KINH TẾ - CHÍNH TRỊ KINH TẾ - CHÍNH TRỊ

Huyện Thanh Trì thực hiện tốt việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập
Publish date 26/04/2024 | 12:18  | Lượt xem: 3164

Sáng ngày 26/4, Đoàn Giám sát Ban Thường vụ Quốc hội do bà Trần Hồng Nguyên – Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND huyện Thanh Trì về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023”.

Đoàn giám sát Ban Thường vụ Quốc hội khảo sát tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao Thanh Trì 

Tham gia đoàn có ông Nguyễn Hoàng Mai – Phó chủ nhiệm Ủy ban xã hội Quốc hội; ông Nguyễn Duy Tiến – Vụ trưởng Vụ pháp luật Văn phòng Quốc hội; bà Đào Thị Hồng Minh – Phó vụ trưởng, Vụ Tổ chức – biên chế Bộ Nội vụ; bà Phạm Thị Thanh Mai – Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; ông Lê Hồng Sơn – UVBTV, Phó chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội.

Khảo sát cơ sở vật chất Nhà thi đấu Trung tâm VHTT&TT Thanh Trì

Đón tiếp và làm việc với Đoàn giám sát về phía huyện Thanh Trì có đồng chí Nguyễn Tiến Cường – Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; đồng chí Nguyễn Văn Hưng - UVBTV, Phó chủ tịch UBND huyện; đồng chí Nguyễn Thị Hằng – HUV, Phó chủ tịch HĐND huyện, trưởng các Phòng, ban, đơn vị liên quan, lãnh đạo xã Đại Áng, thị trấn Văn Điển, hiệu trưởng một số trường Mầm non, Tiểu học, THCS trên địa bàn huyện.

 

Hình ảnh khảo sát tại Trung tâm VHTT&TT Thanh Trì

Tại buổi làm việc, Đoàn đã trực tiếp khảo sát kết quả hoạt động của Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao Thanh Trì giai đoạn 2018-2023.

Toàn cảnh giám sát tại UBND huyện Thanh Trì

Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập do đồng chí Nguyễn Văn Hưng – UVBTV, Phó chủ tịch UBND huyện trình bày nêu rõ: Giai đoạn 2018-2023, Huyện ủy, UBND huyện Thanh Trì đã quyết liệt chỉ đạo và triển khai thực hiện chủ trương, Nghị quyết Đảng và các văn bản của Nhà nước trong việc thực hiện chính sách pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Đã ban hành 01 Chương trình, 10 Kế hoạch; 08 Quyết định; 02 Thông báo; 02 Công văn để lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; Nghị quyết số 18-NQ/TW; Nghị quyết số 19-NQ/TW và các văn bản của Trung ương, Thành phố đến cơ quan, đơn vị và tổ chức các hội nghị để quán triệt triển khai tổ chức thực hiện đến cán bộ chủ chốt và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị. Chỉ đạo các cấp ủy Đảng cơ sở, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức quán triệt, tuyên truyền và xây dựng kế hoạch, thực hiện phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Ý kiến phát biểu tại buổi giám sát

Tính đến 01/12/2023, sau sắp xếp, huyện có 79 đơn vị sự nghiệp trực thuộc, tăng 6 đơn vị so với năm 2018 (05 trường học và Trung tâm dịch vụ nông nghiệp). Trong đó có: 75 đơn vị sự nghiệp giáo dục gồm: 32 trường Mầm non; 25 trường Tiểu học, 17 trường THCS, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên. 04 đơn vị sự nghiệp khác là: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao, Trung tâm Phát triển quỹ đất, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp.

Thực hiện Quyết định của UBND Thành phố về sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, số lượng cấp phó của các đơn vị: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, Trung tâm Phát triển quỹ đất, Trung tâm Văn hoá - Thông tin và Thể thao, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đảm bảo quy định, không có dôi dư. Đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục, số lượng cấp phó được thực hiện theo các Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Nghị định của Chính phủ; đảm bảo không có đơn vị nào quá 02 cấp Phó. Tổ chức bộ máy của huyện cơ bản đã được kiện toàn, hoạt động ổn định, công tác quản lý đi vào nề nếp, đội ngũ CBCCVC được chuẩn hóa đáp ứng tiêu chuẩn của khung năng lực vị trí việc làm. Kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường, duy trì.

Ông Nguyễn Hoàng Mai – Phó chủ nhiệm Ủy ban xã hội Quốc hội phát biểu tại buổi giám sát

Đến năm 2021 biên chế viên chức được giao là 3.354, không giảm do số giao của Thành phố để đáp ứng việc tăng trường học, số lớp tăng; có 01 trường hợp tinh giản biên chế do sức khoẻ không đảm bảo, không có trường hợp nào phải tinh giản biên chế do 02 năm liên tục không hoàn thành nhiệm vụ.

UBND huyện giao quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm về tài chính cho 79/79 đơn vị, trong đó: 02 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên gồm: Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện và Trung tâm phát triển quỹ đất huyện. 25 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và 52 đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên. 100% các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn huyện đã xây dựng và ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ theo hướng cụ thể, rõ trách nhiệm, công khai minh bạch. Chỉ đạo các ngành đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ, xã hội hoá. Khuyến khích thành lập các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, y tế… hiện huyện có 14 trường tư thục; 01 bệnh viện tư nhân và 110 phòng khám tư nhân… góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ sự nghiệp và giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Bà Đào Thị Hồng Minh – Phó vụ trưởng, Vụ Tổ chức – biên chế Bộ Nội vụ phát biểu

Bà Phạm Thị Thanh Mai – Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội phát biểu

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đánh giá cao kết quả mà huyện Thanh Trì đã đạt được trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thời gian qua; đồng thời chỉ ra những khó khăn, vướng mắc; trao đổi những giải pháp trong việc hoàn thiện các cơ chế để thực hiện nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thiện cơ chế về quản lý tổ chức bộ máy; việc hoàn thiện cơ chế tài chính, thực hiện cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập...

Bà Trần Hồng Nguyên – Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội trưởng đoàn giám sát phát biểu kết luận

Phát biểu kết luận buổi làm việc, bà Trần Hồng Nguyên – Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội đánh giá cao sự phối hợp trong hoạt động giám sát và công tác chuẩn bị báo cáo, các nội dung làm việc với Đoàn giám sát của huyện Thanh Trì. Đồng thời đề nghị huyện Thanh Trì tiếp tục rà soát, bổ sung, làm rõ một số nội dung, phân tích, đánh giá sâu hơn về mục tiêu sắp xếp, tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập; công tác quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; việc hoàn thiện cơ chế tài chính, thực hiện cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập...

Đối với những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, Đoàn giám sát ghi nhận những kiến nghị, đề xuất để tổng hợp, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, Ngành Trung ương xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật để tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Văn Hưng - UVBTV, Phó chủ tịch UBND huyện tiếp thu ý kiến của đoàn giám sát

Thay mặt lãnh đạo huyện Thanh Trì, đồng chí Nguyễn Văn Hưng – UVBTV, Phó chủ tịch UBND huyện đã tiếp thu các ý kiến của Đoàn giám sát và mong sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ Đoàn giám sát của Quốc hội để việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn tiếp theo trên địa bàn huyện đạt chất lượng, hiệu quả cao hơn.

Phương Xuyến - Trung tâm VHTT&TT