Đảng Cộng sản Việt Nam - nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam
Publish date
03/02/2022 | 09:30
| Lượt xem: 70334
Trải qua thực tiễn lãnh đạo đất nước qua các thời kỳ lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, phát triển về tư duy lý luận và năng lực lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, ngày càng phát triển, góp phần khẳng định và nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Quang cảnh Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: VGP
Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội là tất yếu khách quan
Đảng Cộng sản Việt Nam là một đảng chính trị, ra đời ngày 3/2/1930, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện. “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc” (1). “Mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh” (2).
Lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng cầm quyền thực hiện sự lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội Việt Nam.
Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được khẳng định trong suốt quá trình cách mạng của dân tộc Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một tất yếu khách quan, đáp ứng yêu cầu lịch sử của cách mạng và dân tộc Việt Nam. Thực tiễn xây dựng, bảo vệ Tổ quốc đã khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Đảng đã lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Đảng ta đã khởi xướng đường lối đổi mới và lãnh đạo nhân dân thực hiện công cuộc đổi mới trên tất cả các lĩnh vực. Đường lối đổi mới toàn diện của Đảng đã đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, phù hợp xu thế thời đại vì một nước Việt Nam hội nhập và phát triển. Đảng ta đã xác định và lãnh đạo sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thực tiễn đấu tranh cách mạng và bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước đã khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng - nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành lực lượng lãnh đạo cách mạng, đất nước, dân tộc từ khi giành được chính quyền sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội đã được thực tiễn đất nước khẳng định, là nguyện vọng, ý chí của nhân dân và hợp hiến. Trải qua thực tiễn lãnh đạo đất nước qua các thời kỳ lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, phát triển về tư duy lý luận và năng lực lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, ngày càng phát triển, góp phần khẳng định và nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền” (3). Chủ tịch Hồ Chí Minh coi vấn đề Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội là một nguyên tắc thể hiện vai trò cầm quyền của Đảng. Sở dĩ, Đảng có vinh dự giữ trọng trách to lớn đó là bởi “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác” (4).
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra việc phải phân định rõ ràng chức năng, quyền hạn của Đảng và Nhà nước. Người phê phán việc các tổ chức đảng ôm đồm, bao biện, làm thay những công việc cụ thể của các tổ chức chính trị - xã hội. Đảng lãnh đạo bằng các chủ trương, chính sách trong các chỉ thị, nghị quyết, bằng sự thuyết phục và bằng công tác kiểm tra chứ không làm thay công việc của Nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định Đảng giữ vai trò lãnh đạo nhưng Đảng cũng phải tuân thủ pháp luật của Nhà nước. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn bộ xã hội nhưng không đứng trên luật pháp, đứng ngoài luật pháp.
Khoản 2, Điều 4, Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của Đảng đối với nhân dân: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”. Bằng quy định này, bản chất tiên phong, trách nhiệm chính trị - pháp lý của Đảng đối với nhân dân đã được xác định rõ nét hơn. Với tư cách là đảng duy nhất cầm quyền, Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân về vận mệnh của dân tộc và sự phát triển của đất nước.
Nội dung cầm quyền của Đảng là toàn bộ hoạt động của đảng cầm quyền, bao gồm: việc xác định mục tiêu chính trị của Đảng và dân tộc, đường lối phát triển đất nước, nội dung thực hiện mục tiêu chính trị và bao quát toàn diện các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh đất nước. Sự lãnh đạo của Đảng được thể hiện ở nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng.
Nội dung lãnh đạo của Đảng được thể hiện trong cương lĩnh chính trị, đường lối, chủ trương của Đảng, bảo đảm tính định hướng chính trị cho sự phát triển đất nước, tạo lập cơ sở chính trị cho tổ chức và hoạt động của toàn bộ hệ thống chính trị và toàn bộ xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Xét trên bình diện nguyên tắc, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước là hệ thống các phương pháp, các hình thức, các biện pháp mà Đảng tác động vào Nhà nước để hiện thực hóa ý chí và mục tiêu của Đảng. Phương thức lãnh đạo của Đảng khi đã giành được chính quyền khác rất nhiều so với khi chưa có chính quyền. Trước khi có chính quyền, phương thức lãnh đạo của Đảng chủ yếu là các tổ chức đảng và đảng viên trực tiếp tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng đến các hội, đoàn thể, quần chúng. Khi đã có chính quyền thì chính quyền là công cụ để đưa đường lối, chủ trương của Đảng vào cuộc sống, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội. Trong phương thức cầm quyền, ngoài cách thức tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục nhân dân, Đảng lãnh đạo chính quyền thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành Hiến pháp, pháp luật và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật.
Các thành tố cơ bản của phương thức lãnh đạo của Đảng bao gồm: các công cụ lãnh đạo, hệ thống các mối liên hệ và cơ chế liên hệ giữa Đảng với xã hội, với Nhà nước, với hệ thống chính trị; hệ thống các phương pháp tiếp cận và phong cách lãnh đạo.
