DU LỊCH THANH TRÌ DU LỊCH THANH TRÌ

HƯỚNG ĐI MỚI TRONG BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG
Publish date 30/11/2024 | 18:00  | Lượt xem: 155

Song song với phát triển các mô hình kinh tế, huyện Thanh Trì đã tích cực xây dựng các kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Minh chứng cho thấy, có những sản phẩm đặc trưng mà khi nhắc đến, ai cũng biết đó là sản phẩm của quê hương Thanh Trì.

Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm truyền thống

Tại vùng đất xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, nghề chưng cất rượu đã được truyền lại qua nhiều thế hệ, mỗi giọt rượu chứa đựng tinh hoa từ bàn tay khéo léo và tâm huyết của người dân nơi đây. Rượu ngâu không chỉ nổi tiếng với sản phẩm rượu thơm ngon, đậm đà, mà còn gìn giữ được giá trị truyền thống của quê hương. Năm 2021, làng nghề Rượu ngâu được Thành phố công nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội”.

Sản phẩm làng nghề bánh chưng Tranh Khúc.

Hiện nay, trong làng nghề có 80 hộ. Doanh thu của làng nghề từng bước tăng cao, thu nhập bình quân đầu người tăng lên từ 7,2 - 7,8 triệu đồng/người/tháng. Công tác an toàn thực phẩm tại làng nghề được nâng cao. 100% các hộ được tuyên truyền các quy định trong sản xuất, kinh doanh rượu, được tập huấn xác nhận kiến thức, khám sức khỏe định kỳ; ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm, được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.

Năm 2011, làng nghề bánh chưng Tranh Khúc, xã Duyên Hà được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội công nhận là Làng nghề truyền thống. Bánh được cung cấp hệ thống mã vạch riêng, nhằm tăng cường quảng bá giới thiệu, bán hàng trực tuyến.

Có 1 cơ sở sản xuất sản phẩm bánh chưng đã được cấp giấy chứng nhận OCOP 4 sao, 1 cơ sở sản xuất có 2 sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao là Bánh chưng ngũ sắc và Bánh chưng nếp cẩm. 100% hộ dân làm nghề được tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kiến thức tiếp cận thị trường, quảng bá thương hiệu.

Đặc biệt vào dịp cao điểm Tết Nguyên đán, một số hộ sản xuất như hộ Thành Trung, Đặng Văn Đoàn, Nguyễn Thị Yên sản xuất trung bình từ 3.000 - 3.500 chiếc, tạo công ăn việc làm cho hơn 100 lao động trong thôn.

Nghề miến dong, bánh đa thôn Phú Diễn, xã Hữu Hoà được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội công nhận Làng nghề truyền thống năm 2012, và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng Bảo hộ nhãn hiệu tập thể, do Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hữu Hoà quản lý.

Trong các năm qua, sản phẩm miến được quảng bá giới thiệu rộng rãi tại các hội chợ, triển lãm của Thành phố. 100% hộ sản xuất được tập huấn hướng dẫn các hộ thực hiện các quy định về sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, giới thiệu ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm tại các làng nghề trên địa bàn Thành phố.

Huyện Thanh Trì có nhiều sản phẩm truyền thống tham gia các hội chợ nhằm quảng bá thương hiệu.

Hiện nay, số hộ đang sản xuất kinh doanh tại làng nghề còn khoảng 48 hộ, 30% số hộ đã đầu tư máy móc thay thế dần sản xuất thủ công, rút ngắn thời gian sản xuất dần nâng cao chất lượng sản phẩm. 80% các hộ triển khai gắn nhãn mác bao bì sản phẩm.

Với sản lượng bình quân đạt 55 tấn miến/hộ/năm, doanh thu bình quân ước đạt 220 triệu đồng/hộ/năm, thu nhập bình quân của lao động làm nghề đạt 5 - 5,5 triệu đồng/người/tháng. Một số hộ tiêu biểu như cơ sở Nguyễn Đức Dũng đã được đánh giá sản phẩm OCOP 4 sao, hiện đang được giới thiệu tại hệ thống siêu thị Win +, các cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của Thành phố.

Nghề làm bánh kẹo tại xã Liên Ninh được hình thành từ lâu đời với số hộ làm nghề khoảng 40 hộ sản xuất nhỏ lẻ, thời vụ với sản phẩm chủ yếu là bánh trung thu. Các hộ sản xuất theo thời vụ chủ yếu phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn và các huyện lân cận. Doanh thu trung bình 25 - 30 triệu đồng/hộ/vụ (1,5 tháng); tổng doanh thu ước đạt của làng khoảng 570 triệu đồng/năm. Các sản phẩm làng nghề chỉ được tiêu thụ tại huyện và các huyện lân cận như Thường Tín, Thanh Oai.

Nhằm bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, Ủy ban nhân dân xã đã phối hợp với các phòng, ban của huyện hướng dẫn thành lập Hợp tác xã bánh mứt kẹo Nội Am nhằm phát triển và quảng bá các sản phẩm tại làng. Năm 2022, Ủy ban nhân dân huyện hướng dẫn, hỗ trợ xã xây dựng Phương án bảo vệ môi trường, hồ sơ công nhận Làng nghề Hà Nội báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố thẩm định. Đến nay, Làng nghề sản xuất bánh kẹo thôn Nội Am đã được Thành phố công nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội”.

Dấu ấn từ những sản phẩm “xanh”

Làng Yên Xá thuộc xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, từng được ví như "kinh đô" của nghề guốc mộc. Nhiều năm trước làng thường cung cấp một lượng guốc lớn cho Hà Nội, các vùng trong cả nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Guốc mộc thôn Yên Xá nổi tiếng của Thanh Trì.

