DU LỊCH THANH TRÌ DU LỊCH THANH TRÌ

Chùa Quang Ân, xã Thanh Liệt được Cục Di sản Văn hoá thoả thuận Thiết kế bản vẽ thi công tu bổ tôn tạo di tích
Publish date 07/10/2024 | 10:34  | Lượt xem: 272

Chùa Quang Ân, xã Thanh Liệt được Cục Di sản Văn hoá thoả thuận Thiết kế bản vẽ thi công tu bổ tôn tạo di tích

Chùa Quang Ân, xã Thanh Liệt được Cục Di sản Văn hoá thoả thuận Thiết kế bản vẽ thi công tu bổ tôn tạo di tích.

Trước đó, ngày 05/9/2024 Cục Di sản văn hóa nhận được Công văn số 3734/SVHTT-QLDSVH của Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội đề nghị thẩm định chuyên ngành hồ sơ Thiết kế bản vẽ thi công Dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Quang Ân, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội (kèm theo hồ sơ).

Sau khi nghiên cứu, Cục Di sản văn hóa có ý kiến như sau: Thỏa thuận Thiết kế bản vẽ thi công tu bổ, tôn tạo di tích chùa Quang Ân, nội dung:

Tu bổ Tam quan, quán tả, quán hữu; tôn tạo cổng phụ (tả, hữu), sân vườn, tường rào và hạ tầng kỹ thuật.

 Cục Di sản văn hóa lưu ý:

 Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội hướng dẫn chủ đầu tư thành lập Hội đồng đánh giá di tích, thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

 Chỉ róc bỏ toàn bộ để trát lại các mảng vữa không có trang trí. Đối với các chi tiết nề ngõa (con giống, hoa văn, chữ và số đắp nổi...) phải được bảo quản, giữ gìn tối đa; chỉ róc tỉa cục bộ để trám vá, phục hồi dựa trên căn cứ tại chỗ.

Có giải pháp bảo vệ, giữ gìn nguyên vẹn các bia đá hiện có trong khu vực.

 Đối với quán tả, quán hữu: Tái sử dụng tối đa các trụ đá; phục chế nguyên bản chữ Hán; tận dụng ngói cũ để lợp lại mái.

  Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày bàn giao, đưa công trình vào sử dụng, đề nghị chủ đầu tư gửi Nhật ký công trình và Hồ sơ hoàn công đến Cục Di sản văn hóa để lưu trữ và quản lý di tích

Chùa Quang Ân, tên Nôm là chùa Ngòi, là ngôi chùa cổ, tại thôn Trung, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì. Chùa được dựng vào năm 1694, là một am tranh vách đất. Đến năm 1704, Thiền sư Như Liên, trụ trì chùa Linh Tiên, cho xây lại chùa, đặt cột đá thạch trụ thiên đài trước chánh điện để kỷ niệm. Chùa được xếp hạng Di tích quốc gia năm 1995.

Chùa tọa lạc ở thôn Trung, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội bên bờ Ngọc Thanh Đàm, diện tích trên 10.000m2. Chùa được dựng vào năm 1694, là một am tranh vách đất. Đến năm 1704, Thiền sư Như Liên, trụ trì chùa Linh Tiên, cho xây lại chùa, đặt cột đá thạch trụ thiên đài trước chánh điện để kỷ niệm. Chùa xây đơn sơ, cạnh ngòi Đồng Đú, nên còn có tên là chùa Ngòi. Năm 1747, Hòa thượng Tri Giác (1692 – 1769) về trụ trì chùa trong 22 năm đã tổ chức đại trùng tu ngôi chùa khang trang. Chùa tiếp tục được trùng tu năm 1832. Năm 1913, Thiền sư Thích Thanh Hanh – Tổ Vĩnh Nghiêm (1840 – 1939) là người bản xã, về tổ chức sửa chữa chùa. Ngài ủy thác đệ tử Thông Đạt chủ trì xây dựng, mở rộng quy mô chùa từ năm 1935 đến năm 1941.

https://thanhtri.hanoi.gov.vn/documents/2623091/4977061/mat+tien.jpg/4370e7ad-ce69-49b0-a0bf-34b6b3839dfd?t=1695720226090

Trong nhiều năm chiến tranh, chùa lại bị hư hỏng. Từ năm 1988 đến nay, chùa lại tổ chức trùng tu, sửa chữa thành ngôi cổ tự uy nghiêm. Chùa còn giữ được nhiều hiện vật cổ, như bia trùng tu (1694) và 7 tấm bia cổ khác, đại hồng chung (1826).

