HƯỚNG DẪN NGHIỆP VỤ
Trong không khí lễ hội mùa xuân náo nức, điệu múa trống bồng hay “Con đĩ đánh bồng” đã hơn một ngàn năm tuổi chốn kinh kỳ xưa có một sự quyến rũ kỳ lạ. Vũ công là những “nam thanh” được chọn lọc khắt khe trong làng để thực hiện điệu múa cổ xưa mà vô cùng hiện đại trong cuộc sống hôm nay…
Lễ hội làng Triều Khúc - Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. |
“Con đĩ đánh bồng”, không ngại làm trai má phấn, môi hường
Trong kho tàng các điệu múa cổ đất Thăng Long - Hà Nội, điệu múa trống bồng ở làng Triều Khúc đã trở nên quen thuộc cùng với các điệu múa rồng, múa đèn, múa sênh tiền, múa võ... Một trong những người “giữ lửa” cho di sản văn hóa phi vật thể này có được sức sống đến nay là nghệ nhân Triệu Đình Hồng.
Múa trống bồng là điệu múa cổ truyền, gắn với nhiều phong tục lễ nghi trong hội làng, hội đình, hội chùa của nhiều vùng. Xưa, trên đất Thăng Long, nhiều nơi có múa trống bồng như: Nhật Tân, Triều Khúc, Đại Lộ, Quảng Bị. Mỗi nơi múa trống bồng có “dáng vẻ” riêng, nhưng múa trống bồng Triều Khúc được coi là điệu múa đặc sắc nhất.
Theo các nhà nghiên cứu, điệu múa bồng còn có tên khác là điệu múa “Con đĩ đánh bồng”. Điệu múa này chỉ dành cho con trai đóng giả con gái để múa trống. Khi múa họ thường mặc váy, tóc vấn đuôi gà hoặc buộc khăn mỏ quạ, đeo yếm đào, mặc áo tứ thân, thắt bao hồng, xanh. Trống bồng sơn màu đỏ là kiểu trống dài, nhỏ, được các vũ công đeo chặt trước bụng bằng một dải lụa đỏ thắt bỏ mùi ra phía sau lưng.
Người cao tuổi ở làng Triều Khúc cho biết, theo sử sách để lại, vào thế kỷ thứ 8, Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng trước khi vây hãm và hạ thành Tống Bình (tức Hà Nội ngày nay) đã đóng đại quân ở làng Triều Khúc thuộc Cầu Đơ, trấn Sơn Nam (nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội). Để khích động tinh thần ba quân tướng sĩ và cũng là nhu cầu giải trí cho nghĩa quân trước khi vào trận, người đã cho binh lính giả trang làm gái và đeo trống múa bồng.
Múa bồng được biểu diễn ngay ở phương đình, vào giữa các tuần tế. Nếu có rước kiệu long đình thì các vũ công, nhạc công phải đi trước kiệu để múa hầu Đức Thánh. Khi trình diễn chỉ có 2 người được múa, 4 người thành 2 cặp thay phiên nhau, đến cao trào của buổi lễ thì cả 4 người mới cùng vào múa để tạo bầu không khí vừa rộn ràng, náo nhiệt, vừa linh thiêng, huyền bí. Múa bồng có 3 điệu, mở đầu và kết thúc là điệu giám mặt (quay mặt vào nhau), giữa là điệu giám lưng (quay lưng vào nhau). Người múa bồng phải là con dân Triều Khúc và phải vượt qua nhiều tiêu chuẩn “khắt khe”.
Ngay từ xa xưa, múa bồng đã nổi tiếng trong vùng là điệu múa hay, độc đáo, hoạt náo. Tốp múa “Con đĩ đánh bồng” thường được mời đi biểu diễn ở các vùng lân cận trong các lễ hội dân gian của làng. Ngày nay, múa bồng vẫn tồn tại trong các lễ hội, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng làng xã. Nhiều biên đạo múa còn nâng cao sáng tạo điệu múa bồng thành tác phẩm múa chuyên nghiệp, biểu diễn trong và ngoài nước.
Nghệ nhân Triệu Đình Hồng kể, lên chín, lên mười, ông đã biết đến múa bồng. Hồi ấy, cứ vào dịp hội làng, nhìn các anh vận xiêm váy, thắt những dải lụa dài xuống gối lấp lánh kim sa, uyển chuyển thướt tha theo nhịp trống rộn ràng, ông đã mê lắm. Đến mười tám, đôi mươi, ông Hồng bắt đầu mặc áo the, khăn xếp phục vụ việc lễ trong đại đình và niềm ước ao được múa trống bồng ngày nào của ông đã trở thành hiện thực.
Thuở mới “bén duyên” múa trống bồng, có lúc ông cũng cảm thấy ngại khi phải điểm phấn tô son, xúng xính trong váy áo kim sa. Thế nhưng sự ngại ngùng, e lệ dần nhường chỗ cho sự say mê. Cũng bởi thế mà khi mới ngoài 30 tuổi, Triệu Đình Hồng đã trở thành vũ công xuất sắc nhất làng Triều Khúc. Và giờ đây, khi đã qua tuổi bát tuần, niềm say mê với trống bồng vẫn còn nguyên vẹn trong ông.
Theo họa sĩ Giang Nguyên Thái, một người con của làng Triều Khúc khẳng định: “Nghệ nhân Triệu Đình Hồng là người lĩnh hội được những nét tinh túy, cái hồn, cái thần thái của điệu múa trống bồng. Mỗi khi múa, đôi mắt ông sáng rực, long lanh, lúng liếng. Những động tác múa của ông vừa nhanh, vừa khỏe, vừa uyển chuyển đến lạ thường...”.
