Ngày 13/12, Huyện ủy-HĐND-UBND-Uỷ ban MTTQ huyện Thanh Trì long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” và Giao lưu, gặp mặt truyền thống với nhân chứng lịch sử.
Các đại biểu dự buổi lễ
Dự buổi lễ có Trung tướng Phạm Tuân - Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động, Anh hùng Liên Xô; Thiếu tướng Vũ Hồng Sơn - Phó Tư lệnh quân chủng phòng không không quân; đồng chí Phạm Thanh Học - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Phạm Tuân chụp ảnh lưu niệm cùng các đồng chí lãnh đạo huyện Thanh Trì
Đại biểu huyện Thanh Trì dự lễ kỷ niệm có đồng chí Lê Tiến Nhật – TUV, Bí thư Huyện ủy; đồng chí Nguyễn Việt Phương – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; đồng chí Nguyễn Tiến Cường – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; đồng chí Đặng Đức Quỳnh – UVBTV, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Nguyễn Huy Chương – UVBTV, Chủ tịch UBMTTQ huyện, các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực HĐND- UBND-UBMTTQ, lãnh đạo các phòng, ban, ngành đoàn thể, đại diện các đơn vị quân đội đòng trên địa bàn huyện, Ban CHQS, Công an huyện và 80 nhân chứng lịch sử từng tham gia chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không năm 1972.
Các tiết mục văn nghệ đặc sắc tái hiện lại thời khắc lịch sử hào hùng, oanh liệt của quân và dân ta trong kháng chiến chống Đế quốc Mỹ
Trong diễn văn, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Tiến Cường khẳng định: Với bản lĩnh, ý chí quyết tâm “dám đánh, biết đánh và quyết thắng” quân thù cùng tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, nên ngay từ trận đầu ra quân, đêm ngày 18/12/1972, bộ đội ta đã bắn rơi tại chỗ “Siêu pháo đài bay” B.52, mở màn cho những thắng lợi vang dội trong những trận đánh sau đó.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường đọc diễn văn kỷ niệm
Trong 12 ngày đêm, quân và dân Hà Nội sát cánh cùng các lực lượng, các địa phương đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó, có 34 chiếc siêu pháo đài bay B.52, bắt nhiều phi công Mỹ, làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, gây chấn động mạnh mẽ trên toàn thế giới.Bị thất bại nặng nề, đế quốc Mỹ buộc phải tuyên bố chấm dứt cuộc tập kích đường không chiến lược bằng “Siêu pháo đài bay” B.52 vào Hà Nội, Hải Phòng, ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo điều kiện để hoàn thành công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Thanh Trì là huyện ngoại thành bị đánh phá dữ dội trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, Mỹ cho máy bay B.52 rải thảm xuống thị trấn Văn Điển, các xã: Vĩnh Quỳnh, Tam Hiệp, Tứ Hiệp, Ngũ Hiệp, Đông Mỹ,… Dưới làn bom đạn địch, dân quân tự vệ đã giăng một lưới lửa tầm thấp đánh vào máy bay cường kích, tạo điều kiện cho bộ đội cao xạ, tên lửa diệt chúng ở tầm cao, giúp bộ đội di chuyển củng cố trận địa, tải đạn, chuyển đạn phục vụ chiến đấu. Đặc biệt, Sở chỉ huy Trung đoàn 263 tên lửa Phòng không được đặt trong khuôn viên chùa Quang Phúc, ở thôn Thượng, xã Thanh Liệt. Sau năm 1971, Sở chỉ huy được bàn giao cho Trung đoàn tên lửa 257 trực chỉ huy chiến đấu. Tại đây, Trung đoàn 257 đã chỉ huy các tiểu đoàn chiến đấu trong 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972, bắn rơi 11 máy bay B52, có 8 chiếc rơi tại chỗ góp phần cùng quân và dân Hà Nội làm nên chiến thắng vĩ đại - “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” lẫy lừng.
