CHÙA ĐẠI LAN
Ngày đăng 29/03/2017 | 00:00  | Lượt xem: 1489

Chùa Đại Lan tên chữ là Phổ Huệ Tự, vốn là nghè của làng Đại Lan, xã Duyên Hà

CHÙA ĐẠI LAN

 

          Chùa Đại Lan tên chữ là Phổ Huệ Tự, vốn là nghè của làng Đại Lan, xã Duyên Hà. Bởi trước đây, chùa đã nhiều lần di chuyển và lần gần đây nhất vào năm 1959 khi sông Hồng đổi dòng, đất chùa bị sụt nên dân làng đã chuyển tượng Phật và đồ thờ vào nghè để thờ, từ đó nghè đã được chuyển thành chùa.

          Xưa kia công trình nghè có quy mô kiến trúc lớn với kết cấu “tiền Nhất hậu Đinh”, tuy nhiên, do thời gian di tích đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2010, chính quyền và nhân dân địa phương đã tiến hành tu bổ thành Tam bảo chùa như hiện nay với kết cấu kiến trúc chữ Đinh tọa lạc trên một khu đất đầu làng, nằm sát đình làng, gồm tòa Tiền đường và Thượng điện nhưng vẫn bảo tồn được một số bức cốn của công trình cũ. Năm 2012, xây dựng tiếp nhà Tổ, nhà Mẫu. Năm 2013, xây dựng nhà Khách.

          Tiền đường gồm năm gian và ba gian Thượng điện. Chùa xây tường gạch bao quanh, tường hồi bít đốc, cuối bờ chảy xây tay ngai giật cấp, hai mái lợp ngói ri, chính giữa bờ nóc đắp bức cuốn thư, bên trong đắp nổi chữ Hán ghi tên chữ của chùa, hai đầu bờ nóc đắp hai con rồng lá ngậm bờ nóc, hai tường hồi được xây tường lửng nối với hai cột trụ, đỉnh trụ đắp tứ phượng chụm đuôi vào nhau, xuống dưới là ô lồng đèn bên trong đắp nổi tứ linh (long, ly, quy, phượng), thân trụ được đắp các gờ nổi bên trong viết các đôi chữ Hán có nội dung ca ngợi cảnh đẹp của chùa và lòng từ bi hỷ xả, bác ái của đạo Phật. Vào bên trong, bộ vì đỡ mái tòa Tiền đường được làm theo kiểu: Thượng giá chiêng chồng rường, hạ cốn, kẻ hiên, bẩy hậu trên mặt bằng bốn hàng chân cột. Trang trí trên kiến trúc nhà Tiền đường được tập trung trên các đầu dư, con rường, kẻ và các bức cốn với đề tài trang trí chủ yếu là rồng, tứ linh, tứ quý, hoa cúc, bát bửu của đạo Nho…Đáng lưu ý nhất là hai bức cốn nách ở hai bên hồi thể hiện rồng mây bằng kỹ thuật chạm lộng. Rồng mây thể hiện quan niệm truyền thống của Nho giáo long vân khánh hội, Vân tòng long, phong tòng hổ là hình tượng cho sự gặp gỡ vua tôi. Sự có mặt của hai bức cốn trang trí long vân là rất phù hợp trong một kiến trúc nghè thờ các vị khoa bảng trước đây.

          Nối từ gian giữa tòa Tiền đường vào là tòa Thượng điện gồm ba gian rộng, thoáng làm nơi tọa lạc cho các pho tượng Phật và Bồ Tát trong chùa. Các bộ vì đỡ mái được làm tương tự như ở Tiền đường. Lòng nhà Thượng điện xây các bệ gạch cao dần từ ngoài vào làm nơi tọa lạc của tượng Phật, Bồ Tát.

          Trên cùng là bộ tượng Tam Thế. Lớp thứ hai là bộ tượng Di Đà Tam Tôn, với tượng A Di Đà ngồi giữa, hai bên là tượng Quan Thế Âm và tượng Đại Thế Chí. Lớp tiếp theo là tượng Di Đà Tiếp Dẫn, hai bên là tượng Thị Giả. Lớp thứ tư gồm cá tượng Quan Âm Chuẩn Đề, hai bên là tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ. Ngoài cùng là tượng Ngọc Hoàng và Phạm Thiên, Đế Thích, rồi đén tòa Cửu Long và tượng Thích Ca Sơ Sinh. Hai bên hồi Thượng điện có các tượng Quan Âm Tọa Sơn, Thổ Địa, Giám Trai, bộ tượng Thập Điện Diêm Vương. Ngoài nhà Tiền đường là hai ban thờ Đức Ông, Thánh Tăng và tượng Hộ Pháp Khuyến Thiện, Trừng Ác.

          Nhìn chung, hệ thống tượng tròn trên Tam bảo chùa Đại Lan được làm chủ yếu từ thời hậu Lê đến thời Nguyễn, tiêu biểu là bộ tượng Tam Thế, tượng Quan Âm Tọa Sơn…Những tác phẩm điêu khắc này đã mang giá trị nghệ thuật đáng kể, xứng đáng là những tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh, tiêu biểu của thời kỳ này.

          Phía sau bên trái tòa Tam bảo là tòa nhà thờ Mẫu gồm 11 gian, xây tượng gạch, các bộ vì đỡ mái kiểu vì kèo quá giang, bên trong có ban thờ sư Tổ, các vị Thánh Mẫu và một só tượng ông Hoàng, tượng Bà chúa Dâu Tằm.

          Ngoài hệ thống tượng tròn trên Phật điện và nhà Tổ, nhà Mẫu thì chùa Đại Lan còn bảo lưu được một số di vật với nhiều chất liệu và chủng loại khác nhau như: hoành phi, câu đối, cửa võng, hương án, bát hương…những di vật này đã góp phần quý giá thêm cho kho tàng di sản văn hóa của địa phương.

          Chùa Đại Lan được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1989.