CHỈ ĐẠO CỦA HUYỆN ỦY CHỈ ĐẠO CỦA HUYỆN ỦY

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến kiểm tra, yêu cầu huyện Thanh Trì tập trung nguồn lực để ứng phó với ngập úng
Ngày đăng 11/09/2024 | 10:00  | Lượt xem: 706

Bão số 3 cùng hoàn lưu sau bão đã để lại những hệ quả phức tạp, đặt ra những tình huống cấp bách trên địa bàn huyện Thanh Trì: nước sông Nhuệ dâng cao, đe dọa sự an toàn đê điều, nhiều vùng trũng rơi vào tình trạng ngập úng… Trực tiếp kiểm tra, thị sát công tác ứng phó mưa lũ đầu giờ sáng 11/9 tại xã Đại Áng và Liên Ninh (huyện Thanh Trì) đồng chí Nguyễn Thị Tuyến - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai quyết liệt, kịp thời, nỗ lực ở mức độ cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến kiểm tra công tác phòng, chống mưa lũ tại xã Đại Áng 

Về phía lãnh đạo huyện Thanh Trì cùng đi kiểm tra có đồng chí Nguyễn Tiến Cường – Bí thư Huyện ủy; đồng chí Nguyễn Xuân Phong – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Huyện; đồng chí Đặng Đức Quỳnh – UVBTV Huyện, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Nguyễn Văn Hưng - UVBTV Huyện uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, Phó trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện, các thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện.

Do ảnh hưởng của bão số 3 Yagi và hoàn lưu sau bão, mực nước sông Nhuệ lên nhanh gây sạt một số điểm đê 

Kiểm tra công tác gia cố, khắc phục sạt lở tại một số điểm đê sông Nhuệ đoạn qua xã Đại Áng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến biểu dương các lực lượng không quản thời tiết mưa to, tích cực tham gia công tác hộ đê. Trong ngày 10 và 11/9, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Thanh Trì và UBND xã Đại Áng đã huy động gần 1.000 người xử lý khẩn cấp sự cố khu vực sạt lở và tràn đê dài khoảng 1km. Xuyên đêm chống lũ, trưa 11/9 các lực lượng chức năng đã hoàn thành công tác gia cố đắp đất, cát khắc phục sự cố.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến động viên các hộ dân Khu tập thể xây lắp số 7 được di dời đến Nhà văn hóa.

Xuống kiểm tra điểm ngập sâu và nơi ăn chốn ở của các hộ dân tại Nhà văn hóa Khu tập thể cơ khí xây lắp số 7 (xã Liên Ninh), Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đánh giá cao sự chủ động phòng, chống bão và tinh thần hợp tác, phối hợp của người dân tuân thủ các khuyến cáo của các cơ quan chức năng, TP Hà Nội vượt qua bão số 3, giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra. Với các hộ dân khu vực bị ngập lụt ở xã Liên Ninh, đồng chí đề nghị, cùng với việc chuẩn bị chu đáo địa điểm sơ tán dân khi nước lũ dâng cao, cần chủ động chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh phục vụ nhân dân, bởi số lượng dân phải sơ tán khi nước dâng cao mức báo động 2 và 3 là rất lớn.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến trao tặng quà viện trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi ngập úng

Báo cáo nhanh tại hiện trường, Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường cho biết: Do hoàn lưu bão số 3 gây mưa lớn từ chiều ngày 9/9 đã gây ngập úng 11 điểm tại các khu dân cư trên địa bàn các xã: Ngọc Hồi, Tam Hiệp, Tứ Hiệp, Liên Ninh, Tân Triều. Tại một số khu vực (đường dọc sông Hoà Bình; đường 1A khu vực kho 6; đường 25m -Triều Khúc-Tân Triều; đường Vũ Lăng khu vực Công ty Vinafco,…) xảy ra tình trạng ngập cục bộ.

