Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
Publish date 24/11/2021 | 16:30  | Lượt xem: 676

Sáng 24/11, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Trung ương

 
Tham dự Hội nghị có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng 600 đại biểu gồm lãnh đạo Đảng, Nhà nước; nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước; các bộ, ngành; văn nghệ sĩ và đại diện lãnh đạo tổ chức chính trị - xã hội... 
 
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương.
 
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương cùng các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành Thành phố. 

Tham dự hội nghị tại điểm cầu huyện Thanh Trì có đồng chí Lê Tiến Nhật – TUV, Bí thư Huyện ủy; đồng chí Nguyễn Việt Phương, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; đồng chí Nguyễn Tiến Cường, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện; đồng chí Đặng Đức Quỳnh - UVBTV, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Nguyễn Huy Chương - UVBTV, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thanh Trì; các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy; Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXIV; lãnh đạo các phòng, ban, ngành của huyện; Bí thư các chi, Đảng bộ trực thuộc Huyện ủy.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến 63 tỉnh, thành và mở rộng đến các quận, huyện, các xã, phường, thị trấn. 
 
Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 được tổ chức theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII về văn hóa. Đặc biệt, hội nghị lần này diễn ra vào dịp kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Văn hóa lần thứ nhất, được kỳ vọng sẽ khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc, mở ra bước ngoặt mới trong vấn đề chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
 
Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045...
 
Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là động lực và mục tiêu phát triển
 
Báo cáo tóm tắt về việc “Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; Xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; Các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ: Sau 35 năm đổi mới đất nước, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng. 
 
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trình bày báo cáo tại hội nghị
 
Nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác văn hóa tiếp tục được đổi mới, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn; Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa từng bước được nâng cao; Xây dựng môi trường văn hóa đạt được một số kết quả tích cực; Việc xây dựng văn hóa trong chính trị được triển khai gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Xây dựng văn hóa trong kinh tế bước đầu có chuyển biến về nhận thức và hành động; Bản sắc, giá trị văn hóa, con người Việt Nam tiếp tục được kế thừa, phát huy cao độ khi đất nước gặp khó khăn, thử thách do thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 từ cuối năm 2019 đến nay; Tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
 
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng nêu những giải pháp nhằm xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam thời gian tới. Cụ thể như tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của Đảng trong giai đoạn mới là quán triệt đầy đủ trong nhận thức, triển khai đồng bộ, sâu rộng trong thực tiễn cả 5 quan điểm chỉ đạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước. 
 
Thống nhất quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, dân chủ, khoa học và nhân văn; Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, đoàn kết, dũng cảm, tài trí, cần cù, nhân ái, nghĩa tình, hòa hiếu, khoan dung...
 
Hà Nội xác định văn hóa là nguồn lực nội sinh quyết định sự phát triển bền vững
 
Tham luận tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nêu rõ, qua 35 năm đổi mới, Đảng bộ Hà Nội đã liên tục có sự đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, Thành phố luôn đặc biệt quan tâm việc cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Trung ương về phát triển văn hóa, xây dựng con người. Đến nay, trải qua 8 kỳ đại hội kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa, con người trong xã hội được Đảng bộ Thành phố kế thừa và phát triển qua từng giai đoạn.
 
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội
 
Đại hội XVII Đảng bộ Hà Nội nhiệm kỳ (2020-2025) tiếp tục khẳng định nhận thức toàn diện hơn về phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội, Đại hội nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm: “Chú trọng phát triển văn hóa Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng; Thành phố vì hòa bình, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước sâu sắc, ý thức tôn trọng pháp luật; giàu lòng tự hào dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển; coi đây là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô bền vững” và xác định một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ là “Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững Thủ đô”.
 
Theo Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong, để cụ thể hóa các quan điểm mới về phát triển văn hóa, con người Việt Nam được đặt ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, bám sát tình hình thực tiễn của Thủ đô, Thành phố Hà Nội tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ 6 nhiệm vụ, giải pháp vừa đảm bảo đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa có tính căn cơ, lâu dài trên tinh thần đổi mới sáng tạo, có tính đột phá.
 
