DU LỊCH THANH TRÌ DU LỊCH THANH TRÌ

Chùa Chung Linh, xã Vạn Phúc được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thoả thuận dự án tu bổ tôn tạo di tích
Publish date 24/10/2024 | 07:18  | Lượt xem: 408

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thoả thuận dự án tu bổ tôn tạo di tích chùa Chung Linh, xã Vạn Phúc , huyện Thanh Trì

 

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được Tờ trình số 107/TTr-UBND ngày 05/4/2024 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị thẩm định Dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Vạn Phúc (Chung Linh tự), xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội (kèm theo hồ sơ Dự án; Biên bản họp lấy ý kiến cơ quan, tổ chức và cộng đồng dân cư địa phương về phương án tu bổ, tôn tạo di tích ngày 12/3/2024). Sau khi nghiên cứu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến thẩm định như sau: Thỏa thuận Dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Vạn Phúc (Chung Linh tự), nội dung: Dịch chuyển vị trí và tu bổ Tam bảo; tu bổ Tam quan - gác chuông; tôn tạo nhà Tổ, nhà Mẫu, các hạng mục phụ trợ (am hóa vàng, sân vườn, tường rào...) và hạ tầng kỹ thuật. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lưu ý:

 Đối với mặt bằng tổng thể (phương án tu bổ Tam quan - Tam bảo - nhà Tổ): Giữ nguyên vị trí Tam quan hiện có. Điều chỉnh giảm kích thước nhà Tổ (chiều ngang nhà Tổ không lớn hơn chiều ngang Tiền đường hiện trạng; nghiên cứu thiết kế kết cấu 4 hàng cột, bỏ hàng cột trục A để giảm kích thước lòng nhà).

 Căn chỉnh vị trí Tam quan - Tam bảo - nhà Tổ (dịch chuyển vị trí Tam bảo về phía sau so với thiết kế hiện tại để mở rộng hơn lối vào nhà Mẫu và khoảng sân từ Tam quan đến Tam bảo)

 Đối với việc tu bổ Tam quan - gác chuông, Tam bảo:

 Bảo tồn, giữ gìn nguyên vẹn các cấu kiện gỗ còn tốt, gia cố, tu bổ cấu kiện gỗ hư hỏng một phần, chỉ thay mới các cấu kiện đã hư hỏng hoàn toàn khi có sự đồng ý của Hội đồng đánh giá di tích. Giữ nguyên toàn bộ các cấu kiện gỗ có trang trí chạm khắc, chỉ bảo quản và tu bổ, gia cố các cấu kiện này (cốn triện tại vì kèo VK8-9-10 thay bằng cốn chạm hoa văn lá lật để phù hợp với trang trí hiện có).

Gông bó, hạ giải cẩn thận toàn bộ gạch hoa chanh, triện trang trí bờ nóc, bờ chảy, cánh phong... để tái định vị. Tái sử dụng tối đa chân tảng đá xanh hiện trạng (theo bản vẽ HT-24) và sử dụng làm mẫu phục chế (không làm mới chân tảng cánh sen).  Giữ nguyên kích thước trục 1-2, 7-8 của tòa Tiền đường.

Điều chỉnh bản vẽ tu bổ Tam quan - gác chuông (chiều cao tầng 2 thay đổi nhưng đề xuất giữ lại cột cái, cột trốn đỡ mái tầng 2 là không phù hợp. Bổ sung phương án tận dụng các cột này để tu bổ các cấu kiện khác).

 Đối với nhà Tổ, nhà Mẫu: Lược bỏ chi tiết trang trí bờ nóc, giản lược trang trí bờ chảy, không làm hoa chanh bờ nóc, bờ chảy, giảm độ déo mái và không làm chân tảng cánh sen.

Bảo quản, giữ gìn nguyên vẹn đồ thờ, nội thất (cửa võng, đại tự, cuốn thư, câu đối, các đồ thờ...) của Tam bảo, Tam quan - gác chuông, nhà Mẫu... để nghiên cứu sắp xếp, bài trí lại.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến, đồng thời đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan công khai nội dung tu bổ, tôn tạo di tích trước Nhân dân để tạo sự đồng thuận và triển khai các bước tiếp theo theo quy định hiện hành.