Với thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, phục vụ chiến đấu thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Đảng bộ và nhân dân huyện Thanh Trì vinh dự được 10 lần Bác Hồ về thăm, chúc Tết và tặng quà. Nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng những danh hiệu cao quý; Nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Thanh Trì và 16/16 xã, thị trấn được được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân; trong đó, xã Tứ Hiệp, xã Yên Mỹ được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Trong phần giao lưu với nhân chứng lịch sử, Trung tướng Phạm Tuân, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân đã chia sẻ những kỷ niệm những ngày rèn luyện, chiến đấu và kỷ niệm khi lần đầu hạ máy bay B.52, mở màn cho những thắng lợi vang dội trong những trận đánh sau đó.
50 năm đã trôi qua nhưng những ngày tháng chiến đấu kiên cường, dũng cảm bảo vệ bình yên bầu trời Hà Nội vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức người lính đã trực tiếp tham gia chiến dịch, được tái hiện lại qua các câu chuyện kể xúc động, những giải đáp cặn kẽ, thấu đáo về chiến thắng lịch sử này. Theo Trung tướng Phạm Tuân, trong 12 ngày đêm, Mỹ sử dụng 193 B.52 và hơn 1.000 máy bay chiến thuật, trung bình mỗi đêm đánh vào Hà Nội 50-70 lượt B.52, cao điểm lên đến 100 lượt B.52. Ngoài ra, mỗi đêm trung bình 300 lượt, cao điểm 450 máy bay chiến thuật đánh phá để yểm trợ. Như vậy, bầu trời Hà Nội mỗi đêm có 200 - 300 máy bay. Một trong những khó khăn lớn nhất đối với bộ đội không quân là khi đó, các sân bay chiến đấu của ta bị phá hủy rất nặng nề, phải cất cánh trong những điều kiện khó khăn, đòi hỏi không chỉ ý chí mà cả trí tuệ, sáng tạo, dự đoán, khắc phục được những phức tạp, khó khăn của tình hình. Ví như làm nhiều sân bay dự bị hoặc cất cánh trên đường băng phụ; thậm chí, máy bay phải đeo thêm 2 quả tên lửa bổ trợ, cất cánh trên đường băng chỉ 200m so với đường băng 1km thông thường.
Để có được điều kiện tốt nhất đánh B.52, theo Trung tướng Phạm Tuân, phải bao gồm tất cả nỗ lực, từ tổ chức chỉ huy, sân bay, cất cánh, dẫn đường và sự chủ động, khả năng phán đoán tình huống của phi công. Lực lượng Phòng không-Không quân đã đánh B.52 khi chúng còn cách xa Hà Nội, thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng nhất là bảo vệ mục tiêu, chặn máy bay ném bom phá hoại, âm mưu san phẳng Hà Nội. Nhớ lại thời điểm bắn rơi B.52, Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ: “Đến khi phóng được quả tên lửa đi mới thở phào nhẹ nhõm và lúc ấy thì mặc kệ F4 xung quanh, không còn lo lắng gì nữa”.
Đặc biệt, Trung tướng Phạm Tuân nhấn mạnh, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trên không là chiến thắng của trí tuệ, sự tìm tòi, sáng tạo, ý chí quyết tâm, quả cảm của quân và dân ta khi Mỹ sở hữu đầy đủ những vũ khí tối tân, đối lập với các trang vũ khí hạn chế và lực lượng không quân rất mỏng.
Trung tướng Phạm Tuân mong muốn các thế hệ trẻ phải xây dựng cho mình bản lĩnh, đó là ý chí quyết tâm và làm sao để đạt được mục tiêu của mình, trong đó, phải biết sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Thế hệ trẻ phải không chỉ tự hào, gìn giữ mà phải biết nâng lên tầm cao mới ở thời đại ngày nay để đưa đất nước “đi tắt, đón đầu”, đạt được nhiều thành tựu hơn nữa.
Lãnh đạo huyện Thanh Trì tặng hoa Trung tướng Phạm Tuân và các đại biểu dự toạ đàm
Tặng quà 80 nhân chứng lịch sử tham gia chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không
Trân trọng biết ơn những cống hiến của Trung tướng Phạm Tuân, lãnh đạo huyện Thanh Trì đã trao tặng Trung tướng bó hoa tươi thắm và tặng quà 80 nhân chứng lịch sử của huyện.
Phương Xuyến - Trung tâm VHTT&TT Thanh Trì