KHÁM PHÁ - TRẢI NGHIỆM DU LỊCH KHÁM PHÁ - TRẢI NGHIỆM DU LỊCH

LỄ HỘI TRIỀU KHÚC, XÃ TÂN TRIỀU
Publish date 04/02/2025 | 17:21  | Lượt xem: 78

Lễ hội Làng Triều Khúc được diễn ra từ mùng 9 đến 12 tháng giêng hàng năm

              

Lễ hội Làng Triều Khúc được diễn ra từ mùng 9 đến 12 tháng giêng hàng năm. Không gian lễ hội được tổ chức tại cụm di tích lịch sử Đình và Đền Triều Khúc. Lễ rước kéo dài từ Đại Đình đến Đình thờ Sắc.

Lễ hội Làng Triều Khúc mang đậm giá trị lịch sử gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của cộng đồng cư dân tại làng Triều Khúc. Lễ hội là sản phẩm do người dân tại làng Triều Khúc sáng tạo và giữ gìn trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Quá trình ra đời và phát triển lâu dài của lễ hội đã thể hiện được lịch sử hình thành của làng Triều Khúc; Lễ hội ra đời trong dân gian, gắn với đời sống sinh hoạt tín ngưỡng của dân gian nên phần lễ và hội rất rõ ràng và cụ thể, hấp dẫn được người xem, phản ánh chân thực cuộc sống của cộng đồng cư dân làng Triều Khúc.

Lễ hội là sự phản ánh ước nguyện về một cuộc sống “người yên vật thịnh” mà biểu trưng là toàn thể nhân dân trong thôn Triều Khúc tưng bừng tham gia vào quá trình rước và thực hiện các nghi thức của lễ hội. Lễ hội nhận được sự quan tâm, cổ vũ và sự hưởng ứng tham gia của đông đảo các thành viên trong và ngoài thôn, thể hiện tính phổ biến trong cộng đồng, được cộng đồng chấp nhận, lưu giữ, bảo tồn. Đây là giá trị lịch sử cần phải tôn trọng, giữ gìn và phát huy trong cộng đồng. Lễ hội Làng Triều Khúc đã được nhiều nơi biết đến, báo đài trong và ngoài nước quan tâm bởi lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, với nhiều  loại hình văn hoá phi vật thể, nhiều loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống được khôi phục và phát huy.

Hàng năm, Lễ hội Làng Triều Khúc luôn được quan tâm duy trì và tổ chức thường niên, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy - UBND xã, sự phối hợp vào cuộc của các ngành đoàn thể, BTC lễ hội. UBND xã đã chỉ đạo Tiểu ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội (có 50 người tham gia điều hành lễ hội); nghi thức tế lễ, đội hình rước đều được các cụ truyền lại cho thế hệ sau vào các dịp lễ trong năm trước khi tổ chức lễ hội 01 tháng.

Về số lượng người tham gia tổ chức thực hành di sản: Những người giữ vai trò chính trong việc tổ chức và vận hành Lễ hội Làng Triều Khúc như ban cố vấn, Cụ Cai, ông Từ đình, đội tế, đội múa trống bồng, đội quan viên hành lễ:

+ Thủ hiệu: Là những người đánh trống, chiêng lớn điều khiển việc rước và tế lễ. Trong lễ hội có 2 ông thủ hiệu.

+ Hỏa diệm: là người điều hành, phân công đội hình tế lễ và rước, gồm có 02 người.

+ Đội quan viên hành lễ: có khoảng 80 người có nhiệm vụ vào đội hình tế và rước theo sự phân công của ông hỏa diệm.

+ Đội nhạc, trống: có 20 người, phục vụ nhạc, trống phục vụ tế lễ

+ Đội múa trống Bồng: còn gọi là điệu múa con đĩ đánh Bồng là điệu múa phục vụ cho nghi lễ tế thần. Người tham gia múa là nam giả nữ trang điểm môi son má phấn, đầu đội khăn mỏ quạ, mặc váy nhiễu màu đen dài tới chân... có khoảng 40 người tham gia thực hành.

+ Đội múa chạy cờ: bắt nguồn từ sự tích Phùng Hưng kén chọn người tài sung quân đánh giặc, điệu múa nhằm nhắc lại sự tích Nghĩa quân Phùng Hưng đánh vào Thành Tống Bình. Điệu múa mang ý nghĩa biểu dương tinh thần luyện tập, mừng thắng trận của nghĩa quân Phùng Hưng. Có 120 người gồm gươm trường, đại đao, súng, tù và, trống chiêng, người cầm cờ và rồng..

+ Đội múa sênh tiền: 20 người là các em gái tuổi từ 13 đến 20 tuổi.

+ Đội múa Rồng, Múa Sư tử: có trên 50 người tham gia.

+ Đội tế đứng hàng chầu: có 45 người gồm 01 chủ tế, 01 ông đọc văn, 02 chấp sự, 02 đông xướng, tây xướng; 02 Thủ Từ, 03 Bồi tế, 02 hỏa diệm, 06 gươm cẩn, 02 long đao, 01 chỉ trống, 01 chỉ chiêng, 01 trống lược, 08 gươm trường, 08 bát bửu, 02 đồng trùy, 02 súng, 02 phủ việt.

+ Đội hình rước: 200 người trong đó có 77 người đứng hàng rước, 45 người đứng hàng chầu, 40 người đội phù giá, 20 người đứng đội hình trống và nhạc, 10 người múa Trống Bồng, 8 người trong đội hình Trông Bồng, 10 người múa Sênh tiền, các cụ cao niên từ 50 - 70 người tham gia đi sau kiệu theo đội hình rước.

Yêu cầu đối với người tham gia đội rước kiệu phải là trai chưa vợ, tuy nhiên, hiện nay do không đủ người nên các Ban Tổ chức phải tuyển chọn cả những người đã có gia đình, khỏe mạnh, hình thức đẹp, đạo đức tốt và gia đình không vướng tang là được.

Các đội hình trước khi vào lễ hội phải tập luyện thuần thục. Hôm diễn ra lễ hội phải đảm bảo chay tịnh, không nói năng thô tục, xô bồ trong sinh hoạt và ăn uống; chỉn chu, sạch sẽ cả về hình thức và trang phục. Khi vào lễ hội, các đoàn tham gia rước phải ăn vận chỉnh tề theo trang phục phù hợp với từng đặc điểm, quy định của địa phương để làm cho lễ hội thêm phần long trọng, hoành tráng.

Lại Thị Hồng Nguyên - VHTT