Trước đó UBND huyện có văn bản đề nghị Sở Văn hoá trình UBND Thành phố, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thẩm định dự án chùa Chung Linh, xã Vạn Phúc với các nội dung:

 Tên dự án: Tu bổ, tôn tạo di tích chùa Vạn Phúc (Chung Linh Tự).

 Loại, cấp công trình: Dự án nhóm B, loại công trình dân dụng, cấp III.

 Cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án: HĐND huyện Thanh Trì.

 Cấp quyết định đầu tư dự án: UBND huyện Thanh Trì.

Chủ đầu tư: Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì.

Đối tượng thụ hưởng: Cộng đồng dân cư thôn 1 xã Vạn Phúc và nhân dân xã Vạn Phúc và các xã lân cận, huyện Thanh Trì.

Địa điểm thực hiện dự án: Thôn 1, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội.

Tổng mức đầu tư dự kiến: 52.289.669.000 đồng

Nguồn vốn đề xuất đầu tư: Ngân sách thành phố + Ngân sách huyện.

 Nguồn vốn đề nghị thẩm định: Ngân sách thành phố + Ngân sách huyện.

  Nguồn vốn thực hiện đầu tư: Ngân sách thành phố + Ngân sách huyện.

 Ngành, lĩnh vực sử dụng nguồn vốn đề nghị thẩm định: Xây dựng dân dụng.

Thời gian thực hiện dự án: Năm 2023 - 2028.

 Hình thức đầu tư của dự án: Tu bổ, tôn tạo.

 Quy mô đầu tư:

Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích chùa Vạn Phúc (Chung Linh Tự) xã Vạn Phúc với diện tích là 5.925 m2 nằm trong khuôn viên hiện trạng của chùa Vạn Phúc (Chung Linh Tự) bao gồm các hạng mục đầu tư gốc Tu bổ nhà Tam bảo, tu bổ, tôn tạo nhà thờ Tổ, tu bổ nhà Mẫu, tu bổ, tôn tạo tam quan có gác chuông, cải tạo sửa chữa các công trình phụ trợ lát sân, tường rào, vườn, cấp điện, cấp nước thoát nước, phòng cháy chữa cháy, chống mối.

  Quá trình triển khai xâu dựng báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.

 Đặc điểm tình hình:

Chùa Vạn Phúc có tên chữ là Chung Linh Tự, ngoài ra còn có một số tên gọi khác như chùa Tráng, chùa Vạn Phúc, tọa lạc tại thôn 1, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Ngôi chùa này được coi là dấu tích về địa danh của Kinh đô nhà nước Vạn Xuân. Trong kháng chiến chống Pháp (1947 - 1954), chùa Vạn Phúc (Chung Linh Tự) là cơ sở hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Cách mạng. Vạn Phúc là bàn đạp của các chiến sĩ biệt động nội thành Hà Nội. Năm 1952, tiểu đoàn 15 và huyện đội Thường Tín đã lấy chùa làm sở chỉ huy và địa điểm liên lạc với cấp trên. Đồng chí Trần Quốc Hoàn, Trần Quang Nghĩa đã viết giấy chứng nhận về khu chùa Vạn Phúc (Chung Linh Tự) trong giai đoạn lịch sử đó. Để trả thù, giặc Pháp trước khi thoát chạy đã phá hủy ngôi chùa lịch sử này. 

Hiện nay vẫn chưa có tài liệu cụ thể nào đề cập đến năm xây dựng của chùa Vạn Phúc (Chung Linh Tự), được biết chùa Vạn Phúc (Chung Linh Tự) có thể ra đời từ thời Lý. Nhân dân địa phương thường truyền tai nhau sự tích vua Lý Thái Tổ cho đắp đê Cơ Xá vào thế kỷ XI, là đê lớn nhất lúc bấy giờ. Để kỷ niệm sự việc này, nhà Vua cho xây dựng chùa Vạn Phúc (Chung Linh Tự) dưới chân đê Vạn Phúc. Chùa Vạn Phúc (Chung Linh Tự) hiện nay có nhiều bất cập, các hạng mục gốc hư hại do bị thiên tai lũ lụt, chùa đã được nhân dân và sư thầy trùng tu, cải tạo. Nhưng do chưa có quy hoạch, thiết kế bài bản nên thiếu dự hợp lý và đồng bộ. 