Trọng tâm là nâng cao nhận thức về văn hóa và nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người Việt Nam của toàn xã hội, trước hết là của cán bộ, đảng viên, các tổ chức Đảng, chính quyền của Thành phố. Đồng thời, thấu suốt quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa, con người là sự nghiệp quan trọng, lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, thận trọng; luôn tìm tòi, đổi mới tư duy phát triển vừa đảm bảo giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, vừa thúc đẩy và đặt đúng vai trò chủ thể của người dân, các cơ quan, tổ chức, người thực hành văn hóa trong xây dựng và phát triển văn hóa; khẳng định con người vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là mục tiêu và trung tâm trong chính sách phát triển của Thủ đô. 
 
Hà Nội cũng sẽ định vị tầm nhìn rộng để hoạch định chiến lược phát triển văn hóa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô; đồng thời, đảm bảo bố trí nguồn lực đầu tư phù hợp, tạo cơ chế thuận lợi thu hút nguồn lực xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển, để Thủ đô Hà Nội xứng đáng là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, nhất là thúc đẩy mạnh mẽ việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng “Thành phố sáng tạo”- Một động lực mới, thương hiệu mới được cộng đồng quốc tế ghi nhận năm 2019, gắn với mục tiêu phát triển Thủ đô với tầm nhìn đến năm 2045. 
 
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong tham luận tại hội nghị
 
Trong đó, tập trung rà soát, bổ sung điều chỉnh Quy hoạch và chiến lược phát triển văn hóa Hà Nội phù hợp với giai đoạn phát triển mới; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” - 1 trong 2 Nghị quyết Chuyên đề quan trọng được Thành ủy (khóa XVII) xác định, gắn với phát triển thị trường văn hóa trên địa bàn Thủ đô.
 
Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và nhân văn trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng thôn làng, khu dân cư, tổ dân phố, trường học, cơ quan, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Coi trọng xây dựng, thực hành văn hóa chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức các cấp gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các quy định của Đảng về nêu gương và tinh thần Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII,  XIII)... Tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện 02 Quy tắc ứng xử của Thành phố; khuyến khích xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân mang bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội; thúc đẩy đưa các mô hình văn hóa gia đình, cộng đồng, trường học, nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đi vào thực chất, có hiệu quả, tạo sức lan tỏa xã hội cao. 
 
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng nêu rõ, Thành phố sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách đảm bảo bao phủ và sử dụng hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ Thành phố đến cơ sở; khuyến khích phát triển, khai thác hiệu quả các không gian văn hóa sáng tạo của cộng đồng; đầu tư kiến tạo các công trình văn hóa mới tiêu biểu, có không gian cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô thời kỳ mới… Phát triển đồng đều và từng bước thu hẹp khoảng cách về thụ hưởng văn hóa, tinh thần giữa các vùng, địa phương, các giai tầng xã hội trên địa bàn của Thành phố.
 
“Trong giai đoạn phát triển mới, Hà Nội chưa khi nào có được quy mô, vị thế, tầm vóc và cơ hội phát triển như bây giờ; song khó khăn, thử thách là không nhỏ. Để hoàn thành trọng trách nặng nề và vẻ vang ấy, Đảng bộ, chính quyền, các tầng lớp Nhân dân Thủ đô, xác định phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, đoàn kết, sáng tạo, vừa phát huy truyền thống vẻ vang và những thành tựu đạt được, vừa khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tận dụng tối đa những cơ hội, huy động được nguồn lực tổng hợp và nhất là nguồn lực từ niềm tin, sự đồng lòng, nhất trí, ý chí và khát vọng vươn lên của mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân để phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển nhanh, bền vững Thủ đô”, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Triệu Quang Xuyên - VHTT(Theo HNP)