THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Ban Kinh tế - xã hội HĐND huyện Thanh Trì giám sát kết quả triển khai thực hiện Đề án “Tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hoá, lễ hội truyền thống” giai đoạn 2021-2026.
Publish date 24/09/2024 | 17:00  | Lượt xem: 534

Ngày 24/9, đồng chí Nguyễn Thị Hằng – HUV, Phó chủ tịch HĐND huyện cùng Ban Kinh tế - xã hội HĐND huyện đã có buổi giám sát UBND huyện và các xã Ngọc Hồi, Đại Áng, Đông Mỹ, Duyên Hà về kết quả triển khai thực hiện Đề án “Tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hoá, lễ hội truyền thống” giai đoạn 2021-2026.

Đồng chí Nguyễn Thị Hằng - HUV, Phó chủ tịch HĐND huyện phát biểu

Dự giám sát có đồng chí Nguyễn Văn Hưng – UVBTV Huyện uỷ, Phó chủ tịch Thường trực UBND, đại diện các phòng, ban liên quan; lãnh đạo UBND, công chức Văn hoá các xã Ngọc Hồi, Đại Áng, Đông Mỹ, Duyên Hà.

Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Thanh Bình báo cáo kết quả thực hiện Đề án

Trên địa bàn huyện hiện có 154 di tích lịch sử văn hóa và 45 lễ hội truyền thống gồm: 90 di tích đã được công nhận xếp hạng (65 di tích xếp hạng cấp Quốc gia và 25 di tích xếp hạng cấp Thành phố); 06 địa điểm gắn biển lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến; 64 di tích chưa được xếp hạng; hệ thống sắc phong tại đình Yên Phú-xã Liên Ninh, đình Triều Khúc, đình Yên Xá-xã Tân Triều được công nhận là tài liệu lưu trữ quý, hiếm. Cùng với hệ thống các di sản vật thể được hiện hữu và bảo tồn, Thanh Trì còn bảo lưu được hệ thống các di sản văn hóa phi vật thể với nhiều loại hình phong phú, đa dạng: nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, tri thức dân gian, đặc biệt là các lễ hội truyền thống được tồn tại và lưu truyền qua hàng nhiều đời tại các địa phương, tiêu biểu là Lễ hội Triều Khúc, xã Tân Triều được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Đồng chí Lương Anh Dũng - Trưởng Ban Kinh tế - xã hội HĐND huyện phát biểu

Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện đã quan tâm và có nhiều giải pháp tập trung vào việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa; Hệ thống di tích lịch sử - văn hóa được tu bổ theo đúng quy định của pháp luật; di vật, cổ vật tại các di tích được bảo vệ nghiêm ngặt.

Xác định công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản, di tích lịch sử, văn hóa là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần có sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị và nhân dân; Năm 2021, UBND huyện Thanh Trì xây dựng Đề án “Tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, các lễ hội truyền thống trên địa bàn huyện Thanh Trì giai đoạn 2021-2026”, sau gần 03 năm tổ chức thực hiện, các nội dung, phần việc của Đề án được triển khai tích cực: 8/8 chỉ tiêu Đề án đã được tập trung triển khai thực hiện, trong đó 2/8 đã hoàn thành; 29/29 di tích đã được nghiên cứu, thực hiện các bước đầu tư tu bổ, tôn tạo với tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 519 tỷ đồng, đến nay 8/29 di tích đã khánh thành và đưa vào sử dụng, 21 di tích đang được triển khai tu bổ, tôn tạo đảm bảo đúng tiến độ, phấn đấu hoàn thành năm 2026. Lập hồ sơ đề nghị xếp hạng 15 di tích; nâng cấp xếp hạng di tích từ cấp Quốc gia lên cấp Quốc gia đặc biệt đối với di tích đình thờ Chu Văn An; từ cấp Thành phố lên cấp Quốc gia đối với di tích Chiến thắng Ngọc Hồi mùa xuân Kỷ Dậu (1789). Tổ chức đo đạc, lập bản đồ khoanh vùng bảo vệ và cắm mốc giới 20 di tích chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Lập hồ sơ khoa học di sản văn hoá phi vật thể đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia đối với lễ hội tổng Nam Phù. Thí điểm, xây dựng điểm du lịch làng nghề truyền thống, gắn với du lịch tâm linh từ 01 - 02 điểm. Xây dựng văn bia giới thiệu về di tích, thần tích vị thần thờ; Kiểm kê, lập hồ sơ khoa học cho các hiện vật, cổ vật; Phiên âm, dịch nghĩa tư liệu Hán Nôm tại 154 di tích, số hoá dữ liệu về các di tích lịch sử, văn hoá, các lễ hội truyền thống trên địa bàn huyện. Ngoài các chỉ tiêu xếp hạng di tích theo Đề án, huyện còn lập hồ sơ đề xuất, đã được Thành phố xếp hạng 02 di tích (Đền Nhà Bà và Nhà thờ họ Đặng, xã Yên Mỹ); gắn biển 02 địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến (tại Chùa Quang Phúc xã Thanh Liệt và thôn Huỳnh Cung xã Tam Hiệp). Năm 2023, huyện đã được UBND Thành phố công nhận 08 điểm đến du lịch trên địa bàn các xã: Yên Mỹ, Đại Áng, Thanh Liệt, Tam Hiệp, Duyên Hà, Vạn Phúc, Đông Mỹ, Tân Triều. Trong đó có điểm đến du lịch xã Tam Hiệp gắn với di sản làng nghề Rượu Ngâu được Sở Du lịch đưa vào tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên - Trung tâm Hà Nội để các đơn vị lữ hành về khảo sát đưa vào các tour.

Các đại biểu trao đổi, kiến nghị một số nội dung liên quan đến Đề án

Các đại biểu dự giám sát đã thảo luận, phân tích, làm rõ một số nội dung, những mặt tồn tại, hạn chế như việc lập hồ sơ, thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo di tích thời gian kéo dài, khó khăn cho công tác triển khai dự án, nhất là ở những nơi di tích xuống cấp nghiêm trọng. Công tác phát huy giá trị di sản, lễ hội truyền thống gắn với phát triển công nghiệp văn hoá chưa tương xứng với tiềm năng… đồng thời đưa ra giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Văn Hưng – UVBTV Huyện uỷ, Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện phát biểu chỉ đạo

Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Văn Hưng – UVBTV Huyện uỷ, Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện cho biết trong thời gian tới UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về di sản văn hóa, đưa di sản đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước. Nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong công tác quản lý, gìn giữ và phát huy giá trị di sản, lễ hội. Tăng cường các giải pháp huy động mọi nguồn lực, sự tham gia đóng góp của toàn xã hội trong bảo tồn, phát huy giá trị di tích, lễ hội; đầu tư tu bổ di tích và xếp hạng các di tích trên địa bàn. Tập trung thực hiện việc xây dựng văn bia giới thiệu về di tích, thần tích, vị thần được thờ tại di tích; công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học cho các hiện vật, cổ vật, thực hiện phiên âm, dịch nghĩa tư liệu Hán Nôm, lập bản đồ hệ thống di tích, số hóa dữ liệu về các di tích. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý di tích, hướng dẫn viên cho cán bộ văn hóa, cán bộ quản lý, người trụ trì trông nom di tích, thành viên các Ban quản lý, Tiểu ban quản lý di tích.

Phương Xuyến - Trung tâm VHTT&TT