DU LỊCH THANH TRÌ
Chùa Hữu Lê, xã Hữu Hoà, huyện Thanh Trì được Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội thoả thuận chuyên ngành thiết kế bản vẽ thi công Dự án tu bổ, tôn tạo di tích, bao gồm nội dung: tu bổ, tôn tạo Tam quan, Tam bảo, hệ thống điện, phòng chống mối công trình, PCCC, nhà bao che bảo quản.
CHÙA HỮU LÊ
Chùa Hữu Lê, xã Hữu Hoà, huyện Thanh Trì được Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội thoả thuận chuyên ngành thiết kế bản vẽ thi công Dự án tu bổ, tôn tạo di tích.
Chùa Hữu Lê, xã Hữu Hoà, huyện Thanh Trì được Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội thoả thuận chuyên ngành thiết kế bản vẽ thi công Dự án tu bổ, tôn tạo di tích, bao gồm nội dung: tu bổ, tôn tạo Tam quan, Tam bảo, hệ thống điện, phòng chống mối công trình, PCCC, nhà bao che bảo quản.
Tuy nhiên Sở Văn hoá và Thể thao lưu ý một số nội dung sau:
Đối với phương án tu bổ Tam quan: Các chi tiết nề ngõa, hoa văn trang trí cần được gia cố, trám vá phần bong tróc, màu sắc đảm bảo tính xác thực và hài hòa chung trong tổng thể di tích. Các chữ Hán như: Thanh Long tự, minh nguyệt, thanh phong, sử dụng màu sắc phù hợp kiến trúc chùa truyền thống.
Đối với hạng mục Tam bảo:
Tính toán kỹ lưỡng cốt sân và cốt nền Tam bảo để đảm bảo tương quan với cốt nền nhà Tổ, tránh sự chênh lệch quá lớn về cao độ nền, mái giữa hai hạng mục và phù hợp với kết cấu kiến trúc chồng diêm hệ mái; cao độ từ mặt thềm tu bổ đến mặt nền Tam bảo qua bậc ngũ cấp mỗi bậc chỉ 0,15 m, tổng 0,75 m (bản vẽ mặt cắt dọc tổng thể tu bổ - MCDTT 02).
Điều chỉnh chi tiết lát nền mạch chữ công không chiếu vào ban thờ (Bản vẽ mặt bằng chân tảng, lát nền, TBNTB 01).
Bảo tồn nguyên vẹn các cấu kiện có trang trí chạm khắc như: con chồng, bảy hiên không thay mới, chỉ áp dụng biện pháp tu bổ để bảo tồn. + Bảo tồn tối đa các cấu kiện kiến trúc, gia cố tu bổ cấu kiện gỗ cổ, gỗ cũ còn tốt, chỉ thay thế các cấu kiện hư hỏng khi có ý kiến thống nhất của Hội đồng đánh giá di tích. Tái sử dụng tối đa ngói, gạch cũ, tái định vị các chân đá tảng có 2 giá trị cần bảo tồn. Bảo quản nguyên vẹn đồ thờ, hiện vật. Không sơn PU lên bề mặt gỗ.
Nghiên cứu điều chỉnh tiết diện ván bịt đầu dĩ hạn chế mưa hắt vào trong di tích; cấu kiện chống xà lòng không chạm đầu rồng mà điều chỉnh hoa văn vân mây (Bản vẽ cấu tạo kẻ dĩ hạ TBNTB: 30).
Cửa CD3 điều chỉnh thiết kế từ cửa bức bàn cánh kín sang hình thức cửa thượng song hạ bản tạo thông thoáng di tích.
Bổ sung bản vẽ nội thất, sơ đồ bài trí hiện vật, hiện trạng và phương án tu bổ các ban thờ.
Hoàn thiện hồ sơ theo các nội dung đã góp ý nêu trên và tổ chức phê duyệt theo qui định hiện hành.
Công khai nội dung thiết kế đã phê duyệt tại UBND xã Hữu Hòa và di tích để tạo sự đồng thuận trước nhân dân.
Chuẩn bị các điều kiện và thực hiện thi công tu bổ, tôn tạo di tích theo quy định tại các Điều: 15, 16, 17, 18 Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch qui định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và các văn bản khác có liên quan.
