thành lũy kiên cố.

Đến nay, những vết tích còn để lại cho thấy, tuyến lũy của Nguyễn Siêu có chiều dài khoảng 10 km, kéo dài từ làng Việt Yên qua Ngọc Hồi. Lũy được cấu tạo bằng cọc rặng tre gai trồng thành nhiều lớp, bao quanh các thôn xóm. Đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, những rặng tre và lũy đất này vẫn là những công trình kiến trúc quân sự rất có giá trị.

Tương truyền về lý do lập ngôi đền thờ Việt Yên, thần tích ghi: “Ngày 15/7, bỗng nhiên lũ lớn, gió gầm thét, thuyền rồng đắm, khí giới quân nhu đều mất cả. Sau đó vài tháng, trôi tới Bái Xuyên một người một ngựa, trôi tới giữa dòng ba tháng vẫn còn nguyên vẹn, da dẻ hồng hào... nhân dân cho là linh thiêng lập đền thờ cúng”.

Ngoài ra, đình làng Việt Yên còn lưu giữ tới 23 đạo sắc phong từ Triều Lê đến Triều Nguyễn, các Hoành Phi, Câu đối, Ngai, Nhang Án, 3 Chúc sứ Đời Thanh, Cỗ Long Ngai bài vị thờ Ngài (với Ngai lớn cao trên 1,2m). Đặc biệt, kiệu cổ từ thế kỷ XVIII.

Lễ hội đình làng Việt Yên được tổ chức trong 3 ngày, từ mùng 6-8/2 (Âm lịch) với nhiều hoạt động đặc sắc như: Tế lễ, rước kiệu từ đình Sắc sang đình Chính, giao lưu văn nghệ…

Ngoài lễ hội chính, trong năm làng còn tổ chức các lễ khác tại đình làng như: lễ giao thừa, Tết nguyên đán, lễ thượng nguyên, tết Hàn thực, tết Đoan ngọ, tết trung thu, lễ Cơm mới. Đặc biệt, xưa kia có tổ chức lễ cầu mưa vào những năm hạn hán, truyền rằng các nghi thức được tiến hành một cách nghiêm cẩn thì hễ cầu là được (mật đảo kỳ thành), đem lại nguồn nước dồi dào cho những mùa vụ bội thu, toàn dân no ấm.

Hồng Nguyên_ VHTT