DU LỊCH THANH TRÌ DU LỊCH THANH TRÌ

Chùa Hữu Lê, xã Hữu Hoà, huyện Thanh Trì
Ngày đăng 09/04/2024 | 10:58  | Lượt xem: 1020

Chùa Hữu Lê, xã Hữu Hoà, huyện Thanh Trì được Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội thoả thuận dự án tu bổ, tôn tạo di tích.

Chùa Hữu Lê, xã Hữu Hoà được sở Văn hoá và Thể thao thoả thuận dự án tu bổ tôn tạo gồm các hạng mục: Tam quan, Tam bảo.

Chùa Hữu Lê tên chữ là Thanh Lương tự, Tọa lạc trên khu đất rộng nhìn theo hướng Tây, ven sông Nhuệ thuộc địa bàn thôn Hữu Lê, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội.

                                                                                 Tam quan chùa 

Căn cứ vào niên đại di vật tại di tích như quả chuông có niên đại Cảnh Thịnh năm thứ 2 (1794), tấm bia niên đại Tự Đức năm thứ 35 (1882), có thể chắc chắn đến cuối thế kỷ XVIII, ngôi chùa đã được xây dựng. Tới nay, chùa đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa: năm 2005, sửa mái Tiền đường và Thượng điện. Năm 2006, tu sửa nhà Mẫu. Các hạng mục chính gồm: Cổng, Tiền đường và Thượng điện, nhà Tổ, nhà Mẫu, diện tích 5.267m2.

          Cổng chùa làm hơi chếch về phía bên trái, gồm một lối đi, mái kiểu chồng diêm giả ngói ống. Qua cổng là sân rộng lát gạch, có xây một giếng tròn khá lớn tạo thế cân bằng sinh khí cho di tích, phía bên phải là khu tháp mộ sư và vườn chùa.

          Tiền đường chồng diêm, hai tầng tám mái, nền lát gạch đỏ. Mặt trước Tiền đường mở cửa bức bàn, các gian đầu hồi xây tường, các cột hiên bằng đá xanh, chạm khắc hoa lá. Lòng nhà ba gian khá rộng, bộ khung cột gỗ, kết cấu các vì theo kiểu chồng rường, vì nách bán giá chiêng chồng rường, bẩy. Thượng điện nối thông với Tiền Đường, gồm ba gian dọc, khung đỡ mái cũng làm thống nhất theo kiểu vì kèo quá giang trốn cột. Tường hồi bên phải treo chuông đồng niên đại Cảnh Thịnh năm thứ 2 (1794), dưới một bia đá có niên đại Tự Đức năm thứ 35 (1882), phía dưới tấm bia là phù điêu thờ hậu ông Vũ Văn Đạt và bà Đinh Thị Khổng, người đã cúng tiền để xây dựng Tam quan chùa.

          Tiền đường bài trí bộ tượng Đức Ông và Già Lam – Chân Tể; Thánh Tăng và Diệm Nhiên – Đại Sỹ, hai pho Kim Cương nhỏ.

                                                                                   sân chùa

Thượng điện bài trí các lớp tượng: Tam Thế, Di Đà Tam Tôn, Thích Ca Niêm Hoa (hai bên là hai vị Tiên cô). Phía hai bên sườn Thượng điện bài trí bộ tượng Thập Điện Diêm Vương; Thổ Địa và Giám Trai.

Nhà Tổ năm gian, tường hồi bít đốc nằm song song với chùa chính, bộ khung vì kiểu chồng rường, giá chiêng, không có các họa tiết trang trí. Nhà Mẫu ba gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, các bộ vì làm theo kiểu thượng chồng rường con nhị, hạ chồng rường, chất liệu bê tông

                                                                            Nhà Tổ 

  Tuy trải qua thời gian lâu dài với nhiều biến động của lịch sử, song đến nay chùa vẫn lưu gữ được nhiều hiện vật có giá trị, tiêu biểu như 27 pho tượng Phật thời Nguyễn, trong đó một số pho đạt giá trị tương đối cao về nghệ thuật điêu khắc như các pho Tam Thế, A Di Đà, Thích Ca. Đặc biệt phải kể đến là hai pho tượng hậu dạng phù điêu được tạc với các đường nét đậm chất dân gian, đầu phủ khăn kín gáy, khuôn mặt tròn, bầu, phúc hậu, niên đại khoảng thế kỷ XVIII.

          Tuy không có nhiều nét thật độc đáo song chùa Hữu Lê vẫn là một trong những ngôi chùa tiêu biểu cho chùa Việt ở đồng bằng Bắc Bộ giai đoạn thời Nguyễn, chùa Hữu Lê đã được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa năm 2007. Ngày 04/4/2024 chùa Hữu Lê được Sở Văn hoá và Thể thao thoả thuận dự án tu bổ tôn tạo gồm các hạng mục: Tam quan, Tam bảo.

                                                                                                                                           Hồng Nguyên - VHTT