DU LỊCH THANH TRÌ DU LỊCH THANH TRÌ

Lễ hội Tổng Nam Phù huyện Thanh Trì
Ngày đăng 22/04/2024 | 14:58  | Lượt xem: 1344

Lễ hội Tổng Nam Phù huyện Thanh Trì

 

Lễ hội tổng Nam Phù được nhân dân trong 10 làng tổ chức là: Tự Khoát, Tương Trúc, Mỹ Liệt, Việt Yên, Đông Trạch, Đông Phù, Đam Uyên, Tranh Khúc, Mỹ Ả và Ninh Xá, để kỷ niệm Nhị vị Bồ Tát có công xây dựng nên 3 ngôi chùa cổ nổi tiếng ở trong vùng Thanh Trì, Thường Tín là chùa Tự Khoát (Hưng Phúc tự), chùa Đông Phù (Hưng Long tự) và chùa Ninh Xá (Phổ Quang tự) và truyền nghề giúp dân sinh sống và phát triển giáo pháp của Đức Phật.

     Nhị vị Bồ Tát là hai chị em, chị là Từ Thục, em là Từ Huy đều là con vua Lý Thánh Tông (1054-1072). Cả hai Công chúa giác ngộ Phật đạo, hiểu được lẽ vô thường, đã từ bỏ cả lầu son gác tía, nguyện một lòng xin Vua cha và Hoàng hậu cho phép xuất gia tu hành đạo Phật. Công chúa Lý Từ Thục và Công chúa Lý Từ Huy thấy đất tổng Nam Phù phong cảnh hữu tình, thế đất chữ Chủ, voi chầu hổ phục, tràng phan, bảo cái bèn xin vua cha ban cho đất Tổng Nam Phù Liệt. Đầu tiên, Nhị vị Công chúa dừng chân trên đỉnh núi Trúc (Trúc Lĩnh), thấy đây là vùng linh địa, dân chúng thuần hậu, nhị vị Công chúa dừng chân trên đỉnh núi Trúc lập am tu hànhn nay là chùa Tự Khoát (Hưng Phúc tự).

     Khi nhị vị Tổ sư du hành quanh vùng thấy đất làng Nhót (Đông Phù) là thế đất "linh địa" nên dựng một am thất trên thế đất hình "Kim Quy" và lên Yên Tử (Quảng Ninh) mang cây thông về trổng bao quanh, nay là chùa Đông Phù (Hưng Long tự).

     Nhị vị Sư Tổ thị sát thấy dân tổng Nam Phù vẫn còn cảnh đói nghèo vì thiếu ruộng canh tác, với tấm lòng từ bi, Nhị vị Sư Tổ đã chia 3.000 mẫu mộng cho mười làng, xuất hết tiền vàng nữ trang của mình để cấp vốn cho người nông dân khai khẩn mộng đất, trổng lúa nước, trổng dâu nuôi tằm, làm các nghề thủ công, làm bánh chưng, bánh nếp, bánh gai, bánh dày ở làng Tranh Khúc; nghề bún, đậu phụ ở làng Đông Phù (Đông Mỹ). Khi nông nhàn, tháng ba ngày tám, Nhị vị sư Tổ dạy cho dân làng Tự Khoát nghề đan thúng, mủng, rổ, rá. Nhờ đó, dân làng Tự Khoát có nghề đan thúng nổi tiếng khi xưa.

Trải qua mấy chục năm chuyên tâm thiền định, hành Bổ Tát đạo hạnh nguyện độ sinh viên mãn. Nhị vị Bồ Tát dựng một am thất bằng gỗ thông ở cánh đồng Liên Hoa thuộc làng Ninh Xá (tên nôm là làng Tè), xã Ninh Sở, huyện Thường Tín và cùng hai đệ tử là Quỳnh Hoa và Quế Hoa hóa vào ngày 15 tháng 3 năm Ất Hợi (1095). Sau đó nhân dân Tổng Nam Phù đã xây dựng Lăng của Nhị vị Bồ tát ngay tại nơi đây và gọi là Lăng Liên Hoa.

Để tưởng nhớ công đức Nhị vị Sư Tổ, nhân dân tổng Nam Phù tạc tượng Sư Tổ mang hình dáng Công chúa và hai vị Ni sư đệ tử mang hình dáng cung nữ thờ tại hai chùa Hưng Phúc (Tự Khoát) và Hưng Long (Đông Phù). Còn làng Ninh Xá đúc tượng Sư Tổ bằng đồng thờ tại chùa Phổ Quang.

