AN NINH - QUỐC PHÒNG AN NINH - QUỐC PHÒNG

ĐIỆU MÚA BỒNG Ở LÀNG TRIỀU KHÚC - XÃ TÂN TRIỀU 18/02/2016
Publish date 21/10/2016 | 00:00  | Lượt xem: 1495

Theo quốc lộ 6 từ trung tâm Thành phố Hà Nội đi đến Quận Hà Đông, tới Thanh Xuân ta rẽ trái, qua cổng nhà máy ô tô Hòa Bình, bây giờ gọi là Phố Triều Khúc rồi đi thẳng là vào đến làng Triều Khúc. Đây là một làng ngoại thành thuộc xã Tân Triều huyện Thanh Trì

ĐIỆU MÚA BỒNG Ở LÀNG TRIỀU KHÚC - XÃ TÂN TRIỀU 18/02/2016
Theo quốc lộ 6 từ trung tâm Thành phố Hà Nội đi đến Quận Hà Đông, tới Thanh Xuân ta rẽ trái, qua cổng nhà máy ô tô Hòa Bình, bây giờ gọi là Phố Triều Khúc rồi đi thẳng là vào đến làng Triều Khúc. Đây là một làng ngoại thành thuộc xã Tân Triều huyện Thanh Trì

 
Theo quốc lộ 6 từ trung tâm Thành phố Hà Nội đi đến Quận Hà Đông, tới Thanh Xuân ta rẽ trái, qua cổng nhà máy ô tô Hòa Bình, bây giờ gọi là Phố Triều Khúc rồi đi thẳng là vào đến làng Triều Khúc. Đây là một làng ngoại thành thuộc xã Tân Triều huyện Thanh Trì đã nổi tiếng với các nghề dệt thủ công. Bởi vậy Triều Khúc còn có tên là làng Đơ Thao. Là một làng nghề thủ công truyền thống, bên cạnh những kiến trúc Đình, chùa, những cây cao bóng cả, Triều Khúc còn có một tài sản văn hóa phi vật thể, đó là điệu múa có tên dân gian " con đĩ đánh Bồng" đây là một trong những điệu múa cổ được dân làng gìn giữ như một báu vật và chỉ được diễn tấu các điệu múa này trong các ngày đại lễ, ngày hội làng. Theo bà Lệ Cung nghệ sĩ múa Việt Nam, cả Hà Nội có vài ba điệu múa Bồng nhưng điệu múa " con đĩ đánh Bồng" của làng Triều Khúc là điệu múa dân gian độc đáo và đẹp nhất, còn bà Ngân Quý, nghệ sĩ ưu tú, nguyên hiệu phó trường múa Việt Nam, người cũng đã tìm hiểu về điệu múa Bồng Triều Khúc thì rất tâm đắc về điệu múa này. Đó là các động tác nhún người theo phương vị thẳng đứng, động tác bước chân, động tác xòe bàn tay rồi gấp lại… rồi từ cái lắc đầu, từ đôi mắt đong đưa, lung liếng… tất cả đã tạo thành điệu múa cổ vừa độc đáo, vừa đẹp, vừa khỏe lại vừa mang sắc thái và cái hồn dân tộc Việt Nam. Theo một số vị cao niên và một số vị túc nho của Làng Triều Khúc, vào thế kỷ thứ 8, đức vua Phùng Hưng Bố cái đại vương, trước đây khi vây hãm thành Tống Bình ( tức Hà Nội ngày nay) người đã đóng đại quân ở Trang Khúc Giang xưa nay là làng Triều Khúc. Để khích lệ động viên tinh thần ba quân, tướng sĩ và cũng là nhu cầu giải trí cho nghĩa quân trước khi vào trận, người đã cho binh lính giả trang là gái và đeo trống múa Bồng. Như vậy điệu múa Bồng đã có từ thời đó. Đại Đình Triều Khúc nơi thờ thành hoàng làng là đức vua Bố cái đại vương Phùng Hưng. Điệu múa này chỉ được diễn tấu trong những ngày mở hội, vào đám. Đó là ngày đức Phùng Hưng lên ngôi vua hội làng Triều Khúc được bắt đầu từ mùng 9 đến 12 tháng Giêng. Điệu múa Bồng được biểu diễn ngay ở Phương Đình, vào giữa các tuần tế, khi có rước kiệu, rước long đình thì các vũ công và nhạc công phải đi trước kiệu để múa hầu đức Thánh. Từ ba bốn tháng trước ngày lễ hội, các vị trong BTC đã phải chọn người vào việc lễ. Việc lựa chọn này thật công phu và rất kỹ càng, Bốn thanh niên được chọn vào đội múa Bồng đều là những chàng trai chưa vợ, mặt mũi khôi ngô, tuấn tú, khổ người cao dong dỏng đều phải là con nhà tử tế không có tì vết gì mới được chấm chọn. Bởi vậy khi được cử vào đội múa Bồng là điều rất hãnh diện của con dân làng Triều