Với những giá trị về Văn hóa, lịch sử của di tích và tình trạng xuống cấp trên thì việc tu bổ là hết sức cần thiết và cấp bách. 

Kết luận: Với những giá trị về Văn hóa, lịch sử của di tích và tình trạng quy hoạch bất hợp lý thì việc triển khai các công tác chuẩn bị để Tu bổ lại chùa là hết sức cần thiết. Chính vì vậy mà việc lập dự án nhằm tu bổ, tôn tạo các hạng mục của chùa Vạn Phúc (Chung Linh Tự) là việc cần phải thực hiện ngay. 

 Hiện trạng di tích

Chùa Vạn Phúc (Chung Linh Tự) được xây dựng trên một gò đất cáo ráo ở giữa làng quay mặt về hướng tây nam. Chùa có quy môt kiến trúc vừa phải, qua cổng chính là vào đến tam quan có gác chuông. Tam quan được xây dựng bằng kết cấu gỗ và đá, hiện phần gỗ đã bị hư hỏng mối mọt rất nhiều.

Qua tam quan là đến Tam bảo, kết cấu kiến trúc tam bảo có dạng chữ đinh bao gồm: Tiền đường, Thiên hương và Thượng điện. Hệ khung cột đang sử dụng chủ yếu là cột BTCT, bên trên hệ vì dùng gỗ, mái lợp ngói ta. Hiện phần gỗ đã bị mối mọt nhiều chỗ, phần rui liên trên đỉnh mái đã hở nhì thấy ánh sáng bên ngoài, ngói vỡ, sô lệch dẫn đến thấm dột. Tường nứt vỡ, ẩm mốc, bong tróc.

Bên tả là nhà  thờ tổ, kết cấu kiến trúc dạng hình chữ nhị. Bên trong cột sử dụng cả cột gỗ lẫn cột BTCT, phần cột vỗ, vì gỗ đã bị mốt mọt hư hỏng nhiều chỗ, mái lợp ngói ta cũng đã bị thấm dột, hư hỏng, tường ẩm mốc, một số cửa sử dụng cửa nhôm kính không phù hợp với di tích, hiện phía sau nhà tổ còn đang để nhà vệ sinh.

Bên hữu là nhà mẫu mặt bằng kiến trúc kiểu chữ đinh nhưng mặt bằng mái kiểu chữ nhị, kết cấu bằng BTCT đến tậm dầm, bên trên hệ kết cấu mái mới là gỗ nhưng đã hư hỏng, mối ăn rất nhiều, mái lợp ngói ta cũng đã bị thấm dọt, hư hỏng, tường ẩm mốc, cửa đang dùng kiểu pano gỗ kính không phù hợp với kiến trúc nhà cổ.

Sau nhà tam bảo là dây nhà hành lang mới được tôn tạo sửu dụng kết hợp cả cột đá và cột gỗ, hệ vì gỗ, mái lợp ngói ta sàng lát gạch gốm, tam cấp gạch gốm chưa đúng tiêu chuẩn. Tường bao dã có chỗ nứt từ mái xuống tận sàn.

Một số công trình phụ trợ khác, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan, sân vườn hư hỏng cần cải tạo sửa chữa.

Giá trị di tích:

- Giá trị Lịch sử:

Cụm di tích đình, chùa Vạn Phúc được xây dựng trên mộ mảnh đất giầu chất lịch sử. Mảnh đất ấy là cửa ngo quan trọng ở phía nam  Kinh thành. Con người Vạn Phúc từ xưa đến nay có thể giao lưu trao đổi với người ở xứ đông, người ở phía bắc và cả những vùng đất rộng lớn ở phía nam. Chính vì cái vị trí chiến lược then chốt như vậy nên nhiều cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đã biến Vạn Phúc thành mặt trận chiến đấu sống còng để tiến tới giải phóng Thăng Long cũng vì vậy mà từ khi rời đô từ Hoa Lư về Thăng Long Lý Công Uẩn đã lưu tâm tới miền đất này, việc cho đắp đê Đỉnh nhỉ, việc lập đình chùa và cho dân hai làng giao hảo với nhau, vua lý có ngầm ý xây dựng Vạn Phúc thành đinh lũy tiền đồn phía nam.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà vua Lê Lợi chọn vùng đất này để đóng đại bản doanh trong chiến dịch giải phóng Đông quan. Tất cả đều do vị trí chiến lược quan trọng của vùng đất này. Do vậy khi nghiên cứu các di tích lịch sử ở đây điều mấu chốt là phát hiện ra vị trí chiến lược của nó. Ngược lại có thấu hiểu được tầm vóc chiến lược của Vạn Phúc mới có thể đánh giá hết vị trí, tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử của di tích ở nơi đây.

