CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA HĐND CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA HĐND

LỚP BỒI DƯỠNG KỸ NĂNG HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẠI BIỂU HĐND CÁC CẤP HUYỆN THANH TRÌ NĂM 2024
Publish date 26/09/2024 | 10:49  | Lượt xem: 622

Ngày 26/9, Thường trực HĐND huyện phối hợp với Trung tâm chính trị huyện tổ chức Lớp bồi dưỡng kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND các cấp huyện Thanh Trì năm 2024.

Tới dự có đồng chí Lê Trọng Vinh - Chuyên viên cao cấp, Phó Viên trưởng Viện đào tạo và phát triển nhân lực Việt Nam, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Nội vụ đồng thời là báo cáo viên cho hội nghị; Đồng chí Lý Duy Xuân – UVBTV, Trưởng Ban tuyên giáo, Giám đốc Trung tâm chính trị huyện; Đồng chí Nguyễn Thị Hằng – HUV, Phó chủ tịch HĐND huyện.

Đồng chí Nguyễn Thị Hằng – HUV, Phó chủ tịch HĐND huyện phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Thị Hằng – HUV, Phó chủ tịch HĐND huyện nhấn mạnh: Lớp bồi dưỡng kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND các cấp huyện Thanh Trì năm 2024 nhằm mục đích giúp các đại biểu HĐND huyện và các xã, thị trấn cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực, các kỹ năng, kinh nghiệm, phương pháp hoạt động để hoàn thành tốt vai trò, trách nhiệm của một người đại biểu dân cử, từ đó nâng cao chất lượng, hoạt động của HĐND các cấp của huyện. Đồng thời cung cấp thêm kiến thức về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, đại biểu HĐND theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương, luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; được trang bị các phương pháp kỹ năng cần thiết về giám sát chuyên đề của HĐND, thường trực HĐND, các ban HĐND, tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND. Đồng chí cũng đề nghị các đại biểu HĐND huyện và đại biểu HĐND các xã, thị trấn được mời dự lớp tập huấn nghiêm túc học tập, chấp hành đúng các thời gian của lớp đề ra để đạt chất lượng và hiệu quả của lớp cao nhất.

Đ/c Lê Trọng Vinh, Chuyên viên cao cấp, Phó Viên trưởng Viện đào tạo và phát triển nhân lực Việt Nam, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Nội vụ trình bày chuyên đề:"Quy trình, thủ tục, Kỹ năng thẩm tra và giám sát của HĐND huyện, xã"

Tại đây, các ông bà là đại biểu HĐND huyện, đại biểu HĐND 16 xã, thị trấn được nghe đồng chí Lê Trọng Vinh - Chuyên viên cao cấp, Phó Viên trưởng Viện đào tạo và phát triển nhân lực Việt Nam, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Nội vụ trình bày chuyên đề: "Quy trình, thủ tục và Kỹ năng thẩm tra và giám sát của HĐND huyện, xã" với nội dung trọng tâm như khái niệm giám sát, giám sát chuyên đề; Phân biệt giám sát của HĐND với thanh tra, kiểm tra. Nguyên tắc, mục đích, chủ thể, thẩm quyền và các hoạt động giám sát của HĐND. Quy trình 9 bước giám sát chuyên đề HĐND; Giám sát, khảo sát của tổ đại biểu HĐND; Giám sát thực hiện kết luận, kiến nghị và tái giám sát; Một số lưu ý trong giám sát chuyên đề như lựa chọn chuyên đề, công tác chuẩn bị và kết thúc giám sát và Một số nội dung giám sát cụ thể như kinh tế, ngân sách, tài nguyên và môi trường, khoa học, giáo dục đào tạo, y tế, thông tin truyền thông, lao động thương binh xã hội, thi hành pháp luật, quốc phòng an ninh, cải cách hành chính, hoạt động tư pháp,…

Hoạt động giám sát của đại biểu HĐND là hoạt động có mục đích, nhằm giúp HĐND, đại biểu HĐND nắm bắt được tình hình thực tiễn của địa phương, thông qua đó, có thêm những căn cứ để HĐND thực hiện chức năng quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền; phát hiện các ưu điểm, kết quả đạt được trong công tác quản lý nhà nước ở địa phương cũng như những vấn đề còn bất cập, hạn chế, chưa sát với thực tiễn hoặc trái quy định để có biện pháp xử lý phù hợp, theo quy định pháp luật. 

Thông qua lớp bồi dưỡng, giúp các đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn huyện Thanh Trì được cung cấp các kỹ năng hoạt động, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả tham gia của đại biểu HĐND trong việc tham gia thành viên các đoàn giám sát của HĐND, Thường trực, Ban HĐND và Tổ đại biểu HĐND. Trong quá trình giám sát, đại biểu HĐND phải thể hiện chính kiến rõ ràng về kết quả đạt được, ghi nhận, biểu dương những ưu điểm và chỉ ra những tồn tại, hạn chế của cơ quan chức năng trong thực hiện nhiệm vụ. Sau khi kết thúc giám sát, từng đại biểu HĐND phải có ý kiến tham gia vào báo cáo tổng hợp kết quả giám sát; trong đó, nội dung ý kiến tham gia phải đánh giá được ưu điểm, khó khăn, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, để trên cơ sở đó có đề xuất, kiến nghị cụ thể, phù hợp để góp phần nâng hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử tại địa phương./.

Thanh Hồng - Trung tâm VHTT&TT