Nghề guốc mộc thôn Yên Xá, xã Tân Triều hình thành từ những năm 1980 - 1985, gần như 100% số hộ dân ở làng Yên Xá làm nghề guốc. Nghề làm guốc mộc Yên Xá nức tiếng gần xa về quy mô sản xuất và tính thẩm mỹ. Guốc mộc chủ yếu được làm từ gỗ xoan. Các công đoạn hoàn thành đôi guốc mộc bao gồm xẻ gỗ, lên khuôn, tạo hình, mài nhẵn rồi đóng đế và quai.

Với xu hướng sống "xanh", những sản phẩm thủ công làm từ vật liệu tự nhiên được nhiều người ưa chuộng. Giới trẻ tìm về với các trang phục cổ truyền, áo dài được yêu thích, kèm theo đó là phụ kiện phù hợp, đó là đôi guốc mộc. Giờ đây, guốc mộc được cải tiến về kiểu dáng đế, các loại quai đa sắc, hình vẽ sơn mài sinh động, trở thành một sản phẩm thời trang.

Nằm ven sông Hồng, Vạn Phúc là mảnh đất vẫn còn giữ nét thanh bình của một vùng quê giàu truyền thống huyện Thanh Trì. Nơi đây, từ lâu đã nổi tiếng với nghề mây tre đan xuất khẩu. Năm 2024, Ủy ban nhân dân Thành phố công nhận Làng nghề mây tre đan Thôn 3, xã Vạn Phúc là Làng nghề Hà Nội.

Hiện nay, số lao động tham gia làm nghề là 750 lao động, chiếm 23% tổng số lao động trong độ tuổi hiện có của làng. Số hộ tham gia làm nghề 435 hộ, chiếm 24% tổng số hộ hiện có của làng. Thu nhập bình quân của người làm nghề mây tre đan là 52,8 triệu đồng/người/năm, đạt 4,4 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 2 lần so với thu nhập bình quân của người làm nông nghiệp. Một số sản phẩm làng nghề đã được xuất khẩu đi các nước Đài Loan, Nhật Bản... như: Làn, giỏ mây, giỏ quả hồng dựng trái cây, đựng kim chỉ, gấp gọn và bảo quản quần áo, vật dụng cá nhân,…

Làng nghề nón lá truyền thống tại thôn Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng đã có lịch sử hàng trăm năm. Tổng số hộ trong làng hiện có 984 hộ, trong đó, số hộ sản xuất nón là khoảng 594 hộ/984 (chiếm 67% số hộ trong làng), chủ yếu là người quá độ tuổi lao động tranh thủ thời gian nông nhàn; người lao động làm thêm trong các buổi tối, ngày nghỉ). Tổng sản lượng sản phẩm nón lá xuất bán đạt khoảng 5.000 chiếc/tháng, doanh thu đạt khoảng 250 triệu đồng/tháng, thu nhập bình quân từ làm nón đạt từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng, góp phần tăng thêm thu nhập cho lao động nhàn rỗi của thôn, xóm.

Nón lá Vĩnh Thịnh.

Để từng bước xây dựng và phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch trên địa bàn, huyện Thanh Trì đã hỗ trợ xây dựng “Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm nón lá Vĩnh Thịnh” tại Nhà văn hoá thôn Vĩnh Thịnh, làm điểm tham quan, trải nghiệm các hoạt động đan nón cho du khách.

Không gian trưng bày đã đón khoảng 200 lượt tham quan/năm, trong đó, có hơn 30 lượt khách của các tour nội địa và các khách nước ngoài, tham gia trải nghiệm thực tế. Các sản phẩm của làng nghề hiện đã được bán hàng trên các trang mạng điện tử facebook, Shopee…. Sản phẩm nón lá của Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại dịch vụ Nón lá Vĩnh Thịnh đã được đánh giá sản phẩm OCOP 4 sao. Hiện sản phẩm nón của hợp tác xã đã được ký gửi và bán tới 20 công ty lữ hành; được trưng bày tại các cửa hàng giới thiệu các sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì Nguyễn Huy Toàn, thực hiện chỉ đạo của Thành phố, huyện Thanh Trì đã xây dựng, triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn đoạn 2021 - 2025, đến nay, có 129 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó có 64 sản phẩm đạt 4 sao, 65 sản phẩm đạt 3 sao. Bên cạnh đó, huyện đã quan tâm xây dựng và phát triển 4 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP; tích cực kết nối với các đơn vị trong và ngoài Thành phố hỗ trợ chủ cơ sở tham gia các sự kiện giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm OCOP.

Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Thanh Trì tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển làng nghề: Hướng dẫn nâng cao tay nghề cho người lao động đối với các làng nghề thủ công mỹ nghệ, dệt may, mây tre đan, chế biến nông lâm thủy sản; thúc đẩy xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu làng nghề, mở rộng thị trường cho sản phẩm làng nghề.

Song song với phát triển các mô hình kinh tế, huyện Thanh Trì còn xây dựng các Kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Hàng năm, Ủy ban nhân dân huyện đều tổ chức Hội chợ xuân để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm chủ lực của huyện, trong đó có các sản phẩm OCOP; tham gia các hội chợ, sự kiện do các sở, ban ngành của Thành phố tổ chức; hỗ trợ cho các chủ thể thiết kế nhãn mác, bao bì và in tem cổng mã QR code cho sản phẩm OCOP nhằm nhận diện thương hiệu của sản phẩm.

Qua đó góp phần thúc đẩy người sản xuất, các chủ thể nâng cao chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất, quy trình quản lý của đơn vị. Đồng thời, góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất hàng hóa của người dân, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Triệu Quang Xuyên (Tin TH)