DU LỊCH THANH TRÌ
Ngày 14/11/2024, Uỷ ban nhân dân huyện Thanh Trì phê duyệt dự án tu bổ đình Nhị Châu, xã Liên Ninh
Căn cứ các quy định hiện hành:
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi một số điều của Luật Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019; Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13/6/2019; Luật số 03/2022/QH15 ngày 11/01/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thi hành án dân sự; Căn cứ Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014; Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung ngày 17/6/2020; Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18/6/2009; Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 về việc quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; số 67/2022/NĐ-CP ngày 21/9/2022 sửa đổi, bổ sung Điều 4 Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 về việc quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 về Quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng; số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 về Quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng; số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/2/2021 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; số 40/2020/NĐ-CP ngày 06/4/2020 về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công; số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; Căn cứ Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2019 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; Căn cứ các Thông tư của Bộ Xây dựng: số 11/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 về hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng; số 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 về ban hành định mức Xây dựng; số 13/2021/TT-BXD ngày 2 31/8/2021 về hướng dẫn phương pháp xác định chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình; Căn cứ Quyết định số 15/2022/QĐ-UBND ngày 30/3/2022 của UBND thành phố Hà Nội quy định một số nội dung về quản lý đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công của thành phố Hà Nội; Căn cứ Quyết định số 31/QĐ-UBND ngày 29/12/2021 của UBND thành phố Hà Nội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội (ban hành kèm theo Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND ngày 17/11/2016 của UBND TP Hà Nội).
Căn cứ văn bản số 1627/SVHTT-QLDSVH ngày 09/5/2023 của Sở Văn hóa và thể thao về việc thẩm định hồ sơ Báo cáo tu sửa cấp thiết di tích đình Nhị Châu, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì;
Căn cứ Nghị quyết số 32/NQ- HĐND-Phụ lục số 1.18 ngày 14 tháng 7 năm 2023 của HĐND huyện Thanh Trì về việc phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công của huyện thuộc thẩm quyền phê duyệt của HĐND huyện; Căn cứ Báo cáo kết quả thẩm tra báo cáo tu sửa cấp thiết công trình: Tu bổ, tôn tạo di tích đình Nhị Châu, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì số 09/TTr-BCTT của Trung tâm kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị; Căn cứ Văn bản số 109/TĐ-QLĐT ngày 05/11/2024 của phòng Quản lý đô thị về thẩm định báo cáo tu sửa cấp thiết dự án Tu bổ, tôn tạo di tích đình Nhị Châu, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì; Căn cứ Tờ trình số 103/TTr-UBND ngày 21/10/2024 của UBND xã Liên Ninh về việc phê duyệt dự án Tu bổ, tôn tạo di tích đình Nhị Châu, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì;
Theo đề nghị của Trưởng phòng Quản lý đô thị tại Tờ trình số 552/TTr- QLĐT ngày 05/11/2024.
Uỷ ban nhân dân huyện Thanh Trì phê duyệt dự án: Tu bổ, tôn tạo di tích đình Nhị Châu, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì với các nội dung chủ yếu sau:
Tên dự án: Tu bổ, tôn tạo di tích đình Nhị Châu, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì;
Người quyết định đầu tư: Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì.
Chủ đầu tư: UBND xã Liên Ninh
Mục tiêu, quy mô đầu tư xây dựng:
Tu bổ, tôn tạo di tích đình Nhị Châu, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì nhằm kịp thời tu bổ, tôn tạo các hạng mục bị hư hỏng, xuống cấp, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu của di tích, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng cho nhân dân.
Tu bổ, tôn tạo di tích Đình Nhị Châu, xã Liên Ninh theo phương án tu sửa cấp thiết được Sở Văn hóa và Thể thao thẩm định, chấp thuận gồm các hạng mục sau:
Tu sửa cấp thiết Tam quan, Đại đình (gồm Đại bái, Ống muống, Hậu cung). Tả tu, Hữu vu. Cải tạo chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật (sân vườn, thoát nước...)
Tổ chức tư vấn lập Báo cáo tu sửa cấp thiết, tổ chức lập khảo sát xây dựng: Công ty Cổ phần xây dựng và tôn tạo công trình văn hóa. Địa điểm xây dựng và diện tích đất sử dụng: Nằm trong khuôn viên hiện có của đình Nhị Châu, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì.
Loại, nhóm dự án: dự án nhóm C; công trình văn hóa.