Múa trống bồng Triều Khúc được coi là điệu múa đặc sắc nhất. |
Lễ hội mang đậm văn hóa Việt
Làng Triều Khúc có khung cảnh cổ kính đặc trưng của ngôi làng xưa Bắc Bộ. Trái tim của làng là khu vực trung tâm với chùa Hương Vân và đình thờ Sắc uy nghiêm, rêu phong, đặc trưng của đình chùa làng Việt còn giữ nguyên vẹn từ khi xây dựng. Ngay trước cổng chùa là một hồ nước rộng, trong xanh cùng nhà thủy tạ nổi khiến phong cảnh càng thêm hữu tình.
Đặc trưng khác của làng là có hai ngôi đình cổ, với kiến trúc bề thế, trong đó đình thờ Sắc, thờ các đạo sắc phong thời Lê Cảnh Hưng 44 (1783) đến thời Khải Định 9 (1924) ban phong mỹ tự cho vị thành Hoàng của làng và Đại đình thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng.
Khác với điệu múa bồng ở hội Đình Nhật Tân (Tây Hồ), hội đền Đông Nhân (Hai Bà Trưng) hay hội thi nấu cơm Lương Quy (Đông Anh), múa bồng ở Triều Khúc luôn giữ điệu lả lơi, tình tứ. Từ sắp xếp đội hình cho đến cách di chuyển, mọi thứ đều phỏng theo hình tròn và hình vuông. Hình tròn tượng trưng cho trời và hình vuông tượng trưng cho đất. Các vũ công tươi cười rạng rỡ, khi thì sánh đôi quấn quýt, khi thì tách rời nhưng luôn ở trên đường thẳng điểm song song để nương tựa lấy nhau. Điệu múa ngàn tuổi này không chỉ đơn giản là vũ khúc mang vẻ đẹp phồn thực mà nó còn là điệu múa se chỉ kết đôi cho nam thanh, nữ tú trong làng. Họ gửi những giấc mơ về múa bồng vươn ra thế giới vào trong từng bước đi.
Mỗi năm, làng Triều Khúc có tới 14 lễ liên quan đến thờ cúng Đức Thánh Phùng Hưng. Trong đó, có ba ngày quan trọng nhất là: Ngày mồng 10 tháng Giêng là ngày Ngài lên ngôi vua; ngày 25/11 là ngày sinh của Ngài và ngày 13/8 là ngày hóa Thánh của Ngài. Theo tích xưa, Phùng Hưng thắng giặc, lên ngôi vua, xưng là Bố Cái Đại Vương. Sau khi ông mất, dân làng đã lập đền thờ và suy tôn làm Thành Hoàng. Cứ ba năm một lần, làng mới tổ chức lễ chính rước sắc Thành Hoàng. Lễ hội là dịp để người dân tạ ơn thánh thần đã mang lại cuộc sống no ấm, an bình cho dân làng. Sau lễ rước sắc là lễ nhập tịch, cuối cùng là lễ tế giã rước Thánh hoàn cung…
Và cứ từ mùng 9 đến 12 tháng Giêng Âm lịch, người dân làng Triều Khúc lại thành kính, tự hào tổ chức lễ hội truyền thống tưởng nhớ đến vị anh hùng dân tộc Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, người đã mang lại cuộc sống no ấm, yên bình cho dân làng…
Hội làng còn có nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như tế lễ, rước kiệu, múa chạy cờ… Trong ngày cuối của Lễ hội, sau khi kết thúc ba tuần tế là diễn ra điệu múa chạy cờ, tái hiện lại hào khí năm xưa của nghĩa quân Phùng Hưng thao luyện binh mã trước ngày ra trận.
Dù dòng chảy thời gian cùng tốc độ đô thị hóa, người dân Triều Khúc luôn nhắc nhở nhau giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống. Cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, người dân lại mở hội. Đây không chỉ là dịp để tưởng nhớ công lao to lớn của vị Vua Phùng Hưng, mà còn là dịp trẩy hội đầu năm mới. Lễ hội làng Triều Khúc được tổ chức tôn nghiêm, văn minh, tạo không khí vui vẻ. Bắt đầu lễ hội là những nghi lễ quan trọng không thể thiếu như lễ dâng hương, lễ rước sắc, lễ nhập tịch… cùng hoạt động văn hóa dân gian như múa rồng, múa lân, múa bồng.
Hội làng Triều Khúc như bức tranh sống động của lễ hội văn hóa làng quê Việt Nam với các nghi thức tế lễ tôn nghiêm, linh thiêng trường tồn với thời gian, cùng phần hội vui tươi, náo nhiệt từ các trò chơi dân gian. Lễ hội từ lâu đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng người trẩy hội bởi quy mô tổ chức, những màn biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, tôn vinh các giá trị lịch sử dân tộc, giữ gìn nét văn hóa.
Bởi thế, từ mùng 9 đến 12 tháng Giêng hàng năm, dù đi đâu, mỗi người con của làng đều trở về, hòa mình vào lễ hội. Ngày nay, hội làng Triều Khúc vẫn giữ được nét nguyên sơ, mang đậm cốt cách, nét đẹp tâm linh của lễ hội truyền thống giữa Hà Nội ngàn năm văn hiến. Nét nguyên sơ ấy đã, đang, sẽ lưu truyền, còn mãi bởi những người dân ở ngôi làng trong phố vô cùng bình dị. Và lễ hội truyền thống làng Triều Khúc đã được Bộ VH,TT&DL công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Triệu Quang Xuyên - VHTT(Tin TH)