THÔNG TIN TỔ CHỨC CÁ NHÂN
Theo chỉ huy phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội CATP Hà Nội, công dân có thể đề nghị cấp xác nhận thông tin cư trú tại bất kỳ công an cấp xã nào, không phụ thuộc vào nơi đăng ký thường trú hay tạm trú.
Người dân được đề nghị xác nhận thông tin cư trú ở mọi nơi
Thiếu tá Nguyễn Thành Lâm, Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH - CATP Hà Nội khẳng định, điều này đã được quy định tại Điều 17 của Thông tư 55/2021/TT-BCA ngày 15/5/2021 hướng dẫn thi hành Luật Cư trú 2020.
Điều 17 quy định, công dân yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú có thể trực tiếp đến cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước không phụ thuộc vào nơi cư trú của công dân để đề nghị cấp xác nhận thông tin về cư trú hoặc gửi yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú.
Trong thời hạn 3 ngày làm việc, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm xác nhận thông tin về cư trú dưới hình thức văn bản (có chữ ký và đóng dấu của Thủ trưởng cơ quan đăng ký cư trú) hoặc văn bản điện tử (có chữ ký số của Thủ trưởng cơ quan đăng ký cư trú) theo yêu cầu của công dân.
Đây chỉ là 1 trong số nhiều điểm mới của Thông tư 55 thay thế Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 9 tháng 9 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18-4-2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú.
Thông tư mới còn quy định về việc giải quyết việc công dân đến ở nơi khác cùng cấp xã nơi thường trú. Theo đó, trường hợp công dân đến sinh sống tại chỗ ở khác trong cùng phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú có trách nhiệm đến cơ quan đăng ký cư trú để cập nhật thông tin về nơi ở hiện tại trong Cơ sở dữ liệu về cư trú nếu chỗ ở đó không đủ điều kiện đăng ký thường trú (quy định tại khoản 3 Điều 6).
Luật Cư trú năm 2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-12023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú chính thức hết hiệu lực, thay thế bằng 7 phương thức trong đó có giấy xác nhận cư trú.
Lạm dụng vấn đề này, nhiều bộ phận một cửa đã yêu cầu công dân xin giấy xác nhận cư trú dù công dân đã có thông tin cư trú trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, gây phiền hà cho người dân.
Văn phòng Chính phủ tiếp nhận những bất cập đó đã yêu cầu các Bộ, ngành rà soát giảm tối đa các thủ tục hành chính phải xin giấy xác nhận cư trú. Nhiều Sở, ngành của Hà Nội cũng đã tiến hành rà soát, tạm dừng việc yêu cầu công dân phải xin giấy xác nhận cư trú.
“Trong trường hợp công dân bắt buộc phải xin giấy xác nhận cư trú để giải quyết thủ tục hành chính, công dân có thể đề nghị xin cấp ở bất cứ đâu, không phụ thuộc vào nơi đăng ký thường trú và tạm trú vì Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư do Bộ Công an xây dựng và quản lý đã được kết nối, chia sẻ với các Bộ, ngành liên quan và có thể cung cấp cho người dân” - chỉ huy Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, CATP Hà Nội khẳng định.
Thêm hình thức thông báo lưu trú và khai báo tạm vắng
Theo Điều 15 Thông tư, việc thông báo lưu trú được thực hiện theo một trong các hình thức sau đây:
- Trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú hoặc địa điểm tiếp nhận thông báo lưu trú do cơ quan đăng ký cư trú quy định;
- Thông qua số điện thoại hoặc hộp thư điện tử do cơ quan đăng ký cư trú thông báo hoặc niêm yết;
- Thông qua trang thông tin điện tử của cơ quan đăng ký cư trú hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú;
- Thông qua ứng dụng trên thiết bị điện tử.
Tương tự, việc khai báo tạm vắng đối với trường hợp quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 31 Luật Cư trú cũng được thực hiện theo các hình thức như thông báo lưu trú.
Triệu Quang Xuyên - VHTT(Tổng hợp)