- Giá trị về mặt kiên trúc nghệ thuật:

Chùa Vạn Phúc (Chung Linh tự) là nơi lễ Phật và nơi sinh hoạt hội họp chung của đông đảo nhân dân. Những di vật còn lưu giữ được ở Chùa  không quá phong phú về số lượng, nhưng vẫn mang giá trị cao về lịch sử và nghệ thuật và còn có giá trị rất lớn về khoa học.

Di tích chùa Vạn Phúc (Chung Linh tự) và những giá trị lịch sử và giá trị kiến trúc nghệ thuật cùng với cảnh quan đẹp đẽ đã hoà quyện vào nhau một cách thống nhất. Đây là một di tích tôn giáo có giá trị cần được bảo tồn và phát huy tác dụng. Bởi lẽ chùa Vạn Phúc (Chung Linh tự) vừa là nơi bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống vừa là nơi giữ gìn và vun đắp những quan niệm, lối sống tốt đẹp cho các thế hệ ngàn sau. Cái hữu thể và cái phi vật chất của văn hoá Việt Nam sẽ được cảm nhận tăng lên tùy theo sự lĩnh hội của mỗi người, mỗi khi đến tham quan nghiên cứu di tích.

- Giá trị về văn hóa khoa học:

Nét văn hóa độc đáo của ngôi chùa được thể hiện qua cơ sở giáo dục văn hóa. Một ngôi chùa được xây dựng lên là do bá tánh đóng góp. Trong xã hội cũ chùa làng được dân làng xây cất. Do vậy, chùa là của chung và là nơi tổ chức hội họp, sinh hoạt văn hóa. Như thế ngoài chức năng tôn giáo chùa còn là cơ sở sinh hoạt văn hóa.

Trong xã hội Cổ Trung Đại Việt Nam, nền giáo dục chủ yếu là Hán học. Lối giáo dục bác học này hầu như chỉ có các nhà sư hấp thụ còn tuyệt đại đa số quần chúng đều gắn liền với sinh hoạt đồng áng, một nắng hai sương. Do vậy, để mang ánh sáng văn hóa cho dân chúng, nhà sư trở thành thầy giáo và chùa trở thành nhà trường. Giáo sư Nguyễn Đăng Thục nhận định “Thời Giao Châu đô hộ phủ, các lò huấn dục nhân tài ắt phải ở tại các ngôi chùa Phật giáo cổ xưa, vốn thân cận với dân bị trị nơi quy tụ tín ngưỡng của người dân (Phật giáo Việt Nam, trang 284). Giáo sư Trần Văn Giáp viết “Bấy giờ chưa có kỳ thi Nho học, những người thông minh và có học, được biết, được học qua các vị tăng”. Rõ ràng ngôi chùa đã mang sứ mạng truyền bá văn hóa và nhà sư là người thực hiện sứ mạng này. Và chắc chắn rằng, ngoài việc học văn hóa, người học còn được hấp thụ đạo đức, luân lý từ các nhà sư để họ trở thành người hữu ích cho xã hội. Bởi thế chúng ta không ngạc nhiên chút nào, khi nhiều trạng nguyên, nhiều quan thanh liêm đều có nguồn gốc huấn dục từ nhà chùa, trong đó có những vị lỗi lạc như Nguyễn Thượng Hiền, Lương Hữu Khánh...

Trong xã hội hiện tại, ngôi chùa vẫn đang thực hiện xứ mạng này. Ngôi chùa là nơi để quần chúng nghe giảng đạo, học hỏi nghiên cứu giáo lý và tổ chức những lớp học tình thương. Chùa thường đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục người dân, dạy các giá trị về đạo đức, nghĩa cử, lòng từ bi và tình yêu thương. Ngoài ra, chùa còn là nơi truyền thống và bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử và truyền thống của quốc gia.

