DU LỊCH THANH TRÌ DU LỊCH THANH TRÌ

Đình làng Yên Mỹ
Ngày đăng 01/03/2024 | 17:10  | Lượt xem: 715

Đình Yên Mỹ từ xa xưa đã là một ngôi đình nổi tiếng trong vùng với quy mô kiến trúc bề thế. Nhân dân làng Yên Mỹ đã không tiếc tài vật hưng công tân tạo, tu bổ để vào cuối triều Nguyễn, ngôi đình có quy mô lớn như hiện nay.

Đình Yên Mỹ thờ ngài Cao Sơn Đại Vương, một hóa thân của đức Tản Viên Sơn Thánh. Trong tâm thức dân gian, ngài là biểu tượng của sự trường tồn bất diệt, là sinh khí và sức mạnh vô song luôn chảy trong huyết quản mỗi người con đất Việt. Trải từ thế hệ này sang thế hệ khác, Đức Thánh Tản, Cao Sơn và Quý Minh Đại Vương luôn được nhân dân thờ phụng ở hầu khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ với tư cách là một anh hùng văn hóa.

Theo thần tích, Cao Sơn Đại Vương đã được nhân dân làng Yên Mỹ thờ phụng từ rất lâu đời, trải các triều đều được ban cấp sắc phong cho nhân dân Yên Mỹ thờ phụng mãi mãi và ngài trở thành vị Thành hoàng bảo hộ tinh thần cho làng Yên Mỹ qua nhiều thời đại. Ngày 16 tháng 3 âm lịch chính là ngày hội của làng Yên Mỹ nhằm tưởng nhớ công lao của ngài đối với dân với nước và với dân làng Yên Mỹ xưa và nay.

Công tác chuẩn bị hội làng Yên Mỹ rất cẩn trọng, từ lễ vật dâng lên Thành hoàng làng cho đến các thành viên ban tế và văn tế. Bởi theo quan niệm của nhân dân làng Yên Mỹ, việc chuẩn bị chu đáo mọi công đoạn chính là thể hiện lòng thành kính đối với Thành hoàng, và từ đó Thành hoàng làng ban cho nhân dân sức khỏe, mùa màng bội thu.

Tương truyền, hội đình Yên Mỹ xưa kia tổ chức vào ngày 11 tháng Giêng và 17 tháng 3. Có nhiều trò chơi và cuộc đua tài như bắt vịt, đi cầu bệp bênh, đập nồi đất, vui nhất là hội nấu cơm thi. Người dự thi phải có tinh thần đồng đội cao và cả trí thông minh nữa. Xưa quy định cho bốn giáp lo liệu, mỗi giáp cử người như sau: bốn người xay thóc giã  gạo, hai người kéo lửa  (bằng cật cây giang hoặc nứa), một người chạy lấy nước, một ngưòi dần sàng, hai người nấu cơm. Theo lệ, người dự thi chít khăn xanh, đỏ, vàng, tím tượng trưng cho từng giáp. Chủ khảo đánh trống lệnh và các nhóm chấm thi từng khâu: xay thóc, giã gạo, dần sàng. Giáp nào làm nhanh, gạo trắng là được giải. Tiếp theo là cuộc thi kéo lửa và lấy nước ở giếng làng cách nơi thi khoảng 300m. Cuối cùng là thi nấu cơm, giáp nào nấu nhanh, cơm dẻo thì được đưa cơm vào đình cúng thần. Phần kết thúc hội thi nấu cơm rất ngoạn mục. Các giáp rải rơm khắp sân đình. Tuy có nồi cơm ngon, nhưng họ đốt rơm làm nhiều đống rồi gạt tro để ủ nồi cơm và nghi binh giấu nồi cơm. Ban tổ chức khi thu nồi cơm chấm thì họ dùng khói cản để nồi cơm chín thêm và khó phân biệt nồi cơm của giáp nào. Diễn biến toàn cục từ lúc khai mạc đến lúc kết thúc là tiếng trống tiếng chiêng dồn vang, khói rơm nghi ngút, lửa nóng và mùi khói rơm thơm nồng... làm người thi, người chấm, người xem hồi hộp, sôi nổi khoảng hai giờ. Một cụ già đã nói vần, tóm tắt cuộc thi:

Que diêm là que nứa

Bùi nhùi là rạ rơm

Khói cay mùi bếp thơm

Ai nấu cơm kéo lửa

Mười ngón tay dẻo, múa

Nhịp nghìn năm vua Hùng

Hội thi nấu cơm Yên Mỹ không phân biệt nam nữ. Việc bếp núc thường ngày là của các cô gái nhưng khi vào lễ hội dân gian, theo tín ngưỡng, người ta tin sẽ là sự thắng lợi của mùa màng chứ không chỉ là cuộc thi phe giáp. Tục nấu cơm thi, làm cỗ thi, làm bánh thi, thi mổ trâu, mổ lợn phản ánh làng chạ định hình với tinh thần cộng đổng làng xã đông vui. Hạt lúa "một nắng hai sương" được chế biến tinh xảo từ bàn tay khéo léo của con người thành hạt cơm - của ngọc thực để dâng vị thần dòng vua tổ Hùng Duệ Vương.

Ngày nay, hội đình Yên Mỹ đã có sự thay đổi cho phù hợp với nhịp sống mới, lễ hội được nhân dân và chính quyền tổ chức vào ngày 16 tháng 3 âm lịch hằng năm. Những nghi thức tế vào ngày tết Thượng nguyên ngày 15 tháng Giêng, tết Đoan ngọ ngày 5 tháng 5... hay ngày Thượng điền, Hạ điền vẫn được nhân dân duy trì đều đặn.

Hội đình Yên Mỹ thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn" sâu sắc, tốt đẹp của người Việt Nam từ xưa đến nay. Truyền thông quý báu này được nhân dân giữ gìn, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, và hội đình Yên Mỹ cũng không ngừng được bồi đắp nhằm phát huy cao độ những giá tri văn hóa tốt đẹp của mình. Thông qua hội, nhân dân được trở về với cội nguồn dân tộc, được thưởng thức sản phẩm văn hóa tinh thần do chính mình làm chủ và thông qua lễ hội con người thêm gắn bó, sức mạnh cộng đồng làng xã được vun bồi, cùng cố và phát triển.

Đình Yên Mỹ là một công trình kiến trúc tâm linh đồ sộ, nơi lưu giữ nhiều giá trị truyền thống vật thể và phi vật thể rất ấn tượng. Cùng với ngôi chùa, đình Yên Mỹ đã được Bộ Văn hoá – Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1995.

Hồng Nguyên_ VHTT