DU LỊCH THANH TRÌ DU LỊCH THANH TRÌ

Chùa Vạn Phúc (chùa Chung Linh), xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì được Cục Di sản Văn hoá thoả thuận Thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích.
Publish date 11/10/2024 | 10:05  | Lượt xem: 294

Ngày 10/10/2024 Chùa Vạn Phúc (chùa Chung Linh), xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì được Cục Di sản Văn hoá thoả thuận Thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích.

 

Cục Di sản văn hóa nhận được Công văn số 3732/SVHTT-QLDSVH ngày 05/9/2024của Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội đề nghị thẩm định hồ sơ Thiết kế bản vẽ thi công Dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Vạn Phúc (Chung Linh tự), xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội (kèm theo hồ sơ). Sau khi nghiên cứu, Cục Di sản văn hóa có ý kiến như sau:

 Thỏa thuận Thiết kế bản vẽ thi công tu bổ, tôn tạo di tích chùa Vạn Phúc (Chung Linh tự), nội dung: Dịch chuyển vị trí và tu bổ Tam bảo; tu bổ Tam quan - gác chuông; tôn tạo nhà Tổ, nhà Mẫu, các hạng mục phụ trợ (am hóa vàng, sân vườn, tường rào...) và hạ tầng kỹ thuật.

Cục Di sản văn hóa lưu ý:

 Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội hướng dẫn chủ đầu tư thành lập Hội đồng đánh giá di tích theo quy định tại Thông tư số 15/2019/TTBVHTTDL ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích nhằm bảo tồn tối đa các cấu kiện, thành phần kiến trúc của di tích.

 Đối với việc tu bổ Tam quan - gác chuông, Tam bảo: Sử dụng các giải pháp kỹ thuật tu bổ (thay cốt ốp mang, nối mộng, vá mặt...) để giữ lại tối đa các cấu kiện gỗ có mảng chạm, có ký tự và cấu kiện khác còn tốt.

Gia cố, tu bổ cấu kiện gỗ hư hỏng một phần, chỉ thay mới các cấu kiện đã hư hỏng hoàn toàn khi có sự đồng ý của Hội đồng đánh giá di tích. Gông bó, hạ giải cẩn thận toàn bộ gạch hoa chanh, triện trang trí bờ nóc, bờ chảy, cánh phong... và các chi tiết nề ngõa có giá trị nghệ thuật để tái định vị. Tái sử dụng tối đa chân tảng đá xanh hiện trạng; các chân tảng phải thay mới cần được phục chế theo mẫu hiện trạng tại vị trí tương đương.

 Bảo quản, giữ gìn nguyên vẹn đồ thờ, nội thất (cửa võng, đại tự, cuốn thư, câu đối, các đồ thờ...) của di tích để nghiên cứu sắp xếp, bài trí lại. - Về hồ sơ: + Cần chỉnh sửa các bộ cửa đi mặt trước của Tam bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu thành mẫu thống nhất (cửa bức bàn hoặc thượng song hạ bản, với phần chấn song con tiện thường gặp), không làm song cửa chữ Thọ. Không treo đèn vào các thượng lương các hạng mục này.

 Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày bàn giao, đưa công trình vào sử dụng, đề nghị chủ đầu tư gửi Nhật ký công trình và Hồ sơ hoàn công đến Cục Di sản văn hóa để lưu trữ và quản lý di tích. Cục Di sản văn hóa có ý kiến, đồng thời đề nghị Sở chỉ đạo các cơ quan liên quan công khai nội dung tu bổ, tôn tạo di tích trước Nhân dân để tạo sự đồng thuận và triển khai các bước tiếp theo theo quy định hiện hành.

Trước đó, ngày 09/5/2024 chùa Vạn Phúc (chùa Chung Linh), xã Vạn Phúc được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thẩm định Dự án tu bổ tôn tạo Di tích.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được Tờ trình số 107/TTr-UBND ngày 05/4/2024 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị thẩm định Dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Vạn Phúc (Chung Linh tự), xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội (kèm theo hồ sơ Dự án; Biên bản họp lấy ý kiến cơ quan, tổ chức và cộng đồng dân cư địa phương về phương án tu bổ, tôn tạo di tích ngày 12/3/2024). Sau khi nghiên cứu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến thẩm định như sau: Thỏa thuận Dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Vạn Phúc (Chung Linh tự), nội dung: Dịch chuyển vị trí và tu bổ Tam bảo; tu bổ Tam quan - gác chuông; tôn tạo nhà Tổ, nhà Mẫu, các hạng mục phụ trợ (am hóa vàng, sân vườn, tường rào...) và hạ tầng kỹ thuật. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lưu ý:

 Đối với mặt bằng tổng thể (phương án tu bổ Tam quan - Tam bảo - nhà Tổ): Giữ nguyên vị trí Tam quan hiện có. Điều chỉnh giảm kích thước nhà Tổ (chiều ngang nhà Tổ không lớn hơn chiều ngang Tiền đường hiện trạng; nghiên cứu thiết kế kết cấu 4 hàng cột, bỏ hàng cột trục A để giảm kích thước lòng nhà). Căn chỉnh vị trí Tam quan - Tam bảo - nhà Tổ (dịch chuyển vị trí Tam bảo về phía sau so với thiết kế hiện tại để mở rộng hơn lối vào nhà Mẫu và khoảng sân từ Tam quan đến Tam bảo).