 Sự tuân thủ các quy định của pháp luật trong nội dung hồ sơ trình thẩm định.

Hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án: Tu bổ, tôn tạo di tích chùa Vạn Phúc (Chung Linh Tự) xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì được lập theo đúng quy định tại Điều 31 và 32 của Luật Đầu tư công.

 Sự phù hợp với mục tiêu chiến lược, kế hoạch và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực;

Dự án: Tu bổ, tôn tạo di tích chùa Vạn Phúc (Chung Linh Tự) xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì diện tích nằm trong khuôn viên hiện trạng của chùa Vạn Phúc (Chung Linh Tự) đang quản lý và sử dụng nên phù hợp với quy hoạch chung huyện Thanh Trì.

Mục tiêu đầu tư:

  - Bảo tồn di sản văn hóa dân tộc góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân địa phương trong vùng cũng như cho nhân dân Thủ Đô, tạo ra cảnh quan, dấu ấn thu hút sự chú ý của khách thăm quan với di tích của địa phương.

  - Tôn tạo cảnh quan nhằm tăng tính tôn nghiêm cho công trình và phát huy tác dụng tạo cho công trình có vị trí xứng đáng với tầm vóc vốn có của nó.

  - Phục vụ thăm viếng, thờ tự tín ngưỡng, giới thiệu lịch sử văn hóa, tạo điều kiện cho việc nghiên cứu khoa học và phục vụ du khách tới thăm quan di tích.

  - Là nơi sinh hoạt cộng đồng làng xã của nhân dân địa phương.

  - Trải qua thời gian dài tồn tại, các hạng mục kiến trúc của di tích đã hư hỏng nặng cần phải được tu bổ kịp thời nhằm giữ gìn và phát huy giá trị của di tích trong đời sống đương đại.

Quy mô đầu tư:

Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích chùa Vạn Phúc (Chung Linh Tự) xã Vạn Phúc với diện tích là 5.925 m2 nằm trong khuôn viên hiện trạng của chùa Vạn Phúc (Chung Linh Tự) bao gồm các hạng mục đầu tư gốc Tu bổ nhà Tam bảo, tu bổ, tôn tạo nhà thờ Tổ, tu bổ nhà Mẫu, tu bổ, tôn tạo tam quan có gác chuông, cải tạo sửa chữa các công trình phụ trợ lát sân, tường rào, vườn, cấp điện, cấp nước thoát nước, phòng cháy chữa cháy, chống mối.

 Đề xuất các hạng mục bảo quản, tu bổ, phục hồi và xây dựng:

Phương án tu bổ, tôn tạo tổng thể.

Tôn tạo tổng thể khuôn viên di tích: Xây mới hệ thống tường rào bảo vệ di tích, lát sân bằng gạch bát phục chế theo kiểu cổ, bố trí hệ thống chiếu sáng ở vị trí phù hợp góp phần bảo vệ và phát huy hết giá trị vốn có của di tích.

Xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật cấp điện, cấp nước, thoát nước, phòng cháy chữa cháy và vệ sinh môi trường một cách đồng bộ theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.

Tu bổ Tam bảo

Hạ giải từ mái tới móng, sau khi hạ giải tiến hành đánh giá hiện trạng cấu kiện. Dịch chuyển nhà Tam bảo lên phí trên theo trục nhất chính đạo 12m; thay toàn bộ phần cột BTCT bằng cột gỗ lim, tu bổ các cấu kiện bằng gỗ dựa trên nguyên tắc giữ gìn tối đa các yếu tố gốc, thay thế một phần đối với các cấu kiện mục hỏng một phần, thay thế mới đối với cấu kiện đã hư hỏng, mất khả năng chịu lực. Phần mái ngói mũi hài thay thế 50%, ngói lót thay mói 50%; xây đắp bờ nóc, bờ chẩy, đầu kình, lưỡng long trầu nguyệt. Lát lại toàn bộ sàn nhà bằng gạch bát 300x300; xây, trát hoàn thiện tường bao di tích, hoàn thiện sơn 1lớp lót, 2 lớp phủ. Sử lý chống mối nền móng công trình và lắp đặt hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước, cứu hỏa đầy đủ theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Xử lý chống mối gỗ, tường.

