Ngày 04/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Pháp lệnh về PCCC. Ngày này đã trở thành ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH. Tuy mới thành lập nhưng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an huyện Thanh Trì luôn cố gắng phấn đấu phát huy những truyền thống lịch sử vẻ vang của các thế hệ cha anh đi trước. Và cho đến nay, đơn vị cũng đã có được những thành quả đáng ghi nhận.
Trải quả 60 năm xây dựng chiến đấu và trưởng thành (4/10/1961-4/10/2021), lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH bằng tinh thần đoàn kết, trách nhiệm đã dũng cảm kiên cường bám trụ địa bàn, bám trụ mục tiêu vượt qua mọi gian khổ, dựa vào nhân dân đã chữa cháy hàng trăm vụ dưới mưa bom, bão đạn của đế quốc Mỹ. Khi đất nước thống nhất, đặc biệt sau 20 năm thực hiện Luật PCCC (4/10/2001-4/10/2021) lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH lại tiếp tục bước vào cuộc chiến mới với tinh thần dám nghĩ, dám làm, phát huy cao độ truyền thống tốt đẹp của lực lượng Công an “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, ra sức thi đua lập công, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được giao; hình ảnh người cán bộ chiến sỹ phòng cháy, chữa cháy liều mình xông pha trong hiểm nguy, mưa lũ, hỏa hoạn, thiên tai…để cứu nạn, cứu hộ, giúp đỡ Nhân dân đã trở nên gần gũi, thân thuộc hơn trong lòng nhân dân.
CBCS Công an huyện Thanh Trì trực tiếp tham gia cứu chữa một vụ cháy lớn trên địa bàn.
Xác định công tác tuyên truyền và xây dựng phong trào toàn dân PCCC và CNCH là một biện pháp phòng ngừa xã hội và là hoạt động mang tính xã hội rộng rãi, cần có sự phối, kết hợp của các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân. Do vậy, ngay từ những năm đầu thời kỳ đổi mới cho đến nay, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã không ngừng đổi mới phương pháp, biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền và phát động phong trào toàn dân PCCC.
Sáng tạo, bài bản trong tuyên truyền
Trong những năm qua, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã không ngừng đổi mới phương pháp, biện pháp công tác tuyên truyền, chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, các đơn vị nghiệp vụ của ngành văn hoá thông tin tổ chức các hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật và kiến thức về PCCC mang lại hiệu quả cao như: Xây dựng và đăng phát các tin, bài, phóng sự, chuyên đề trên các kênh truyền hình, báo điện tử, báo viết có đông đảo người xem; tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của xã, phường, thị trấn, các đơn vị cơ sở, chợ, trung tâm thương mại...; tuyên truyền lưu động; phát hành khuyến cáo, tờ rơi về PCCC; treo, gắn panô, khẩu hiệu về PCCC; tổ chức các cuộc thi tác phẩm báo chí, thi sáng tác tranh, ảnh về PCCC, tổ chức liên hoan phim truyền hình, sân khấu hóa các hoạt động PCCC, tổ chức tuyên truyền cổ động trực quan…Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương phản ánh và thông tin kịp thời các vụ cháy, nổ các hoạt động PCCC của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị; cảnh báo nguy cơ cháy, nổ và hướng dẫn các biện pháp PCCC, các đúp cổ động, clip tuyên truyền phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH; tôn vinh nghề nghiệp, những thành tích chiến công của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH và những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào toàn dân PCCC... Hiện nay đang triển khai và áp dụng tuyên truyền PCCC&CNCH trên nền tảng số như Zalo, Facebook, App đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, ngày 18/01/2021, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã tham mưu Bộ Công an ban hành quyết định số 382/QĐ-BCA phê duyệt Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng vê PCCC và CNCH đáp ứng yêu cầu tình hình mới”. Kết quả, chỉ tính riêng giai đoạn 2014 – 2020, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH toàn quốc đã phối hợp với các cơ quan truyền thông ở trung ương và địa phương tổ chức đăng phát 77.451 tin, bài; phát sóng 9.816 phóng sự, phim tài liệu PCCC; phát hành 5.385.410 băng rôn, khẩu hiệu và 5.259.720 tờ rơi, khuyến cáo về PCCC; in sao, phát hành 10.147 băng, đĩa CD tuyên truyền về công tác an toàn PCCC; tổ chức được 258.604 buổi tuyên truyền và huấn luyện PCCC&CNCH cho 12.311.455 lượt người tham gia.
