Hà Nội: Tiếp tục phát huy tinh thần: Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo và phát triển
Publish date
04/02/2022 | 18:14
| Lượt xem: 1720
Năm 2022, Thành phố tiếp tục thực hiện chủ đề của năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”; thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; tập trung thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân. Thành phố quyết tâm hoàn thành 22 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, GRDP tăng từ 7,0% - 7,5%.
Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số cả nước, nhưng hằng năm, Thủ đô đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa, 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu.
Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, song, đây cũng là năm Hà Nội phải tiếp tục đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, một thách thức chưa có tiền lệ. Trong “nguy” có “cơ”, khó khăn đã tạo ra động lực mạnh mẽ để các cấp, các ngành, các địa phương, người dân, doanh nghiệp tiếp tục đổi mới tư duy, phát huy nội lực và hành động để thích ứng với tình hình mới, góp phần thực hiện và hoàn thành cao nhất nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và những năm tiếp theo.
Thành phố Hà Nội triển khai 10 Chương trình công tác toàn khóa
Bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP, sau quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, bài bản, khoa học, trên cơ sở kế thừa và phát triển, tiếp thu ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý..., ngày 17/3/2021, nhân kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng bộ TP, Thành ủy Hà Nội đã ban hành 10 chương trình công tác nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ đề ra. 10 Chương trình công tác toàn khóa được ban hành sớm hơn từ sáu tháng cho đến một năm, thể hiện tinh thần quyết tâm của Đảng bộ thành phố trong việc khẩn trương cụ thể hóa, sớm triển khai đưa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống. Bên cạnh những chương trình mang tính kế thừa, để phù hợp với tình hình mới, Thành ủy đã bổ sung ba chương trình mới so với nhiệm kỳ trước. Đó là Chương trình số 03-CTr/TU về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025”; Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025” và Chương trình số 08-CTr/TU về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”.
Bên cạnh đó, Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành Nghị quyết số 04 về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo”. Đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Thành ủy Hà Nội về công tác cán bộ, nhằm giải quyết cho được những tồn tại, hạn chế về công tác cán bộ thời gian qua và xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm với các nhiệm vụ trong tình hình mới.
Kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19
Bùng phát dịch thứ tư xảy ra từ cuối tháng 4 năm nay, Hà Nội là địa bàn có nguy cơ cao nhất cả nước. Trước tình thế nguy nan, cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở đã vào cuộc. Hà Nội đã lập nên hệ thống phòng, chống dịch chặt chẽ, nhiều lớp, nhiều vòng tới tận ngõ, phố. Để ngăn chặn đà lây lan của dịch, thành phố đã áp dụng biện pháp mạnh ngay từ đầu. Dẫu khó khăn, phiền phức do thực hiện giãn cách, người dân Thủ đô luôn đoàn kết, đồng sức, đồng lòng. Thực hiện 4 đợt giãn cách liên tục trong 60 ngày vô cùng vất vả, nhưng, quân và dân Thủ đô đã thực hiện thành công. Cùng với chiến dịch thần tốc tiêm vắc xin, xét nghiệm tầm soát diện rộng, thành phố đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, từng bước nới lỏng để phục hồi phát triển kinh tế.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại phường Việt Hưng, quận Long Biên
Với tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội", Thủ đô đã tích cực chi viện cho địa phương khác. Tính riêng đợt bùng phát dịch thứ tư, Hà Nội đã hỗ trợ cho thành phố Hồ Chí Minh 5.000 tấn gạo, tỉnh Bình Dương 1.000 tấn gạo và 18 tỉnh, thành phố phía Nam mỗi tỉnh 3 tỷ đồng, chưa kể hỗ trợ về lực lượng, vật tư y tế, máy xét nghiệm...
Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang
Kiên cường, quyết đoán, nhưng Hà Nội luôn có những hoạt động thấm đẫm tinh thần nhân văn sâu sắc. Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Năm 2021, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp Thành phố đã tiếp nhận ủng hộ được tiền và hàng hóa trị giá 1.512 tỷ đồng. Thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ, Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 3642 UBND của UBND Thành phố, các sở, ngành có liên quan và các quận, huyện, thị xã đã ra quyết định hỗ trợ cho trên 2 triệu người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 với 12/12 nhóm đối tượng với kinh phí hơn 1.536 tỷ đồng. Bảo hiểm xã hội Thành phố đã chi trả cho 1,65 triệu người lao động đang tham gia BH với tổng số tiền hơn 4 nghìn tỷ đồng.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương tiếp nhận ủng hộ của các đơn vị
Cùng với chính sách của Trung ương, thực hiện Nghị quyết 15 của Thường trực HĐND Thành phố, đến nay, các địa phương đã phê duyệt và thực hiện hỗ trợ đối với 08/08 nhóm đối tượng theo quy định, rà soát và ra quyết định hỗ trợ cho 292.637 người, hộ kinh doanh với kinh phí phê duyệt là 305,2 tỷ đồng. Thực hiện Nghị quyết số 16 của Thường trực HĐND Thành phố, Thành phố đã bố trí 165 tỷ đồng để hỗ trợ tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt trên địa bàn Thành phố.