 Đối với việc tu bổ Tam quan - gác chuông, Tam bảo:

 Bảo tồn, giữ gìn nguyên vẹn các cấu kiện gỗ còn tốt, gia cố, tu bổ cấu kiện gỗ hư hỏng một phần, chỉ thay mới các cấu kiện đã hư hỏng hoàn toàn khi có sự đồng ý của Hội đồng đánh giá di tích. Giữ nguyên toàn bộ các cấu kiện gỗ có trang trí chạm khắc, chỉ bảo quản và tu bổ, gia cố các cấu kiện này (cốn triện tại vì kèo VK8-9-10 thay bằng cốn chạm hoa văn lá lật để phù hợp với trang trí hiện có).

 Gông bó, hạ giải cẩn thận toàn bộ gạch hoa chanh, triện trang trí bờ nóc, bờ chảy, cánh phong... để tái định vị. Tái sử dụng tối đa chân tảng đá xanh hiện trạng (theo bản vẽ HT-24) và sử dụng làm mẫu phục chế (không làm mới chân tảng cánh sen).  Giữ nguyên kích thước trục 1-2, 7-8 của tòa Tiền đường.

 Điều chỉnh bản vẽ tu bổ Tam quan - gác chuông (chiều cao tầng 2 thay đổi nhưng đề xuất giữ lại cột cái, cột trốn đỡ mái tầng 2 là không phù hợp. Bổ sung phương án tận dụng các cột này để tu bổ các cấu kiện khác).

 Đối với nhà Tổ, nhà Mẫu: Lược bỏ chi tiết trang trí bờ nóc, giản lược trang trí bờ chảy, không làm hoa chanh bờ nóc, bờ chảy, giảm độ déo mái và không làm chân tảng cánh sen.

 Bảo quản, giữ gìn nguyên vẹn đồ thờ, nội thất (cửa võng, đại tự, cuốn thư, câu đối, các đồ thờ...) của Tam bảo, Tam quan - gác chuông, nhà Mẫu... để nghiên cứu sắp xếp, bài trí lại. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến, đồng thời đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan công khai nội dung tu bổ, tôn tạo di tích trước Nhân dân để tạo sự đồng thuận và triển khai các bước tiếp theo theo quy định hiện hành.

 Chùa Vạn Phúc (có tên chữ là Chung Linh tự), Chùa được xây dựng trên một gò đất cao ráo ở giữa làng theo hướng tây nam. Chùa có quy mô vừa phải, kết cấu kiến trúc tam bảo có dạng chữ đinh gồm: tiền đường, toà thiên hương, toà thượng điện. Hiện nay chùa còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý:

       Tượng đá bia hậu: Đây là pho tượng quý đặc sắc nhất trong chùa. Tượng được làm dưới dạng phù điêu trong một khối đá hình chữ nhật cao 1,2 mét, rộng 0,8 mét. Toàn bộ mặt trước thể hiện chân dung người được thờ đầu đội mũ nỉ, đôi tai dài và to như tai phật... Theo truyền tụng thì qua tấm bia được biết. Bà Trần Thị Hiền người làng Linh Đàm (xã Hoàng Liệt, huyện Thanh Trì) sống trong phủ Chúa Trịnh đã bỏ tiền của ra tu sửa lại chùa nên được tạc tượng để lưu thờ. Dòng lạc khoản của tấm bia cho biết bia và tượng được làm dưới thời Chính Hoà nhà Lê (thê kỷ thứ XVII).

      Chuông đồng: Quả chuông cao 1,25 mét, đường kính 0,8 mét. Đây là một di vật xác nhận sự có mặt của một triều đại võ công hiển hách trong lịch sử dân tộc ta. Dòng lạc khoản trên chuông ghi “Hoàng triều cảnh Thịnh vạn vạn niên chi ngũ quý xuân nguyệt sơ nhị nhật”, có nghĩa quả chuông được đúc vào ngày mồng 2 tháng 3 năm cảnh Thịnh thứ năm triều Tây Sơn (1747). Ngoài các di vật tiêu biểu trên, chùa còn một số di vật bằng đồ sứ, đá... trong đó có bát hương bằng đá (Bát hương có ba phần: chân đế, thân hình hộp chữ nhật và tay cầm có niên đại thế kỷ thứ XVIII).

Chùa Vạn Phúc nằm trong một quần thể di tích đã được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cùng với chùa Tự Khánh, đình chùa Đại Lan, đình Đông Phù, chùa Đông Mỹ… Chùa lại nằm gần đường giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho khách thập phương tới vãn cảnh bái yết.

Chùa đã được công nhận Di tích lịch sử – văn hóa năm 1992

                                                                           Lại thị Hồng Nguyên  - VHTT