Về công tác xây dựng phong trào toàn dân PCCC: Vận dụng quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta trong công tác PCCC là huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia hoạt động PCCC, trong hoạt động PCCC lấy phòng ngừa là chính và mọi hoạt động PCCC trước hết phải được giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ, trong những năm qua, phong trào toàn dân tham gia PCCC ngày càng phát triển sâu rộng. Ngày 04/6/1996, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 369/TTg lấy ngày 04/10 hàng năm là “Ngày PCCC toàn dân”; đặc biệt được quy định tại Điều 11, Luật PCCC năm 2001, quy định ngày 04/10 hằng năm là “Ngày toàn dân PCCC”. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã chủ động tham mưu cho Bộ Công an hướng dẫn, chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức các hoạt động kỷ niệm; theo đó, cứ đến dịp này trên cả nước được đông đảo các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng như: Mít tinh, diễu hành biểu dương lực lượng; tổ chức thi tìm hiểu Luật PCCC; hội thao nghiệp vụ PCCC; ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC; tự kiểm tra chấn chỉnh công tác PCCC; triển khai thực hiện quy chế dân chủ trong công tác PCCC ở cơ sở; xây dựng và nhân điển hình tiên tiến về PCCC... Nhiều ngành, nhiều địa phương đã có những hoạt động sáng tạo, thiết thực, đã tăng cường xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ và tổ chức được nhiều lớp huấn luyện cho cán bộ quản lý và người sử dụng lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp về công tác PCCC. Tại các địa phương đã xây dựng, phát triển, nhân rộng 60 phong trào, mô hình PCCC, như: Nhà tôi có bình chữa cháy; hộp thư PCCC; hiến đất mở rộng hẻm; tôn hóa, tường hóa; đăng ký không để xảy ra cháy; mô hình chợ kiểu mẫu về PCCC; cụm cơ quan, doanh nghiệp an toàn về PCCC; chung cư an toàn PCCC; cụm dân cư an toàn PCCC; cụm công nghiệp an toàn PCCC; tuyến đường bảo đảm an toàn PCCC. Trong điều kiện kinh tế thị trường, việc xây dựng và duy trì các phong trào tuy có khó khăn nhưng phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC vẫn được duy trì và đẩy mạnh. Việc củng cố, kiện toàn, đào tạo, hướng dẫn, huấn luyện nghiệp vụ lực lượng PCCC tại chỗ (dân phòng, cơ sở, chuyên ngành) đã được các cấp, các ngành, từng cơ sở, nhất là lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Hiện cả nước có 54.709 đội dân phòng, với 555.000 đội viên; 299.907 đội PCCC cơ sở, với 1.889.120 đội viên; có 207 đội PCCC chuyên ngành, với 4.909 đội viên. Nhờ có phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC và CNCH hoạt động hiệu quả nên nhiều sơ hở thiếu sót có nguy cơ gây cháy, nổ ở các cơ sở sản xuất và khu dân cư đã được phát hiện và khắc phục kịp thời; lực lượng dân phòng và PCCC cơ sở đã phối hợp với Nhân dân phát hiện và dập tắt trên 50% tổng số vụ cháy xảy ra hàng năm, ngăn chặn nguy cơ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng, góp phần kiềm chế sự gia tăng về số vụ cháy và thiệt hại do cháy, nổ gây ra so với tốc độ tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của xã hội. Đã xây dựng thế trận PCCC, trong đó tổ chức bố trí lực lượng rộng khắp và theo từng đơn vị tuyến, địa bàn trọng điểm.
Dấu ấn cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Thanh Trì
Tháng 9 năm 2018 đội Cảnh sát PCCC&CNCH – CAH Thanh Trì được thành lập với tiền thân là Phòng Cảnh sát PCCC số 7 – Cảnh sát PCCC Hà Nội (cũ). Phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang của Cảnh sát PCCC tập thể, cán bộ chiến sĩ đơn vị đã không ngừng cố gắng, phấn đấu, rèn luyện vượt qua những khó khăn, thử thách hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được giao. Nhiều lần tập thể, các cá nhân của đơn vị được UBND Thành phố, UBND Huyện, Công an Thành phố tặng Bằng khen, giấy khen vì có những thành tích xuất sắc trong thực hiện các phong trào thi đua, có thành tích xuất sắc trong cứu chữa các vụ cháy, nổ, tai nạn, cứu được nhiều người thoát khỏi các đám cháy, sự cố tai nạn trên địa bàn huyện cũng như chi viện cho các đơn vị khác trên địa bàn thành phố. Tuy mới thành lập nhưng đơn vị cũng đã được Công an thành phố công nhận là đơn vị quyết thắng và đang trong quá trình phấn đấu trở thành đơn vị thi đua toàn lực lượng.
