DU LỊCH THANH TRÌ DU LỊCH THANH TRÌ

Chùa Dâu được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thẩm định Dự án tu bổ tôn tạo Di tích.
Ngày đăng 08/10/2024 | 07:10  | Lượt xem: 492

Ngày 23/9/2024, Chùa Dâu được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thẩm định Dự án tu bổ tôn tạo Di tích

 

Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được Tờ trình số 273/TTr-UBND ngày 12/8/2024 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc đề nghị thẩm định Dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Dâu, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội (kèm theo hồ sơ Dự án, Biên bản Hội nghị ngày 15/7/2024 về việc lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư đối với hồ sơ thiết kế cơ sở Dự án).

Sau khi nghiên cứu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến thẩm định như sau: Thỏa thuận Dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Dâu, nội dung: Dịch chuyển vị trí và tu bổ Tam bảo, miếu thờ Pháp Vũ; hệ thống hạ tầng kỹ thuật (sân vườn, cấp điện, cấp thoát nước, phòng cháy chữa cháy).

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lưu ý đối với việc tu bổ Tam bảo:

 Cần bảo tồn tối đa các cấu kiện gỗ cũ, cấu kiện có ký tự và toàn bộ cấu kiện có chạm khắc.

 Không thay mới hệ xà, kẻ, cốn, vách trang trí ở phần hiên... và cấu kiện còn tốt bên trong Tam bảo (bổ sung bản vẽ phân tích giải pháp lắp dựng lại các cấu kiện này và các y môn, cửa võng trên hệ cột mới).

 Khảo sát, đánh giá giá trị các ô hộc, tranh tường, chi tiết trang trí nề ngõa để có giải pháp gông bó, tái định vị. Tái sử dụng toàn bộ chân tảng cũ, bó thềm đá (nếu có). Tận dụng tối đa ngói cũ.

 Lược bỏ chi tiết kìm mái vì đã có trụ đấu; điều chỉnh cửa sổ chữ Thọ thành cửa sắc - không.

Không treo đèn vào các thượng lương.

Bảo quản, giữ gìn nguyên vẹn các đồ nội thất thờ tự (cửa võng, hoành phi, câu đối, hương án, các đồ thờ...) trong quá trình thi công để sắp xếp lại.

 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến, đồng thời đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan công khai nội dung tu bổ, tôn tạo di tích trước Nhân dân để tạo sự đồng thuận và triển khai các bước tiếp theo theo quy định hiện hành.

Thượng Phúc là một trong bốn thôn của xã Tả Thanh Oai với Siêu Quần, Tả Thanh Oai và Hữu Thanh Oai thuộc huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Vào thời Lê, các tên làng Kẻ Gùn (Quần Cư - Siêu Quần), Tả Tó (Hoa Xá), Hữu Thanh Oai, Kẻ Hạ (Thượng Phúc) thuộc phủ Ứng Thiên, Trấn Sơn Nam Thượng. Chùa Dâu ở phía cuối thôn Thượng Phúc của xã.

Quần thể Đình - đền - chùa ở Thượng Phúc đều thờ bà Hồ Thuận Nương, vợ vua Trần Minh Tông (1314 - 1329). Bà đã từng về đây lánh nạn khi quân Chiêm Thành cướp phá Thăng Long. Bà tu ở chùa Bảo Tháp rồi sau xây chùa Dâu (Phúc Khê tự). Bà Thuận Nương trở thành thành hoàng của làng Thượng Phúc và câu chuyện kể về bà lưu truyền trong dân gian cũng giống như bà chùa Hến của làng Tó hay chuyện cô Tấm trong cổ tích.