Số bước thiết kế, danh mục tiêu chuẩn chủ yếu được lựa chọn:
Số bước thiết kế: Công trình 1 bước thiết kế.
Các căn cứ, tiêu chuẩn, quy chuẩn chủ yếu được lựa chọn:
Căn cứ kết quả khảo sát nghiên cứu hiện trạng di tích đình Nhị Châu, đơn vị tư vấn thiết kế đã phối hợp với các phòng chức năng huyện Thanh Trì và UBND xã Liên Ninh khảo sát và thực hiện năm 2023.
Tiêu chuẩn tải trọng và tác động TCVN 2737-1995;
Tiêu chuẩn thiết kế kết cấu gạch đá cốt thép TCVN 5573-1991;
Tiêu chuẩn thiết kế kết cấu gỗ TCXD 44-1970 và TCVN 1072- 1971;
Tiêu chuẩn thiết kế kết cấu gỗ TCVN từ 355-1970 đến 368-1970;
Tiêu chuẩn thiết kế kết cấu thép TCVN 388-2005;
Tiêu chuẩn thiết kế kết cấu BTCT TCXD 356-1978;
Tiêu chuẩn thiết kế nền nhà công trình TCXD 45-1978;
TCVN 2622:1995. Phòng cháy, chống cháy cho nhà và công trình – yêu cầu thiết kế;
Tiêu chuẩn phòng chống mối cho công trình xây dựng mới TCXD 204:1998;
TCVN 3255-1986: An toàn nổ. Yêu cầu chung.
TCVN 4086-1995: An toàn điện trong xây dựng.
Hệ thống tài liệu thiết kế xây dựng kết cấu gỗ, ký hiệu quy ước thể hiện trên bản vẽ TCVN 4610-1998
Gỗ. Phân nhóm theo tính chất cơ lý TCVN 1073-1971.
Gỗ tròn. Kịch thước cơ bản TCVN 1075-1971.
Gỗ xẻ. Kích thước cơ bản TCVN 1075-1971.
Quy phạm trang bị điện 11 TCN 18-84 và 11TCN 19-84.
Tiêu chuẩn lắp đặt đường dẫn điện TCXD 25-91.
Tiêu chuẩn thiết kế lắp đặt thiết bị điện 20 TCN 27-91.
Các tiêu chuẩn thiết kế và tài liệu kỹ thuật chuyên ngành có liên quan về tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hoá, thiết kế điện, nước, phòng cháy chữa cháy, chống sét, phòng chống mối mọt… hiện hành.
Tổng mức đầu tư: 5.000.000.000 đồng (Bằng chữ : Năm tỷ đồng.)
Trong đó:
Chi phí xây dựng : 4.272.129.000 đồng
Chi phí quản lý dự án : 147.218.000 đồng
Chi phí tư vấn : 450.078.000 đồng
Chi phí khác : 59.343.000 đồng
Chi phí dự phòng : 71.232.000 đồng
Tiến độ thực hiện dự án: 2023-2025
Nguồn vốn đầu tư và dự kiến bố trí kế hoạch vốn theo tiến độ thực hiện dự án: Ngoài ngân sách thành phố hỗ trợ có mục tiêu theo Nghị quyết số 02/NQ- HĐND ngày 08/04/2022 của HĐND Thành phố Hà Nội; Ngân sách huyện đầu tư thực hiện các hạng mục theo Nghị quyết số số 37/NQ-HĐND ngày 16/12/2022 của HĐND huyện Thanh Trì, phần còn lại ngân sách xã và huy động xã hội hóa.
Hình thức tổ chức quản lý dự án được áp dụng: Giao UBND xã Liên Ninh ( hoặc thuê đơn vị tư vấn quản lý dự án )
Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: Dự án không phải tổ chức GPMB
Phương án xây dựng: Tu sửa cấp thiết di tích đình Nhị Châu, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì theo các nội dụng như sau:
Tu sửa cấp thiết Tam quan Giằng chống đảm bảo giữ Nghi môn ổn định theo phương thẳng đứng.
