DU LỊCH THANH TRÌ DU LỊCH THANH TRÌ

Chùa Bảo Tháp đã được UBND huyện Thanh Trì phê duyệt Dự án tu bổ tôn tạo gồm các hạng mục: cung Tổ (điện thờ Tổ), Phương đình, Tả - Hữu hành lang với tổng kinh phí 13,3 tỷ đồng
Publish date 10/04/2024 | 17:07  | Lượt xem: 841

Chùa Bảo Tháp đã được UBND huyện Thanh Trì phê duyệt Dự án tu bổ tôn tạo gồm các hạng mục: cung Tổ (điện thờ Tổ), Phương đình, Tả - Hữu hành lang với tổng kinh phí 13,3 tỷ đồng

.

Chùa Bảo Tháp tên chữ là Bảo Tháp tự nằm trên một khu đất rộng, thoáng bên bờ sông Nhuệ, tại làng Thượng Phúc, xã Tả Thanh Oai.

         Theo truyền thuyết, chùa được khởi dựng từ thời Lý, vị sư trụ trì ban đầu là Lý Thẩm, một hoàng thân quốc thích nhà Lý (con vua Lý Cao Tông, chú của Lý Chiêu Hoàng). Đến năm 1328, thời nhà Trần, có vị cao tăng là Hồ Bà Lam đến chùa tu hành. Ông là hoàng thân nhà Hồ, khi đến tu tại chùa có nhiều công đức với nhân dân địa phương, đặc biệt là nuôi dưỡng các cô nhi, được nhân dân tôn sùng như Bồ Tát sống. Nhân dân địa phương có thơ truyền:

‘’Cô nhi quả phụ các nơi,

Đến chùa đều được Tổ nuôi hằng ngày’’

       Cũng vào thời Trần, Hoàng hậu của vua Trần Minh Tông (1314 – 1329) là Minh Từ Hồ Thuận Nương về đây tránh nạn giặc Chiêm Thành đã cho tu sửa chùa và xây dựng ngôi chùa Phúc Khê (chùa Dâu) tại địa phương. Tương truyền khi bà đến chùa, nhà sư thấy tướng mạo cốt cách quả là người nhân hậu, có căn duyên nên đã trao truyền y bát rồi sau đó thác hóa thành Phật vào ngày 15 tháng 4.

        Tuân theo đạo hạnh của Bồ Tát Hồ Bà Lam, làng Thượng Phúc mỗi khi mở hội chùa, nhà dân đều nấu cháo để ngoài cửa mời khách qua đường. Ai đói cứ ăn tự nhiên không câu nệ. Dân gian còn tin rằng mỗi khi đến ngày giỗ Tổ bao giờ cũng có sự chuyển thời tiết:

Đang nồm mà dậy gió may,

Cả làng đều biết hôm nay Tổ về.

         Sau ngày làm lễ, thường có cuồng phong thổi từ tây nam về đông bắc báo hiệu Tổ đã ra đi.

         Về Minh Từ Hồ Thuận Nương, tương truyền khi triều đình đón bà về kinh, làng lưu luyến tiễn đưa. Đúng lúc đó có đám mây ngũ sắc sà xuống bao phủ, khi mây tan, bà không còn ở cõi trần. Dân liền lập miếu thờ ngay trên nền đất nhà cũ, gọi là miếu Minh Từ.

          Khi Lê Lợi khởi nghĩa, mang quân ra Bắc đánh quân Minh, hành quân qua miếu Minh Từ nghỉ lại, vua được bà Minh Từ báo mộng sẽ âm phù giúp vua đánh giặc. Sau khi thu giang sơn về một mối, nhà vua đã sắc phong đức Minh Từ Hồ Thuận Nương là ‘’Thượng đẳng phúc thần’’.

         Hiện nay tại chùa hiện còn văn bia Bảo Tháp tự bi, dựng năm Quang Thái thứ 4 (1391) dưới triều nhà Trần. Theo truyền thuyết và di vật hiện còn tại di tích, có thể khẳng định chùa Bảo Tháp là một trong số ít những văn bia có niên đại sớm vào bậc nhất hiện còn tại các chùa trên địa bàn Hà Nội.

