CHI TIẾT TÌM KIẾM CHI TIẾT TÌM KIẾM

Đền Hoành Sơn, thôn Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng được Cục Di sản Văn hoá thoả thuận Thiết kế BVTC tu bổ tôn tạo di tích
Publish date 17/09/2024 | 06:55  | Lượt xem: 143

Đền Hoành Sơn, thôn Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng được Cục Di sản Văn hoá thoả thuận Thiết kế BVTC tu bổ tôn tạo di tích với nội dung: tu bổ đền chính (Tiền tế, Trung tế, Hậu cung)

Đền Hoành Sơn, thôn Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng được Cục Di sản Văn hoá thoả thuận Thiết kế BVTC tu bổ tôn tạo di tích với nội dung: tu bổ đền chính (Tiền tế, Trung tế, Hậu cung).

Bên cạnh đó, Cục Di sản văn hóa lưu ý:

Điều chỉnh thiết kế mở cửa theo mẫu hiện trạng cửa đi D3. Giữ nguyên cốt cao độ nền hiện có.

Bảo tồn nguyên vẹn các cấu kiện có chạm khắc trang trí như: cốn, bảy, con chồng, đầu dư, xà ngang, kẻ… không thay mới các cấu kiện này mà chỉ tu bổ, bảo quản. Tu bổ, bảo tồn tối đa hệ thống cột gỗ tòa Tiền tế.

 Bảo tồn tối đa các cấu kiện gỗ, giữ nguyên các cấu kiện còn tốt, gia cố, tu bổ bằng biện pháp chắp – vá – nối, thay cốt, ốp mang đối với cấu kiện hư hỏng một phần, chỉ thay mới cấu kiện hư hỏng hoàn toàn khi có sự đồng ý của Hội đồng đánh giá di tích.

 Đánh giá kỹ, hạ giải thận trọng, tận dụng tối đa ngói cũ (ngói lợp, ngói lót), gạch xây tường còn khả năng sử dụng.

 Trường hợp cấu kiện gỗ tu bổ mà cấu kiện gỗ cũ có sơn vẽ thì sơn lại theo phương pháp truyền thống, màu sắc giữ nguyên như cũ.

 Bảo vệ hệ thống đồ thờ, nội thất và hiện vật trong suốt quá trình thi công. Không đặt tượng, ban thờ Bác Hồ trong đền.

 Thành lập Hội đồng đánh giá di tích, thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích

 

Cho đến đầu thế kỷ XX, làng Vĩnh Thịnh vốn mang tên là Vĩnh Bảo, thuộc tổng Vĩnh Ninh, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Thời đó trong làng có 5 xóm: Nghè, Sau, Chùa, Giữa, Viềng và 5 giáp: Đông Nhất, Đông Nhì, Bắc, Nam, Đoài. Ngày nay, làng Vĩnh Thịnh thuộc về xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Trong quá trình đô thị hóa, mạng lưới xe bus công cộng đã mở rộng đến xã Đại Áng và một phần đồng ruộng được xây thành nhà cửa, gọi là thôn Vĩnh Thịnh 2.

Dân làng từ trước đến nay chủ yếu làm ruộng, đi buôn, ngoài ra còn có nghề phụ. Theo lưu truyền dân gian, xưa có cụ Phạm Quảng quê ở xã Minh Linh (huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) đã đến đây truyền nghề đan nón cho làng. Lá cọ mua tận Quảng Bình chở ra được chọn lọc rồi đem phơi nắng và sử dụng như nguyên liệu chính để làm nón.

Đền thờ Liễu Hạnh công chúa đã âm phù cho Phạm Xa (hiện được thờ tại đình Hoành Sơn) - một tướng của Lê Lợi đánh giặc Minh và chặt đầu Liễu Thăng ở ải Chi Lăng, Lạng Sơn.

Theo truyền thuyết, Liễu Hạnh vốn là công chúa Quỳnh Hoa, con gái Ngọc Hoàng Thượng đế, vì trót đánh rơi chén ngọc giữa lúc thiết triều nên Ngọc Hoàng nổi giận, đầy xuống trần gian. Quỳnh Hoa được đầu thai vào gia đình Lê Thái Công vào năm 1557, đời Lê Anh Tông. Vì là tiên giáng trần nên Quỳnh Hoa được đặt tên là Giáng Tiên. Hết hạn đày, Giáng Tiên phải về thượng giới, rồi nàng lại được xin giáng trần lần nữa và mang tên là Liễu Hạnh. Ở Thăng Long - Hà Nội, chúa Liễu Hạnh được thờ chính ở phủ Tây Hồ, ngoài ra còn nhiều nơi khác cũng có đền thờ Mẫu Liễu Hạnh.

