tin tức khác
Đưa vào thử nghiệm dịch vụ 5G tại Hà Nội
Ngày đăng
02/12/2020 | 09:34
| View count: 244
Chiều 30/11, tại Hà Nội, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) công bố chính thức khai trương kinh doanh thử nghiệm 5G, trở thành nhà mạng cung cấp sớm nhất 5G cho khách hàng sau thời gian phát sóng thử nghiệm về kỹ thuật.
Tại Việt Nam, Viettel là
nhà mạng tiên phong trong việc nghiên cứu sản xuất
thiết bị 5G, thử nghiệm và từng bước tiến tới thương mại
hóa 5G, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia
đầu tiên trên thế giới tiếp cận công nghệ
này, tạo được vị thế trong việc làm chủ, ứng dụng
công nghệ mới và đi đầu trong chuyển đổi số.
Viettel nhận định, công nghệ 5G
với khả năng hỗ trợ tốc độ cao vượt trội (lên đến 10Gbps), độ
trễ cực thấp (chỉ vài ms) và mật độ kết nối khổng lồ
(hàng triệu kết nối/km2) sẽ thay đổi cơ bản cách thức
vận hành của xã hội số trong tương lai, đặc biệt những
ngành như Công nghiệp cao, Y tế, Giao thông,
Giáo dục…
Tại Hà Nội, Viettel hiện
có số lượng trạm phát sóng 5G lớn nhất từ trước
đến nay, đem lại vùng phủ rộng nhất và liền mạch, để
khách hàng có trải nghiệm thực sự với chất
lượng tốt nhất. Trên hạ tầng mạng lưới 5G, Viettel đang sử
dụng đồng thời cả thiết bị nhập khẩu và thiết bị do Viettel
tự nghiên cứu sản xuất.
Theo đó, các
khách hàng sử dụng điện thoại hỗ trợ 5G ở những khu
vực trung tâm Quận Hoàn Kiếm, Quận Ba Đình
và Quận Hai Bà Trưng có thể trải nghiệm dịch vụ
5G lập tức mà không cần phải nâng cấp SIM. Đặc
biệt, trong thời gian thử nghiệm, Viettel sẽ miễn phí data 5G
với dung lượng không giới hạn giúp khách
hàng thoải mái trải nghiệm những ưu điểm vượt trội về
tốc độ và khả năng kết nối của công nghệ di động thế hệ
thứ 5.
Sau Hà Nội, Viettel sẽ tiếp
tục mở rộng mạng lưới để sớm kinh doanh thử nghiệm 5G tại Đà
Nẵng và TP HCM.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ
trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan
Tâm khẳng định: Với chủ trương là hạ tầng viễn
thông phải đi trước một bước và sẵn sàng
đáp ứng mọi nhu cầu của nền kinh tế số, Bộ TT&TT
đã cấp phép triển khai thử nghiệm mạng và
dịch vụ sử dụng công nghệ 5G. Đây là cơ hội để
thay đổi thứ hạng viễn thông Việt Nam, là cơ hội để
phát triển ngành công nghiệp công nghệ
thông tin Việt Nam, đồng thời đây cũng là cơ
hội để ngành thông tin và truyền thông
Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong nền kinh
tế số.
Điều cần nhấn mạnh trong triển
khai mạng 5G tại Việt Nam đó là chiến lược Việt Nam
phải làm chủ thiết bị. Để thực hiện mục tiêu
này, trong thời gian vừa qua, Bộ Thông tin và
Truyền thông đặc biệt khuyến khích và đồng
hành hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nghiên
cứu và sản xuất được nhiều thiết bị viễn thông từ
thiết bị đầu cuối đến thiết bị truyền dẫn và đặc biệt
là các thiết bị mạng lưới. Để tới đây mạng
viễn thông của Việt Nam sẽ được thiết lập bằng thiết bị của
người Việt Nam. “Sản xuất thiết kế, chế tạo và thử
nghiệm dịch vụ mạng lưới 5G của Tập đoàn Công nghiệp
- Viễn thông Quân đội đợt này chính
là cơ hội để các sản phẩm thiết kế, chế tạo 5G thiết
bị Made in Việt Nam được lắp đặt và được trải nghiệm
trên mạng lưới. Kết quả này là minh chứng sinh
động cho sự chủ động cũng như năng lực của các doanh nghiệp
Việt Nam trong việc sản xuất, thiết kế các sản phẩm
công nghệ cao khi mà trên thế giới cho đến nay
chỉ có ba, bốn nước làm được” - Thứ trưởng Bộ
TT&TT nhấn mạnh.
Với ý nghĩa và tầm
quan trọng của việc triển khai và thử nghiệm mạng lưới dịch
vụ 5G lần này, cũng như tầm quan trọng của mạng 5G trong
việc xây dựng một nền kinh tế số, xã hội số, thực
hiện chủ trương xây dựng một nền kinh tế Việt Nam độc lập,
tự chủ, nhân dịp này, Bộ Thông tin và
Truyền thông đề nghị Tập đoàn Công nghiệp -
Viễn thông Quân đội, cũng như các doanh nghiệp
viễn thông Việt Nam khác cần quan tâm một số
vấn đề trong quá trình triển khai mạng 5G sắp tới.
Cụ thể, mạng 5G sử dụng các băng tần số cao có
vùng phủ hạn chế nên số lượng trạm thu phát
sóng 5G sẽ lớn hơn rất nhiều so với các công
nghệ trước đây. Do vậy, ngay từ bây giờ Tập
đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội
cũng như các doanh nghiệp viễn thông khác phải
sớm nghiên cứu và tìm giải pháp sử dụng
chung hạ tầng kỹ thuật không chỉ giữa các nhà
mạng viễn thông mà còn liên ngành
với ngành điện, nước, giao thông vận tải để
đáp ứng được yêu cầu triển khai của mạng 5G và
quan trọng nhất là tối ưu hóa chi phí của
doanh nghiệp, giảm chi phí chung của toàn xã hội
Bộ TT&TT cũng đề nghị Tập
đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội
nhanh chóng lên kế hoạch triển khai mạng 5G ở những
khu vực có nhu cầu cao như khu công nghiệp, khu
công nghệ cao,...
Theo báo cáo của Tập
đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội,
hiện nay Viettel đang sử dụng đồng thời các thiết bị tự sản
xuất và các thiết bị của nước ngoài. Qua thử
nghiệm, Bộ TT&TT đề nghị Tập đoàn Công nghiệp -
Viễn thông Quân đội đánh giá và
tiếp tục hoàn thiện các thiết bị để làm chủ
hoàn toàn công nghệ 5G, sẵn sàng sản
xuất thiết bị đáp ứng nhu cầu trong nước và tiến tới
thực hiện mục tiêu xuất khẩu ra nước ngoài. Trong
quá trình triển khai thử nghiệm, Tập đoàn
Công nghiệp - Viễn thông Quân đội cũng cần lưu
ý đảm bảo chất lượng mạng 4G đang triển khai cũng như đảm
bảo an toàn an ninh thông tin, nhất vào thời
điểm diễn ra các sự kiện chính trị lớn của đất nước.
Triệu Quang Xuyên_phòng VHTT(Theo HNP)