Nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng và truyền thống cách mạng địa phương là nhiệm vụ chính trị quan trọng, nhằm tái hiện lịch sử đấu tranh cách mạng ở địa phương qua các thời kỳ, góp phần tổng kết thực tiễn công tác tư tưởng, lý luận và xây dựng Đảng, đồng thời, củng cố niềm tin của Nhân dân vào con đường cách mạng đúng đắn mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.
Ngọn lửa được lấy từ phòng truyền thống Huyện ủy để tiếp lửa truyền thống tại Lễ giao, nhận quân năm 2022
Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18-1-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tiếp tục tăng cường nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng", Huyện ủy Thanh Trì đã xác định việc nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn, xuất bản, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên trong tình hình mới, đồng thời, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng trong cán bộ, đảng viên, quần chúng Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Huyện uỷ chỉ đạo biên soạn và phát hành hơn 20 cuốn sách của huyện, ngành, đơn vị đảm bảo nội dung và chất lượng. Một số cuốn sách tiêu biểu như: Danh nhân Ngô Thì Nhậm, Tả Thanh Oai - Làng khoa bảng, tập san 50 năm giải phóng huyện Thanh Trì (6/10/1954-6/10/2014), tập san Thanh Trì - 60 năm xây dựng và phát triển (31/5/1961-31/5/2021)... đặc biệt, huyện chỉ đạo và biên soạn cuốn sách Chu Văn An - Người thầy của muôn đời, có sự tham gia góp ý đầy tâm huyết của các nhà khoa học ở Trung ương và Thành phố (Lễ phát hành cuốn sách được tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám nhân kỷ niệm 720 năm Ngày sinh của thầy giáo Chu Văn An, 15/8/1292-15/8/2012, Âm lịch), được dư luận cán bộ, đảng viên và Nhân dân hoan nghênh, đồng tình và đánh giá cao. Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực sưu tầm, biên soạn, xuất bản cuốn Lịch sử truyền thống cách mạng của địa phương, đến nay có 16/16 xã, thị trấn hoàn thành công tác sưu tầm, biên soạn cuốn Lịch sử truyền thống cách mạng của địa phương; chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn sưu tầm, biên soạn, chỉnh lý, bổ sung 10 cuốn lịch sử Đảng bộ và Nhân dân các xã; phối hợp với với Ban Chỉ huy Quân sự huyện sưu tầm tư liệu, cung cấp thông tin, hoàn thành biên soạn và phát hành xuất bản cuốn “Lịch sử lực lượng vũ trang Nhân dân huyện Thanh Trì 1945-2020”. Các ấn phẩm lịch sử được xuất bản từng bước nâng cao chất lượng, bảo đảm tính Đảng, tính khoa học, đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ chính trị của huyện và cơ sở, phục vụ tốt công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng cho đông đảo cán bộ và Nhân dân trong huyện.
Bên cạnh việc nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn lịch sử Đảng, công tác giáo dục truyền thống cũng được huyện quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Nhằm giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng vẻ vang, tri ân đối với các thế hệ cha anh, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa địa phương, năm 2003, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã chỉ đạo xây dựng Nhà truyền thống huyện; năm 2010, bổ sung, nâng cấp, hoàn thiện Nhà truyền thống, thiết thực chào mừng Đại hội Đảng các cấp và Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, khẳng định những thành tựu mà Đảng bộ và Nhân dân huyện Thanh Trì đã đạt được. Đến nay, công tác duy tu, bảo dưỡng hiện vật trưng bày ở Nhà truyền thống và thuyết minh Nhà truyền thống phục vụ nhiệm vụ chính trị của huyện luôn được quan tâm.
Các hoạt động văn hoá, thể dục, thể thao, Lễ giao, nhận quân hằng năm đều được tổ chức lấy lửa từ Nhà truyền thống; hằng năm có trên 1.500 lượt đoàn viên, thanh thiếu niên, đối tượng kết nạp Đảng đến thăm quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm tại Nhà truyền thống của Huyện.
Thực hiện chủ trương đưa nội dung giáo dục truyền thống lịch sử địa phương, lịch sử Đảng vào các cấp học trong các nhà trường, Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối hợp với ngành Giáo dục - Đào tạo huyện tham mưu Ban Thường vụ Huyện uỷ nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn và phát hành cuốn sách “Lịch sử huyện Thanh Trì trong các trường Trung học cơ sở” nhằm giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng quê hương cho thế hệ trẻ, góp phần giúp học sinh thêm tự hào về truyền thống lịch sử, văn hoá và cách mạng huyện Thanh Trì. Từ năm học 2012-2013 đến nay, các trường Trung học cơ sở trên địa bàn huyện đã triển khai dạy Lịch sử huyện Thanh Trì tại 17/17 trường THCS đạt hiệu quả.
Hàng năm, huyện tổ chức Lễ dâng hương và tuyên dương giáo viên, học sinh đạt thành tích cao trong giảng dạy và học tập tại Đình thờ tiên triết Chu Văn An (xã Thanh Liệt) vào dịp kỷ niệm Ngày sinh của danh nhân Chu Văn An (ngày 15/8 âm lịch). Từ năm 2014 đến nay, huyện phối hợp với Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội tổ chức Lễ khai bút đầu xuân tại Đình thờ Tiên Triết Chu Văn An đã tạo được ấn tượng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Công tác quản lý các di tích trên địa bàn huyện được quan tâm chỉ đạo, toàn huyện có 16 cụm di tích lịch sử, văn hoá với 87 di tích xếp hạng cấp Quốc gia và cấp Thành phố cùng 06 di tích cách mạng kháng chiến, 02 đài tưởng niệm Bác Hồ về thăm Huyện; 100% các di tích đều quản lý, đảm bảo khang trang, sạch sẽ, thường xuyên mở cửa để đón Nhân dân và khách thập phương đến thắp hương, thăm quan.
Nhằm phát huy giá trị các công trình lịch sử, sách lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử đấu tranh cách mạng và ấn phẩm lịch sử,... các cấp ủy, chính quyền Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân với hình thức đa dạng như: tổ chức hội nghị tọa đàm, tuyên truyền miệng, hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt chi bộ, giảng dạy chuyên đề ở lớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng, tuyên truyền bằng pa-nô, khẩu hiệu tại các trục đường chính trong dịp Lễ, Tết; trên trang fanpage “Thanh Trì quê tôi”, Cổng thông tin điện tử huyện, hệ thống phát thanh huyện và truyền thanh các xã, thị trấn;…
Những kết quả đạt được trong công tác lịch sử Đảng trên địa bàn Huyện đã góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền về sự cần thiết của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử các ban, ngành, đoàn thể; đồng thời giúp cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân nắm rõ và sâu sắc hơn về lịch sử Đảng bộ địa phương và truyền thống ngành, đơn vị mình; khơi dậy lòng tự hào về những truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ để tiếp tục phát huy những truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, cùng chung tay xây dựng huyện Thanh Trì ngày càng phát triển.
Hoàng Thị Thu Thủy(Tin TH)