DU LỊCH THANH TRÌ
Ngày 04/11/2024 Uỷ ban nhân dân huyện Thanh Trì đã có Quyết định phê duyệt dự án tu bổ tôn tạo di tích Đền Triều Khúc (đình thờ Sắc), xã Tân Triều
Căn cứ các quy định hiện hành:
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi một số điều của Luật Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019; Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13/6/2019; Luật số 03/2022/QH15 ngày 11/01/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thi hành án dân sự; Căn cứ Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014; Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung ngày 17/6/2020; Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18/6/2009; Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 về việc quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; số 67/2022/NĐ-CP ngày 21/9/2022 sửa đổi, bổ sung Điều 4 Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 về việc quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 về Quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng; số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 về Quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng; số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/2/2021 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; số 40/2020/NĐ-CP ngày 06/4/2020 về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công; số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; Căn cứ Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2019 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; Căn cứ các Thông tư của Bộ Xây dựng: số 11/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 về hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng; số 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 về ban hành định mức Xây dựng; số 13/2021/TT-BXD ngày 2 31/8/2021 về hướng dẫn phương pháp xác định chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình; Căn cứ Quyết định số 15/2022/QĐ-UBND ngày 30/3/2022 của UBND thành phố Hà Nội quy định một số nội dung về quản lý đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công của thành phố Hà Nội; Căn cứ Quyết định số 31/QĐ-UBND ngày 29/12/2021 của UBND thành phố Hà Nội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội (ban hành kèm theo Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND ngày 17/11/2016 của UBND TP Hà Nội); Căn cứ Quyết định 68-VH/QĐ ngày 29/01/1993 của Bộ trưởng Văn hóa – Thông tin về việc công nhận di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đình – Đền – Chùa Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội; Căn cứ các Nghị quyết của HĐND huyện Thanh Trì: số 37/NQ-HÐND ngày 16/12/2022 về chủ trương thực hiện tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp các di tích lịch sử trên địa bàn huyện Thanh Trì giai đoạn 2023-2026; số 46/NQ-HÐND ngày 14/11/2023 về việc phê duyệt chủ trương, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công thuộc thẩm quyền phê duyệt của HĐND huyện; Căn cứ các Quyết định của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì: số 688/QĐ-UBND ngày 28/12/2023 về việc phê duyệt dự toán chi phí chuẩn bị đầu tư dự án; Số 111/QĐ-BQLDAĐTXD ngày 15/3/2024 về việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án; Số 164/QĐBQLDAĐTXD ngày 10/4/2024 về việc phê duyệt chỉ định đơn vị thực hiện gói thầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án: Tu bổ, tôn tạo di tích đền Triều Khúc (đình Thờ Sắc), xã Tân Triều, huyện Thanh Trì; Căn cứ Văn bản số 2602/BVHTTDL-DSVH ngày 21/6/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc thẩm định Dự án: Tu bổ, tôn tạo di tích đền Triều Khúc, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội; Căn cứ Báo cáo kết quả thẩm tra hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi số 36/TTrKTVN ngày 08/8/2024 của Công ty cổ phần tư vấn thiết kế kiến trúc xây dựng Việt Nam dự án: Tu bổ, tôn tạo di tích đền Triều Khúc (đình Thờ Sắc), xã Tân Triều, huyện Thanh Trì; Theo đề nghị của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì tại Tờ trình số 1007/TTr-BQLDAĐTXD ngày 09/8/2024; Thông báo kết quả thẩm định số 65/TĐ-QLĐT ngày 20/8/2024 và Tờ trình số 520/TTr-QLĐT ngày 24/10/2024 của phòng Quản lý đô thị về việc phê duyệt dự án: Tu bổ, tôn tạo di tích đền Triều Khúc (đình Thờ Sắc), xã Tân Triều, huyện Thanh Trì,
UBND huyện Thanh Trì có quyết định Phê duyệt dự án: Tu bổ, tôn tạo di tích đền Triều Khúc (đình Thờ Sắc), xã Tân Triều, huyện Thanh Trì với các nội dung chủ yếu sau:
Tên dự án: Tu bổ, tôn tạo di tích đền Triều Khúc (đình Thờ Sắc), xã Tân Triều, huyện Thanh Trì.
