HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Anh Nguyễn Kim Phường - xã Đại Áng góp sức cùng các lực lượng đắp những “Bức tường ngăn lũ”
Publish date 11/10/2024 | 15:02  | Lượt xem: 217

Từng cơn mưa xối xả dội xuống cộng với nước từ thượng nguồn đổ về khiến nước sông Nhuệ dâng cao, có thời điểm vượt mức báo động số 3, dòng sông đục ngầu, chảy xiết, khiến ai nấy đều lo lắng.

Các lực lượng tham gia đắp đê chống lũ.

Đoạn đê xung yếu chạy qua xã Đại Áng gặp nguy hiểm, tổng khu vực sạt lở và tràn đê dài khoảng 1km. Để kịp thời ứng phó với thiên tai, các lực lượng chức năng đã huy động gần 1.000 người gồm cán bộ chiến sỹ quân đội, công an, dân quân dầm mình trong mưa, xuyên đêm sử dụng trên 10 nghìn bao tải cát, đóng cọc… đắp lên những “Bức tường ngăn lũ”.

Trong thời điểm cấp bách, không chỉ cơ quan chức năng, mà hàng trăm người dân địa phương cũng góp công sức để bảo vệ đê. Một trong những tấm gương tiêu biểu là anh Nguyễn Kim Phường, công dân thôn Đại Áng. Bắt đầu từ chiều 10/9, khi mực nước lên sát mặt đê, anh Nguyễn Kim Phường, thôn Đại Áng đã dầm mưa, ngâm mình dưới nước quyết tâm giữ đê, dùng mọi biện pháp để gia cố đoạn đê.

Thấy mực nước tiếp tục lên cao, anh đã bàn bạc cùng với mấy hộ hàng xóm xung quanh ủng hộ gần 2.000 bao tải cát cùng với cọc tre để góp công, góp của với chính quyền địa phương gia cố cho bằng được hơn một km đê chạy qua địa bàn thôn.

 Khoảng 23 giờ đêm, không khí làm việc vẫn rất khẩn trương. Thỉnh thoảng lại có cơn mưa ào xuống rồi ngớt nhanh nhưng cũng không làm giảm nhiệt huyết, tinh thần chống lũ của quân và dân trong xã. Tiếng mưa, tiếng nước chảy cộng tiếng người dân hô “hai, ba” thả từng bao cát, đóng cọc tre gia cố bờ bao, người tay cuốc, người tay xẻng, miệt mài đóng các bao đất và bao cát đã xua tan không khí tĩnh mịch của màn đêm.

Lau giọt mồ hôi sau khi vừa khiêng bao cát đắp bờ, Anh Nguyễn Kim Phường chia sẻ: “Tôi cũng là một người dân góp một phần công sức nhỏ chung sức với chính quyền và Nhân dân để có nguyên vật liệu trong lúc này cho an toàn đê điều. Vì lúc này mới là lúc cần thiết. Mặc dù trời mưa rất to, nước sông chảy xiết, việc xếp kè rọ đá, bao cát vào vị trí bị sạt lở rất khó khăn nhưng quân và dân vào cuộc mỗi người một việc trên tinh thần khẩn trương nhất, tranh thủ tối đa thời gian khi lũ chưa quá lớn để gia cố đê, giúp công trình thêm vững chãi, tăng khả năng chống lũ”.

Trực tiếp chỉ đạo công tác chống sạt đê, Bí thư Đảng ủy xã Đại Áng Tưởng Văn Chúc cho biết: “Đảng ủy, UBND xã đã quyết liệt chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị, cùng với lực lượng công an, quân đội, các tầng lớp Nhân dân rất tích cực đến để hộ đê, gia cố, đắp bờ đê, chống tràn. Nhờ sự chung tay đó, tuyến đê đã được kiểm soát tốt, đảm bảo cho việc phòng, chống lụt bão trên địa bàn xã không bị nước tràn vào trong đồng cũng như khu dân cư”. Với sự tích cực của lực lượng chức năng và người dân địa phương, hàng trăm rọ đá cỡ lớn, đá hộc, trên 10 nghìn bao cát đã được sử dụng gia cố các vị trí bị hở hàm ếch, bị xoáy nước đánh sạt lở.

Đến trưa 11/9, các lực lượng đã đắp được hơn 1 km bờ đê tại các khu vực thấp, khu vực nước tràn và sạt lở, bảo đảm an toàn cho người dân địa phương. Thấm mệt sau gần 2 ngày tham gia hộ đê, anh Nguyễn Kim Phường trải lòng: “Nhiệt huyết, trách nhiệm hay không là do mình. Tôi nghĩ, bảo vệ đê này không chỉ là bảo vệ mình mà còn bảo vệ gia đình và đông đảo bà con sống trong đê.

Thiên tai là điều không ai mong muốn nhưng khi xảy ra với những tình huống khó lường cũng là lúc thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám xông pha của cán bộ, đảng viên và là một người dân tôi rất vui vì đã đóng góp được công sức nhỏ bé để giảm thiệt hại do bão lũ gây ra”.

 Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới việc giữ đê phòng lụt. Người từng nói: “Có đất và có nước thì mới thành Tổ quốc. Và đặc biệt hơn, có đất lại có nước thì dân giàu, nước mạnh”. Tuy nhiên, Người cũng nói, “nước có thể làm lợi nhưng cũng có thể làm hại. Bởi, nhiều nước quá thì úng lụt, mà ít nước quá thì hạn hán”. Mưa lũ, ngập úng đã làm xáo trộn cuộc sống hằng ngày của nhiều gia đình. Mặc dù nước đã rút dần nhưng các tuyến đê đã bị ngâm nước nhiều ngày dẫn đến nguy cơ gây sạt trượt, rò rỉ đe dọa đến an toàn công trình đê điều. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Thanh Trì và xã Đại Áng liên tục kiểm tra, chỉ đạo tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt việc tuần tra bảo vệ đê điều, xử lý ngay các sự cố phát sinh và khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 để sớm đưa cuộc sống, sinh hoạt của Nhân dân và mọi mặt hoạt động trở lại bình thường.

Phương Xuyến - Trung tâm VHTT&TT