 Nhà mẫu.

Hạ giải từ mái tới móng, sau khi hạ giải tiến hành đánh giá hiện trạng cấu kiện. Thay toàn bộ phần cột BTCT bằng cột gỗ lim, tu bổ các cấu kiện bằng gỗ dựa trên nguyên tắc giữ gìn tối đa các yếu tố gốc, thay thế một phần đối với các cấu kiện mục hỏng một phần, thay thế mới đối với cấu kiện đã hư hỏng, mất khả năng chịu lực. Phần mái ngói mũi hài thay thế 50%, ngói lót thay mói 50%; xây đắp bờ nóc, bờ chẩy, đầu kình. Lát lại toàn bộ sàn nhà bằng gạch bát 300x300; xây, trát hoàn thiện tường bao di tích, hoàn thiện sơn 1lớp lót, 2 lớp phủ. Sử lý chống mối nền móng công trình và lắp đặt hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước, cứu hỏa đầy đủ theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Xử lý chống mối gỗ, tường.

Tu bổ tam quan có gác chuông.

Hạ giải từ mái tới nền, sau khi hạ giải tiến hành đánh giá hiện trạng cấu kiện. Tu bổ các cấu kiện bằng gỗ dựa trên nguyên tắc giữ gìn tối đa các yếu tố gốc, thay thế một phần đối với các cấu kiện mục hỏng một phần, thay thế mới đối với cấu kiện đã hư hỏng, mất khả năng chịu lực. Phần mái ngói mũi hài thay thế 50%, ngói lót thay mói 50%; xây đắp bờ nóc, bờ chẩy, đầu kình. Lát lại toàn bộ sàn nhà bằng gạch bát 300x300. Sử lý chống mối nền móng công trình và lắp đặt hệ thống cấp điện đầy đủ theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Xử lý chống mối gỗ.

Tôn tạo nhà tổ.

Hạ giải từ mái tới móng nhà tổ cũ, sau khi hạ giải tiến hành đánh giá hiện trạng cấu kiện. Dịch chuyển vị trí nhà theo trục nhất chính đạo (sau nhà Tam bảo).

+ Xây móng bằng gạch đặc, vữa xm mác 75, đổ giằng khóa toàn bộ hệ móng đảm bảo kết cấu bền vững cho công trình. Nền nhà Tổ được tôn tạo trên nền sân sau khi đã tôn nền là 5 bậc.

+ Phần kết cấu gỗ sử dụng lại của nhà Tổ cũ toàn bộ từ Cột, hệ thồng vì, hoành, rui …. khoảng 50%.

+ Đối với kết cấu đá chân tảng, bậc thềm còn tốt sẽ được tái sử dụng nhằm bảo tồn tối đa các cấu kiện gốc. Các cấu kiện đá chân tảng tu bổ hoặc làm mới được gia công theo chất liệu đá xanh Thanh Hoá.

+ Đối với kết vật liệu ngói theo như đánh giá sơ bộ hư hỏng khoảng 50% tổng diện tích (số lượng chính xác sau khi đánh giá hạ giải), toàn bộ ngói mới được làm theo mẫu ngói hiện trạng và lợp toàn bộ vào mái sau công trình.

+ Toàn bộ tường nhà tổ được xây mới bằng gạch đặc, vữa xm mác 75 dày 220 trát toàn bộ tường bằng vữa xm mác 75 dày 15. Sơn Vôi lại toàn bộ công trình 1 nước trắng, 2 nước màu ghi sáng và ghi sẫm, toàn bộ hệ mái nhà tổ được tôn tạo lại theo hình thức chữ nhất.

+ Lát toàn bộ sàn nhà bằng gạch bát 300x300; xây. Sử lý chống mối nền móng công trình và lắp đặt hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước, cứu hỏa đầy đủ theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Xử lý chống mối gỗ, tường.

 Cải tạo sửa chữa các công trình phụ trợ lát sân, tường rào, vườn, cấp điện, cấp nước thoát nước, phòng cháy chữa cháy, chống mối.