Chùa Dâu nằm ở cuối làng, là nơi hội tụ của dân Ngũ Phúc, Khê Lương và Khê Tang nên còn gọi là Phúc Khê tự. Đây vẫn là Kẻ Hạ, Trang Hạ xưa và Thượng Phúc ngày nay. Theo truyền tụng, chùa Dâu ra đời vào thời Trần nhưng am chùa Dâu có từ thời Lý để thờ thần Pháp Vũ, mong mưa thuận gió hoà cho mùa màng tươi tốt. Nơi đây còn lưu truyền một truyền thuyết: Một năm vào triều Lý Cao Tông, mưa lũ tràn đầy sông Nhuệ cuốn trôi về đây pho tượng gỗ Đức ngài Pháp Vũ dạt vào bờ Khe Hạ (khu vực chùa Dâu, Phúc Khê). Nước cứ trôi, tượng gỗ thì dừng lại, chống lại dòng nước hung dữ. Trẻ chăn trâu trông thấy pho tượng phát ra ánh hào quang lấy làm lạ, hò nhau vớt tượng lên bờ, lấy gạch đá kê cho pho tượng đứng lên ngay ngắn. Tượng đức ngài linh thiêng. Ngài quý trẻ mục đồng, phù trợ cho chúng. Trẻ chăn trâu dưới trời nắng gắt vẫn không bị nhức đầu, khát nước, uống nước lã trong chùa vẫn không sao. Những năm hạn hán, dân lập đàn tế lễ cầu mưa. Ngài giúp dân làm mưa, giúp dân trong sản xuất nông nghiệp, tạo lập cuộc sống tốt lành.

Chùa Dâu nằm bên dòng sông Nhuệ, nơi mà xưa kia có cây cầu gọi là Khê Lương Kiều nối phía tả là Trang Hạ với phía hữu là Khê Lương, Khê Tang. Tổng thể kiến trúc của chùa gồm chùa chính (tiền đường và hậu cung), bên trái là nhà bia, nhà thờ Mẫu, bên phải là am thờ thần Pháp Vũ.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Chùa Dâu (Phúc Khê Tự) có gác chuông để trên Tam quan. Chuông đánh vang vọng cả một vùng Thượng Phúc, Khê Lương, Cự Khê và Kê Tang. Đồng thời chuông chùa điểm canh cho thuyền bè qua lại và sinh hoạt của người dân. Dân trong vùng còn dựng cầu Khê Lương nối từ tả Trang Hạ với phía hữu là Khê Lương, Khê Tang rồi sang Cự Khê, Khúc Thủy. Đầu cầu, bên gốc đa của chùa dựng hai bia đá. Bia ghi nhận sự kiện liên quan đến cầu, địa danh nơi đây và chùa. Trán bia chạm hoa văn rồng chầu mặt trời, chân bia đặt trên lưng rùa đá đang bơi trên sóng thủy triều. Hàng chữ ghi ngang mặt bia: “Khê Thượng kiều bi” (bia cầu Khê Thượng)”.

Hai tấm bia ghi Khê Tang kiều bi (bia cầu Khê Tang) ghi việc quyên tiền của nhà chùa để xây cầu đá qua sông, do các tín chủ thành tâm đóng góp. Nay hai tấm bia đã được quỹ công đức chuyển và xây nhà bia, dựng lại phía trái của chùa. Bia do Nguyễn Hoàng Nhuận, tiến sĩ Cẩn sự Lang Hàn Lâm Hiệu lý, người Thanh Oai soạn. Bia có 32 dòng ghi kín từ trên xuống những tên, họ và số tiền công đức xây cầu đá, khoảng 1600 chữ viết thảo. Mặt sau của bia còn lại rất ít chữ. Một tấm bia khác thì có rất ít chữ ở mặt trước, mặt sau không khắc. Song nhìn vào hoa văn trên trán bia, diềm và chân bia cho thấy hai tấm bia cầu đá này có cùng thời. Trán bia là hai rồng chầu mặt trời như trong Đại Việt sử kí toàn thư miêu tả, ngoài ra còn có hai vòng tròn, xung quanh là những đao thẳng bay ra tạo mây và rồng uốn khúc rõ cả chân và móng vuốt. Diềm bia là những vân xoắn tạo thành, chân bia chạm hình sóng hình chữ S và các đao mác toả ra.

