DU LỊCH THANH TRÌ DU LỊCH THANH TRÌ

Chùa Lưu Phái, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì được Sở Văn hoá và Thể thao thẩm định Thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích
Publish date 09/10/2024 | 07:16  | Lượt xem: 235

Chùa Lưu Phái, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì được Sở Văn hoá và Thể thao thẩm định Thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích

 

Trước đó, UBND xã Ngũ Hiệp (Chủ đầu tư) có Tờ trình số 46/UBND-VHTT ngày 10/9/2024 về việc “thẩm định thiết kế bản vẽ thi công Dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Lưu Phái, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì; Kèm theo 01 hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Lưu Phái do Công ty TNHH tu bổ di tích công trình văn hóa Việt Nam lập năm 2024 và các văn bản liên quan.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ và các văn bản liên quan, Sở Văn hóa và Thể thao có ý kiến thẩm định chuyên ngành như sau:

Thỏa thuận hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Lưu Phái, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, bao gồm nội dung: tu bổ, tôn tạo các hạng mục: Tam bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu; Tôn tạo nhà Ni+khách+bếp+vệ sinh; Hạ tầng kỹ thuật: sân, tường rào, chiếu sáng, cấp thoát nước, phòng chống mối, phòng cháy chữa cháy, nhà bao che.

Một số nội dung cần lưu ý:

Bảo tồn nguyên vẹn các cấu kiện có trang trí chạm khắc như cốn, bảy…, không thay mới, chỉ áp dụng biện pháp tu bổ; Bảo tồn tối đa các cấu kiện kiến trúc, gia cố tu bổ cấu kiện gỗ cổ, gỗ cũ còn tốt, chỉ thay thế các cấu kiện hư hỏng khi có ý kiến thống nhất của Hội đồng đánh giá di tích. Tái sử dụng tối đa ngói, gạch cũ, tái định vị các chân đá tảng có giá trị cần bảo tồn. Bảo quản nguyên vẹn đồ thờ, hiện vật. Không sơn PU lên bề mặt gỗ.

Hạng mục Tam bảo: Hạ giải bức cuốn thư thay thế bằng bức đại tự ghi tên chữ (tên tự) của chùa, hai bên giữ nguyên họa tiết trang trí “văn triện móc”; lược bỏ kìm nóc trên bờ nóc Tiền đường, Thượng điện, sử dụng đấu nắm cơm (đấu đinh) hai đầu bờ nóc và nóc Thượng điện; Điều chỉnh chi tiết trang trí Vách V1 sang hình thức tường trổ cửa sổ vòng tròn “Sắc – Không”;

Nghiên cứu phương án đắp lại hoa văn trang trí trên cột đồng trụ với đỉnh hình nụ sen, ô lồng đèn trang trí Tứ quý; Điều chỉnh không lắp đèn giữa các gian trên trục chính tâm của di tích.

Hạng mục nhà Mẫu: Rà soát, chỉnh sửa các bản vẽ mặt cắt A-A và B-B hiện trạng và phương án tu bổ, tôn tạo phù hợp.

Bổ sung bản vẽ hiện trạng và phương án tu bổ các ban thờ, sơ đồ bài trí đồ thờ, nội thất làm cơ sở tái định vị, bài trí sau khi hoàn thành thi công các công trình.

Sở Văn hóa và Thể thao đề nghị UBND huyện Thanh Trì thực hiện một số nội dung sau:

Hoàn thiện hồ sơ theo các nội dung đã góp ý nêu trên và tổ chức phê duyệt theo qui định hiện hành.

Công khai nội dung thiết kế đã phê duyệt tại UBND xã Ngũ Hiệp và di tích để tạo sự đồng thuận trước Nhân dân.

Chuẩn bị các điều kiện và thực hiện thi công tu bổ, tôn tạo di tích theo quy định tại các Điều: 15, 16, 17, 18 Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch qui định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và các văn bản khác có liên quan.

Lựa chọn đơn vị thi công, đơn vị giám sát đủ năng lực để thực hiện tốt dự án, đảm bảo công tác bảo tồn Di sản.