     Từ đó Phật tử, tín đồ và nhân dân tổng Nam Phù tưởng niệm xưng danh Nhị vị sư Tổ là Nhị vị Bồ Tát. Và cứ hàng năm nhân dân tổng Nam Phù và làng Ninh Xá cùng nhân dân các vùng lân cận tưởng nhớ ân đức cùa Nhị vị Bồ Tát đã tổ chức lễ hội vào các ngày 14, 15 và 16 tháng 3 âm lịch. Đến dự Lễ hội có đến hàng vạn Phật tử tín đồ và nhân dân thập phương.

     Nghi thức tế lễ trong ngày hội đặc sắc, độc đáo, tuân theo tục lệ của cộng đồng hàng Tổng đặt ra từ xưa đến nay, ẩn chứa tâm linh, tâm tính dân tộc Việt. Để chỉ huy lễ hội, các lễ rước phải chuẩn bị kỹ trước hàng tháng trời, vì không gian là cả tổng, lực lượng tham gia rất đông đúc, nhiều thành phần, kế thừa các nghi thức lễ hội truyền thống.

     Cao nhất là ông Câu Đương do hàng tổng cử ra, thường là người có chức sắc, có học vấn khoa bảng. Giúp việc chuyên môn có ông Tham Thị, giúp việc trật tự trị an có ông Tuần Xước, giúp việc nghi lễ có ông Xuất Nghi. Còn 10 làng cử 10 ông Cai phụ trách làng mình và là thành viên chung.

     Trong lễ rước kiệu, mỗi kiệu có Ông Khởi - chỉ huy. Tổng chỉ huy cả đoàn rước có Ông Tổng Cờ ăn mặc áo ngắn trắng, quần trắng, thắt lưng, nhiễu điều có tay thước hoặc lá cờ đuôi nheo để chỉ huy. Bên cạnh các nhà sư, còn có các ông Thống tham gia cúng lễ, kết hợp giữa nghi lễ Phật giáo và lễ dân gian.

Ngày 14/03: Buổi sáng, dân làng tổ chức lễ rước nước về chùa để làm lễ mộc dục tượng Nhị vị Bổ Tát. Nước phải được lấy ở giữa dòng sông Hồng, tại bến Tranh Khúc (hiện do bị sạt lở nên hàng Tổng chuyển nơi lấy nước tại bến Đam Uyên). Dân làng Tranh Khúc phải lo chuẩn bị thuyền và nghi lễ lấy nước. Sáng sớm đoàn rước nước hàng Tổng tập trung tại chùa Hưng Long để khởi hành. Đi đầu là đội múa lân, đội sinh tiền vừa múa vừa gõ nhạc, hương án do bốn nam thanh niên khiêng, đội nhạc lễ dạo những bản nhạc tiết tấu cung đình, sau đó là kiệu rước nước do bốn cô gái thanh tân được tuyển chọn khiêng. Đoàn rước đi theo triền đê xuống làng Tranh Khúc. Đoàn dừng lại tại Miếu Bóng làng Tranh Khúc để lễ Thủy thần. Đại diện làng sở tại Tranh Khúc phát biểu vắt tắt về công ơn Nhị vị và truyền thống đoàn kết của mười làng cùng lời chào mừng các xã bạn, ông Chủ tế đáp từ và cảm ơn làng sở tại. Một ông Thống (Thầy cúng) đọc bài sớ để xin Hà Bá thủy thần cho mang nước về làm lễ mộc dục. Trong khi tiến hành nghi lễ, cử nhạc chiêng trống và sau khi cúng xong tổ chức xuống thuyền. Đoàn thuyền đi rước nước có đội hình chính từ 5 - 7 chiếc bao gồm: Thuyền chính chở kiệu rước, thuyền chở đội đồng văn bát âm, thuyền tải mã, thuyền chở đội rồng và sư tử (thường thuyền to) và từ một đến hai thuyền chở các già dâng hương và tụng kinh niệm Phật. Ngoài ra, có 5 đến 6 thuyền chở đại diện các làng trong hàng Tổng đi dự lễ. Các thuyền sử dụng trong rước nước đều tự nguyện vì chủ thuyền nào cũng muốn góp công đức nơi cửa Phật và do làng sở tại đảm nhiệm.

     Trong khi múc nước thì đội bát âm cử nhạc, đội rồng đội sư tử đánh trống và uốn lượn theo thuyền, các già niệm Phật, các thuyền còn lại bơi lượn vòng quanh nơi múc nước. Sau khi múc nước đã đủ 18 gáo (mỗi bà 9 gáo) thì đoàn thuyền quay về cập bến lên bờ. Cả đoàn rước quay lại chùa Hưng Long. Cùng lúc tại chùa các nhà sư cúng giàng và lễ lục cúng, tụng kinh và đi ba vòng từ gian chính qua hai bên giải vũ, qua nhà “chương” rồi về nơi xuất phát.