Người quyết định đầu tư: Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì.
Chủ đầu tư: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì.
Mục tiêu, quy mô đầu tư xây dựng:
Mục tiêu đầu tư: Theo các Nghị quyết HĐND huyện Thanh Trì: số 37/NQ-HÐND ngày 16/12/2022; số 46/NQ-HÐND ngày 14/11/2023: Tu bổ, tôn tạo di tích đền Triều Khúc (đình Thờ Sắc), xã Tân Triều nhằm kịp thời tu bổ, tôn tạo các hạng mục bị hư hỏng, xuống cấp, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu của di tích, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng cho nhân dân.
Quy mô đầu tư xây dựng: Theo các Nghị quyết HĐND huyện Thanh Trì: số 37/NQ-HÐND ngày 16/12/2022; số 46/NQ-HÐND ngày 14/11/2023: Tu bổ, tôn tạo hạng mục Đại đình (Tiền tế, Trung cung, Hậu cung), tôn tạo Phương đình, Tả mạc, Hữu mạc, sân vườn, tường rào và hạ tầng kỹ phương án tu bổ, tôn tạo đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, chấp thuận tại Văn bản số 2602/BVHTTDLDSVH ngày 21/6/2024. Gồm các hạng mục:
Tu bổ Nghi môn, Đại đình, Đình sàn.
Tôn tạo sân vườn, tường rào và hạ tầng kỹ thuật (tôn nền, lát sân, vườn, chiếu sáng, cấp thoát nước,…). (Chi tiết nội dung, giải pháp thiết kế theo nội dung Thông báo kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi số 65/TĐ-QLĐT ngày 20/8/2024 của phòng Quản lý đô thị).
Tổ chức tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, lập thiết kế cơ sở; tổ chức lập khảo sát xây dựng; tổ chức tư vấn thẩm tra:
Tổ chức tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, lập thiết kế cơ sở: Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Văn hóa và đô thị Việt Nam.
Tổ chức khảo sát, đo vẽ hiện trạng: Công ty cổ phần tư vấn xây dựng văn hóa và đô thị Việt Nam.
Tổ chức tư vấn thẩm tra: Công ty Cổ phần tư vấn thiết kế Kiến trúc xây dựng Việt Nam.
Địa điểm xây dựng và diện tích đất sử dụng: Xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Loại, nhóm dự án; loại, cấp công trình chính; thời hạn sử dụng theo thiết kế của công trình chính:
Dự án: Nhóm C; Loại, cấp công trình chính: Công trình dân dụng, cấp III; Thời hạn sử dụng theo thiết kế: Theo QCVN 03:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp công trình phục vụ thiết kế xây dựng
Số bước thiết kế, danh mục tiêu chuẩn chủ yếu được lựa chọn:
Số bước thiết kế: Thiết kế 02 bước. - Danh mục tiêu chuẩn chủ yếu được lựa chọn: theo các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành.
Tổng mức đầu tư xây dựng; giá trị các khoản mục chi phí trong tổng mức đầu tư xây dựng: Tổng mức đầu tư xây dựng: 12.793.000.000 đồng (Bằng chữ: Mười hai tỷ, bảy trăm chín mươi ba triệu đồng chẵn).
Giá trị các khoản mục chi phí như sau: TT Nội dung Giá trị phê duyệt Đơn vị
Chi phí xây dựng 10.536.954.475 đồng
Chi phí quản lý dự án 330.094.047 đồng
Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng 1.099.052.901 đồng
Chi phí khác 155.775.591 đồng
Chi phí dự phòng 671.122.986 đồng Tổng cộng (làm tròn) 12.793.000.000 đồng (Chi tiết các khoản mục kèm theo Báo cáo thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi số 36/BCTT ngày 09/8/2024 của Công ty cổ phần tư vấn thiết kế kiến trúc xây dựng Việt Nam).