Cơ sở của phương thức lãnh đạo bắt nguồn từ vị trí, vai trò của Đảng với tư cách là một đảng cầm quyền, có trách nhiệm trọng đại đối với sự phát triển của đất nước. Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước, hệ thống chính trị Việt Nam. Vị trí lãnh đạo và cầm quyền của Đảng quyết định phương thức lãnh đạo của Đảng. Điều này không phải là vấn đề lợi ích riêng của Đảng, của các tổ chức đảng, mà trái lại, chính là sứ mệnh lịch sử, trách nhiệm chính trị của Đảng đối với nhân dân, dân tộc.
Trong hệ thống chính trị nước ta, sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội được thể hiện trên các phương thức cơ bản sau đây:
Một là, Đảng đề ra đường lối, chủ trương, chính sách lớn, định hướng cho sự phát triển của toàn xã hội trên tất cả các lĩnh vực trong từng thời kỳ nhất định.
Hai là, Đảng đề ra phương hướng và những nguyên tắc cơ bản nhằm xây dựng một Nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân, một Nhà nước có bộ máy chính quy, quy chế làm việc khoa học với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực tổ chức và quản lý, hết lòng vì nhân dân.
Ba là, Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị, tăng cường chế độ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu.
Bốn là, Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; phát hiện, bồi dưỡng, lựa chọn những đảng viên ưu tú và những người ngoài Đảng có phẩm chất và năng lực giới thiệu với cơ quan nhà nước để thông qua cơ chế bầu cử, tuyển chọn của Nhà nước, bố trí vào công tác trong các cơ quan nhà nước.
Năm là, Đảng giáo dục đảng viên nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu; tuyên truyền, vận động, tập hợp quần chúng, giáo dục, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, ủng hộ và tích cực thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận của hệ thống ấy. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân... chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Sáu là, Đảng kiểm tra đảng viên và các tổ chức của Đảng trong các cơ quan, tổ chức nhà nước về việc chấp hành và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, các nghị quyết của Đảng.
Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định những kết quả quan trọng về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường, nhất là với Nhà nước trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; đồng thời, phát huy dân chủ, tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và quyền làm chủ của nhân dân. Việc ban hành chủ trương, nghị quyết của Đảng đã bám sát thực tiễn, phát huy dân chủ, gắn với xây dựng kế hoạch và chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt. Ban Chấp hành Trung ương ban hành kịp thời các nghị quyết, quy định, kết luận để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược. Bộ Chính trị ban hành các kế hoạch thực hiện nghị quyết; xác định nhiệm vụ cụ thể cho các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương; chỉ đạo các cơ quan nhà nước bổ sung, sửa đổi và ban hành mới các luật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để thực hiện, sớm đưa các nghị quyết vào cuộc sống.
Sau đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, các cấp ủy từ Trung ương đến cơ sở đã sớm chỉ đạo kiện toàn chức danh lãnh đạo trong các tổ chức của hệ thống chính trị. Phong cách, lề lối làm việc của nhiều cơ quan lãnh đạo từ Trung ương đến cơ sở được đổi mới theo hướng bám sát thực tiễn, sâu sát cơ sở. Cải cách hành chính trong Đảng được quan tâm; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đạt nhiều kết quả. Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp được phát huy. Công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được đẩy mạnh; đã chủ động định hướng thông tin tuyên truyền của Đảng và đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Công tác kiểm tra, giám sát được coi trọng, nhất là kiểm tra việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chấn chỉnh những nơi thực hiện chưa tốt, đồng thời phổ biến, nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo, có hiệu quả.
Mặc dù vậy, việc thể chế hóa, cụ thể hóa một số chủ trương, nghị quyết của Đảng thành pháp luật của Nhà nước chưa đầy đủ, kịp thời. Việc ban hành nghị quyết của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa sát thực tiễn, thiếu tính khả thi; việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số nghị quyết chưa nghiêm, hiệu quả thấp, chưa đạt yêu cầu đề ra. Tình trạng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng còn xảy ra ở một số nơi. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thật sự tiên phong, gương mẫu…
Trong thực tiễn lãnh đạo Nhà nước và xã hội, các tổ chức của Đảng và mỗi đảng viên cần thấm nhuần và thực hiện đúng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân” (5). Trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nội dung hoạt động lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm mục tiêu cao cả là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, đất nước phát triển bền vững. Sự lãnh đạo của Đảng về chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội nhằm đảm bảo sự vận hành đồng bộ của hệ thống chính trị, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, các tổ chức pháp lý, xã hội hoạt động đúng nhiệm vụ, thẩm quyền, chức năng và vai trò của mình, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật.
Triệu Quang Xuyên - VHTT (Theo BVPL)