SÁCH
Ngày 21/11, tại Trường Mầm non B xã Thanh Liệt, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức tập huấn chuyên đề “Giáo dục hoà nhập cho trẻ khuyết tật trí tuệ trong các cơ sở giáo dục Mầm non” cấp thành phố.
Toàn cảnh lớp tập huấn
Dự chương trình có đồng chí Đinh Thị Bích Thuỷ - Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non - Sở GD&ĐT Hà Nội; Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Hoa - Giám đốc Trung tâm Giáo dục đặc biệt Quốc gia - Viện khoa học giáo dục Việt Nam; đồng chí Phạm Thị Vân Anh - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện; trên 200 cán bộ, giáo viên các trường Mầm non trực thuộc Sở GD&ĐT.
Trưởng Phòng giáo dục Mầm non Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội Đinh Thị Bích Thuỷ
Trưởng Phòng giáo dục Mầm non Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội Đinh Thị Bích Thuỷ nhấn mạnh: Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật đóng vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ mầm non, nhằm giúp trẻ khuyết tật được can thiệp sớm và hỗ trợ gia đình trẻ khuyết tật trong công tác can thiệp sớm; thông qua các hoạt động giáo dục hòa nhập giúp cho mọi trẻ, bao gồm cả trẻ bình thường và trẻ khuyết tật được phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách và chuẩn bị cho trẻ vào lớp một. Đây chính là mục tiêu và nhiệm vụ của bậc học mầm non TP Hà Nội đã và đang thực hiện trong những năm qua. Để công tác giáo dục hòa nhập học sinh khuyết tật đạt hiệu quả cao hơn, Sở GD&ĐT tập trung làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, tăng cường công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên bằng nhiều hình thức về công tác giáo dục hòa nhập học sinh khuyết tật; thực hiện chương trình, nội dung giáo dục hòa nhập một cách linh hoạt trên cơ sở điều chỉnh nội dung, phương pháp, hình thức dạy học phù hợp với từng đối tượng khuyết tật.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Hoa - Giám đốc Trung tâm Giáo dục đặc biệt Quốc gia - Viện khoa học giáo dục Việt Nam
Trẻ khuyết tật trí tuệ là khi có những hạn chế về khả năng học tập, phát triển so với trẻ bình thường. Tại chương trình, các học viên được Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Hoa - Giám đốc Trung tâm Giáo dục đặc biệt Quốc gia - Viện khoa học giáo dục Việt Nam truyền đạt các nội dung liên quan như: Đặc điểm của học sinh khuyết tật, biểu hiện của trẻ khuyết tật trí tuệ; Phương pháp giáo dục hòa nhập học sinh khuyết tật; Xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân; Cách đánh giá học sinh khuyết tật…
Các học viên dự tập huấn
Ngoài việc được giảng viên trang bị kiến thức, kỹ năng, các học viên đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm, những cách làm hay, giải pháp thiết thực để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức hoạt động dạy trẻ khuyết tật tại đơn vị mình.
Những kiến thức tại buổi tập huấn giúp cho giáo viên có những hiểu biết cơ bản về đặc điểm, hỗ trợ trẻ khuyết tật trí tuệ, trên cơ sở đó hình thành cho mỗi giáo viên khả năng nhận diện, xác định học sinh khuyết tật học tập bằng các phương tiện, công cụ phù hợp, có những biện pháp hỗ trợ trẻ học tập.
Chuyên đề còn bồi đắp cho mỗi giáo viên sự thấu hiểu, thái độ trân trọng, đánh giá khách quan về trẻ khuyết tật, sẵn sàng tiếp nhận và đồng hành, giúp các em được tham gia học cùng trẻ bình thường ở các trường, lớp mầm non. Đồng thời để trẻ bình thường và trẻ khuyết tật hiểu đúng giá trị của nhau, xóa bỏ sự cách biệt mặc cảm, xa lánh để trẻ có trách nhiệm với nhau hơn, giúp mọi trẻ được phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách và để trẻ chuẩn bị vào lớp 1.
Phương Xuyến – Trung tâm VHTT&TT