     Khi rước nước về chùa thì chỉ những người có trách nhiệm mới được vào nơi thờ Nhị vị làm lễ mộc dục, còn dân chúng và đoàn rước dừng lại ở sân chùa xem biểu diễn múa rồng, múa sư tử và biểu diễn võ thuật. Choé nước thiêng đưa vào toà thờ. Các ni sư lấy nước từ các choé ra pha với nước ngũ hương bao sái tượng nhị vị và thay áo. Trước khi khoác áo mới (cho tượng), ni sư dùng miếng vải đỏ mới, lau khô tượng (lau xong xé nhỏ vải chia cho mọi người lấy lộc).

Tiếp đó là lễ Bạch văn khai hội do đội tế nam Tương Trúc và Tự Khoát thực hiện rồi đến ban Dâng hương hiến cúng. Truyền rằng, để tưởng nhớ công ơn Nhị vị sư Tổ đã truyền nghề, cứ đến lễ hội hàng năm nhân dân tổ chức hội thi tay nghề truyền thống. Đặc biệt, ngoài thanh bông hoa quả hiến cúng Tổ phải có bánh dầy thơm dẻo tinh khiết.

Buổi chiều là lễ dâng hương hiến cúng của nhân dân và các làng, sau đó là những tiết mục văn nghệ và trò chơi dân gian. Riêng làng Ninh Xá (huyện Thường Tín) rước kiệu võng (Kiệu chị, Kiệu em) ra Lăng Liên Hoa làm lễ phụng nghinh xin Khai hội. Đêm 14/3 Phật tử, tín đồ và một bộ phận dân các làng tập trung tụng kinh niệm Phật, chèo đò và kể hạnh suốt cả đêm.

Ngày 15/03: Đây là ngày chính của lễ hội hàng tổng, buổi sáng chùa Hưng Phúc, chùa Hưng Long, chùa Phổ Quang, chùa Tương Chúc, chùa Đam Uyên, chùa Tranh Khúc, chùa Mỹ Ả và chùa Việt Yên cờ trống, chiêng, thanh la, não bạt, quân nào quân ấy chỉnh tề rước hương án, long đình, kiệu võng Nhị vị Bồ Tát và kiệu bát cống đi xuống Lăng Liên Hoa mở hội hành lễ.

     Đội rước kiệu của các chùa chính (Hưng Phúc, Hưng Long) đều được tổ chức gần như giống nhau với đội hình như sau: Đi đầu là đội trống cái và chiêng cùng với đội múa sư tử, múa rồng do các thanh niên trong làng đảm nhiệm, sau đó là đội quốc kỳ và ngũ sắc của các cháu thiếu nhi. Tiếp theo ban hương án của Nhị vị Bồ Tát và kiệu bát cống do các nam nữ thanh niên đảm nhiệm cùng đội nhạc lễ, đội bát bửu. Tiếp đó là ban tế nam, cờ thần, trống chiêng, đội sinh tiền. Tiếp tục với đội kiệu võng của Nhị vị Bồ tát, đi trước kiệu có hai trinh nữ, một mang tấm biển sơn son thiếp vàng với 4 chữ Hán “Lý triều đế nữ”, trinh nữ kia vác thanh gươm với trách nhiệm là Nữ tướng hộ kiệu võng, hai bên có hai thanh nữ cầm quạt che. Sau đó đoàn đội các mâm lễ được trình bày nghệ thuật, đẹp mắt lễ được các thiếu nữ mặc áo dài của các làng đảm nhiệm. Sau cùng là các Phật tử và tín đồ, nhân dân địa phương và khách thập phương về dự lễ hội.

     Từ sáng sớm các đoàn rước kiệu của cả 3 chùa đã lên đường trong tiếng chiêng tiếng chống tiếng hò reo của nhân dân bên đường. Các đoàn rước đến ngã ba kho gạo Đông Mỹ thì nhập làm một để cùng đi xuống Lăng Liên Hoa, rước lần lượt vào Lăng, an vị hương án, kiệu bát cống và kiệu võng. Sau đó làm thủ tục hành lễ yết cáo chư thánh thần, đọc diễn văn Khai mạc lễ hội. Sau khi làm lễ tụng kinh, lễ tế, cúng dàng Nhị vị Bồ Tát, đội múa rồng tiến vào trình diễn màn múa Rồng Ấp Lăng để kết thúc và các đoàn rước đưa kiệu về chùa Hưng Long, thụ lộc cơm chay cùng với các Phật tử, tín đồ và dân làng.

