KHÁM PHÁ - TRẢI NGHIỆM DU LỊCH KHÁM PHÁ - TRẢI NGHIỆM DU LỊCH

HUYỆN THANH TRÌ: CHỦ ĐỘNG CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH SỞI
Publish date 23/12/2024 | 11:34  | Lượt xem: 33

Thời gian gần đây, bệnh sởi đang có xu hướng gia tăng và lây lan nhanh chóng tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Nếu không kiểm soát kịp thời, dịch sởi bùng phát có thể gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, đặc biệt là với trẻ nhỏ.

Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ, thời gian qua, huyện Thanh Trì tăng cường triển khai các biện pháp ngăn ngừa bệnh sởi xâm nhập vào địa bàn.

Theo Trung tâm y tế huyện Thanh Trì, tính từ 16h ngày 12/12/2024 đến ngày 19/12/2024, trên địa bàn huyện ghi nhận 3 ca bệnh tại xã Tân Triều, Tả Thanh Oai và Vạn Phúc. Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn huyện ghi nhận 17 ca bệnh sởi tại 7/16 xã, thị trấn.

Theo Cục Y tế dự phòng, sởi là bệnh truyền nhiễm nhóm B, do virus sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi và cũng có thể gặp ở người lớn chưa được tiêm phòng sởi hoặc tiêm phòng chưa đủ liều. Sởi hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và rất dễ lây lan, đặc biệt ở những nơi đông người như trường học. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp qua các giọt bắn chứa virus khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi họng của người bệnh. Trẻ em chưa được tiêm vắc xin sởi và những người không có miễn dịch với virus sởi đều có nguy cơ mắc bệnh. Các triệu chứng điển hình của bệnh bao gồm sốt cao, ho, chảy nước mũi, mắt đỏ và phát ban. Sau khi phát ban, có thể để lại các vết thâm trên da. Biến chứng của bệnh sởi có thể rất nghiêm trọng, bao gồm viêm tai giữa, viêm phổi, viêm não, suy dinh dưỡng và thậm chí tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ và người suy giảm miễn dịch.

 Do đó, để hạn chế các ca mắc, ngành y tế huyện đã tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức về các biện pháp phòng bệnh sởi, lợi ích tiêm chủng vắc xin sởi; vận động nhân dân đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, phối hợp và tham gia các hoạt động phòng, chống dịch sởi. Trạm y tế các xã, thị trấn lập danh sách các trường hợp chưa tiêm, tiêm chưa đủ liều vắc xin để dự trù vắc xin và vật tư tiêm chủng cần thiết. Hướng dẫn giám sát, phòng chống dịch bệnh sởi...

         Chủ động phòng, chống dịch sởi không chỉ bảo vệ sức khỏe của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm chung trong việc ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch, vì sức khỏe cộng đồng. Do vậy, mỗi người dân và gia đình cần cho trẻ tiêm phòng đầy đủ, đảm bảo vệ sinh cá nhân, bổ sung các chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng; kịp thời thông báo cho các cơ sở y tế khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sởi

Thanh Hồng - Trung tâm VHTT&TT