DU LỊCH THANH TRÌ DU LỊCH THANH TRÌ

Đình Nhân Hoà được UBND huyện Thanh Trì phê duyệt dự án tu bổ tôn tạo di tích
Ngày đăng 20/12/2024 | 16:06  | Lượt xem: 63

Ngày 26/11/2024, UBND huyện Thanh Trì đã có Quyết định số 5997/QĐ-UBND phê duyệt dự án tu bổ tôn tạo di tích đình Nhân Hoà, xã Tả Thanh Oai.

 

UBND huyện Thanh Trì phê duyệt dự án tu bổ di tích đình Nhân Hoà, thôn Nhân Hoà, xã Tả Thanh Oai gồm các hạng mục :

Tu bổ Bình phong:

Hạ giải Bình phong hiện trạng, tu bổ tôn tạo Bình phong tại vị trí cũ, tường xây gạch đặc, hoạ tiết hoa văn được đắp nổi bằng vữa truyền thống, hoàn thiện quét 3 nước màu ghi sáng.

* Tu bổ, tôn tạo Nghi môn:

Hạ giải Nghi môn hiện trạng từ thân đến móng. Tu bổ, tôn tạo Nghi môn với quy mô và hình thức kiến trúc tương đồng. Phía dưới giằng cột BTCT, trụ lớn đắp tứ phượng, trụ bé đắp nghê chầu. Hai bên cổng phụ có mái đắp vữa giả ngói ống. Đắp mới ngựa chầu ở tường cánh phía trong thay thế bia công đức. Nội dung chữ được đắp lại theo hiện trạng. Hoàn thiện quét vôi vè 3 nước màu ghi sang.

* Tu bổ, tôn tạo Đại đình (Đại bái và Hậu cung):

Dựng nhà bao che bằng khung sắt tại vị trí hiện tại khi hạ giải để bảo quản các cấu kiện gỗ trong suốt quá trình thi công. Tiến hành đánh số các cấu kiện và phân loại các cấu kiện còn tốt, hỏng cục bộ, và hư hỏng nặng. Đưa ra các biện pháp tu bổ, sửa chữa phù hợp cho từng cấu kiện như giữ nguyên gốc, nối vá, đóng cốt, ốp mang, thay mới... Nối chân, đóng cốt các cột còn tốt, thay mới các cột bị hư hỏng nặng, cong vẹo, kích thước nhỏ, bổ sung cột bị mất...

Thay mới, bổ sung 100% xà thượng, xà hạ, hệ thống tàu mái, lá mái, rui mái... hoành mái thay mới 100%. Thay mới hệ thống cửa gỗ kiểu thượng song hạ bản và bức bàn, cửa hậu cung giữ lại. Gỗ đưa vào tu bổ (thay mới, nối vá, đóng cốt...) là gỗ lim nhập khẩu loại 1. Tất cả các cấu kiện gỗ sau khi gia công, tu bổ sẽ được xử lý hóa chất chống mối mọt trước khi lắp dựng. Mái lợp ngói mũi hài phục chế trong đó thay mới 70% và tận dụng ngói cũ 30%, lớp dưới lợp ngói lót thay mới 100%. Thay thế hàng cột quân trục D bằng cột gỗ do quá trình tu sửa các lần trước đây thiếu kinh phí nên xây cột gạch thay thế. Mở rộng hậu cung mỗi bên 81cm để phù hợp với công trình chữ đinh có kẻ xối truyền thống ăn nhập kiến trúc Đại bái. Tu bổ, tôn tạo Hậu cung hệ khung cột, vì kèo gỗ, hoa văn họa tiết vì kèo giống Đại bái (bộ vì kèo kiểu chồng rường và các bức cồn giữ lại tu bổ).

Xây mới hệ thống móng và tường bao bằng gạch; dầm, giằng, trụ bằng BTCT. Tường xây gạch đặt, trong và ngoài nhà hoàn thiện quét vôi ve 3 lớp màu ghi sáng; (phun chống mối tường trước khi quét). Kê kích gia cố hệ móng chân tảng đá bằng BTCT M200#. Hệ chân tảng đá kiểu cổ bồng giữ lại. Bờ nóc mái, bờ dải, bờ chảy, kìm nóc, đấu nóc... được đắp trát tạo hình bởi nghệ nhân có tay nghề cao trong lĩnh vực. Nền lát gạch gạch bát 30x30x5cm, lát nhà trong, ngoài được xử lý rải thuốc chống mối chuyên dụng. Cốt nền nhà sau khi tu bổ, tôn tạo cao hơn nền sân 45cm. Làm mới hệ thống cấp điện, thiết bị điện chiếu sáng, lắp bình bọt cứu hỏa và tiêu lệnh phòng cháy chữa cháy.

         Xưa, Nhân Hòa gọi là trang Lã Xuyên hay ‘’Kẻ Lã’’, thuộc tổng Thanh Oai, phủ Ứng Hòa, đạo Sơn Nam. Theo các cụ cao niên, đình được dựng trên một khu đất đẹp, là bành một con voi lớn. Ngôi đình hiện nay tuy không quá đồ sộ, nguy nga, song vẫn giữ nguyên nét cổ kính do sự bảo vệ, bảo quản tốt của nhân dân.