     Buổi chiều, lễ tế chính hội được diễn ra vào lúc xế chiều do đội tế nam của làng Tương Trúc và Tự Khoát đảm nhiệm. Tiếp theo là lễ dâng hương hiến cúng của đội tế nữ. Xưa kia, tron ngày này làng Đông Phù tổ chức đốt pháo bông và hát xướng.

Ngày 16/3: Buổi sáng, Đoàn rước của hội lại tề chỉnh làm lễ tạ và rước kiệu về chùa Hưng Phúc là nơi hai Bà về tu đầu tiên. Sau khi an vị Hương án tại chùa Hưng Phúc thì cử hành lễ tạ và cũng là lễ hạ hội theo nghi thức Phật giáo. Đến gần trưa thì đoàn rước của các chùa hồi quy bản tự. Duy có làng Ninh Xá, đoàn rước phải ghé vào Lăng Liên Hoa làm rồi lễ mới được về làng.

Lễ hội Tổng Nam Phù là một lễ hội lớn được tổ chức rất quy mô và hoành tráng, có sự tham gia của rất nhiều Phật tử, tín đồ và nhân dân trong và ngoài vùng. Xen kẽ trong ngày hội có những trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ truyền thống như: hát quan họ, cải lương, chèo, tổ chức thi làng nghề, thi kéo co, chọi gà, thi cờ tướng. Lễ hội tổng Nam Phù từ lâu đã không thể thiếu được trong đời sống văn hóa cộng đồng của cư dân trong vùng, hiện ở đây vẫn truyền tụng bài vè kể về hội của vùng minh rất đặc sắc:

“Đến mùa hoa gạo đỏ tươi

Hàng tổng mở hội giữa thời tháng ba.

Khắp vùng nô nức trẻ già

Trước đi lễ Phật sau là dạo xem

Đám rước chiêng trống vang rền

Cờ xí đi trước, sinh tiền kèn tây

Múa rồng sư tử vui thay

Hội võ múa kiếm, võ tay côn quyền

Chín làng chín kiệu oai nghiêm

Lại thêm hương án bay lên dẹp đường

Kiệu võng hai bên rủ màn,

Uy nghi tán tía lọng vàng che trên

Các già cờ phướn nối liền

Bát âm tấu nhạc càng thêm rộn ràng

Sau khi xem rước hân hoan

Trở về dạo ngắm dinh bàn cờ tiên

Người đi trẩy hội như nêm

Qua dinh “tham thị” kế liền ‘‘quan câu”

Đến dinh “tuần xước” vô hầu,

Chín dinh chín xã một màu phong quang

Nghi môn bát bửu án gian

Lục bình ngũ sự khang trang phụng thờ

Vui nhất là xem đánh cờ,

Có người hát dẫn nước cờ đã đi.

Tướng ông tướng bà chỉnh tề,

Trang phục lộng lẫy kém gì chúa công.

Quân cờ nữ mặc áo hồng,

Áo lam nam mặc, khăn hồng cầm tay.

Trò chơi trình diễn suốt ngày,

Hội treo nhiều giải, nắm tay đua tài.

Có trò dân dã thêm vui,

Thi leo cột mỡ, nơi chơi chọi gà.

Bây giờ mình lại gặp ta,

Khua chum bẳt chạch, cùng là đập niêu.

Trai thanh gái lịch cũng nhiều,

Trống quân đối đáp, dập dìu yến oanh.

Cải lương có rạp Trần Phềnh,

Giao duyên vọng cổ âm thanh mượt mà.

Ban đêm lại đốt pháo hoa,

Vàng xanh tím đỏ hoa cà bay lên.

Điểm vào có pháo thăng thiên,

Tỏa ra rực sáng vút lên bầu trời.

Đường Thông tấp nập ngược xuôi,

Đủ hàng quà bánh chào mời sớm hôm.

Trong chùa ngan ngát hương thơm,

Hát văn truyền tụng công ơn Hai Bà.

Tiếng đàn giọng hát lời ca,

Ngọt ngào trầm bổng hài hòa ngân vang.

Các già làm lễ dâng hương,

Mong được thịnh vượng mọi đường an khang.

Vui sao mở hội chín làng

Cùng với Ninh Xá sửa sang mộ phần.

Tỏ lòng ôn cố tri ân

Trẻ già luôn nhớ đức nhân Hai Bà.

Chân thành ghi chép nôm na,

Bài về kể chuyện quê ta hội Chùa.

Lại Thị Hồng Nguyên