Khúc. Bốn thanh niên đó sau được các nghệ nhân lớp trước truyền dạy từng bước chân, từng động tác của điệu múa Bồng, họ phải khổ luyện hàng mấy tháng trời, khi nào thật thuần thục mới được sửa lễ để chuẩn bị vào múa hầu đức Thành Hoàng làng. Thường khi trình diễn chỉ có 2 người được múa, bốn người thành 2 cặp để thay phiên nhau đến lúc cao trào thì cả bốn người mới cùng vào múa để tạo thành bầu không khí vừa rộn ràng, náo nhiệt lại vừa linh thiêng và huyền bí. Người múa Bồng đầu đội khăn gỗ, chít ra ngoài chiếc khăn mỏ quạ màu đỏ tươi, mặc quần áo trắng, cổ quàng tấm lụa xanh hình lá sen thêu hoa lá cách điệu, chiếc váy nhiễu màu đen chùng tới mắt cá chân lại được choàng thêm những dải màu ngũ sắc, thắt ngang lưng bằng một tấm lụa dài màu xanh lục. Những dải lụa rực rỡ này khi vũ công xoay người sẽ tạo thành những vòng tròn kỳ ảo và biến hóa gây cho ta một hiệu ứng thị giác vừa đẹp mắt lại vừa thần bí, chiếc trống bồng sơn màu đỏ được các vũ công đeo trước bụng bằng một dải lụa đỏ thắt múi ra phía sau lưng. Bà lệ Cung bảo rằng những bước chân của điệu múa Bồng là vô cùng uyển chuyển, những động tác giật cánh tay vừa mạnh mẽ lại vừa khỏe khoắn, bàn tay xòe ra rồi lại cuốn vào giống như múa chèo. Theo các nhà nghiên cứu múa dân gian phân tích rằng: Bốn ông đeo trống trước bụng đứng 4 góc tạo thành hình vuông, hai vũ công múa bồng với các bước đi theo hình tròn, xoay ngược chiều kim đồng hồ đó chính là sự tượng trưng cho trời đất – trời tròn, đất vuông. Khi múa cánh tay giật xuống, 2 ngón tay trỏ và giữa chỉ thẳng lên trời, phải trăng người xưa muốn gắn thuyết " thiên địa nhân" vào điệu múa Bồng. Dàn nhạc múa Bồng có 4 ông đánh trống nhỏ, họ phải đeo ngửa trống trước bụng có dây đeo quàng ra sau gáy, những chiếc trống này gọi là trống bản, còn có 1 ông đánh trốn khẩu, một ông đánh thanh la. Chính ông đánh thanh la mới là người cầm trịch, múa nhanh hay chậm đều là do ông này chỉ đạo. Tiết tấu của điệu múa Bồng mạnh và hơi nhanh, các vũ công phải nghe theo nhịp của thanh la, trống khẩu và trống con để lúc co tay, lúc gập gối trước khi vào điệu quay tròn. Hiện nay, trong làng Triều Khúc có ông Triệu Đình Hồng là người đã lĩnh hội được những tinh hoa, thần bí của điệu múa Bồng, ông vốn là một nông dân thuần phác, một lão nông rất thạo việc ruộng đồng, năm nay ông đã ngoài sáu mươi tuổi nhưng dáng ông vẫn còn tráng kiện lắm. Tuy vóc dáng hơi thô nhưng khi vào việc lễ ông như người thoát tục, như người nhập thần! đôi mắt ông sang rực, long lanh lung liếng, những động tác múa của ông vừa nhanh vừa khỏe vừa uyển chuyển đến lạ thường, nhìn ông Hồng múa các vị cao niên trong làng dù có khó tính đến mấy cũng đều tâm đắc ngợi khen. Ông Triệu Đình Hồng tập múa Bồng từ hồi còn nhỏ, ông được các cụ nghệ nhân dạy tới đầu tới đũa. Ông cũng đã truyền dạy cho nhiều thế hệ thanh niên trong làng. Nhưng theo các nhà chuyên môn và nhất là các ý kiến của người dân làng Triều Khúc thì chưa ai vượt qua được ông Triệu Đình Hồng. Bởi ông Hồng đã nắm được nét tinh túy, cái hồn, cái thần thái của điệu " Con đĩ đánh Bồng" – một điệu múa dân gian trong kho tàng các điệu múa cổ Việt Nam. Năm 2010, nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân cho cụ Bùi Văn Dũng, cụ Triệu Đình Vạn và ông Triệu Đình Hồng đây là những con người tiêu biểu trong nghệ thuật múa Bồng.
   
 

 Lại Thị Hồng Nguyên