Sản xuất nông nghiệp theo thống kê sơ bộ, tổng diện tích bị ngập 1.146 ha; 950 ha lúa đã trỗ bông bị ngập, đổ (chiếm 89,1%) tại các xã Tả Thanh Oai, Vĩnh Quỳnh, Đại Áng, Liên Ninh, Hữu Hoà…; 391ha diện tích rau màu, cây ăn quả tại các xã Duyên Hà; xã Vạn Phúc, Yên Mỹ ngập nươc; 35ha diện tích ao nuôi thủy sản tại các xã Yên Mỹ, Tam Hiệp, Hữu Hoà, Vĩnh Quỳnh bị tràn bờ.

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội tham gia hộ đê cùng lực lượng chức năng và nhân dân xã Đại Áng

Mực nước sông Nhuệ dâng cao dẫn đến tràn tuyến đê và sạt lở tại một số điểm đoạn qua xã Đại Áng. UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị, UBND xã Đại Áng huy động lực lượng trên 1.000 người để xử lý khẩn cấp sự cố. Do mực nước sông Hồng dâng cao, Công ty Điện lực Thanh Trì đã chủ động cắt điện toàn bộ 03 xã vùng bãi Yên Mỹ, Duyên Hà, Vạn Phúc để đảm bảo an toàn. Sau khi nước rút sẽ cấp điện ngay trở lại để phục vụ sinh hoạt của nhân dân.

Xí nghiệp thoát nước số 7 vận hành hết công suất 5/5 tổ máy tại trạm Bơm Cầu Bươu; Xí nghiệp Thủy lợi Thanh Trì đã vận hành 04 trạm bơm tiêu với với 27 máy bơm (cụ thể trạm trạm Đông Mỹ (17 máy); trạm Hữu Hoà (01 máy), Đại Áng (01 máy), Đại Thanh (01 máy), Siêu Quần (01 máy), Ngọc Hồi (02 máy), Liên Ninh (02 máy); các lực lượng đang tập trung thực hiện trục vớt, cây đổ để khơi thông dòng chảy trên các tuyến kênh tiêu, tăng khả năng tiêu úng nhanh nhất. Các trạm bơm tiêu ra sông Nhuệ: Hòa Bình ( đã dừng bơm), các trạm còn lại chỉ bơm 01 máy (Siêu Quần, Hữu Hòa, Đại Thanh, Đại Áng) do mực nước sông Nhuệ lên cao trên mức báo động số III. Hiện nay, Thành phố đã cho mở Đập Thanh Liệt để giảm áp lực nước sông Nhuệ.

Toàn huyện đã di chuyển 32 hộ dân (tại các vùng bị úng ngập cục bộ tại các xã: Duyên Hà, Liên Ninh) với 71 người đến nơi ở an toàn.

Trước đó, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, toàn huyện có 4.793 cây gãy, đổ; hiện đã khắc phục được 3.873 cây đạt tỷ lệ 80,8%; đang tiếp tục huy động lực lượng để xử lý đảm bảo giao thông cho nhân dân. Ngoài ra có 1.548 m2 tường đổ; tốc mái 182 mái tôn (trong đó có 05 công trình trường học, chợ, 177 mái tôn, nhà tạm, chuồng trại chăn nuôi tại khu sản xuất); 16,5 km kênh mương bị hư hỏng (Tam Hiệp, Yên Mỹ). Nhiều di tích lịch sử, đình, đền, chùa, nhà văn hóa bị ảnh hưởng, UBND các xã và các đơn vị đã chỉ đạo lực lượng xử lý, thu dọn bảng biển, khắc phục các cây bị đổ.

Dự báo tình hình mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp, nước trên các sông đang dâng cao, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương huyện Thanh Trì theo dõi sát diễn biến mưa lũ, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Đẩy mạnh tuyên truyền vận động, kiên quyết di dời toàn bộ người dân khỏi khu vực nguy hiểm với phương châm “không bỏ sót bất cứ ai” ở khu vực nguy hiểm, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Chủ động vận hành liên tục các trạm bơm tiêu úng để hạ mực nước, giảm thiểu thời gian úng ngập trên địa bàn. Triển khai các biện pháp chống ngập úng nhằm đảm bảo khả năng tiêu thoát nước nhanh nhất, giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục xử lý các cây xanh bị đổ, gãy để đảm bảo an toàn giao thông.

Phương Xuyến - Trung tâm VHTT&TT