Thời gian thực hiện dự án: Năm 2026 – 2028.
Nguồn vốn đầu tư và dự kiến bố trí kế hoạch vốn theo tiến độ thực hiện dự án: Ngân sách Thành phố hỗ trợ có mục tiêu theo Nghị quyết 02/NQ-HĐND ngày 08/4/2022 của HĐND thành phố Hà Nội, Ngân sách huyện đầu tư thực hiện các hạng mục theo Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 16/12/2022 của HĐND huyện Thanh Trì.
Hình thức tổ chức quản lý dự án được áp dụng: Chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án. Yêu cầu về nguồn lực, khai thác sử dụng tài nguyên; phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: Dự án không phải thực hiện giải phóng mặt bằng.
Thời gian sử dụng công trình: Theo QCVN 03:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp công trình phục vụ thiết kế xây dựng.
Tổ chức thực hiện.
Các bước tiếp theo thực hiện theo đúng trình tự thủ tục quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Di sản và các quy định pháp luật liên quan.
Trách nhiệm của Chủ đầu tư và các phòng, ban.
Chủ đầu tư có trách nhiệm:
Tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao đảm bảo tiến độ, chất lượng, đúng trình tự thủ tục, đạt mục tiêu, hiệu quả đầu tư và tuân thủ các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng, bố trí đủ nguồn ngân sách để triển khai dự án theo quy định.
Tổ chức lựa chọn các nhà thầu và triển khai công việc tiếp theo đảm bảo đúng Luật Xây dựng; Luật Đấu thầu; các Nghị định hướng dẫn thực hiện và các quy định hiện hành khác có liên quan.
Lập, trình thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng công trình theo đúng quy mô dự án được phê duyệt theo quy định làm cơ sở triển khai thực hiện.
Tổ chức tốt biện pháp thi công và đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện trong quá trình thi công công trình, có phương án đảm bảo không ảnh hướng đến khu vực lân cận xung quanh dự án.
Phòng Quản lý đô thị: Thực hiện thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở của cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định. Thực hiện quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng theo quy định.
Phòng Tài chính – Kế hoạch: Tham mưu UBND huyện bố trí nguồn vốn và sử dụng kinh phí tiết kiệm, hiệu quả. Thẩm định và trình UBND huyện phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Thực hiện giám sát đầu tư và quản lý thanh, quyết toán kinh phí đầu tư.
Phòng Tài nguyên và Môi trường: hướng dẫn thực hiện các thủ tục về đất đai và tổ chức giám sát các biện pháp bảo vệ môi trường
Đình Triều Khúc tên tự là Miếu Đường Lâm, tọa lạc trên mảnh đất Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Triều Khúc có hai đình là đình Sắc (nơi để sắc phong) và đình Đại (nơi thờ Phùng Hưng). Kiến trúc của cả hai ngôi đình đều còn nguyên vẹn như xưa.
Đình Triều Khúc thờ Phùng Hưng – Bố Cái Đại Vương làm thành Hoàng làng. Đình tồn tại trong suốt thời gian dài trong lịch sử và gắn chặt với mảnh đất làng Triều Khúc. Phùng Hưng sinh ngày 25 tháng 11 năm Canh Tỵ (760) và mất vào tháng 6 năm (791), người có công đánh đuổi quân xâm lược nhà Đường, giành lại chủ quyền và độc lập dân tộc.
Điểm nổi bật của đình làng Triều Khúc vốn là nơi đặt tại bản doanh xưa kia của Phùng Hưng trong cuộc chiến chống quân xâm lược nhà Đường. Hiện nay, tại nghi môn đình Triều Khúc vẫn còn bút tích ca ngợi công đức của Đức Phùng Hưng với đôi câu đối:
“An Nam tráng khí sơn hà tại.