Chỉ khởi công khi đảm bảo các thủ tục, quy trình tu bổ di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Chuyển 01 (một) bộ hồ sơ đã được thẩm định, phê duyệt về Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội, UBND huyện Thanh Trì địa chỉ để phối hợp theo dõi quá trình triển khai thực hiện. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày bàn giao công trình đưa vào sử dụng, đề nghị Chủ đầu tư gửi Nhật ký công trình và Hồ sơ hoàn công đến Sở Văn hóa và Thể thao theo quy định để lưu trữ và phục vụ công tác quản lý.

Chùa Lưu Phái có từ lâu đời, tên chữ là Linh Sơn Tự. Chùa tọa lạc ở thôn Lưu Phái, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Cùng với đình và đền Lưu Phái, ngôi chùa đã được xếp hạng là cụm Di tích lịch sử – văn hóa tại Quyết định số 601 ngày 26-1-2006 của UBND thành phố Hà Nội.

Khuôn viên chùa trước kia rất rộng: phía nam giáp nghĩa trang liệt sĩ Ngọc Hồi, phía tây nam giáp quốc lộ 1A. Trong thời kỳ Mỹ ném bom miền Bắc, năm 1966 Trạm thương binh bệnh binh thành phố được mượn khu vực nội tự của chùa để sơ tán. Khi hết chiến tranh, khu đất đó được giao cho Xí nghiệp Kim khí Ngũ Hiệp quản lý, rồi Xí nghiệp này lại chuyển nhượng cho Công ty cổ phần thiết bị kỹ thuật điện Hàm Long. Toàn bộ phần đất mà Công ty đang sử dụng vốn là đường vào và cổng tam quan của chùa. Sau một thời gian dài không có sư, đến năm 1989 chùa mới có người trụ trì. Gần đây nhà chùa đã đứng ra tổ chức vận động Phật tử quyên góp công đức để sửa sang lại nơi tu dưỡng tâm linh này.

Sử ghi: đầu năm 1789, hoàng đế Quang Trung đích thân chỉ huy cánh trung quân Tây Sơn vây hãm rồi đại phá đồn Ngọc Hồi của quân nhà Thanh, tiến về giải phóng Thăng Long. 200 năm sau, cách chùa Lưu Phái chỉ chừng 500m, một Đài chiến thắng khá lớn đã được dựng lên để kỷ niệm trận đánh oai hùng. Dân sở tại cho biết ở cánh đồng làng Tự Khoát bên cạnh còn lưu danh Mả Ngô tức là cái gò chôn xác giặc Thanh bị chết trong dịp ấy.

Chùa Lưu Phái tồn tại đã hơn 400 năm và trải qua nhiều lần trùng tu. Chùa mới đây lại được sửa sang sau khi bị xuống cấp nặng nề do thời gian và khuôn viên bị lấn chiếm nhiều trong những biến động lịch sử của nửa cuối thế kỷ 20. Tuy mặt bằng xây dựng có khác xưa nhưng dáng vẻ kiến trúc hiện nay nhìn chung vẫn mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn muộn.

Ngay ở đầu con ngõ rẽ vào chùa, đối diện cửa đền Lưu Phái đã có xây thêm một thủy đình hình vuông tựa như kiểu chùa Một Cột vươn lên giữa lòng cái ao cũng vuông mà một cạnh ở phía tây-bắc giáp với đường làng. Thủy đình nhỏ nhưng khá cao, phía trên 4 trụ vuông là 2 tầng 8 mái lợp ngói kiểu giả cổ với các đầu đao cong cong. Bên trong thủy đình đặt một ban thờ và bức tượng Quán Thế Âm Bồ Tát đứng nhìn xuống bậc thang với đôi rồng đá hai bên uốn đuôi hướng vào bờ.

Từ thủy đình vào chùa du khách còn phải đi qua sân đình Lưu Phái. Cổng chùa xây đơn giản và mở theo hướng tây-bắc. Chùa trong khá nhỏ, sân cũng bị thu hẹp và chỉ còn thấy một số cây cau nhô cao. Tiền đường 5 gian quay về hướng Tây-Nam, kết nối theo hình chuôi vồ với thượng điện sâu 3 gian. Phía sau thượng điện và cách một khoảng sân là tòa hậu đường 5 gian. Ngoài các pho tượng có số lượng đầy đủ và được sắp xếp theo kiểu Bắc tông trên Điện Phật, hiện nay không còn nhiều di vật cổ khác trong chùa.

                                                                     Lại Thị Hồng Nguyên - VHTT