Tập trung phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội
Để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong 4 tháng cuối năm, thành phố đã tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; điều hành, thu - chi ngân sách hiệu quả, đúng hướng; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Nỗ lực vượt qua khó khăn trước mắt, Hà Nội đồng thời phải quyết tâm thực hiện các dự án, công trình mang tầm nhìn chiến lược vừa tạo thế và lực mới cho Thủ đô, vừa giải quyết những vấn đề cấp bách mà cuộc sống đặt ra.
Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn Thành phố
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch, bệnh Covid-19 nhưng kinh tế Thủ đô vẫn duy trì tăng trưởng 2,92%. Tổng thu NSNN trên địa bàn là 264.540 tỷ đồng, đạt 112,3% dự toán Trung ương giao, đạt 105,3% so với dự toán HĐND Thành phố giao. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội huy động đạt 410,1 nghìn tỷ đồng. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.524 tỷ USD. Vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới ước đạt 345 nghìn tỷ đồng với hơn 24 nghìn doanh nghiệp. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số CPI bình quân tăng 1,77%, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Thành phố tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19; thành lập các Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đồng hành và chia sẻ trước những khó khăn của doanh nghiệp; với phương châm sức khỏe của doanh nghiệp là sức khỏe của nền kinh tế, trong vòng chưa đầy một tháng, Hà Nội tổ chức 2 cuộc đối thoại với doanh nghiệp “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn Thành phố”; “Đối thoại, tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trong nước”. Hà Nội cam kết luôn kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”,“cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”, “cải cách hành chính”, “đồng hành cùng doanh nghiệp” và “phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của kinh tế Thủ đô”…Năm 2021, thành phố dự kiến gia hạn, miễn, giảm khoảng 25,66 nghìn tỷ đồng cho khoảng 212,84 nghìn lượt doanh nghiệp, người nộp thuế.
Hội nghị Đối thoại, tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trong nước
Giáo dục và đào tạo được duy trì. Thành phố đã tổ chức lễ khai giảng năm học 2021-2022 và triển khai năm học mới theo hình thức trực tuyến đảm bảo chương trình dạy và học. Chất lượng giáo dục được giữ vững với 139 giải tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và duy trì thành tích cao tại các kỳ thi quốc tế. Công tác xây dựng, công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được đẩy mạnh.
Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, đồng bộ giữa cải cách thủ tục và cải cách bộ máy; kỷ cương hành chính được củng cố; chất lượng thực thi pháp luật được nâng cao. Công tác quốc phòng tiếp tục được tăng cường; An ninh trật tự trên địa bàn được đảm bảo; Hoạt động đối ngoại tiếp tục được quan tâm, nhất là thông qua các hoạt động hợp tác, hỗ trợ phòng chống dịch.
Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển
Năm 2022, Thành phố tiếp tục thực hiện chủ đề của năm là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”; thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Tập trung thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân. Thành phố quyết tâm hoàn thành 22 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, GRDP tăng từ 7,0%-7,5%.
Thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; triển khai và quản lý tốt hóa đơn điện tử, phấn đấu đến hết quý I/2022, có 100% doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh triển khai hóa đơn điện tử. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm…
Trên hành trình hướng tới tương lai, Hà Nội xác định rõ yêu cầu văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là mục tiêu, động lực,nguồn lực phát triển bền vững. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Để phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm văn hiến, Hà Nội sẽ đặt trọng tâm là xây dựng con người có nhân cách, có lối sống đẹp, với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, văn minh, thanh lịch.
Mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022 đặt ra rất lớn với nhiều khó khăn, thử thách, nhưng với hành trang là những thành tựu vẻ vang cả trong quá khứ và hiện tại, với truyền thống đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, Hà Nội sẽ không ngừng nỗ lực gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại như tinh thần Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ Thành phố đã đề ra.
Triệu Quang Xuyên _ VHTT(Theo HNP)