  Các hạng mục trong di tích được cấp đèn chiếu sáng, hệ thống quạt làm mát, công tắc, ổ cắm bố trí đúng quy phạm thuận tiện cho việc sử dụng.

  Sử dụng hệ thống cấp nước sạch chung của thành phố đã được quy hoạch xây dựng và cấp cho di tích.

  Nước mưa thu từ trên mái được đưa xuống bằng ga riêng và thoát xuống hệ thống cống thoát nước của các hạng mục công trình. Nước mưa được thoát theo độ dốc của sân vào rãnh thoát nước chảy ra hệ thống cống chung của khu vực. Nước thải sinh hoạt được thu gom, thoát vào ga riêng chảy ra hệ thống thoát nước chung của khu vực.

  Di tích được phòng cháy chữa cháy bằng hệ thống bình bọt treo tại vác vị trí gần cửa ra vào kèm theo tiêu lệnh chữa cháy.

  Sử lý chống mối cấu kiện gỗ theo tiêu chuẩn hiện hành.

  Dùng thiết bị phụt thuốc diệt mối chuyên dùng phụt thuốc xuống nền đất hiện có và xử lý phun thuốc diệt mối cho phần đất tôn cao.

  Thuốc được sử dụng là các loại thuốc thế hệ mới của nước ngoài được nhập khẩu và được phép sử dụng ở Việt Nam, không gây ô nhiễm môi trường như các hoạt chất Fiproni hoặc Chlorpyrifos...

  Chống mối cấu kiện gỗ bằng cách ngâm, tẩm các cấu kiện gỗ đã được gia công vào thuốc chống mối, phun thuốc chống mối lên bề mặt cấu kiện trước khi lắp dựng.

Dự toán tổng mức kinh phí đầu tư: 52.289.669.000 đồng

(Bằng chữ: Năm mươi hai tỷ, hai trăm tám mươi chín triệu, sáu trăm sáu mươi chín nghìn đồng./.)

 

TT

NỘI DUNG

GIÁ TRỊ

ĐƠN VỊ

1

- Giá trị xây dựng

42,606,850,000

đồng

2

- Chi phí QLDA                                  

1,056,650,000

đồng

3

- Chi phí tư vấn đầu tư                             

3,312,287,000

đồng

4

- Chi phí khác                                     

560,276,000

đồng

5

- Dự phòng phí (10%)

4,753,606,300

đồng

Tổng vốn đầu tư của dự án (làm tròn)

52.289.669.000

đồng

 

 Nguồn vốn thực hiện:

Dự kiến nguồn vốn đầu tư của dự án: Ngân sách thành phố hỗ trợ huyện, ngân sách huyện.

Nguồn vốn ngân sách hỗ trợ: 52.289.669.000 đồng trong đó:

 Ngân sách thành phố dự kiến hỗ trợ: 30.000.000.000 đồng.

(Theo Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 08/4/2022 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội).

- Ngân sách huyện dự kiến bố trí: 22.289.669.000  đồng.

(Theo Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 16/12/2022 của Hội đồng nhân dân huyện Thanh Trì).

 Khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư và việc huy động các nguồn vốn, nguồn lực để thực hiện dự án.

Theo Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 08/4/2022 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội về bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn Quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo và một số dự án xây dựng cơ bản nhiệm vụ chi cáp Thành phố thì thành phố hỗ trợ ngân sách là 30.000.000.000 đồng (Bằng chữ: Ba mươi tỷ đồng).

Theo Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 16/12/2022 của Hội đồng nhân dân huyện Thanh Trì về chủ trương thực hiện tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp các di tích lịch sử trên địa bàn huyện giai đoạn 2023-2026 thì khoản vốn đầu tư các hạng mục gốc của công trình là 22.289.669.000 đồng (Bằng chữ: Hai mươi hai tỷ, hai trăm tám mươi chín triệu, sáu trăm sáu mươi chín nghìn đồng)

  Dự kiến tiến độ triển khai, thời gian thực hiện dự án.

  Dự kiến giai đoạn chuẩn bị đầu tư từ năm 2023 đến năm 2024

Dự kiến giai đoạn thực hiện dự án từ năm 2024 đến năm 2028.

                                                       Lại Thị Hồng Nguyên  - VHTT