DU LỊCH THANH TRÌ DU LỊCH THANH TRÌ

HỘI LÀNG TỰU LIỆT
Ngày đăng 12/03/2024 | 11:34  | Lượt xem: 812

Thôn Tựu Liệt có ngôi đình thờ Thành hoàng là Bảo Ninh Vương – vốn là một Thủy thần, sau theo học thầy Chu Văn An và đã có công giúp dân trong vùng làm mưa chống hạn. Nhớ công ơn của ngài, hằng năm dân làng Tựu Liệt đều tổ chức lễ hội trọng thể trong ba ngày, từ mùng 3 đến mùng 5 tháng 2 âm lịch. Cứ 5 năm lại tổ chức đại lễ một lần, có rước kiệu; còn lại là hội lệ, tuy không có rước kiệu nhưng vẫn đầy đủ các tuần tế trang nghiêm, thành kính tại đình làng.

Trước mỗi kỳ hội sẽ có một cuộc họp của cả làng để bầu ban tổ chức, phân công công việc cho các tiểu ban, trong đó chủ tế là người quan trọng nhất của một kỳ lễ hội, được lựa chọn cẩn thận. Tiêu chuẩn của làng, chủ tế phải là nam giới đã "lên lão" (tức ngoài 50 tuổi), gia đình nền nếp, có văn hóa, đạo đức, vợ chồng song toàn, con cáí đầy đủ cả nếp, cả tẻ và không vướng vào tang bụi. Trong buôi tế, trang phục của đoàn tế tương đối giống nhau với áo dài, mũ, hia; chỉ khác chủ tế mặc áo đỏ đội mũ đỏ còn những người khác mặc áo tế xanh lam, đội mũ xanh.

Ngày mùng 3 tháng 2 bắt đầu một kỳ lễ hội, buổi sáng tổ chức đón, tiếp khách, múa lân, rồng, biểu diễn văn nghệ quần chúng. Tới 13 giờ chiều bắt đầu làm lễ khai cuông (còn gọi là lễ xin phép), các cụ bắt đầu lau dọn bàn thờ và các đồ thờ tự thật sạch sẽ. Khoảng 3 giờ chiều cho đến tối có biểu diễn văn nghệ, hát quan họ Bắc Ninh trên thuyền rồng ở hồ nước bên cạnh đình. Đến 22 giờ đêm ngày mùng 3, bắt đầu tiến hành lễ mộc dục. Nước để làm lễ phải là nước mưa sạch, được ướp hoa thơm, dùng khăn sạch tắm ngai, bài vị của thần một cách cẩn trọng.

Ngày mùng 4 tháng 2 chính hội, khoảng 8 giờ sáng nghi lễ tế thánh bắt đầu và kéo dài đến khoảng 9 giờ 30 phút thì kêt thúc bằng việc hóa văn tế. Sau đó các gia đình, trong thôn cũng như du khách thập phương được vào đình dâng lễ. Đầu giờ chiều cùng ngày là lễ dâng hương của hai đội nam quan và nữ quan. Lễ vật dâng thánh gồm có hoa quả, xôi và gà. Xen kẽ trong lễ dâng hương có đội múa là nữ, mặc áo dài màu hồng, thắt lưng bỏ múi cạnh sườn múa sênh tiền hầu thánh. Sáng mùng 5 làm lễ tạ đức thánh và kết thúc hội.

Ở lễ hội làng Tựu Liệt, xen kẽ giữa những tuần tế lễ trang nghiêm là những trò chơi dân gian khá náo nhiệt như bắt vịt dưới hồ, ném bóng... thu hút đông đảo nam, nữ thanh niên tham dự.

Ngoài lễ chính, trong một năm ở đình Tựu Liệt còn có nhiều ngày tế lễ khác, tuy thời gian không kéo dài nhưng những buổi lễ này cũng rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân nơi đây: Lễ mừng năm mới diễn ra vào đêm Giao thừa, lễ tại lăng đức thánh vào ngày 14 tháng Giêng, lễ vào hè ngày mùng 1 tháng 4, lễ ra hè ngày mùng 1 tháng 7, lễ giỗ đức thánh ngày 16 tháng 8 và là một lễ chung của nhiều làng trong vùng như Bằng Liệt, Linh Đàm, Pháp Vân, Hữu Thanh Oai...; lễ Đông chí ngày 25 tháng 11, lễ ông Công-ông Táo ngày 23 tháng Chạp...Hằng tháng, vào những ngày sóc, vọng, cụ từ đều thắp hương khấn lễ tại đình.

Như vậy, tuy là cùng thờ chung một vị Thủy thần, nhưng thời gian tổ chức lễ hội ở Tựu Liệt đã khác so với những làng xung quanh. Điều đó đã góp phần tạo nên nét riêng cho lễ hội nơi đây. Bên cạnh đó, việc tổ chức lễ hội cũng là dịp để mọi người dân trong làng có dịp bày tỏ sự kính trọng đối với các thế lực thiêng liêng; thể hiện tấm lòng biết ơn các vị Thành hoàng đã bảo trợ cho làng, đồng thời cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, dân khang, vật thịnh.

Hồng Nguyên_ VHTT