Để có được những thành tích xuất sắc trong chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, tập thể CBCS Đội Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an huyện Thanh Trì không ngường nổ lực, phấn đấu rèn luyện hàng ngày về thể lực, chau dồi kỹ chiến thuật, tìm tòi, đổi mới phương pháp chiến đấu, huấn luyện để phủ hợp với tình hình thực tế phương tiện và đặc điểm địa phương.
Thực hiện nghiêm 4 điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy lực lượng Cảnh sát PCCC, xác định công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Từ đầu năm 2021 đến nay, Công an huyện Thanh Trì tổ chức 12 buổi tuyên truyền các khu dân cư trên địa bàn huyện với 1.480 người tham dự. Tổ chức 57 buổi tuyên truyền nghiệp vụ PCCC cho 578 người là đội ngũ làm công tác PCCC trực tiếp tại các cơ sở, cấp 1.517 chứng nhận huấn luyện cho đội viên PCCC các cơ sở, đạt trên 200% kế hoạch đề ra. Biên tập 65 tin bài, tài liệu tuyên truyền trên hệ thống Đài phát thanh, Cổng thông tin điện tử Thành phố và huyện, phát 24.600 tờ rơi tuyên truyền, 22.232 cuốn cẩm nang hướng dẫn đảm bảo an toàn PCCC.
Qua công tác tuyên truyền đã nâng cao ý thức trách nhiệm, hiểu biết của người đứng đầu các cơ sở, cán bộ, công nhân viên, người lao động và nhân dân trong toàn huyện về công tác PCCC. Đặc biệt, từ chỗ xem công tác PCCC là nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát, người dân trên địa bàn huyện Thanh Trì đã thấy được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với phong trào “Toàn dân tham gia PCCC”.
Một buổi tuyên truyền tại trường THCS Tam Hiệp
Cán bộ CAH hướng dẫn bà con sử dụng bình chữa cháy xách tay
Song song với đó, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về PCCC đã được thực hiện thường xuyên, định kỳ, kịp thời phát hiện, kiến nghị, hướng dẫn các đơn vị cơ sở khắc phục các lỗi vi phạm làm mất an toàn trong PCCC. Đã tổ chức kiểm tra 2020 lượt cơ sở; Qua kiểm tra, phát hiện 136 tồn tại, thiếu sót về PCCC, ra quyết định xử phạt 101 trường hợp theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP với số tiền 225.265.000đ; xây dựng 719 công văn kiến nghị yêu cầu cơ sở khắc phục. Tổ chức ký cam kết an toàn PCCC 705 lượt đơn vị, cơ sở; 13.298 hộ gia đình, 2.335 hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Lực lượng chức năng kiểm tra đối với một hộ kinh doanh
Cán bộ, chiến sỹ Đội cảnh sát PCC&CNCH Công an huyện tham mưu cấp uỷ, chính quyền cơ sở củng cố lực lượng dân phòng, kịp thời huy động ngay khi có sự cố xảy ra. Tính đến nay, toàn huyện thành lập được 93 đội dân phòng, với tổng số 1.090 đội viên, trong đó có một số đơn vị đã thành lập được đội dân phòng đến từng thôn, cụm dân cư.
Phát huy tinh thần “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, cán bộ chiến sỹ Đội Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an huyện Thanh Trì luôn xác định nhiệm vụ thiêng liêng của mình với Tổ quốc với nhân dân, quyết tâm đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, không ngừng rèn luyện vững vàng về kỹ năng sẵn sàng chiến đấu, chủ động ứng phó có hiệu quả khi có cháy, nổ xảy ra. Với các anh hạnh phúc và chiến công của bản thân luôn gắn liền với việc cứu người, cứu tài sản cho nhân dân và nhà nước./.
Triệu Quang Xuyên - VHTT