DU LỊCH THANH TRÌ DU LỊCH THANH TRÌ

Xây dựng “Con đường di sản Nam Thăng Long”
Publish date 01/08/2024 | 08:45  | Lượt xem: 550

Với 8 điểm du lịch được UBND TP Hà Nội công nhận, hiện UBND huyện Thanh Trì đang phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội xây dựng “Con đường di sản Nam Thăng Long Hà Nội”, dự kiến ra mắt vào cuối năm 2024.

Ngày 31/7, tại xã Tam Hiệp, Sở du lịch Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thanh Trì đã tổ chức khảo sát tuyến du lịch “Xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm đặc thù gắn với giá trị của di sản - di tích, làng nghề theo tuyến du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long Hà Nội”.

Tam Hiệp – nhiều điểm đến hấp dẫn

Theo Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp Đỗ Văn Ấu, là một trong 8 xã được công nhận Điểm du lịch của TP Hà Nội, trên cơ sở các di tích và làng nghề truyền thống đặc sắc, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì đã có sự quan tâm, đầu tư phát triển ngày càng hấp dẫn.

Tam Hiệp vốn là một vùng đất cổ, hiện có 3 thôn với nhiều công trình văn hóa, kiến trúc, điêu khắc độc đáo. Trên địa bàn xã có 7 di tích (5 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, 1 di tích xếp hạng cấp TP, 1 di tích đang làm hồ sơ xếp hạng) và 1 khu lưu niệm sự kiện cách mạng nơi Bác Hồ về thăm chúc Tết Nhân dân, cán bộ thôn Huỳnh Cung. Hiện Tam Hiệp còn lưu giữ các lễ hội mang đậm đà bản sắc dân tộc và đặc biệt, trên địa bàn xã còn có Công viên thực vật cảnh Việt Nam và mô hình làng nghề nấu rượu, trưng bày sản phẩm rượu làng Ngâu vô cùng đặc sắc.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Đại diện Hợp tác xã Thương mại Dịch vụ rượu Ngâu, xã Tam Hiệp phát biểu tại hội thảo.

Đại diện Hợp tác xã Thương mại Dịch vụ rượu Ngâu, xã Tam Hiệp phát biểu tại hội thảo.

Năm 2023, ngay sau khi được UBND TP Hà Nội công nhận là điểm du lịch TP, UBND xã Tam Hiệp đã bắt tay vào xây dựng định hướng, kế hoạch để phát triển. Xã xác định tiếp tục phát triển du lịch tâm linh gắn với nông nghiệp, nông thôn nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, trong đó tập trung vào các điểm nhấn: Du lịch tâm linh, làng nghề, sinh thái, trải nghiệm, dịch vụ ẩm thực… Phát triển 3 điểm đến trong chuỗi điểm đến du lịch làm điểm nhấn đặc trưng, gồm: Mô hình du lịch tâm linh (chùa Hưng Long, đình Huỳnh Cung); mô hình du lịch làng nghề (điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm rượu Ngâu); mô hình du lịch nông nghiệp và trải nghiệm các sản phẩm dịch vụ giải trí, ẩm thực (Công viên thực vật cảnh Việt Nam Edenpark)…

Lựa chọn nguyên liệu sản xuất rượu Ngâu tại một hộ gia đình ở thôn Yên Ngưu, xã Tam Hiệp.

Lựa chọn nguyên liệu sản xuất rượu Ngâu tại một hộ gia đình ở thôn Yên Ngưu, xã Tam Hiệp.

Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển

Tại hội thảo, đại diện Công viên thực vật cảnh Việt Nam Edenpark, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Huỳnh Cung, Hợp tác xã dịch vụ sản xuất và thương mại rượu Ngâu, đại diện hộ sản xuất rượu và lãnh đạo các thôn trên địa bàn xã Tam Hiệp đã trao đổi, thống nhất ý tưởng xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm đặc thù gắn với giá trị của di sản - di tích và làng nghề tại điểm du lịch của xã. Tuy nhiên, để “Con đường di sản Nam Thăng Long Hà Nội” thành công, phát huy được giá trị đặc sắc của các di sản trên địa bàn xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, cũng có nhiều khó khăn cần giải quyết.

Công viên thực vật cảnh Việt Nam Edenpark, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì.

Công viên thực vật cảnh Việt Nam Edenpark, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì.

Theo Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp Đỗ Văn Ấu, hạn chế lớn nhất là nhận thức của người dân về phát triển du lịch chưa cao, do đó thời gian tới, xã sẽ tập trung vào công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm để phát triển du lịch tốt hơn, đặc biệt là sản phẩm rượu Ngâu. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu ra một số khó khăn cần tháo gỡ như: thiếu mặt bằng để trưng bày và giới thiệu quy trình sản xuất rượu Ngâu; chưa có vùng sản xuất nguyên liệu hoa cúc chi trắng (nguyên liệu nấu rượu Ngâu); khu vực Công viên thực vật cảnh Việt Nam Edenpark diện tích phát triển chưa ổn định do lẫn với đất nông nghiệp theo Nghị định 64; một số hạng mục của các di tích đình, chùa trên địa bàn đã xuống cấp nghiêm trọng… 

Chuyên gia tư vấn Phùng Quang Thắng gợi ý các điểm nhấn trong phát triển du lịch của xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì.

Chuyên gia tư vấn Phùng Quang Thắng gợi ý các điểm nhấn trong phát triển du lịch của xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì.

Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Thanh Bình, một huyện có 8 điểm du lịch được UBND TP công nhận như Thanh Trì, trong đó mỗi điểm du lịch được gắn với 1 xã là điều đặc biệt mà ít quận, huyện nào trên địa bàn TP có được. Do vậy, địa phương rất mong muốn các sở, ngành liên quan trong quá trình xây dựng định hướng phát triển có sự phối hợp giúp đỡ để huyện phát huy được tiềm năng, thế mạnh của mình trong thời gian tới.

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Thanh Bình phát biểu tại hội thảo.

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Thanh Bình phát biểu tại hội thảo.

Phó trưởng Phòng Kế hoạch và Phát triển tài nguyên, Sở du lịch Hà Nội Phạm Diễm Hảo khẳng định, hội thảo nhằm từng bước từng bước đầu tư hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và đa dạng hoá các sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với di sản, di tích, làng nghề, góp phần tạo điểm đến du lịch chất lượng cao, tiêu biểu của TP Hà Nội nói chung, huyện Thanh Trì nói riêng; phát huy tính liên kết, hợp tác của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực du lịch theo hướng bảo tồn và phát triển du lịch bền vững.

Đại diện Sở du lịch Hà Nội trao đổi ý kiến xung quanh việc xây dựng “Con đường di sản Nam Thăng Long Hà Nội” tại huyện Thanh Trì.

Đại diện Sở du lịch Hà Nội trao đổi ý kiến xung quanh việc xây dựng “Con đường di sản Nam Thăng Long Hà Nội” tại huyện

Thanh Trì.

Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu đã tham quan, khảo sát mô hình sản phẩm rượu truyền thống tại thôn Yên Ngưu và tham qua thực tế tại Công viên thực vật cảnh Việt Nam Edenpark.

Lưu Xuân Dũng - VHTT