Đền Hoành Sơn toạ lạc trên một khu đất cao ráo, quay hướng tây nam. Từ ngoài vào, qua Tam quan đến hai nhà Tả hữu mạc rồi đến nhà Tiền tế, Ống muống (nhà cầu) và Hậu cung.

https://360.hncity.org/local/cache-gd2/5b/a5db408042b8216888ebac75df58ea.jpg

Tam quan xây hình trụ, trên cùng là quả dành, dưới là lồng đèn, bên trong lồng đèn trang trí hình tứ linh (long, ly, quy, phượng). Nhà Tiền tế gồm 5 gian, 6 hàng chân cột, kết cấu theo kiểu chồng rường hạ kẻ, bảy hiên, chạm lộng hình rồng mây, hoa lá trên vì 3 gian giữa. Bốn đầu dư của hai vì kèo gian giữa được chạm thủng kết hợp với chạm lộng hình đầu rồng. Các bức cốn được trang trí bằng nhiều màu sắc khác nhau, nội dung là tứ linh hoặc sự kiện lịch sử thời Trần. Đáng chú ý là những bức cốn chạm trổ mô tả thế giới thần tiên, mang dấu ấn nghệ thuật thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX.

Ba gian nhà cầu có kết cấu đơn giản, hiện còn một hương án gỗ sơn son thếp vàng chạm lộng và chạm thủng với đề tài vòm mây, hoa lá. Trong Hậu cung có 3 khám thờ và tượng công chúa Liễu Hạnh sơn son thếp vàng. Đền Hoành Sơn còn lưu giữ nhiều đồ thờ bằng gỗ, sứ... có giá trị nghệ thuật cao.

Làng Vĩnh Thịnh hiện còn ngôi đình cổ được dựng vào năm Bảo Thái thứ 6 (1725) thời Lê trung hưng và từng được tu sửa vào năm Nhâm Thân đời Bảo Đại (1932). Giáp liền đình Vĩnh Thịnh là chùa Thanh Dương và cách đó chỉ khoảng hơn trăm bước còn có ngôi đền Hoành Sơn, một trong những nơi rất linh thiêng thờ Mẫu Liễu Hạnh. Tương truyền kiếp trước Thánh Mẫu đã âm phù cho tướng Phạm Xạ ém quân mai phục ở ải Chi Lăng và chém chết Liễu Thăng là chỉ huy đoàn viện binh của nhà Minh sang cứu Vương Thông đang bị vua Lê Lợi vây trong thành Đông Đô.

Theo thần phả, khi dẫn quân ra Bắc diệt giặc Minh, vua Lê Lợi đã từng đóng trại tại làng Vĩnh Thịnh. Thấy Phạm Xạ là một thanh niên giỏi võ và tinh thông binh pháp, vua bèn giao cho việc tuyển mộ binh sĩ. Rồi 243 thanh niên làng Vĩnh Bảo đã theo Phạm Xạ tham gia chiến đấu gần 30 trận. Ngài được vua phong làm "Thống chế Tả quân" vì có công mai phục ở ải Chi Lăng và tự tay chém chết Liễu Thăng năm 1427. Sau được cử giữ chức Đô đốc bộ đạo Tuyên Quang rồi Hoan Châu. Ngài lại có công chống giặc Chiêm Thành, được phong là “Nguyên soái thần xạ đại vương”.

https://360.hncity.org/local/cache-gd2/ba/6a6e3bcce6be9f843d7447eb200024.jpg

Tam quan đền Hoành Sơn mới được xây trên mảnh đất trước ngôi đền cũ, mặt nhìn về hướng nam. Sau cửa giữa là một cây cầu ngắn, đắp hình rồng. Bên kia cầu có lầu Cô, lầu Cậu và một sân gạch dài, hai bên tả hữu là nhà khách và nơi ở của vợ chồng thủ từ. Cuối sân là tòa tiền tế 5 gian cửa bức bàn, bộ mái dựa trên 6 hàng chân cột. Chính điện thờ Mẫu Liễu, hai gian bên bày động Sơn trang và ban thờ Đức Thánh Trần.

Hậu cung kết cấu đơn giản, bên trong có ba khám thờ và tượng công chúa Liễu Hạnh. Các câu đối, hoành phi, mảng chạm và đồ thờ tự mang phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Nhà cầu (ống muống) gồm 3 gian, kết cấu đơn giản. Tại gian giữa đặt một bộ hương án sơn son thếp vàng, được chạm lộng và chạm thủng với các đề tài hoa lá cây cỏ mây lửa, trang trí đắp nổi với các cảnh mây núi cân đối. Hai bên ống muống là hai căn phòng hẹp, cuối mỗi phòng cũng có một ban thờ nhỏ.

https://360.hncity.org/local/cache-gd2/59/a10139555523aa842047b2213f73ae.jpg

                              Bên trong đền Hoành Sơn

Các bức cốn trong đền có những mảng chạm với các đề tài tứ linh, thần tiên đạo Lão và lịch sử, mang nhiều màu sắc khác nhau và đậm dấu ấn nghệ thuật cuối thế kỷ XVIII, đầu TK XIX. Đặc biệt có một bức cốn gợi nhớ đến sự kiện vua Trần Nhân Tông sau khi thắng quân Nguyên đã rời bỏ ngôi báu để lên núi Yên Tử tu đạo Phật.

Ngày 2-1-1991, đền Hoành Sơn được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Lại Thị Hồng Nguyên - VHTT

 

Top of Form

Bottom of Form

HỆ THỐNG QUẢN TRỊ NỘI DUNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