        Đình thờ hai vị thần là: Triệu Lã phi trinh tiết hiền hạnh Hoàng hậu cùng Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng. Về Đông Hải Đại Vương, thần tích tại đình làng có ghi: Từ nhỏ, Đoàn Thượng đã chăm học, giỏi giang, năm 16 tuổi đã thi đỗ Thái học sinh, được bổ làm Phó chỉ huy sứ. Khi nhà Lý suy vong, ông đã quyết không thờ hai vua. Vua Trần giao cho tướng Lê Thụ đi chinh thảo. Đoàn Thượng bị thương nặng nên đã cùng chư tướng trẫm mình xuống Biển Đông vào ngày 12 tháng 8. Đến thời vua Trần Thái Tông, ông được truy lễ và phong sắc là ‘’Đông Hải Đại Vương thượng đẳng thần’’ vì đã giữ tiết trung quân.

     Về Triệu Lã Hoàng hậu, thần phả viết: Xưa vào triều Lý có một người họ Triệu, tên Thương, vợ là Phan Thị Hiền, từng làm việc thiện, sống cảnh phong lưu đầm ấm. Vào ngày 10 tháng Giêng, bà năm mộng thấy thần linh đến bảo: Nhà bà ăn ở phúc đức, trời cho sinh quý nữ. Vể sau, bà có mang và sinh được một con gái, đặt tên là Lã, rất xinh đẹp. Năm Lã Nương 16 tuổi, một hôm theo cha tới Tây Hồ chơi, gặp được nhà vua. Vua cảm sắc đẹp, đã sánh hỏi về làm thứ phi. Bà thọ 72 tuổi thì qua đời, được nhà vua phong tặng Hoàng Thái hậu đại vương.

      Đình Nhân Hòa trước không có Nghi môn. Trong dịp trùng tu gần đây, Nghi môn đình đã được dựng theo thiết kế truyền thống với trụ biểu lớn. nhỏ tạo thành các lối vào di tích. Đồng thời, cũng tôn tạo thêm một Phương đình dạng hai tầng tám mái ngay trước Đại bái. Các trụ biểu đều có câu đối chữ Hán.

    Khu kiến trúc trung tâm với Đại bái và Hậu cung kết cấu mặt bằng kiểu chữ Đinh về cơ bản qua trùng tu vẫn giữ được nét cổ kính xưa.

       Đại bái đình là một nếp nhà ba gian, tường hồi bít đốc, tay ngai trụ biểu, mái lợp ngói ta. Các bộ vì bên trong được làm theo hai kiểu thức: thượng giá chiêng, chồng rường, kẻ nách, bẩy hiên ở vì gian giữa và thượng cốn mê, vì nách ván mê, bẩy hiên ở vì hồi. Trang trí chạm khắc tập trung ở các con rường, các đấu kê và cốn, ván mê với các đề tài lá lật, hoa văn triện móc rất khéo léo. Thượng lương Đại bái ghi ‘’Hoàng triều Bảo Đại nhị thập niên, tuế thứ Ất Dậu, ngũ nguyệt sơ thập nhật, lương thời, thụ trụ thượng lương đại cát vượng’’( Dưng trụ chồng nóc vào giờ tốt ngày mồng 10 tháng 5 năm Ất Dậu, năm thứ 20 niên hiệu Bảo Đại – 1945).

     Hậu cung gồm hai gian dọc, được nối từ gian giữa Đại bái vào sâu bên trong, một tầng hai mái chảy, lợp ngói ta. Các bộ vì bên trong làm theo kiểu vì kèo quá giang trốn cột. Riêng bộ vì gian ngoài được làm thượng cốn mê, hạ ván mê với các trang trí chạm khắc tứ linh rất sinh động, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX.

        Không gian Hậu cung là nơi tôn nghiêm, có đặt long ngai, bài vị hai vị Thành hoàng làng cùng nhiều đồ tế khí khác, niên đại tạo tác thế kỷ XVIII. Bài vị thứ nhất ghi: Triệu Lã phi Hoàng thái hậu, bài vị thứ 2: Suy Đông Hải Đại Vương, đều là di vật của thời Lê Trung Hưng.

        Theo tư liệu hiện còn tại di tích, muộn nhất đến thế kỷ XVII, ngôi đình đã được xây dựng. Đến những năm nửa sau thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, đình đã được trùng tu, sửa chữa nhiều lần. Năm Ất Dậu 1945, chuyển đình về thờ chung với miếu. Năm 1848 đình bị bom đạn hư hỏng nặng. Năm 1958, đình phục vụ kháng chiến, các đồ thờ được đưa về bảo quản tại chùa. Năm 1992, sau khi được xếp hạng thì dựng cột hoa biểu, xây bức bình phong. Năm 2005, phục dựng Phương đình, mở rộng khuôn viên. Năm 2009, trùng tu Đại bái, chỉnh trang sân vườn… Đây là những nỗ lực lớn của chính quyền và nhân dân địa phương để bảo lưu một số di sản văn hóa quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với đời sống tâm linh của nhân dân nơi đây. Ngôi đình còn giữ được nhiều di vật quý có niên đại thời Lê – Nguyễn như thần phả, kiệu, quả mũ, mũ áo thánh, lục bình, quán tẩy, bát bửu… đặc biệt là 38 đạo sắc phong, trong đó sớm nhất là sắc có niên đại Đức Long năm thứ 4 (1632). Đình Nhân Hòa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1992.

Lại Thị Hồng Nguyên - VHTT