DU LỊCH THANH TRÌ
Ngày 10/10/2024 Cục Di sản Văn hoá thoả thuận Thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích chùa Nhị Châu, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì
Trước đó, Cục Di sản văn hóa nhận được Công văn số 3821/SVHTT-QLDSVH ngày 10/9/2024 của Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội đề nghị thẩm định Thiết kế bản vẽ thi công Dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Nhị Châu, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội (kèm theo hồ sơ).
Sau khi nghiên cứu, Cục Di sản văn hóa có ý kiến như sau: Thỏa thuận Thiết kế bản vẽ thi công tu bổ, tôn tạo di tích chùa Nhị Châu, nội dung: Tu bổ, tôn tạo Tiền đường (02 lớp), Thượng điện, nhà Tổ, nhà Mẫu.
Cục Di sản văn hóa lưu ý:
Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội hướng dẫn chủ đầu tư thành lập Hội đồng đánh giá di tích, thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
Không sử dụng thuật ngữ "Tiền đường ngoại", "Tiền đường nội".
Cần bảo tồn tối đa các cấu kiện gỗ cũ. Giữ nguyên các cấu kiện còn tốt, gia cố, tu bổ cấu kiện gỗ hư hỏng một phần, chỉ thay mới các cấu kiện đã hư hỏng hoàn toàn khi có sự đồng ý của Hội đồng đánh giá di tích.
Sử dụng giải pháp nối - vá - thay cốt ốp mang... để giữ lại toàn bộ các cấu kiện có chạm khắc (không thay mới toàn bộ cấu kiện con chồng 10 vì trục 6, con chồng 9-11 vì trục 8 Tam bảo; câu đầu vì trục 2, con chồng 10 vì trục 3, các quá giang, xà nách nhà Tổ...; chỉnh sửa thiết kế bức cốn làm mới tại nhà Tổ phù hợp với phong cách mỹ thuật của các bức cốn hiện có).
Tái sử dụng tối đa ngói cũ. Khảo sát chân tảng cũ để bảo quản, tái định vị và làm mẫu phục chế; không làm chân tảng cánh sen nếu hiện trạng không có.
Bảo quản, giữ gìn nguyên vẹn các đồ nội thất thờ tự (hoành phi, câu đối, y môn, tượng và các đồ thờ...) trong quá trình thi công.
Chùa thôn Nhị Châu, tên chữ là Pháp Nghiêm Tự, được dựng ở rìa phía tây nam thôn Nhị Châu, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội, hướng chính của chùa là hướng tây nam, cũng là hướng nhìn về sông Tô Lịch
Chùa thôn Nhị Châu, tên chữ là Pháp Nghiêm Tự, được dựng ở rìa phía tây nam thôn Nhị Châu, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội, hướng chính của chùa là hướng tây nam, cũng là hướng nhìn về sông Tô Lịch. Ngoài hướng chính đó, vừa qua ngôi chùa đã mở thêm lối đi từ hướng đông bắc, thuận tiện hơn cho các phương tiện có thể vào chùa. Cũng ở phía cổng sau này, sư trụ trì đã quy hoạch thêm một khu vườn cảnh, trồng nhiều loại hoa, lan, thêm lầu Bát giác (trong đặt tượng Quan Âm Thiên Thủ Nhãn) và bộ tượng Tây Phương Tam Thánh bằng đá khá lớn.
Mở đầu kiến trúc là một Tam quan xây hoàn toàn bằng gạch, vôi vữa, kiểu thượng lâu – hạ cổng, với ba lối vào được làm kiểu vòm cuốn. Bên trong cổng, ở giữa đặt tượng A Di Đà ngồi trên tòa sen, bên trái treo quả chuông đồng, bên phải treo một chiếc khánh đồng. Sau Tam quan, cách khoảng 20m là một giếng mắt rồng khá lớn, hiện đã được lắp lan can đá bao quanh. Tiếp sau giếng nước là khoảng sân chùa có trồng nhiều loại cây cảnh.
Chùa chính có mặt bằng chữ Đinh gồm Tiền đường và Thượng điện năm gian, được dựng trên cấp nền cao hơn sân trước 0,7m, kiến trúc tường hồi bít đốc, hai lớp mái lợp ngói ri. Giữa bờ nóc Tiền đường đắp một cuốn thư, mặt ngoài đắp ba chữ Hán ghi tên chùa; tường hồi Thượng điện đắp hình hổ phù.