          Văn chuông chùa Bảo Tháp viết: ‘’Thường nghe: Trời không có thanh âm, ắt mượn sấm sét để cổ động muôn loài. Đạo Phật cũng như trời, cho nên dung âm thanh để xiển dương giáo pháp. Tại chùa có chuông, tiếng kêu vang vọng, để tiết lộ cơ mầu không hình tượng, mà hiển lộ chính giác với hình tượng lớn lao. Chùa Bảo Tháp ở bản thôn ngày nay là một danh thắng ở bên trái sông vậy. Rừng báu lúc mới làm, pháp khí báu có đầy đủ. Từ khi vạc đổi đến nay (chỉ việc nhà Lê mất), lửa thiêu đốt, chẳng còn lại gì. Đại để, phàm là vật mà thác ra ở hình dạng thì có sự hủy hoại, còn gốc thiện ở trong lòng thì không thế bào mất được. Vậy nên ngày 18 tháng 3 năm nay, các bậc kỳ dịch trong thôn cùng các thiện nam tín nữ nghĩ việc hoàn tất một nhân duyên lớn, cùng sự tín thí của mười phương, góp đồng đúc chuông…’’.

         Chùa Bảo Tháp có quy mô khá lớn, bố trí các hạng mục đăng đối theo trục linh đạo gồm: Tam quan, Tiền đường, Thượng điện, hành lang, Thiêu hương và điện thờ Thánh Tổ.

          Tam quan làm kiểu nhà ba gian, tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, chính giữa bờ nóc đắp nậm rượu, phía trước là hai trụ biểu xây gạch đơn giản, đỉnh đắp nghê chầu. Từ Tam quan qua sân lát gạch tới Tiền đường. Công trình này được làm bảy gian, tường hồi bít đốc, tay ngai trụ biểu, tuy mới được tu bổ gần đây, song căn bản vẫn giữ được kết cấu cũ. Điểm khác biệt trong kết cấu nhà Tiền đường thể hiện ngay ở mặt trước với ba cửa được tạo tác dạng cửa Nghi môn. Hệ thống cột và các bộ vì kết cấu theo kiểu thượng chồng rường, kẻ nách, bẩy hiên. Đáng chú ý là bức chạm gỗ nhỏ tại gian giữa theo tích thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh khá sinh động. Không gian Tiền đường bài trí bộ tượng Hộ Pháp Khuyến Thiện và Trừng Ác; Đức Ông – Già Lam, Chân Tể; Thánh Tăng – Diệm Nhiên, Đại Sĩ và hệ thống hoành phi, câu đối chữ Hán, chuông, khánh đồng…

      Thượng điện nối từ gian giữa Tiền đường, tạo thành kết cấu chữ Đinh, bộ vì đỡ mái làm theo kiểu vì kèo kẻ suốt. Tại đây bài trí hệ thống tượng gồm: Bộ tượng Tam Thế; A Di Đà; Quan Âm Chuẩn Đề; các vị Bồ Tát; Ngọc Hoàng, Nam Tào – Bắc Đẩu; Thổ Địa – Giám Trai; Kim Đồng – Ngọc Nữ… Đáng chú ý là bộ tượng Tam Thế và A Di Đà có niên đại tạo tác khoảng cuổi thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII.

      Ngay sau Thượng điện là tòa Thiêu hương với 4 mái đao cong, bộ khung được dựng trên bốn cột gỗ, chạm khắc đậm đặc đề tài vân mây, hoa lá… Hai dãy hành lang được làm bên sườn Thượng điện, mỗi bên 9 gian, kiểu tường hồi bít đốc, vì chồng rường, trốn cột.

          Nhà Hậu đường phía sau được làm 3 gian, cửa bức bàn, là nơi đặt tượng các vị sư tổ trụ trì tại chùa, được tôn xưng là Thánh Tổ Bồ Tát.

          Là một ngôi chùa cổ được khởi dựng từ thời Lý – Trần, đến nay dẫu đã trải qua nhiều biến động về lịch sử, chùa Bảo Tháp vẫn là ngôi chùa đẹp, còn lưu giữ được nhiều di vật quý, có giá trị về nhiều mặt. Đặc biệt đáng chú ý, đây là một trong số ít các ngôi chùa trong vùng xây dựng theo mô hình ‘’Tiền Phật hậu Thánh’’ hiện còn. Chùa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1990. Ngày 15/3/2024 chùa Bảo Tháp đã được UBND huyện phê duyệt dự án tu bổ tôn tạo một số hạng mục với tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng, trong đó ngân sách Thành phố 3,5 tỷ đồng, ngân sách huyện 9,87 tỷ đồng.

                                                                                                                                                 Hồng Nguyên - VHTT