Lựa chọn đơn vị thi công, đơn vị giám sát đủ năng lực để thực hiện tốt dự án, đảm bảo công tác bảo tồn Di sản.
Chỉ khởi công khi đảm bảo các thủ tục, quy trình tu bổ di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Chùa Hữu Lê tên chữ là Thanh Lương tự, Tọa lạc trên khu đất rộng nhìn theo hướng Tây, ven sông Nhuệ thuộc địa bàn thôn Hữu Lê, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội.
Căn cứ vào niên đại di vật tại di tích như quả chuông có niên đại Cảnh Thịnh năm thứ 2 (1794), tấm bia niên đại Tự Đức năm thứ 35 (1882), có thể chắc chắn đến cuối thế kỷ XVIII, ngôi chùa đã được xây dựng. Tới nay, chùa đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa: năm 2005, sửa mái Tiền đường và Thượng điện. Năm 2006, tu sửa nhà Mẫu. Các hạng mục chính gồm: Cổng, Tiền đường và Thượng điện, nhà Tổ, nhà Mẫu, diện tích 5.267m2.
Cổng chùa làm hơi chếch về phía bên trái, gồm một lối đi, mái kiểu chồng diêm giả ngói ống. Qua cổng là sân rộng lát gạch, có xây một giếng tròn khá lớn tạo thế cân bằng sinh khí cho di tích, phía bên phải là khu tháp mộ sư và vườn chùa.
Tiền đường chồng diêm, hai tầng tám mái, nền lát gạch đỏ. Mặt trước Tiền đường mở cửa bức bàn, các gian đầu hồi xây tường, các cột hiên bằng đá xanh, chạm khắc hoa lá. Lòng nhà ba gian khá rộng, bộ khung cột gỗ, kết cấu các vì theo kiểu chồng rường, vì nách bán giá chiêng chồng rường, bẩy. Thượng điện nối thông với Tiền Đường, gồm ba gian dọc, khung đỡ mái cũng làm thống nhất theo kiểu vì kèo quá giang trốn cột. Tường hồi bên phải treo chuông đồng niên đại Cảnh Thịnh năm thứ 2 (1794), dưới một bia đá có niên đại Tự Đức năm thứ 35 (1882), phía dưới tấm bia là phù điêu thờ hậu ông Vũ Văn Đạt và bà Đinh Thị Khổng, người đã cúng tiền để xây dựng Tam quan chùa.
Tiền đường bài trí bộ tượng Đức Ông và Già Lam – Chân Tể; Thánh Tăng và Diệm Nhiên – Đại Sỹ, hai pho Kim Cương nhỏ.
Thượng điện bài trí các lớp tượng: Tam Thế, Di Đà Tam Tôn, Thích Ca Niêm Hoa (hai bên là hai vị Tiên cô). Phía hai bên sườn Thượng điện bài trí bộ tượng Thập Điện Diêm Vương; Thổ Địa và Giám Trai.
Nhà Tổ năm gian, tường hồi bít đốc nằm song song với chùa chính, bộ khung vì kiểu chồng rường, giá chiêng, không có các họa tiết trang trí. Nhà Mẫu ba gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, các bộ vì làm theo kiểu thượng chồng rường con nhị, hạ chồng rường, chất liệu beetoong.
Tuy trải qua thời gian lâu dài với nhiều biến động của lịch sử, song đến nay chùa vẫn lưu gữ được nhiều hiện vật có giá trị, tiêu biểu như 27 pho tượng Phật thời Nguyễn, trong đó một số pho đạt giá trị tương đối cao về nghệ thuật điêu khắc như các pho Tam Thế, A Di Đà, Thích Ca. Đặc biệt phải kể đến là hai pho tượng hậu dạng phù điêu được tạc với các đường nét đậm chất dân gian, đầu phủ khăn kín gáy, khuôn mặt tròn, bầu, phúc hậu, niên đại khoảng thế kỷ XVIII.
Tuy không có nhiều nét thật độc đáo song chùa Hữu Lê vẫn là một trong những ngôi chùa tiêu biểu cho chùa Việt ở đồng bằng Bắc Bộ giai đoạn thời Nguyễn, chùa Hữu Lê đã được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa năm 2007.
Lại Thị Hồng Nguyên - VHTT