Dáng chung của hai bia đều có trán thấp, các hoa văn khắc trên bia mang nét nghệ thuật ở thời Mạc. Bia ghi niên hiệu Sùng Khang 7 (1572), đời Mạc Mậu Hợp.

Sớm hơn hai tấm bia đời Mạc vừa nêu là tấm bia hậu Phật còn lưu giữ trong chùa Dâu. Bia có niên đại Hồng Đức thứ 4 (1473), đời vua Lê Thánh Tông. Đây là một tấm bia hậu Phật có niên đại cổ nhất từ trước đến nay mà chúng ta được biết. Tấm bia nay đã có tới 530 tuổi. Bia với nội dung nêu việc tín chủ phát tâm công đức, cúng tiến cửa Phật, rồi đưa vong  của thân nhân gởi nhờ cửa Phật. Dòng đầu của văn bia còn khắc rõ địa danh nơi đây cùng niên đại ra đời. Cuối bia có dòng chữ "Tuế thứ Quý Tị niên, thất nguyệt, sơ nhất nhật, ngự dụng Lam San, Thư cục Lê Năng khắc".

Tấm bia hậu Phật ở chùa Dâu (Phúc Khê tự) không chỉ có niên đại cổ nhất mà còn ghi đậm những dấu ấn nghệ thuật chạm khắc rất tinh xảo thời Lê Sơ.

Toàn bộ trán và hai diềm bia đều chạm những vân tròn hở, mang yếu tố Âm hoặc Dương chưa được kết hợp. Nó là một vùng biểu tượng ở một vùng trời rất nguyên sơ, đồng thời qua đó cho thấy được nguồn phát sáng mà nghệ nhân gửi vào nét chạm. Hội tụ của các nguồn sáng ở chính tâm tạo thành một bông hoa như sự hoá thân của Mặt trời. Đế bia tạo thành một bông sen nở.

Tượng Phật trong chùa được tạo tác đẹp, nhiều tượng mang nét nghệ thuật ở thế kỉ XVIII như tượng Tam Thế Phật. Những pho tượng trong chùa làm bằng chất liệu gỗ, đồng, đất đều sơn son thếp vàng, mang đậm phong cách dân gian, thể hiện tài khéo léo của các nghệ nhân xưa. Tất cả toát lên một thế giới thiền định, nêu rõ tính chủ đạo của chùa đề cao công đức, uy linh của đạo phật. Các tượng đều rút ngắn chiều cao, nhấn mạnh đặc điểm, chủ đề của nhân vật tượng. Như tượng Thích Ca niệm hoa, tay “Vô úy phật” được kéo dài gần hết đài sen, làm rõ sức thuyết pháp, yểm triệt tà ma. Các đầu tượng phật phán quan đều to, đề cao phần trí và tâm, thân tượng nở nang, y phục đơn giản, toát phong thái khai mở tâm đức. Tượng A-Di-Đà tọa sen đường bệ, gợi tỏa nguồn sáng “Tân-Trí-Đức” bất tận.

Một đặc điểm nổi bật của chùa Dâu Phúc Khê là đề cao đạo đức, tâm đức, công đức. Trước Tam bảo chùa treo tấm hoành phi “Công đức vô lượng”, hoành phi ghi tại tượng Đức ông là “Chính trực, Bia đá, Niên nguyệt Nhật trường”, ca ngợi đạo đức Cao Minh Chính Thánh Vương… Ngoài ra, trong chùa còn có những câu đối đề cao công đức, sự cảm hoá của đạo phật.

Chùa Dâu (Phúc Khê tự) đã được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hoá năm 2003.

                                             Lại Thị Hồng Nguyên - VHTT