DU LỊCH THANH TRÌ
Chùa Ứng Linh, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thoả thuận dự án tu bổ tôn tạo di tích
Ngày 16/4/2024 chùa Ứng Linh, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thoả thuận dự án tu bổ tôn tạo di tích gồm các nội dung: Hạ giải các hạng mục nhà vong, nhà tăng- khách, hành lang, nhà kho, nhà bếp; tôn tạo lại nhà Tổ, nhà Mẫu; chuyển đổi công năng nhà Mẫu cũ thành nhà vong; xây dựng am hoá vàng, nhà vệ sinh, cổng phụ; hạ tầng kỹ thuật.
Bên cạnh đó, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch lưu ý một số nội dung:
Hồ sơ cần lược bỏ các hạng mục không được đề xuất tại Tờ trình số 32/TTr-UBND ngày 27/2/2024 của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội (tháp Phật, nhà khách, nhà tạo soạn – số 6,7,8 – bản vẽ TMB-01)
Không sử dụng cột đèn Nữ Hoàng chiếu sáng sân vườn
Chỉnh sửa hướng lát mạch chữ Công tại nhà Mẫu
Am hoá vàng chỉ làm 01 tầng mái để giảm chiều cao
Không đắp phượng tại cổng phụ và không làm dạng nửa cột (cửa bên) áp vào trụ chính
Chùa có tên chữ là Ứng Linh tự, tọa lạc tại thôn Vĩnh Trung, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì gồm các hạng mục kiến trúc: Tam quan, chùa chính, nhà Tổ, nhà Mẫu và sân vườn rộng rãi.
Tam quan chùa bề thế gồm ba khối lầu vuông ba tầng được làm theo kiểu thức giống nhau, lầu giữa lớn hơn và cao hơn, trên đỉnh đắp bánh xe Pháp luân, ở tầng thứ hai treo quả chuông đồng lớn, hai lầu hai bên có kích thước nhỏ hơn, phần đỉnh đắp mặt trời với những tia lửa xung quanh. Các lầu được nối với nhau bằng tường lửng tạo thế cân xứng, đăng đối.
Qua sân lát gạch bát đến chùa chính gồm Tiền đường và Thượng điện kết cấu theo kiểu chữ Đinh với nền chùa khá cao. Chùa chính quay hướng tây, hướng quy luật đối đãi của âm dương. Tòa Tiền đường ba gian hai chái với các góc đao, chính giữa bờ nóc, bên trên ô đắp tên chùa đắp nổi bánh xe Pháp luân với tám nan tương ứng với con số tám tượng trưng cho bát chính đạo, đó là tám con đường chúng sinh đến chỗ giác ngộ giải thoát. Hai trụ biểu phía trước, đỉnh trụ trang trí đôi rồng chầu khá lạ mắt, ô lồng đèn đắp các tích tứ linh tứ quý, thân trụ đều có câu dối chữ Hán ca ngợi cảnh chùa. Vào bên trong, các bộ vì chính được làm theo kiểu chồng rường giá chiêng, kẻ hiên. Theo tư liệu ở địa phương, dưới bệ tượng Đức Ông có một căn hầm chạy thẳng ra phía tường hồi bên trái do sư bác đào để nuôi giấu cán bộ trong kháng chiến. Tại Tiền đường bài trí ban thờ Đức Ông, Thánh Tăng và hai vị Hộ Pháp Khuyến Thiện và Trừng Ác cùng nhiều đồ thờ tự khác.
Nối từ gian giữa Tiền đường về phía sau là hai gian Thượng điện, ở đây bài trí hệ thống tượng Phật gồm: lớp thứ Nhất là bộ tượng Tam Thế gồm ba pho đại diện cho Phật quá khứ, hiện tại và vị lai; lớp thứ hai là bộ tượng Di Đà Tam Tôm hay bộ Tây Phương Tam Thánh gồm Phật A Di Đà bài trí chính giữa, hai bên là Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí đứng trên đài sen, chủ việc cứu độ chúng sinh ở cõi Ta bà tiếp dẫn đến cõi Cực Lạc; Lớp thứ ba là Phật Di Lặc và các trợ thủ của ngài. Phật Di Lặc còn có hiệu là Từ Thị hay Vô Năng Thắng hay A Dật Đa; lớp thư tư là tòa Cửu Long, bên trong đặt tượng Thích Ca Sơ Sinh; hồi Thượng điện là tượng Quan Âm Tống Tử.
Nhà Tổ được hưng công xây dựng năm 2008, kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, bên trong bài trí ban thờ Đạt Ma Sư Tổ và các vị tổ đã từng trụ trì ở chùa. Nhà Mẫu ba gian giáp liền với Tiền đường, kiến trúc chữ Đinh. Tại đây bài trí ban thờ Tam Tòa Thánh mẫu, Tứ Phủ Công Đồng, Đức Thánh Trần và Sơn Trang.
Như vậy, mặc dù là một ngôi chùa mới được hưng công tân tạo trong thời gian gần đây, nhưng với hệ thống tượng tròn trong Phật điện đã thể hiện được triết lý vô thường của Phật giáo qua cách bài trí tượng Phật. Bên cạnh đó, chùa Vĩnh Trung còn giữ được tấm bia hậu Phật có niên đại 1889, quả chuông đồng cùng bát hương thời Nguyễn. Chùa đã được Bộ Văn hóa- Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1993.
Lại Thị Hồng Nguyên