Bình bắc dư linh thảo mộc chi”
Dịch nghĩa:
(Khí mạnh dựng trời Nam, núi sống còn mãi
Oai thiêng trừ giặc Bắc, cỏ cây còn ghi)
Đình Triều Khúc nằm trong cụm di tích lịch sử – văn hóa: Đình – Đền – Chùa Triều Khúc, là nơi hội tụ của các tín ngưỡng, tôn giáo cổ tạo nên một không gian văn hóa đặc sắc. Đình là một trong những công trình kiến trúc có quy mô to lớn và theo ý nghĩa của người xưa nó có tầm quan trọng ảnh hưởng tới sự thịnh vượng và sự kiện của dân làng. Trong đó, đình Triều Khúc là hợp thể của các đơn nguyên kiến trúc như: nghi môn, phương đình, hai dãy nhà giải vũ, đại đình và hậu cung.
Nhìn một cách tổng thể từ ngoài vào, đình Triều Khúc được xây dựng theo hướng Nam, trước mặt đình là một cái hồ và một cái sân rộng, tiếp đến là nghi môn. Cũng như đình ở các nơi khác, nghi môn là kiến trúc không thể thiếu được của đình. Nghi môn đình Triều Khúc mới được xây dựng lại trong thời gian gần đây, với kiểu kiến trúc là một nếp nhà gạch 3 gian. Chính giữa nhà được xây tường cao tới nóc mái và chạy suốt ba gian nhà. Trên tường mở hai cửa nhỏ và một cửa lớn để làm lối ra vào trong di tích. Trên hai bức tường hồi đắp nổi, con nghê, cột trụ xây gạch to cao, trên mái có hai con rồng chầu mặt trời. Với sự hiện diện nghi môn trong di tích còn mang ý nghĩa giống như một bức bình phong để tránh luồng gió độc từ ngoài thổi vào đình tạo sự tinh khiết linh thiêng cho di tích phía bên trong. Ngoài ra, đình Triều Khúc còn có hai cổng phụ ở hai bên nhưng cổng này nhỏ và ít được sử dụng.
Hai ngôi nhà nằm song song hai bên sân đình là hai dãy nhà giải vũ ba gian, được làm đơn giản kiểu vì kèo quá giang. Tả, hữu vu là nơi để sắp xếp lễ vật dâng lên thành hoàng và để cho bà con nghỉ chân trong dịp lễ hội, là nơi tiếp khách, đặt kiệu.
Qua khu sân lớn ta bắt gặp một công trình kiến trúc mang ý nghĩa biểu tượng. Đó là phương đình được đặt trên một nền cao hơn so với sân đình là 40cm, nền lát gạch lá nem có kích cỡ 20×20 cm. Toà phương đình được xây dựng trên hệ thống cột gỗ lim, các cột được đặt trên những chân tảng kê bằng đá xanh, riêng 4 cột cái gian giữa là 4 chân tảng kê tròn cổ lượn. Toà phương đình làm theo kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái. Đỡ các mái nhỏ bên trên là 4 kể dài chạy từ cột cái tới nóc mái, 4 mái dưới được đỡ bằng những kẻ dài ăn mộng vào cột cái qua cột hiên trên kẻ đặt một ván gỗ dày để đỡ hoành. Các đầu kẻ chạm chìm hình mây, các đầu dư dưới xà thượng được trang trí đầu rồng râu xoắn, mắt lồi dữ tợn là đặc trưng của thời Nguyễn.
