CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Lý lịch tư pháp, sổ bảo hiểm xã hội sẽ sớm có trên phần mềm VNeID
Ngày đăng 12/07/2023 | 17:07  | Lượt xem: 1540

Việc triển khai lý lịch tư pháp, sổ sức khỏe điện tử, sổ bảo hiểm xã hội... trên VNelD sẽ được triển khai trong thời gian tới để tạo thêm tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.

Lý lịch tư pháp, sổ bảo hiểm xã hội sẽ sớm có trên phần mềm VNeID ảnh 1

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án số 06 của CP     phát biểu tại hội nghị

 

Chiều 12/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06.

Tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án số 06 của Chính phủ đã báo cáo Tóm tắt kết quả triển khai 6 tháng đầu năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.

Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, nhìn chung việc thực hiện Đề án 06 mang lại kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, thực hiện trên 3 khía cạnh: xây dựng nền hành chính văn minh, phát triển kinh tế xã hội và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần phòng chống tội phạm.

Dịch vụ công trực tuyến giúp tiết kiệm 2.505 tỷ đồng

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc cũng thông tin các kết quả cụ thể. Theo đó, việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến đã tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện với 25/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan tới người dân theo Đề án 06 và 10/28 dịch vụ công theo Quyết định 422 của Thủ tướng Chính phủ.

Riêng Bộ Công an đã mở rộng cung cấp 227/227 dịch vụ công theo chức năng nhiệm vụ của ngành.

Đến nay, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã cung cấp 4.409 dịch vụ công trực tuyến với hơn 7,77 triệu tài khoản (tăng 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2022); hơn 17,49 triệu lượt thực hiện các dịch vụ công (tăng 3 lần so với cùng kỳ).

 

Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp khi có thể thực hiện ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào, hạn chế phải đi lại, không tiếp xúc, không giấy tờ, không dùng tiền mặt, loại bỏ dần tình trạng tham nhũng vặt; đồng thời tiết kiệm chi phí rất lớn. Trung bình hằng năm tiết kiệm cho nhà nước và người dân 2.505 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Công an an dẫn chứng: 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng giảm thời gian từ 21 xuống 4 ngày làm việc; giảm hồ sơ giấy tờ từ 3 mẫu đơn thành 1 mẫu, tiết kiệm hơn 17 tỷ đồng. 2 dịch vụ liên thông này đã được triển khai trên toàn quốc từ 10-7.

Bên cạnh đó, dịch vụ công thu tiền nộp xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình, phạt nguội đã giảm thời gian đi lại nhận quyết định xử lý vi phạm hành chính, nộp phạt, nhận giấy tờ cho công dân đã tiết kiệm 479,9 tỷ đồng.

Đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng giảm giấy tờ, thời gian xét tuyển, cha mẹ học sinh không phải nghỉ làm, giảm ùn tắc giao thông, tiết kiệm 280,9 tỷ đồng…

Các giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử để phát triển kinh tế xã hội được thúc đẩy theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Từ dữ liệu dân cư, căn cước công danh và định danh điện tử đã đẩy mạnh ứng dụng trên các lĩnh vực mang lại giá trị thiết thực: như đẩy mạnh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền giúp thu, truy thu được 485 tỷ đồng tiền thuế; ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư để làm sạch thông tin tín dụng, xác thực thông tin thuê bao giúp nhà mạng tiết kiệm 143 tỷ đồng; ứng dụng tài khoản VNeID mức độ 2 với hành khách bay nội địa…

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, trong công tác phòng chống tội phạm, việc dùng CCCD, VNelD tạo lập tài khoản và giám sát được việc thu thuế, ứng dụng dữ liệu dân cư trong công tác bắt giữ đối tượng truy nã; xác thực thông tin tín dụng khách hàng vay, đảm bảo chính xác danh tính, phòng ngừa tội phạm lừa đảo, hạn chế rủi ro.

 

Phục vụ cho vay tín chấp đối với công dân yếu thế, phòng ngừa tội phạm “Tín dụng đen”; Xác thực thông tin thuê bao di động, từng bước loại bỏ tình trạng “sim rác” hoạt động lừa đảo, vu khống, đe dọa. Xác thực CCCD gắn chip, đối chiếu khuôn mặt, giải quyết tình trạng thi hộ, tráo người trong thi cử....

Phần mềm VNeID sẽ có thêm sổ bảo hiểm xã hội

Thứ trưởng Bộ Công an chỉ rõ một số hạn chế tồn tại như: Các bộ, ngành, chưa hoàn thành việc cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư với 808 thủ tục.

Còn 11 đơn vị chưa triển khai hệ thống hạ tầng thông tin; mới có 8/31 đơn vị đã được kiểm tra đánh giá đảm bảo an ninh, an toàn thông tin (chiếm tỷ lệ 25,1%).

Cổng dịch vụ công quốc gia có một số thời điểm ghi nhận tình trạng hoạt động thiếu ổn định, bị chậm do số lượng người dùng tăng đột biến khi triển khai Đề án 06, đặc biệt là trong giai đoạn cuối năm 2022, đầu năm 2023.

Còn 18/28 dịch vụ công thiết yếu theo Quyết định số 422, ngày 4/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ chưa hoàn thành cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia...

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc nêu rõ các nhiệm vụ cần tập trung trong thời gian tới như: số hóa, tạo lập dữ liệu của ngành Tư pháp, Lao động Thương binh và Xã hội trên nền tảng dữ liệu dân cư để tiết kiệm chi phí;

Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18, ngày 30/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, đảm bảo an ninh tiền tệ.

Ứng dụng dữ liệu dân cư, CCCD, định danh điện tử để thúc đẩy chuyển đổi số tại 19 tập đoàn, tổng công ty; Triển khai lý lịch tư pháp, sổ sức khỏe điện tử, sổ bảo hiểm xã hội... trên VNelD, tạo tiện ích cho người dân, doanh nghiệp…

Triệu Quang Xuyên - VHTT(TH)