Bộ khung kiến trúc của Thượng điện kiểu bốn hàng chân, ở Tiền đường là năm hàng chân với một hàng cột hiên bằng đá phía trước. Tiền đường và Thượng điện, các vì nóc kết cấu kiểu giá chiêng – chồng rường – con nhị. Các vì nách trước gian giữa Tiền đường kiểu cốn mê, còn vì nách gian bên và vì nách sau là kiểu cốn chồng rường; còn ở Thượng điện, vì nách kết cấu kiểu kẻ. Trên thượng lương gian giữa Tiền đường có dòng chữ “Tuế thứ Quý Mùi niên, tứ nguyệt, thập nhất nhật, thìn thời, trùng tu thụ trụ thượng lương đại cát”, cho biết kiến trúc hiện nay của chùa là kết quả lần trùng tu năm Quý Mùi 2003.
Tiền đường gồm năm gian, trừ gian giữa là ban thờ, thông với Thượng điện, hai gian bên liền kề thờ hai pho Hộ Pháp; hai gian ngoài cùng thờ Thánh Tăng và Đức Ông. Thượng điện là ban thờ Phật, cách bài trí có phần hơi khác so với nhiều chùa. Ban thờ chính được bày giữa hai hàng cột cái, gồm bốn lớp: Lớp trên cùng là ba pho Tam Thế Thường Trụ Diệu Pháp Thân. Lớp thứ hai, ở giữa là pho Thích Ca Niêm Hoa ngồi trên đài sen, một tay giơ lên cầm bông sen; hai bên là Văn Thù Bồ Tát và Phổ Hiền Bồ Tát ngồi trên đài sen, hai tay khoanh trước bụng. Lớp thứ ba là bộ Di Đà Tam Tôn với pho A Di Đà ngồi giữa, hai bên là hai pho Quan Âm ngồi trên đài sen, tay cầm Pháp bảo. Ở ba lớp trên, các pho Tam Thế, Thích Ca Niêm Hoa và A Di Đà đều được tạo với kiểu dáng chung: tóc bụt ốc, khuôn mặt tròn, đôn hậu, mắt nhìn xuống, hơi khép hờ, tai to với dái tai dài. Tượng khoác áo cà sa rộng, giữa ngực tượng A Di Đà có một chữ Vạn ngược. Cả bốn pho Bồ Tát ở hàng thứ hai và thứ ba đều được tạo ngồi trên đài sen; hai pho ở trên đầu đội mũ Tỳ lư, mặt ngoài trang trí hoa dây; hai pho hàng dưới đầu đội mũ Thiên quan. Lớp thứ tư là pho Thích Ca Cửu Long. Sát tường hậu Thượng điện, phía bên trái là ban thờ Quan Âm Tống Tử, bên phải là ban thờ Quan Âm Chuẩn Đề có 16 cánh tay, hai tay giơ trước ngực kết ấn Chuẩn đề, 14 cánh tay còn lại cầm Pháp bảo. Dọc hai bên tường hồi Thượng điện là ban thờ Thập Điện Diêm Vương.
Ngoài chùa chính, trong khuôn viên chùa Nhị Châu còn có các công trình phụ trợ khác như nhà Mẫu, nhà Tổ, nhà thờ Bà Chúa. Nhà Tổ nằm phía sau Thượng điện, cũng có kiểu dáng và kết cấu như chùa chính nhưng quy mô lớn hơn với bảy gian ngoài dùng làm nơi tiếp khách, ba gian điện thờ nối với vuông góc với ba gian giữa nhà Khách để thờ Đạt Ma Sư Tổ và các vị sư trụ trì kế đăng. Tại đây treo bức hoành phi: Tổ ấn trùng quang. Điện Mẫu nằm bên trái Tiền đường vừa có ban thờ mẫu, vừa có ban thờ Đức thánh Trần. Bên phải Tiền đường là ban thờ Bà Chúa và ban Địa Tạng.
Ngôi chùa hiện còn giữ được một quả chuông đúc năm Minh Mệnh thứ 10(1829), cùng ba pho Tam Thế, bốn pho Quan Âm, pho Thích Ca Cửu Long, pho Quan Âm Chuẩn Đề mang phong cách nghệ thuật từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX… đã cho phép ta khẳng định, ít nhất vào nửa đầu thế kỷ XIX ngôi chùa đã được hoàn thành để đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân. Sang nửa đầu thế kỷ XX, đặc biệt dưới thời Khải Định đến Bảo Đại (1916-1945) ngôi chùa tiếp tục được tu sửa, bổ sung nhiều hoành phi, câu đối. Ngoài ra chùa Nhị Châu còn lưu giữ được một số bộ cửa võng, tuy niên đại muộn nhưng có giá trị nghệ thuật cao.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa Nhị Châu còn là địa điểm quan trọng của phong trào đấu tranh chống Pháp ở địa phương. Tại Thượng điện của chùa khi đó đã có một căn hầm bí mật cất giấu tài liệu, nuôi dưỡng và bảo vệ cán bộ cách mạng.
Chùa Nhị Châu được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1995
Lại Thị Hồng Nguyên - VHTT