AN NINH - QUỐC PHÒNG AN NINH - QUỐC PHÒNG

Huyện Thanh Trì dự hội nghị trực tuyến, đánh giá việc triển khai thực hiện các chuyên đề, kế hoạch trọng tâm trong công tác PCCC&CNCH trên địa bàn TP Hà Nội
Ngày đăng 08/05/2024 | 10:00  | Lượt xem: 238

Sáng 8/5, UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá việc triển khai các chuyên đề, kế hoạch trọng tâm trong công tác PCCC và cứu hộ cứu nạn trên địa bàn. Đồng chí Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội chủ trì hội nghị.

Các đại biểu dự tại điểm cầu huyện Thanh Trì

Dự tại điểm cầu huyện Thanh Trì có đồng chí Nguyễn Huy Toàn – UVBTV Huyện ủy, Phó chủ tịch UBND huyện; lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị, Công an huyện, Chủ tịch, Phó chủ tịch, Trưởng, Phó Công an các xã, thị trấn.

Điểm cầu TP Hà Nội

Tại hội nghị, Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội cho biết, qua rà soát, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 3.103 công trình chưa được nghiệm thu về PCCC hoạt động từ sau khi Luật PCCC có hiệu lực với tổng số 9.466 lỗi tồn tại, vi phạm về PCCC.

Ngoài ra còn có 6.644 công trình xây dựng tạm, cơ sở thu mua phế liệu, cơ sở xây dựng trái phép, không phép trên đất dự án, đất nông nghiệp, đất đang bị thu hồi, hành lang bảo vệ đường sắt, lưới điện cao thế, đê, rừng, sai mục đích sử dụng đất.

Từ khi triển khai Kế hoạch đến nay, các lực lượng chức năng đã kéo giảm 939 công trình vi phạm, chiếm tỷ lệ 27,2%, đã khắc phục được 3.564 lỗi tồn tại, vi phạm về PCCC (chiếm tỷ lệ 38,8%).

Đến thời điểm hiện tại, thành phố còn 2.164 công trình chưa được nghiệm thu về PCCC hoạt động từ sau khi Luật PCCC có hiệu lực. Các đơn vị đã mời các chủ đầu tư họp thống nhất biện pháp, giải pháp thực hiện, 100% chủ đầu tư cam kết lộ trình, thời gian khắc phục: 2.164/2.164. Hiện tại, có 528/2.164 đã thẩm duyệt thiết kế về PCCC (191 công trình đang thi công).

Bên cạnh các kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Kế hoạch còn chưa thực sự đạt hiệu quả, một số đơn vị chưa thực sự quyết liệt trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch, dẫn tới tiến độ khắc phục, kéo giảm các công trình vi phạm rất thấp, chưa đáp ứng được mục tiêu.

Công tác giám sát, đôn đốc việc chấp hành quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của UBND cấp xã chưa nghiêm, các phòng ban liên quan thuộc UBND cấp huyện (xây dựng, đất đai, điện lực…) chưa vào cuộc…

Các đại biểu dự tại điểm cầu huyện Thanh Trì

Về kết quả triển khai thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC đối với các loại hình cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao…, hiện toàn TP có 1.429 nhà chung cư; 398 nhà ở nhiều căn hộ còn gọi là chung cư mini (trong đó có 94 nhà cao trên 28m); 31.239 nhà trọ; 39.214 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao.

Lực lượng chức năng đã tổ chức kiểm tra 72.282 lượt/72.282 (đạt 100%) cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC 1.213 trường hợp với tổng số tiền 6.561.150.000 đồng; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng 07 trường hợp với tổng số tiền 25.500.000 đồng; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện 12 trường hợp với tổng số tiền 34.500.000 đồng; Tạm đình chỉ 351 cơ sở, đình chỉ hoạt động 118 cơ sở.

Đặc biệt, theo thông tin từ CATP Hà Nội, có 6.644 cơ sở xây dựng sai phép, không phép trên đất dự án, đất nông nghiệp, khu vực đang bị thu hồi, hành lang bảo vệ đường sắt, lưới điện cao thế, đê, rừng...

Lực lượng chức năng đã kiểm tra 6.644 cơ sở, đạt 100%, phát hiện được 12.779 tồn tại vi phạm, xử phạt 265 hành vi, số tiền phạt 1.690.000.000 đồng; tạm đình chỉ, đình chỉ 610 cơ sở; UBND các cấp đã tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất đối với 705 cơ sở vi phạm xây dựng không phép, trái phép.

Đến thời điểm hiện tại, đã có nhiều người chủ cơ sở/chủ hộ gia đình đã thực hiện bổ sung các giải pháp trước mắt để đảm bảo an toàn PCCC cho công trình.

Thời gian tới, UBND TP Hà Nội chỉ đạo Công an TP, các địa phương, đơn vị tiếp tục rà soát các đối tượng thuộc tiêu chí phải xây dựng tổ liên gia an toàn PCCC, Điểm chữa cháy công cộng trên địa bàn và các Tổ liên gia, Điểm chữa cháy đã xây dựng nhưng chưa đảm bảo tiêu chí để đăng ký xây dựng và bổ sung, khắc phục các tiêu chí theo yêu cầu theo từng tháng, hoàn thành trước 30/6/2024.

Tập trung hoàn thành 100% các chỉ tiêu theo chỉ đạo của Bộ Công an: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tập huấn cho người dân, vận động các hộ gia đình mở lối thoát nạn thứ 2; mỗi hộ gia đình trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy; xây dựng các mô hình an toàn PCCC phù hợp với địa bàn.

Đối với các đơn vị chưa hoàn thành việc đôn đốc các cơ sở xây dựng kế hoạch, cam kết lộ trình, khẩn trương hoàn thành việc đôn đốc cơ sở hoàn thành việc ký cam kết, xây dựng kế hoạch, lập khái toán kinh phí thực hiện; UBND cấp huyện phê duyệt kế hoạch cam kết lộ trình thực hiện của 100% cơ sở trên địa bàn quản lý.

Với các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đưa vào hoạt động, lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, đôn đốc, giám sát các chủ cơ sở trách nhiệm, quan tâm phải khắc phục các tồn tại, thiếu sót về PCCC và CNCH theo thời gian, lộ trình đã cam kết. Thời hạn hoàn thành: 30/6/2024.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các công trình trên địa bàn ngay từ khi bắt đầu triển khai thi công xây dựng, kiên quyết không để phát sinh mới công trình vi phạm chưa nghiệm thu về PCCC trên địa bàn.

Kiên quyết cưỡng chế, phá dỡ các công trình xây dựng trên đất không hợp pháp, đất công, đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ đê, lưới điện, rừng…; nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự đề nghị chuyển cơ quan điều tra giải quyết theo quy định...

Thành lập các Đoàn kiểm tra công vụ việc thực hiện công tác PCCC và CNCH tại UBND các quận, huyện, thị xã; UBND xã, phường, thị trấn...

Phương Xuyến - Trung tâm VHTT&TT