Đào đất xung quanh Nghi môn xuống đến đáy móng. Cắt, hạ giải đoạn tường A(3 - 4), A(9-10) và hai đoạn trục 1 và 12 chia Nghi môn thành 4 phần nhằm giảm tải trọng đồng thời việc nâng kích được tiến hành thận lợi. Sử dụng thép hộp 40x90x4 hàn thành lồng thép liên kết phần thân Nghi môn và phần móng thành 1 khối vững chắc sử dụng kích thủy lực để nâng kích từng đoạn của Nghi môn theo phương thẳng đứng, cao lên so với hiện trạng 0,3m đảm bảo toàn bộ phần đế dưới cùng của trụ cổng bồng cao hơn mặt sân 0,1m. bảo cường độ chịu lực tiến hành hạ kích, căn chỉnh phương đứng của Nghi môn. Đổ bê tông đá 2x4 mác 150 bao quanh toàn bộ móng đảm bảo độ ổn định của Nghi môn.
Xây lại các đoạn tường hạ giải theo hình thức, quy mô hiện trạng. Khoan cấy
thép đổ giằng liên kết tường xây mới và phần Nghi môn hiện trạng. Khi bê tông bao quanh thân móng đảm bảo sự ổn định tiến hành tháo dỡ lồng Trát vá các vị trí sứt vỡ, đắp phục chế các con giống bị gãy rụng bằng vữa truyền thống.
Sơn lại toàn bộ nghi môn 1 lớp sơn lót, 2 lớp sơn phủ màu ghi sáng và ghi sẫm.
Tu sửa cấp thiết Đình chính (Đại bái, Ống muống, Hậu cung) Tả-hữu vu:
Di dời đồ thờ sang hạng mục phụ trợ bảo quản, phục vụ công tác tu bổ
Lắp dựng nhà bao che bảo vệ di tích trong quá trình thi công tu bổ
Hạ giải toàn bộ con giống, mái ngói về hệ gỗ mái công trình (phần khung gỗ giữ nguyên) tổ chức đánh giá sau hạ giải phần ngói, gỗ đảm bảo gìn giữ tối đa cấu kiện nguyên gốc.
Phần tường dóc toàn bộ lớp vữa trát hiện trạng, khóa các vết nứt tường, trát lại toàn bộ tường trong, ngoài bằng vữa xm mác 75 dày 20, lăn sơn toàn bộ theo mầu hiện trạng.
Tu bổ cột đồng trụ theo kiến trúc cổ, đắp hoa văn con giống, gờ chỉ thay thế cho cột gạch cũ đơn điệu không phù hợp kiến trúc.
Hạ giải, loại bỏ hàng cột hiên đỡ mõm bẩy hiên phía trước, gia công mới các ván bọ gia cố đỡ hệ thống bẩy theo hình thức đình truyền thống.
Gia công mới toàn bộ bậc thềm đại bái và Tả - hữu vu bằng đá khối, đục nhám theo kiến trúc cổ thay thế cho bậc gạch hiện trạng. Gia công đôi rồng bằng đá xanh thay thế cho đôi sư tử vữa xi măng (sư tử không phù hợp trong di tích đình truyền
thống).
Nền bóc toàn bộ lớp gạch lát, bê tông lót cũ. Đổ bê tông nền đá 2x4 mác 100 dày 100 lát lại toàn bộ nền bằng gạch bát 300*300*50 lát mạch chữ công, miết mạch lồi
Gia công thay thế một số kết cấu gỗ mái bị hư hỏng hoặc được làm toàn bộ bằng gỗ tạp, gỗ cong vênh, kích thước, hình dáng không đồng nhất bằng cấu kiện gỗ lim.
Vệ sinh bề mặt những cấu kiện gỗ hệ khung bị sơn hiện trạng đã bong tróc.
Phần cột nhà Tả, Hữu vu xây lại hệ thống cột gạch, phía trên gia công cột trốn bằng gỗ liên kết bẩy mái theo lối truyền thống.
Phần mái ngói khu đình chính (Đại bái, Ống muống, Hậu cung) hiện trạng lợp ngói mũi hài được lợp lại, thay thế 70% diện tích ngói mới. Phần mái hai dãy Tả,
Hữu hành lang lợp mới 100% bằng ngói mũi hài (theo hình thức ngói đình chính) thay thế cho ngói sông cầu hiện trạng
Hệ thống con giống sau khi hạ giải tổ chức đánh giá. Nếu còn tốt đảm bảo chịu lực được lắp dựng vào vị trí cũ, đắp tỉa các vị trí gãy vỡ biến dạng. Nếu hư hỏng nặng được tu bổ đắp phục chế lại bằng vữa truyền thống theo kích thước và hình dáng hiện trạng
Xây dựng lại hệ thống bờ nóc, bờ chảy, đấu nóc theo kiến trúc truyền thống. Lắp đặt lại hệ thống điện chiếu sáng, thiết bị phòng cháy cho di tích Phun chống mối toàn bộ kết cấu gỗ công trình.