Ngôi chùa hiện nay mang phong cách nghệ thuật kiến trúc cuối thời Nguyễn. Tam quan đồ sộ xây 3 tầng đắp ngói giả, được hoàn thành năm 1942. Phía dưới có ba cửa vòm và hai nhà giải vũ ở hai bên, cạnh hai cây bồ đề cổ thụ. Cổng phụ và ngõ vào chùa ở bên tả, sát con ngòi đổ ra đầm Ngọc Thanh ở hướng Tây-Nam trước mặt.

Sau cổng tam quan là một sân gạch dài, từ năm 2015, đã đặt thêm hai dãy tượng 18 vị Tổ truyền đăng. Bên tả tiền đường là lầu Quan Âm xây trên một giếng nước to; bên hữu là phương đình cũng mới hoàn thành hồi đầu thế kỷ 21. Tất cả cùng vườn tháp mộ được che phủ bởi những cây nhãn lưu niên trong khuôn viên rộng hơn 1ha.

Chùa xây theo lối “nội Công ngoại Quốc”. Tiền đường 5 gian cửa bức bàn, ống muống và hậu cung sâu 4 gian, các tượng Phật không to nhưng rất đẹp. Hai bên sân chùa trong có hai dãy nhà khách, ở giữa là nhà Tổ rộng 5 gian. Phía sau nhà Tổ còn có khu thờ Mẫu Tứ phủ với ban Trần triều ở bên tả.

Chùa còn giữ được nhiều hiện vật cổ, như bia trùng tu (1694) và 7 tấm bia đá khác, ngoài một quả chuông đồng được đúc năm 1826. Trong chùa có cả bia chữ Hán và bia chữ Quốc ngữ; riêng tại nhà giải vũ và trên gác tam quan đã có một nửa số bia.

Bia “Quang Ân Thiền Tự Thiên Đài Trụ Thạch Bi” hiện đặt ở trước chùa là do thiền sư Như Liên soạn và viết chữ, nội dung cho biết thêm: “…Nay chùa Quang Ân, thôn Giáp Trung xã Quang Liệt, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, đạo Sơn Nam là danh lam cổ tích, thời gian lâu ngày bị gió mưa vùi dập, các công trình cũ bị hư nát, may mắn ngày nay gặp vận thái bình, dự định trùng tu. Bèn hưng công, hội chủ tập hợp trên dưới toàn thôn, mọi người đều phát tâm bồ đề cùng tín chủ lòng thành nhiều ít tu tạo thượng điện một gian hai chái, làm bằng các loại gỗ quí, trên có lợp ngói, dựng hương đài thạch trụ, khắc bia ghi bài ký vào để cho các sở được trang nghiêm…”.

Một trong những nét đặc biệt của các ngôi chùa cổ ở Việt Nam đến nay vẫn được lưu giữ tại chùa Quang Ân đó là sự hiện hữu của ban thờ Mẫu đại diện cho quan điểm tam giáo đồng nguyên ra đời ở nước ta từ thời nhà Lý và hưng thịnh dưới thời nhà Trần. Trong nhà Mẫu của chùa Quang Ân có ban thờ Mẫu Tứ phủ và ban Trần triều ở bên tả, biểu trưng cho sự hòa hợp của Phật giáo với tín ngưỡng dân gian.

Hiện nay, Quang Ân Tự là một trong số ít các ngôi chùa Mật tông của Việt Nam và gần đây đã được Gyalwang Drukpa và Tăng đoàn Phật giáo Truyền thừa Drukpa viếng thăm.

Có dịp đến huyện Thanh Trì - Hà Nội, bạn không nên bỏ qua một chuyến tham quan, vãn cảnh Chùa Quang Ân, để có thể tìm đến chốn thanh tịnh, xua tan đi mọi mệt mỏi, lo toan của cuộc sống và khám phá những nét đẹp về văn hóa, truyền thống nơi đây.

                                                    Lại Thị Hồng Nguyên - VHTT