Tiếp theo, toà phương đình được nối liền bởi hệ thống ống máng là toà nhà đại đình. Đây là toà nhà có kết cấu hoành tráng nhất trong tổng thể kiến trúc của khu di tích. Toà đại đình được đặt trên một nền cao hơn toà phương đình là 20cm, cao hơn mặt sân 60cm. Toà nhà bao gồm 5 gian 2 chái và được làm theo kiểu tường hồi bít đốc, kết cấu hình chuôi vồ, trong đó, phần nền được lát bằng gạch Bát Tràng. Phần mái toà đại đình được phủ một lớp ngói di và có tường bao quanh. Trên nóc mái của toà đại đình khoảng giữa có đắp nổi hình 2 đám mây đơn giản không trang trí. Hai đầu nóc mái cũng được đắp bằng vữa hình 2 con long mã có gắn sứ. Ở 2 đầu kìm là những đao cong vút lên theo kiểu hình sừng và phía đỉnh cao là 2 đầu rồng đắp bằng xi măng.
Đại đình là một toà nhà lớn với kết cấu 6 hàng chân cột bao gồm 8 cột cái và 16 cột quân. Cột được làm bằng các thân cây gỗ lớn kiểu “thượng thu hạ thách”, cột cái có đường kính 30 cm, cột quân có đường kính 25 cm. Hệ thống cột được bào nhẵn để mộc, chỉ sơn dưới chân cột để chống ẩm mốc và mối mọt.
Bên trong đình, chính giữa gian lớn nhất có bức hoành phi đề “Thánh cung vạn tuế” trong bốn khung riêng biệt. Viền khung là một đường diềm kết bởi văn xoắn dưới các dạng khác nhau. Bao xung quanh khung trên đỉnh hoành phi là một đôi rồng lớn chầu mặt trời, đi sau là phượng. Phía dưới bức hoành phi ở cửa ngăn cách với hậu cung bao gồm những xà, những mảng chạm, những đao mác thuộc nghệ thuật thế kỉ thứ XVII. Ở hai cửa bên phía trên đỉnh của võng cũng có những rồng, đao của thế kỷ thứ XVII.
Hậu cung của ngôi đình mang tính chất sâu lắng nhất, đó là nơi thờ tự chính của ngôi đình nó thể hiện tính chất thâm nghiêm nhất trong tổng thể kiến trúc của di tích. Hậu cung của đình Triều Khúc gồm ba gian dọc được làm nối liền với gian giữa đại đình thành kiểu kết cấu hình chữ đinh. Bộ khung mái hậu cung được làm đơn giản kiểu kèo cầu xà nách. Nghệ thuật chạm khắc trang trí chủ yếu là bào trơn kẻ soi. Hậu cung đình được làm kín đáo, phía trước mở các cửa gỗ, phía trong bài trí bàn thờ, đồ thờ tự và là nơi đặt long ngai bài vị thành hoàng của làng .
Tồn tại cho đến nay, ngoài các công trình kiến trúc nghệ thuật, đình Triều Khúc còn lưu giữ được một khối lượng di vật đồ sộ với nhiều thể loại, chất liệu khác nhau gồm (1 cuốn Thần phả ghi sự tích của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, 11 sắc phong sớm là năm Cảnh Hưng 44 (1783), muộn là năm Khải Định 9 (1924), 18 hoành phi và có 4 bức khảm trai, 32 câu đối 2 bộ long ngai bài vị, 3 bộ kiệu và 4 bức cuốn thư sơn son thếp vàng, 1 sập gỗ thờ, 11 bát hương sứ, 5 bộ tam sự bằng đồng, 2 bộ bát bửu, 3 hương án sơn son thếp vàng, mâm bồng, lọ hoa sứ, 1 đôi quán tẩy). Các di vật này mang giá trị lịch sử văn hóa cao, đây còn là nguồn tư liệu qúy cho việc tìm hiểu đời sống vật chất, tinh thần của một làng quê truyền thống.
Năm 1982, đình được Sở Văn hóa Thông tin xếp hạng, đến năm 1993, được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận xếp hạng là Di tích lịch sử – văn hóa.
Lại Thị Hồng Nguyên - VHTT