UBND xã Liên Ninh chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quyết định này theo đúng trình tự xây dựng cơ bản; các hướng dẫn của Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, Sở Văn hóa và thể thao thành phố Hà Nội.
Đình Nhị Châu nằm ở rìa phía nam thôn Nhị Châu, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Dưới thời Lý – Trần, thôn Nhị Châu còn có tên gọi là Minh Khánh nên di tích cũng được gọi dưới tên là đền Minh Khánh
Ngôi đình thờ ba vị tướng Nhật Quang, Nhật Chiêu và Nhật Tuấn – người có công giúp vua nhà Lý đánh đuổi giặc Chiêm Thành, bảo vệ kinh thành nên còn có tên gọi là đền thờ Tam vị Đại vương.
Theo cuốn thần phả hiện còn trong đình và truyền thuyết dân gian địa phương thì vào đầu thời Lý (đầu thế kỷ XI) ở trang Minh Khánh (nay là thôn Nhị Châu) có con gái hai vợ chồng hào phú Nguyễn Thân – Đỗ Thị Quý nổi tiếng xinh đẹp, thông minh tài giỏi; vua nghe tiếng đã cho triệu vào kinh làm cung phi, rồi lại phong làm Hoàng hậu. bà sinh được ba hoàng tử: ngày 25 tháng 5 năm Bính Thìn sinh ông Hoàng Một; ngày 28 tháng 5 năm Đinh Tỵ sinh ông Hoàng Hai; ngày 26 tháng 5 năm Mậu Ngọ sinh ông Hoàng Ba. Ông Cả mặt tựa mặt trời, tai dài chấm vai, được nhà vua đặt tên là Nhật Quang; ông Hai mặt rồng, trán hổ, tay dài quá gối, được đặt tên là Nhật Chiêu; ông Ba mặt hổ, tóc như râu rồng, được đặt tên là Nhật Tuấn. Một năm, vào ngày mùng 9 tháng mười, Hoàng hậu về thăm quê, đột nhiên gặp cơn gió lạ khiến bà lâm bệnh và qua đời; dân làng làm lễ an táng tại nơi bà mất, gọi là Mả Chúa. Cũng từ đó, ba ông Hoàng thường về quê mẹ chơi, thăm nom phần mộ và dạy dân làng tập luyện binh mã, rèn tài đấu sức. Đến đời vua Lý Thần Tông, giặc phương Bắc sang xâm lược, ba ông xin cầm quân đi đánh dẹp. Thắng trận trở về, ba ông đã xin nhà vua ban cho trang Minh Khánh là ấp Thang mộc. Ngày 26 tháng 11 năm đó, ba ông đi chơi ở trang Đình Bảng (Bắc Ninh) và mất tại đó. Nhà vua thương xót, sai rước thi hài ba ông về ấp Thang mộc an táng, ban tiền cho Minh Khánh xây lăng, lập đền thờ phụng và sắc phong là Thượng đẳng thần.
Đình Nhị Châu hiện nay vốn là đền thờ ba vị đại vương, được dựng trên khu đất cao, quay hướng nam, tây nam, trước mặt là sông Tô Lịch, qua bên kia sông là cánh đồng ruộng. Tổng thể ngôi đình gồm nhiều hạng mục kiến trúc: Bình phong, Nghi môn, Đại bái, Ống muống, Hậu cung.
Bình phong của đình Nhị Châu nằm ngay sát bờ sông được đắp bằng vôi vữa kiếu cuốn thư kết hợp trụ biểu. Tiếp đó là Nghi môn được mở với ba lối ra vào. Sau Nghi môn là sân đình, đăng đối hai bên sân là hai dãy tả mạc, Hữu mạc, mỗi dãy ba gian tường hồi bít đốc; kết cấu vì kiểu chồng rường kết hợp kẻ chuyền. Sau Tả mạc là ban thờ Hậu thần.
Đại bái gồm ba gian hai chái, kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Trên bờ nóc mái là đôi rồng chầu mặt trời. Bộ khung kiến trúc của Đại bái kiểu bốn hàng chân, với sáu bộ vì đỡ mái kết cấu kiểu chồng rường, câu đầu ăn mộng vào hai đầu cột cái và đỡ dưới câu đầu gian giữa là các đầu dư chạm rồng còn ở hai gian bên là nghé kẻ. Ở gian giữa vì nách kết cấu kiểu ván mê và bâỷ đỡ tàu mái. Vì nách hai gian bên là kiểu kẻ suốt. Tại đây treo một số bức hoành phi đề chữ Hán như sau: Tam linh hiệp cát; Hệ xuất thần minh…Sau đại bái là tòa Ống muống (hai gian) và Hậu cung (ba gian), kiểu tường hồi bít đốc, chỉ có hai mặt mái, các bộ vì nóc tương tự như ở Đại bái.
Giá trị nhất về nghệ thuật trang trí kiến trúc được thể hiện trên các bộ vì của Đại bái với rất nhiều mảng chạm khắc tinh xảo các đề tài rồng, phượng, hoa lá, vân mây mang phong cách nghệ thuật cuối thời Nguyễn. Cả bốn đầu dư gian giữa đều chạm rồng mang phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ XIX, với miệng to ngậm ngọc, râu xoắn, mắt nồi, mũi nở…Trên các bức cốn gian giữa lại chạm nổi và kênh bong các đề tài tứ linh (long, ly, quy, phượng) hoặc tứ quý (sen, cúc, trúc, đào), kết hợp với các hình chim, thú sinh động. Hai bộ vì nóc hai bên hồi lại chạm hình hổ phù đang ngậm chữ Thọ với khuôn mặt khá dữ…Có thể thấy những mảng trang trí trên kiến trúc của Đại bái đã giúp các cấu kiện thêm phần thanh thoát và làm tăng thêm gía trị thẩm mỹ, hấp dẫn cho công trình.
Mặc dù không còn tài liệu ghi chép cụ thể thời điểm ra đời của ngôi đình nhưng theo thần phả và truyền thuyết thì đây vốn là ngôi đền thờ ba vị Đại vương đã có từ thời Lý (thế kỷ XI). Hiện cũng chưa biết thời gian chuyển từ đền sang đình, nhưng dựa vào những di vật hiện còn có thể thấy đình Nhị Châu đã được xây dựng từ nửa cuối thể kỷ XVII, đại tu vào khoảng giữa thế kỷ XVIII và thể kỷ XIX . Trước hết, đình Nhị Châu còn giữ được 14 đạo sắc phong Thượng đẳng thần cho các vị Thành hoàng được thờ ở nơi đây, trong đó đạo sớm nhất có niên đại Chính Hòa năm thứ 2 (1681), đạo muộn nhất niên đại Khải Định năm thứ 9 (1924). Về di vật có giá trị còn phải kể tới tấm bia Hậu thần bi ký khắc thời Cảnh Hưng (hiện đặt ở sân sau đình)…Những di vật đó cho biết, ít nhất đến cuối thế kỷ XVII, đình Nhị Châu đã tồn tại như một thực thể văn hóa của làng xã. Sang giữa thế kỷ XVIII, đình được đại trùng tu với sự đứng ra hưng công của một người trong làng và sau này được dân làng tôn là Hậu thần. Đến năm Duy Tân thứ 5 (1911), ngôi đình đã được đại tu và sự kiện đó được ghi lại trên câu đầu gian giữa Hậu cung “Hoàng Duy Tân ngũ niên, Tân hợi, thập nguyệt, thụ trụ thượng lương đại cát” (tháng 11 năm Tân Hợi, Duy Tân thứ 5 – 1911 dựng thượng lương). Tiếp đó, năm 1988 ngôi đình được đại tu với sự đóng góp công sức của nhân dân trong thôn; sự kiện đó cũng được ghi lại trên thượng lương gian giữa: “Việt nam quốc, mậu Thìn niên, thất nguyệt, sơ lục nhật, cộng tạo đại tu, thụ trụ thượng lương đại cát” (ngày mùng 6 tháng 7 năm Mậu Thìn – 1988 mọi người cùng góp sức tu tạo đình, dựng cây thượng lương)…Gần đây nhất năm 2010-2011, ngôi đình tiếp tục được tu sửa để có diện mạo như hiện nay.
Ngoài ra, đình Nhị Châu còn giữ được hai cuốn thần phả, bộ bát bửu, chấp kích, đồ thờ và bộ cửa võng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII; ba cỗ ngai, bài vị, mũ thờ, kiệu thờ mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX; các hoành phi, câu đối niên đại đầu thế kỷ XX…
Đình Nhị Châu đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1995.
Lại Thị Hồng Nguyên - VHTT